Đôi nét về nhạc sĩ Jo Marcel – “Phù thuỷ âm thanh” nổi tiếng một thời

Đối với những người sinh hoạt ở Sài Gòn trước năm 1975 và yêu âm nhạc chắc có lẽ không còn xa lạ gì với cái tên Jo Marcel. Ông là một trong những nam ca sĩ tên tuổi của làng tân nhạc Việt Nam vào thập niên 60, 70 của miền Nam. Ngoài được biết đến với tư cách là một ca sĩ thì ông còn được biết đến với vai trò là nhạc sĩ với sáng tác nổi tiếng: Ngày Đó.

Jo Marcel

Ngoài ra, Jo Marcel còn là một khuôn mặt sáng chói trong vấn đề khai thác phòng trà và vũ trường ở Sài Gòn trong suốt một thời gian dài.

Hơn thế nữa, Jo Marcel còn đựợc mệnh danh là một tay ‘phù thủy âm thanh’ trong việc sáng tạo ra một hệ thống âm thanh đặc biệt vào thời bấy giờ, được áp dụng trong các vũ trường cũng như những băng nhạc mang tên Jo Marcel, một nhãn hiệu tạo được uy tín rất lớn trong thị trường sản xuất băng nhạc tại Việt Nam, được đóng đô ở lầu 3 của Crystal Palace (Thương xá Tam Đa).

Cộng với một đầu óc sáng tạo phong phú, ông cũng đã từng thực hiện vài cuốn phim dài về ca nhạc, từng khiến giới trẻ Sài Gòn say mê không ít.

Jo Marcel tên thật là Vũ Ngọc Tòng, ông sinh năm 1938 tại Hà Nội và là con trai trưởng của kỹ sư Vũ Ngọc Thuyến – cũng là một nhạc sĩ và ca sĩ có tài. Thuở nhỏ ông theo học trường École Puginier, đến năm 1954 thì theo gia đình di cư vào Nam và tiếp tục học trường Taberd.

Jo Marcel

Khoảng năm 1958, Jo Marcel bắt đầu đi hát lần đầu tại vũ trường Đại Nam dưới nghệ danh Ngọc Minh. Sang năm 1960, ông đi hát với một ban nhạc do một người Pháp làm nhạc trưởng tại nhà hàng La Galere trong khách sạn Caravelle. Trong thời gian hát tại đây, ông có dịp học hỏi thêm rất nhiều vì được hát chung với nhiều ca sĩ nước ngoài khác.

Jo Marcel có giọng ca trầm ấm và đầy truyền cảm rất được khán thính giả yêu thích qua những nhạc phẩm nổi tiếng như: Mộng Dưới Hoa, Ai Về Sông Tương, Xin Mặt Trời Ngủ Yên,… và đặc biệt là những nhạc phẩm Pháp như: Merci Cherie, Les Neiges Du Kilimandjaro, Fais la Rire,… tiếng hát của ông đã không ít lần khiến cho bao tâm hồn yêu nhạc rung động.

Năm 1963, ông ký hợp đồng ca hát với nhà hàng Baccara. Tuy là một ca sĩ nhưng Jo Marcel lại có nhiều hiểu biết về kỹ thuật âm thanh, nên mỗi khi hát ở một nhà hàng mới, ông được “đặc quyền” thay đổi hệ thống âm thanh sao cho phù hợp với giọng ca của mình.

Năm 1967, ông hùn vốn với người khác lập ra vũ trường Chez Jo Marcel và đổi từ nghệ danh Ngọc Minh thành Jo Marcel.

Năm 1969, Jo Marcel bán hết cổ phần của Chez Jo Marcel cho nhạc sĩ Phạm Đình Chương (sau đó nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã đổi tên cho vũ trường thành Đêm Màu Hồng). Tiếp theo, Jo Marcel chuyển sang đầu tư ở hai vũ trường lớn là Ritz và Queen Bee. Riêng tại Queen Bee, ông đã góp phần thực hiện nên những đêm nhạc Jo Marcel rất ăn khách và được báo giới chú ý đến.

Băng Nhạc Jo Marcel 10 – Live Tại Vũ Trường Ritz (Thu Âm Trước 1975)

Khi hết hợp đồng thuê Queen Bee, Jo Marcel thuê lại phòng trà Ritz của ông Nguyễn Văn Xướng (chủ rạp Hưng Đạo). Tại đây, bên cạnh thành phần ca sĩ ăn khách, Ritz còn nổi bật lên bởi cách xử lí âm thanh và màu sắc mà Jo Marcel đã bỏ rất nhiều công sức để sưu tầm, mang lại cho phòng trà của mình một sắc thái riêng biệt, khác lạ so với những phòng trà khác. Jo Marcel còn sử dụng cả kỹ thuật điện ảnh để tăng thêm phần hấp dẫn và có lẽ là mới lạ nhất lúc ấy. Trên sân khấu là một màn ảnh của rạp xi nê nhỏ. Bao gồm các hoạt cảnh như: Phi thuyền Apolo với người phi công là ca sĩ Sỹ Phú đã du học tận Mỹ xa xôi; Những danh lam thắng cảnh của năm châu, của đại dương, của núi, của suối, hoa lá, chim chóc; với diễn viên chính là các ca sĩ của ban nhạc Ba Con Mèo (cho phần trình diễn của ban tam ca này), ban hợp ca Bốn Phương (cho phần trình diễn của những đứa con Dương Thiệu Tước – Minh Trang)… Tất cả những cảnh này là do Jo Marcel vừa quay phim vừa đạo diễn.

Có thể nói dù Jo Marcel có giọng hát khá hay và cũng biểu diễn nhiều trên sân khấu nhưng so với các ca sĩ cùng thời thì ông không thực sự có tầm ảnh hưởng lớn. Thế nhưng, ông lại cực kì nổi tiếng khi thành công tổ chức các đại nhạc hội tại hàng loạt phòng trà/vũ trường lớn như Queen Bee, Ritz, Ma Cabane, Key Hole,… Đồng thời, Jo Marcel cũng tạo được tiếng vang lớn trong vai trò bầu diễn, nhà sản xuất, hoà âm phối khí. Một loạt băng nhạc nổi tiếng của các giọng ca Lệ Thu, Anh Khoa, Khánh Ly,… đều cộp nhãn Jo Marcel nơi bìa băng.

Một số hình ảnh về Băng nhạc Jo Marcel

Thập niên 1970, khi phong trào nhạc trẻ diễn ra một cách sôi động nhất thì Jo Marcel là 1 trong 5 người (Trường Kỳ, Nam Lộc, Tùng Giang, Kỳ Phát) có nhiều đóng góp nhất cho sự phát triển và phổ biến dòng nhạc mới này đến với công chúng.

Từ trái sang: Kỳ Phát, Jo Marcel, Trường Kỳ, Tùng Giang, và Nam Lộc năm 1994. (Hình: Trần Đình Thục cung cấp)

Ngoài ra, Jo Marcel còn tự nghiên cứu và đứng ra thực hiện hai cuốn phim ca nhạc là Thế Giới Nhạc Trẻ và Vết Chân Hoang, vừa có tính giải trí vừa có tính chất tư liệu mang lại sự thành công đáng kể. Cuốn đầu tiên là “Thế Giới Nhạc Trẻ” có sự tham gia của các diễn viên nổi tiếng Minh Lý, Đan Thành xen lẫn với những màn trình diễn của các ban nhạc trẻ được biết đến thời bấy giờ như: The Hammers, The Peanuts Company, Phượng Hoàng, The Enterprise,… Cuốn thứ hai là “Vết Chân Hoang” được phỏng theo truyện dài của Trường Kỳ mang tên “Tuổi Choai Choai” (hay Tuổi Lang Thang). Hai cuốn này đã được trình chiếu trên Đài Truyền Hình Việt Nam và rất được công chúng yêu thích.

Tùng Giang – Trường Kỳ – Jo Marcel

Năm 1975, Jo Marcel rời Việt Nam sang Mỹ định cư. Sau khi sang hải ngoại ông làm việc cho cơ quan USCC tại Los Angeles và thỉnh thoảng vẫn lên các sân khấu đại nhạc hội, quay video.

Năm 1995, Jo Marcel tuyên bố giải nghệ, chỉ đôi lúc xuất hiện tại các Đêm hội ngộ Nhạc trẻ hoặc đi hát để gây quỹ từ thiện.

Thoixua biên soạn

Đánh giá post

Viết một bình luận