Những khám phá thú vị về Nguyễn Bính – Thi ca đậm chất… Bolero

Đăng ngày 02/09/2024

Nguyễn Bính (tên thật là Nguyễn Trọng Bính; (1918–1966) là một nhà thơ lãng mạn nổi tiếng của Việt Nam. Ông được coi như là nhà thơ của làng quê Việt Nam với những bài thơ mang sắc thái dân dã, mộc mạc.

Trong suốt 30 năm, Nguyễn Bính đã sáng tác nhiều thể loại như thơ, kịch, truyện thơ… Ông sáng tác rất mạnh, viết rất đều và sống hết mình cho sự nghiệp thi ca. Ông được đông đảo độc giả công nhận như một trong các nhà thơ xuất sắc nhất của thi ca Việt Nam hiện đại.Những khám phá thú vị về Nguyễn Bính

Thơ ông biểu hiện cảnh quê, thắm được tình quê, hồn quê nước Việt với một sắc thái lãng mạn. Người ta gặp trong thơ Nguyễn Bính những hình ảnh bình dị, thân quen: hàng cau, giàn trầu, rặng mùng tơi, cây bưởi, thôn Đoài, thôn Đông,… Tâm sự của người con gái trong Lỡ bước sang ngang của ông cũng là tâm sự của rất nhiều phụ nữ Việt Nam thời kỳ đó. Hình ảnh những cô thôn nữ trong trắng, những chàng trai quê chất phác luôn được Nguyễn Bính mô tả trong tình yêu lãng mạn nhưng đều dang dở, chua xót đã đi vào lòng độc giả nhiều thế hệ Việt Nam. Nguyễn Bính sử dụng rất nhuần nhuyễn thể thơ lục bát, vì vậy thơ ông càng dễ phổ cập.

Từ lâu nay, dường như độc giả vẫn luôn xem Nguyễn Bính là nhà thơ của chân quê, giản dị. Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học: “Phía sau vẻ truyền thống ấy, Nguyễn Bính vẫn là người luôn kiên cường, bản lĩnh và thích bứt phá. Ông như kẻ nằm giữa truyền thống và hiện đại. Đúng hơn, Nguyễn Bính đến với hiện đại từ truyền thống và là nhà thơ hiện đại của truyền thống. Đôi khi cốt cách lãng mạn của ông cũng pha chút phong thái kẻ sĩ lang bạt kỳ hồ, nhưng không nhiều. Cùng được coi là cao thủ thơ tình nhưng Xuân Diệu táo bạo, nhiều câu mệnh lệnh thức, giục giã và chủ động thì Nguyễn Bính nghiêng về… bị động. Thơ ông ăn điểm ở sự e ấp ấy. Tình thân và văn hóa quê hương vừa là điểm xuất phát nghệ thuật, vừa là chốn đi về, nơi trú ngụ của linh hồn, dù thân xác đã lăn lóc nơi gió bụi phương xa…”.

GS-TS Trần Đình Sử còn nêu một phát hiện thú vị: “Thành tựu tiêu biểu nhất của Nguyễn Bính là góp phần chuyển câu thơ Việt truyền thống thành câu thơ điệu nói hiện đại. Ông đã sáng tác câu thơ điệu nói ở trong tất cả các thể loại lục bát, bảy chữ một cách phổ biến, tự nhiên và mới mẻ. Tiếng nói của người yêu, người mẹ, người chị, của người quan sát, người kể chuyện và cả tiếng nói thầm trong tâm hồn”. Dưới góc nhìn về âm nhạc, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Ngân lại tìm thấy chất… bolero êm ái, trữ tình trong thơ Nguyễn Bính: “Chất buồn có phần lâm ly, ủy mị đã góp phần làm cho thơ ông cũng giống như nhạc bolero. So sánh thơ Nguyễn Bính như vậy không mang ý nghĩa về chất lượng hay trình độ mà chỉ nhằm nêu lên một đặc điểm để giải thích vì sao thơ ông được yêu mến đến vậy. Nguyễn Bính không chỉ chân quê mà còn là nhà thơ lãng mạn, mang khá đầy đủ tinh thần thơ mới”.Top 11 Bài thơ hay của nhà thơ Nguyễn Bính - toplist.vn

Nam bộ có vị trí đặc biệt trong thơ Nguyễn Bính

PGS-TS Võ Văn Nhơn mang đến hội thảo chút thi vị phương nam về những tình cảm yêu thương tha thiết của Nguyễn Bính dành cho Nam bộ: “Điều được ông gửi gắm trong nhiều tác phẩm: Đêm sao sáng, Đôi mắt, Lá thư, Xuân nhớ miền Nam, và đặc biệt bài thơ dài Gửi người vợ miền Nam với rất nhiều kỷ niệm riêng tư và ước mơ đoàn tụ chưa thành đã cho thấy Nam bộ có vị trí đặc biệt trong đời thơ đồ sộ của ông”.

Từ khi xuất hiện phong trào thơ mới, Nguyễn Bính luôn nằm trong top đầu những nhà thơ có lượng độc giả hùng hậu nhất. Trước hết, vì thơ của ông quá hay và nhẹ nhàng đi vào lòng người, như mạch ngầm nối giữa văn học dân gian và văn học viết. Vì vậy, thơ Nguyễn Bính luôn trường tồn và ông trở thành “người của nhiều thời”. PGS-TSKH Bùi Mạnh Nhị đúc kết: “Đất quê, hồn quê mà trực tiếp là ca dao, hát nói đã dẫn Nguyễn Bính đến với hiện đại một cách thuyết phục. Thơ đặc sệt truyền thống mà vẫn mới, vẫn riêng. Ông đã làm mê hồn thơ lục bát và thất ngôn theo cách của riêng mình. Tình yêu trong thơ Nguyễn Bính phần lớn là lỡ hẹn, ly biệt, rất nhiều nước mắt được chính ông vũ trụ hóa, vô tận hóa những nỗi đau và cô đơn của con người. Độc đáo ở thơ Nguyễn Bính cứ tưởng chừng là của riêng ông nhưng thực ra lại là tâm trạng phổ quát, tiếng lòng của nhiều cá nhân không hề quen biết. Chính nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng đặt câu hỏi rồi tự trả lời: “Cho đến tận hôm nay đã có nhà thơ lục bát nào mà nhân dân thuộc nhiều như Nguyễn Bính chưa?”.

Chạm vào cõi bất tử

Rưng rưng khi nói về cha mình, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu cảm động: “Cha tôi đã là người của ngàn xưa tính đến nay hơn nửa thế kỷ. Sự nghiệp thi ca để lại được thử thách với bao thăng trầm của đời sống nhưng nhân dân trước sau vẫn dành trọn vẹn cho ông một tấm lòng thủy chung, son sắt. Tôi cảm ơn số phận vinh quang và cay đắng đã làm nên nhà thơ Nguyễn Bính sống mãi với thời gian, quê hương đất nước. Ân tình của các thế hệ bạn đọc đã nâng cánh cho thơ cha tôi vượt qua sự hữu hạn của một kiếp người để chạm vào cõi bất tử…”.