Hương Lan được biết đến như một cô đào cải lương kiêm giọng ca vàng của làng nhạc hải ngoại cũng như trong nước, đi cùng với những thành công đó là những nốt thăng trầm trong cả cuộc sống lẫn trong nghề.
Ngay từ nhỏ, cô bé Trần Thị Ngọc Ánh (tên khai sinh của ca sĩ Hương Lan) đã tỏ ra có năng khiếu ca hát và độ thẩm âm dị biệt. Bắt chước hát theo tiếng đàn của bố rất chuẩn, Ngọc Ánh đích thị là con nhà nòi sớm thấm đẫm trong nôi những khúc dân ca phương Nam. Đều là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng nên bố mẹ Ngọc Ánh và mọi người trong nhà đều hát hay.
Nhận thấy con gái mình có thể tiến xa trên con đường nghệ thuật, nghệ sĩ Hữu Phước dồn tâm huyết dạy cho bé Ánh làm quen với đàn ca tài tử và nghệ thuật cải lương. Bé Ánh học đâu thấu đó, lại còn được bố cho học hỏi từ các người nổi tiếng khác cùng thời với mình như Thanh Minh, Thanh Nga, Sáu Tưng… Được đưa lên sân khấu lúc 5 tuổi diễn trong vở “Thiếu phụ Nam Xương”, giọng cải lương của bé Ánh nghe khi đó ngọt ngào vang xa và truyền cảm. Trong đoàn, mọi người ai cũng khen hay và chỉ trong một thời gian ngắn Ngọc Ánh đã nổi tiếng như một ngôi sao nhí trên sân khấu cải lương.
Mấy năm sau, cuộc sống gia đình Ngọc Ánh rạn nứt khi bố mẹ chia tay. Trong khoảng thời gian ấy, người nghe nặng trĩu tâm tư bởi giọng hát của Ngọc Ánh ám màu nỗi buồn của một tuổi thơ mênh mang. Để vượt qua nỗi vất vả trong sự mưu sinh, Ngọc Ánh từ đó phải theo bố đi hát. Năm 1966, tình cờ trong một lần đi hát, Ngọc Ánh gặp nhạc sĩ Trúc Phương, một ông vua nhạc tình ca và cuộc đời ca hát đã thay đổi bất ngờ.
Với ca khúc đầu tiên “Ai ra xứ Huế”, ca sĩ Hương Lan nổi lên nhanh chóng dưới sự huấn luyện của Trúc Phương. Trên Đài phát thanh Sài Gòn, hàng loạt ca khúc sau đó của Hương Lan được phát thường xuyên. Hương Lan càng nổi danh với những ca khúc dòng Bolero khi đó của các nhạc sĩ Trúc Phương, Duy Khánh, Nhật Trường, Ngôi Thụy Miên… Cái tên Hương Lan cùng những ca khúc nổi như cồn ngày đó luôn được báo chí nhắc đến và tôn vinh bà là “Thần đồng” ca nhạc. Hào quang của cuộc đời Hương Lan kéo dài tới gần mười năm cho đến khi Sài Gòn được giải phóng (1975).
Biến động trong giới âm nhạc bắt đầu xảy ra khi cuộc sống đổi mới, theo lời cha, cô quay lại với sân khấu cải lương và ngay lập tức trở thành đào chính. Hát cho đoàn cải lương Kim Chung cùng cha nhưng Hương Lan thường đóng chung với kép chính Chí Tâm. Cặp nghệ sĩ này làm sống động sân khấu cải lương một thời và tỏa sáng qua các vở: “Hán đế biệt Chiêu Quân”, “Cây sầu riêng trổ bông”, “Tình yêu và bạo chúa” hay như “Thu về ngõ Trúc”, “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài”…
Cuộc hôn nhân 7 năm với Chí Tâm tan vỡ
Hương Lan và nghệ sĩ cải lương nổi tiếng với vai Điệp – Chí Tâm nảy sinh tình cảm sau những thành công nghệ thuật cùng nhau, họ kết hôn vào cuối năm 1975. Rạng rỡ trong tình yêu và vinh quang trên sân khấu, Hương Lan khi ấy vừa tròn 19 tuổi. Nữ nghệ sĩ sinh cậu con trai ngay năm sau đặt tên là Bảo Nhi.
Nhưng rồi số phận lại đưa đẩy sự trắc trở vào gia đình hạnh phúc của Hương Lan. Theo sự bảo lãnh của gia đình, ba năm sau (1978), hai vợ chồng Hương Lan cùng con trai di cư sang Pháp. Bắt đầu một cuộc sống tha hương, vất vả, họ định cư ở ngoại ô Paris đầu tiên.
Để kiếm tiền nuôi con, cả hai phải đi làm thuê. Trong khi hỗ trợ cho chồng đi học tiếng Pháp và học nghề, chuẩn bị cho cuộc sống mai sau, Hương Lan kiếm việc ở một nhà hàng. Cuộc sống dần đỡ vất vả hơn khi hơn một năm sau, nghệ sĩ Chí Tâm xin được việc làm ở một công ty điện tử. Thế nhưng sự lo toan đã nảy sinh mâu thuẫn giữa hai người, cuộc tình nghệ sĩ đã vơi cạn khi họ dấn thân vào cuộc sống vì miếng cơm manh áo.
Theo thời gian, những rạn nứt không thể hàn gắn, 4 năm sau, mỗi người một ngả. Cả Chí Tâm và Hương Lan đều đau buồn sau sự việc này nhưng cả hai đều không hề đổ lỗi cho đối phương mà chỉ trách họ đã đến với nhau khi còn quá ít tuổi để thấu hiểu những khó khăn sẽ phải trải qua. Năm 1982, Hương Lan dẫn hai con sang Mỹ định cư. “Thật sự cả hai lúc đó còn trẻ quá chứ đặt vào trường hợp bây giờ chắc không đến nỗi”, danh ca Hương Lan từng chia sẻ với báo chí. Tại đây, Hương Lan tìm lại niềm đam mê âm nhạc đã từng gắn bó hơn 10 năm trước, với những niềm tin yêu và sự khích lệ của khán giả.
Sau khi ly hôn nhiều năm, cả hai vẫn không cùng nhau đứng chung trên một sân khấu. Dù bà và chồng cũ nhận được nhiều lời mời từ các trung tâm nhạc, bản thân Hương Lan cũng mời ông tham gia các chương trình của mình nhưng Chí Tâm đều từ chối. Bà cho rằng lời từ chối này xuất phát từ chuyện gia đình, chứ quan hệ đồng nghiệp của cả hai đều bình thường. “Nếu đã không thích thì mình không nên đặt họ vào tình huống khó xử”, danh ca nói.
Tình yêu trên đất Mỹ và hạnh phúc đáng ngưỡng mộ
Năm 1985, Hương Lan đưa hai con sang Mỹ định cư. Bà gặp ông Đặng Quốc Toản, một kỹ sư cơ khí hàng không vào đầu năm 1986, trong buổi tiệc mừng sinh nhật của ca sĩ Elvis Phương. Cuộc tình này chính thức nảy sinh vào 2 năm sau. Anh nói với tình yêu của mình rằng: “Tôi yêu em vì tấm lòng của một người con hiếu thảo với cha mẹ và tình thương yêu nuôi dưỡng những đứa con”. Năm 1989, họ nên duyên và sống với nhau cùng 5 đứa con của cả 2 nhà.
Đúng với nghĩa “Đàn ông xây nhà. Đàn bà xây tổ ấm”, suốt một thời gian dài vừa đi hát ca sĩ Hương Lan vừa chăm nom nhà cửa. Thương yêu nhau như anh em ruột, cả năm con của họ đều ngoan ngoan lớn khôn. Sự nghiệp âm nhạc của Hương Lan phát triển như diều gặp gió khi sóng gió dần đi qua. Vì ngày càng yêu ca hát và rất mê vợ ca cải lương nên kỹ sư Đặng Quốc Toàn không ít đêm hộ tống vợ đi hát và bao giờ cũng nhẩm hát theo.
Thời gian hơn 30 năm của cuộc hôn nhân ấy đã minh chứng cho sự hòa thuận, quan tâm, sẻ chia của danh ca Hương Lan và chồng. Bà và chồng thường xuyên về nước hơn khi con cái đã trưởng thành. Bà cũng luôn có chồng đồng hành trong các chuyến đi biểu diễn, làm từ thiện.
- Những câu chuyện bí ẩn đằng sau tên gọi Ngã Tư Hàng Sanh
- “Mấy dặm sơn khê” (Nguyễn Văn Đông) – Phác họa thành công chân dung người lính chiến trên muôn nẻo đường đất nước
- Bí ẩn câu chuyện buồn phía sau tên loài hoa của biển – “Chuyện Tình Hoa Muống Biển”
- Tuyển tập những hình ảnh cho thấy sự phồn thịnh của “Đô Thành Sài Gòn” từ năm 1954 – 1965 – Phần 1
- Sống lại những năm 60, 70 với chùm ảnh những chiếc xe đò, xe lam, xe khách quen thuộc