Kiếp cầm ca buồn của “kỳ nữ” Sài Thành: Bị ép rời bỏ sân khấu để lấy chồng, chuộc con

Nhan sắc, tài năng và nổi tiếng nhưng cuộc đời NSND Kim Cương lại mất đi thứ hạnh phúc giản dị mà phụ nữ nào cũng có được là một người đàn ông bên cạnh.

Giữa những tuyệt sắc giai nhân một thuở vang bóng, NSND Kim Cương được mệnh danh là “kỳ nữ” trong giới sân khấu Việt Nam. Cuộc đời bà là câu chuyện dài với nhiều nốt thăng – trầm, được nhiều và mất cũng bao nhiêu, như một lẽ thường tình của số phận.

Ngày sinh Kim Cương cả thành phố Huế ăn mừng

Nghệ sĩ Kim Cương có tên họ đầy đủ là Nguyễn Thị Kim Cương, sinh ngày 25 tháng 1 năm 1937, quê gốc Sài Gòn. Bà là con gái đầu lòng của nghệ sĩ Bảy Nam và ông bầu Cương, chủ gánh hát Đại Phước Cương tiếng tăm, quy tụ nhiều đào hát tên tuổi thời bấy giờ.

Cái tên “Kim Cương” xuất phát từ câu chuyện mẹ bà trong một bữa tiệc đã ăn đúng con hàu ngậm viên ngọc trai trắng sáng trong bụng, và ông bầu Cương đã quyết định đặt như vậy nếu đứa bé sinh ra là con gái.

Kim Cương khi còn nhỏ.

“Ngày sinh Kim Cương cả thành phố Huế ăn mừng” là câu nói đùa vui của 2 vị phụ huynh, vì ngày Kim Cương chào đời cũng là ngày thôi nôi của Hoàng tử Bảo Long. Lúc ấy cả thành phố Huế rộn ràng treo đèn, kết hoa chào đón. Dẫu thực tại thì hoàn toàn ngược lại: đó là thời điểm mẹ bà phải một thân một mình vào Huế trước chờ sinh con, đoàn hát cũng làm ăn không suôn sẻ. Nhưng có niềm hạnh phúc nào bằng niềm hạnh phúc của tình mẫu tử, Kim Cương chính là viên kim cương quý giá của cha mẹ bà.

“Bước lên” sân khấu khi chỉ mới 18 ngày tuổi

6 ngày sau khi sinh Kim Cương, cả đoàn hát Đại Phước Cương đã tới Huế và diễn vở tuồng đầu tiên là Quan Âm Thị Kính . Kim Cương tròn 18 ngày tuổi “vào vai” đứa con sơ sinh của Thị Màu khi đem trao cho Thị Kính với đạo cụ là một bình sữa đặt bên hông phòng khi em bé Kim Cương quấy khóc. Những buổi diễn thử ông bầu Cương nhất định không cho bế Kim Cương ra với lí do: “Đêm diễn đầu đời của con tôi phải cho vua chúa coi”.

Năm 7 tuổi, Kim Cương có vai diễn thực sự trong vở Na Tra tróc thịt và nhận được vô vàn lời khen ngợi từ khán giả và cả các cô chú trong đoàn hát. Bà là viên ngọc vô giá với cha mẹ không chỉ bởi sự yêu mến của công chúng dành cho con gái mình, mà còn bởi niềm hạnh phúc khi chứng kiến một thế hệ nối tiếp tài năng, một mầm cây nghệ thuật mạnh mẽ trong mắt ông bà Cương – những người nguyện cả đời cống hiến cho sân khấu.

Vai diễn đầu đời khi vừa lọt lòng ấy dường như là định mệnh của cuộc đời người “kỳ nữ” bậc nhất Sài Thành. Bà trưởng thành cùng sân khấu từ khi còn được bồng bế trên tay, cả tuổi thơ hồn nhiên tham gia những vở tuồng ngay cả khi chỉ đang chạy nhảy, vui đùa.

Dẫu sau này, khi những biến cố của gia đình xảy ra, mọi người hi vọng Kim Cương không đi cùng những dằn vặt chua cay của đời nghệ sĩ, thì dòng máu sân khấu vẫn luôn sôi sục chảy trong huyết quản, như một cái “nghiệp” mà bà không thể chối bỏ.

Tuổi thơ dữ dội và chuỗi ngày hạnh phúc ngắn ngủi

Tuổi thơ của Kim Cương gắn liền với năm tháng phiêu bạt của gánh hát từ Nam ra Bắc, cũng là chuỗi ngày đầy âm thanh và màu sắc ngập tràn hồi ức đẹp đẽ của bà.

Hiếm ai nghĩ rằng nàng “kỳ nữ” đằm thắm, xinh đẹp trên sân khấu kia đã từng có tuổi thơ dữ dội và bướng bỉnh. Dí dỏm thay, khi chỉ mới lên 7-8 tuổi, bà đã nổi tiếng nợ nần nhiều nhất đoàn hát. Cô bé Kim Cương tinh nghịch rành rẽ từng hàng bánh kẹo, đồ chơi có chủ tiệm dễ tính sẵn sàng bán chịu, để rồi mỗi lần đoàn hát rời đi, vợ chồng ông bầu Cương lại bận rộn đón tiếp các “chủ nợ” của con gái.

Nhưng chuỗi ngày hạnh phúc ấy chẳng tày gang. Năm Kim Cương lên 9 tuổi, cha bà lên cơn co giật vì á phiện và chấm dứt cuộc đời trong nỗi chua chát vì bị chính sân khấu mà mình coi như máu thịt quay lưng.

Không một ai giúp đỡ, không một nơi để đặt lưng, 3 người còn lại trong gia đình Kim Cương lang thang trong sự tuyệt vọng. Thành phố Phan Thiết – nơi cha bà trút hơi thở cuối cùng – cũng trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi. “Mỗi lần đặt chân đến đó tôi không thể nào quên hình ảnh thê thảm của cái đêm ấy, rõ như in, như vừa mới xảy ra ngày hôm qua” – bà buồn bã chia sẻ.

Sau biến cố ấy, bà Bảy Nam quyết định cho con gái quay trở về làm một cô nữ sinh bình thường như bao người khác. Nhưng vốn cá tính mạnh mẽ và ương bướng, Kim Cương không chấp nhận điều đó và liên tục phản kháng. Phải đến khi vào học trường dòng cùng trẻ mồ côi suốt 8 năm, Kim Cương mới dần trở thành một thiếu nữ đằm thắm, nền nã như sau này.

Duyên trời đã định, “Kim Cương” phải thuộc về sân khấu

Năm 19 tuổi, Kim Cương thi rớt tú tài và quay trở về tìm mẹ. Đây cũng chính là bước ngoặt đưa bà quay trở lại với ánh đèn sân khấu khi đóng xuất sắc vở Giai nhân và ác quỷ, trở thành đào chính, gánh vác đoàn hát của gia đình. Cũng từ đây, Kim Cương được báo chí tặng danh hiệu “kỳ nữ” đất Sài thành.

Năm 20 tuổi, bà từ giã sân khấu cải lương để chọn con đường nghệ thuật còn xa lạ với đại chúng là sân khấu kịch nói. Bà chủ động viết kịch bản, thuyết phục diễn viên, xây dựng đoàn kịch của riêng mình. Đoàn kịch Kim Cương dần gặt hái thành công trên sân khấu, để lại dấu ấn trong lòng khán giả với các vở kịch nói nổi tiếng như: Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Huyền thoại mẹ, Người mua hạnh phúc…

Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam chính thức xác nhận Kim Cương là “Nghệ sĩ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam”.

Những đóng góp của bà cho sân khấu kịch nói không chỉ kể đến vai trò của một người diễn viên, một nghệ sĩ tài năng mà còn là một “thủ lĩnh” đoàn hát mấy chục năm trời. Để lèo lái con thuyền với những trái tim nghệ sĩ bay bổng và bất quy tắc, Kim Cương đã thực sự chứng minh được rằng: kim cương không chỉ là một món trang sức đẹp, nó còn vô cùng bền bỉ.

Từng là cái tên khiến Thẩm Thúy Hằng muốn “né”

Không dừng lại ở kịch nói, Kim Cương tiếp tục dấn thân vào lĩnh vực điện ảnh với phim đầu tay là Lòng nhân đạo. Liên tiếp từ những năm 1950, bà tham gia gần 50 bộ phim như: Đôi mắt huyền, Trương Chi – Mỵ Nương, Mưa rừng, Chiếc bóng bên đường, Tứ quái Sài Gòn … Bà còn là nữ nghệ sĩ Việt Nam được trao giải tại Đại hội điện ảnh Á châu tổ chức tại Đài Loan với tư cách Diễn viên xuất sắc và Tác giả lời thoại hay nhất.

Cùng hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ắt không tránh khỏi sự so sánh. Nhiều cây bút kịch trường thời đó thường xuyên đặt Thẩm Thúy Hằng và Kim Cương lên bàn cân về khả năng diễn xuất. Kim Cương vốn dĩ là con nhà nòi, còn Thẩm Thúy Hằng thời ấy vẫn còn quá mới mẻ, duy chỉ có sự nổi tiếng về nhan sắc và vinh quang trên màn bạc đương thời là không có đối thủ.

Kim Cương và bạn thân Thẩm Thúy Hằng.

Thẩm Thúy Hằng nhiều lần “né” đóng chung cùng Kim Cương dù Kim Cương chấp nhận đóng vai phụ và nữ minh tinh họ Thẩm đóng vai chính. Sau này, Thẩm Thúy Hằng thật lòng chia sẻ bà cảm thấy khập khiễng khi bị so sánh với Kim Cương và không muốn có thêm câu chuyện để giới báo chí “phóng bút”. Dẫu vậy thì tình bạn của nữ minh tinh điện ảnh và nàng “kỳ nữ” sân khấu vẫn phát triển tốt đẹp, gắn bó với nhau mãi tới về sau.

Một đời yêu, một đời dang dở

Dù biết yêu là bể khổ nhưng câu chuyện tình cảm của nàng “kỳ nữ” xinh đẹp Kim Cương buồn đến nao lòng. Người ta thường nói “quá tam ba bận”, nhưng Kim Cương thì trải qua đến 5 mối tình mà cuối cùng vẫn chẳng thể tìm được nơi để con tim dừng chân.

Năm 19 tuổi, bà được hứa gả cho một gia đình danh giá với tương lai hứa hẹn đầy sung túc. Nhưng người chồng đã có tất cả trong tay chỉ cần một người vợ thảo hiền quán xuyến việc nhà chứ không phải cô đào hát xinh đẹp nay đây mai đó. Nàng Kim Cương trẻ tuổi đang căng đầy nhiệt huyết ngày ấy đã dũng cảm lựa chọn đi theo tiếng gọi đam mê.

Nếu nói rằng hạnh phúc của một người phụ nữ không phải được nhiều người yêu mà là được một người yêu rất nhiều, thì Kim Cương may mắn cũng được coi là một người phụ nữ hạnh phúc.

Trưởng thành hơn, sự nghiệp dần vững vàng, cũng là khi trái tim mở lòng đón nhận tình yêu thì Kim Cương lại bị tình yêu từ chối. Bà trải qua những mối tình sâu đậm nhưng trắc trở, bị phản bội, lừa dối, đau tới thắt lòng khi sảy thai đứa con đầu tiên trước sự thờ ơ của người đàn ông bà dốc lòng yêu thương. Tới năm 35 tuổi, bà kết hôn với một ký giả nghèo, những tưởng họ đã có thể ấm êm thì ác mộng một lần nữa lặp lại….

Con đường tình yêu của Kim Cương trắc trở là vậy, nhưng bà lại may mắn có được một người đàn ông dành trọn cả đời để si mê mình. Dẫu cho thứ tình cảm thuần khiết, không vụ lợi ấy đến từ một người nửa mê nửa tỉnh, thì quãng thời gian 40 năm cũng quá đủ để người đời thán phục.

Thi sĩ Bùi Giáng với ánh mắt luôn chứa chan một bóng hình.

Đó là tình cảm mà thi sĩ Bùi Giáng dành cho Kim Cương. Ông yêu bà ngay từ cái nhìn đầu tiên khi gặp Kim Cương tại một bữa tiệc, lúc ấy bà diện một chiếc áo dài trắng mà chàng thi sĩ ngỡ như thấy cả vầng hào quang cứ sáng mãi trong tim. Kim Cương là “nàng thơ” xuất hiện nhiều nhất trong các tác phẩm của ông với những cái tên trìu mến như “tiên nữ”, “nương tử”,… Thứ tình cảm đó gần như sự ngưỡng vọng và tôn thờ. Ông chỉ rụt rè xưng “tôi – em” với bà, chưa một lần dám nắm bàn tay mà mình luôn khao khát.

Dù không đáp lại tình yêu lớn lao ấy nhưng Kim Cương luôn khắc cốt ghi tâm và thầm cảm ơn. Những ngày cuối đời của Bùi Giáng ở bệnh viện có lẽ là những ngày thanh thản và êm đẹp trong đời ông vì có “nàng thơ” Kim Cương bên cạnh.

Ngoài chuyện ái tình dang dở, kiếp nạn lớn nhất trong cuộc đời của NSND Kim Cương là ký ức ám ảnh của một người mẹ suýt đánh mất đứa con do mình dứt ruột đẻ ra. Năm đó, con trai bà (Gia Vinh) mới lên 5 tuổi đã bị một người đàn ông lạ mặt giả bộ là người quen thân tới nhà trẻ bắt cóc. Hắn ta liên hệ với gia đình bà ngay sau đó, yêu cầu bà nghỉ hát và giao nộp 20 lượng vàng để chuộc con.

Gia đình Kim Cương trải qua cả tháng trời ròng rã với những yêu sách của bọn tội phạm, chúng đòi tiền được rồi lại tiếp tục đưa ra những yêu cầu khác, không buông tha. Kim Cương khi ấy gần như tuyệt vọng và phát điên mỗi lần nghe thấy tiếng khóc của con ở đầu bên kia điện thoại.

Nghệ sĩ Kim Cương bên gia đình người con trai từng bị bắt cóc năm xưa.

Cuối cùng, bà cũng được gặp con trai trước cổng Bưu điện Thành phố dưới hình dạng một em bé rách rưới, lang thang. Bà thở phào xen lẫn chua xót ôm con vào lòng. Lúc ấy Gia Vinh chưa biết mình bị bắt cóc, cậu bé ngây thơ nghĩ mình chỉ đang đi chơi. Đó cũng được coi là sự may mắn với tâm lý một đứa trẻ.

Chia sẻ với phóng viên về chuyện con bị bắt cóc, nữ nghệ sĩ cho biết: “Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể hiểu được là hồi đó bọn chúng bắt cóc con tôi để tống tiền, để buộc tôi nghỉ hát hay gây áp lực gì? Sau này, khi công an bắt được nhóm đối tượng xấu này, có hỏi ý tôi thế nào. Nhưng tôi nói, với tôi, vụ án đã kết thúc từ lúc con trai tôi trở về nhà”.

Chân dung Kim Cương trong mắt công chúng là một tượng đài nghệ thuật chói sáng trên 3 bình diện: nghệ sĩ sân khấu cải lương – thoại kịch – minh tinh màn ảnh, một nhà quản lý nghệ thuật năng động và một tác giả kịch bản thiên bẩm, sung sức.

Sau bao thăng trầm, cuộc sống của nghệ sĩ Kim Cương hiện nay gắn bó với Phật pháp. Bởi theo bà: “Khi đến với đạo Phật, tôi ngộ ra nhiều điều. Tôi học được chữ buông với những gì làm cho mình khổ để nhận về chữ an cho tâm hồn”. Thi thoảng, khán giả vẫn thấy NSND Kim Cương có mặt trong các chương trình văn nghệ từ thiện, giúp đỡ trẻ em mồ côi, người khuyết tật bởi bà là Phó chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi TP.HCM.

Cuộc đời con người luôn có thăng – trầm, có được – mất, đó là quy luật thường tình của số phận. Nhưng đọng lại trên giấy mực, trong hồi ức của công chúng, hình ảnh Kim Cương vẫn là một người phụ nữ đẹp rạng rỡ với tài năng, danh vọng và những nỗ lực không ngừng nghỉ.

Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/kiep-cam-ca-buon-cua-ky-nu-sai-thanh-bi-ep-roi-bo-san-khau-de-lay-chong-chuoc-con-d252356.html

Đánh giá post

Viết một bình luận