Hoàng Thi Thơ được biết đến là một nhạc sĩ nổi tiếng trước năm 1975 với các sáng tác ca ngợi quê hương, đất nước, con người Việt. Tiêu biểu là các nhạc phẩm như: Tình Ca Trên Lúa, Gạo Trắng Trăng Thanh, Trăng Rụng Xuống Cầu, Rước Tình Về Với Quê Hương, Đưa Em Qua Cánh Đồng Vàng, Đường Xưa Lối Cũ, Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi, Tình Sầu Biên Giới, Túp Lều Lý Tưởng, Tình Đêm Liên Hoan… Ông là một trong những nhạc sĩ có số lượng sáng tác khá đồ sộ với trên 500 ca khúc từ tình ca đến nhạc quê hương, dân ca đến trường ca, nhạc cảnh đến nhạc kịch. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ tham gia vào nền âm nhạc miền Nam ngay từ đầu thập niên 1950, và ông được xem là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho dòng nhạc vàng. Năm 2009, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã cấp phép phổ biến sáu ca khúc sáng tác trước năm 1975 của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ gồm: Đường xưa lối cũ, Duyên quê, Hình ảnh người em không đợi, Túp lều lý tưởng, Rước tình về với quê hương, Múc ánh trăng vàng. Hiện nay, có hơn 60 ca khúc của ông được cấp phép và đang lưu hành trong nước
Cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sinh ngày 1 tháng 7 năm 1929, tại làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông thuộc dòng họ Hoàng Hữu, một dòng họ khoa bảng lừng lẫy, đã được sọan giả Dã Lan Nguyễn Đức Dụ đề cập đến trong quyển Gia Phả do nhà xuất bản Văn Hóa tại Hà Nội xuất bản năm 1992 là “Họ Hoàng Hữu là một trong những họ tiếng tăm ở đất Quảng Trị, Trung Bộ. Từ đời thứ 13, con cháu nhà này bắt đầu đỗ đạt cao. Người khai khoa đầu tiên cho làng Bích Khê là Hoàng Hữu Xứng và Hoàng Hữu Bỉnh đều đậu cử nhân”. Trong đó cụ Hoàng Hữu Bỉnh chính là cha của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.
Sau tháng 8 năm 1945, Hoàng Thi Thơ gia nhập Đoàn Văn nghệ Quảng Trị do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba làm trưởng đoàn, như một diễn viên ca kịch nhạc.
Tháng 12 năm 1946, Hoàng Thi Thơ đang tham gia tuyên truyền cùng nhạc sĩ Trần Hoàn ở Huế thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Khi Huế thất thủ, ông trở ra Vinh. Đến tháng 5 năm 1947, ông bắt đầu làm báo, viết văn, trở thành phóng viên và biên tập viên cho tờ nhật báo Cứu Quốc. Tháng 9 năm 1948, Hoàng Thi Thơ quay lại Huế, tiếp tục hoàn thành chương trình trung học ở Trường Khải Định ( sau này trường dời ra Hà Tĩnh và đổi tên thành Trường Huỳnh Thúc Kháng). Học xong Tú tài, thì vào tháng 10 năm 1950, ông vào đại học tại trường Dự bị đại học Liên khu 3 và 4 theo khoa Văn – Triết tại Thanh Hóa.
Năm 1952, Hoàng Thi Thơ từ Liên Khu Tư ở Thanh Hóa về Huế định xin gia đình người anh một ít tiền để có thể đưa người yêu ra Hà Nội với mục đích theo học Văn Khoa ở đây. Tuy nhiên biến cố xảy ra, gia đình khuyên ông vào Sài Gòn để được an toàn, nên ông quyết định vào Sài Gòn và mang theo hai đứa cháu là Hoàng Kiều và Hoàng Thi Thao đi theo. Sau khi vào Sài Gòn, ông dạy sinh ngữ Anh – Pháp ở các trường tư thục và theo nghề viết nhạc, hoạt động văn nghệ.
Đến năm 1957, Hoàng Thi Thơ bắt đầu tổ chức những kỳ Đại nhạc hội tại rạp Thống Nhất Sài Gòn.
Năm 1961, Hoàng Thi Thơ thành lập Đoàn Văn nghệ Việt Nam với hơn 100 nghệ sĩ tên tuổi và đưa đoàn lưu diễn qua nhiều nước Á Châu cũng như nhiều thành phố trên thế giới như: Hồng Kông, Tokyo, Bangkok, Singapore, Paris, London,… và cùng nhiều nơi ở Hoa Kỳ.
Năm 1967, ông tiếp tục thành lập Đoàn Văn Nghệ Maxim, gồm 70 diễn viên ca-vũ-nhạc-kịch, tổ chức những chương trình ca vũ nhạc kịch đặc biệt tại nhà hàng Maxim. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là người duy nhất được chính quyền lúc bấy giờ nhiều lần cử thành lập và dẫn các đoàn văn nghệ Việt Nam sang Châu Âu trình diễn…
Tháng 4 năm 1975, đoàn văn nghệ của Hoàng Thi Thơ đang lưu diễn ở Nhật Bản thì xảy ra sự kiện 30/04/1975, vì thế ông không thể về nước được và từ đó ông phải định cư tại Hoa Kỳ. Sau năm 1993 ông về Việt Nam được 2 lần. Sau năm 1975 thì Hoàng Thi Thơ và Phạm Duy là hai nhạc sĩ bị cấm về nhân thân ( cùng toàn bộ tác phẩm) tại Việt Nam. Đến đầu năm 2009, Cục Nghệ thuật Biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới cho phép một số bài hát của ông được phổ biến trở lại gồm các ca khúc: Đường xưa lối cũ, Duyên quê, Hình ảnh người em không đợi, Túp lều lý tưởng, Rước tình về với quê hương, Múc ánh trăng vàng.
Trên con đường sự nghiệp nghệ thuật của mình. Hoàng Thi Thơ sử dùng nhiều bút hiệu khác nhau như: Tôn Nữ Trà Mi, Tôn Nữ Diễm Hồng, Bích Khê, Triệu Phong.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã để lại trên 500 ca khúc viết về nhiều đề tài khác nhau.
Nghệ sĩ Túy Hồng từng có nhận xét về ông như sau: “Hoàng Thi Thơ là một cái tên lớn, nên chương trình văn nghệ do anh đẻ ra đều là những chương trình cao đẹp, có hình vóc, có nội dung của một của cải tinh thần nào đó… Hoàng Thi Thơ là một người Việt Nam khôn ngoan, khôn ngoan vô cùng, khôn ngoan hơn những người Việt Nam khôn ngoan. Sự khôn ngoan của Hoàng Thi Thơ chính là sự giỏi giang của một nhạc sĩ chân chính đúng nghĩa, lấy khổ đau và bất khuất của quê hương làm chủ đề trình diễn, dẫn chúng ta quay về với những truyền thống tốt đẹp, với lòng yêu thương đồng bào ruột thịt và yêu thương chính bản thân mình”
Năm 1953, quyển “Để Sáng Tác Một Bài Nhạc Phổ Thông” của Hoàng Thi Thơ được xuất bản, dày 500 trang với những phần hướng dẫn về hòa âm, luật sáng tác…
Năm 1955, Hoàng Thi Thơ sáng tác hai bài trường ca đầu tiên mang tên “Triều Vui Thế Hệ” & “Máu Hồng Sử Xanh“. Sau đó một năm, ông cho ra đời trường ca “Ngày Trọng Đại” và đến năm 1963 là “Tiếng Trống Diên Hồng“.
Trong thời gian cộng tác với nhà hàng Maxim’s, Hoàng Thi Thơ đã thực hiện những tiết mục ca nhạc kịch dã sử và sáng tác những ca khúc hào hùng như “Quang Trung đại phá quân Thanh ” hoặc “Trưng Vương đại phá quân Đông Hán “.
Vào khoảng năm 1972 đến năm 1973, ông sử dụng bút danh Tôn Nữ Trà Mi và sáng tác một loạt ca khúc mà báo chí thời đó gọi là “đem lại cho làng tân nhạc Việt Nam luồng sinh khí mới và cảm hứng tân kỳ” như “Rước tình về với quê hương“, “Việt Nam ơi ngày vui đã tới“, “Ô kìa đời bỗng dưng vui“, “Xây nhà bên suối“, “Ngày vui lý tưởng“… Những ca khúc này cho đến ngày nay vẫn còn được nhiều người yêu thích.
Trước năm 1975, Hoàng Thi Thơ thực hiện 3 băng nhạc mang tên ông với những giọng ca nổi tiếng thời đó. Các băng nhạc mang tên:
Hoàng Thi Thơ 1: Rước tình về với quê hương
Hoàng Thi Thơ 2: Việt Nam như đóa hoa xinh
Hoàng Thi Thơ 3: Đưa em qua cánh đồng vàng
Sau khi ra nước ngoài, ông thực hiện thêm một số băng nhạc riêng và được Trung Tâm Thúy Nga và Thế giới Nghệ thuật thực hiện video chủ đề nhạc Hoàng Thi Thơ gồm:
Paris By Night 41: Hoàng Thi Thơ – Một đời cho âm nhạc
Paris By Night 47: Hoàng Thi Thơ 2
Thế giới Nghệ thuật: Hoàng Thi Thơ – Một đời cho nghệ thuật.
Ngoài lĩnh vực âm nhạc Hoàng Thi Thơ còn có nhiều đóng góp trong lĩnh vực Nghiên cứu nghệ thuật múa và Nhạc Kịch – Điện ảnh.
Đối với Múa: Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cùng với vũ sư Trinh Toàn và vũ sư Lưu Hồng đã có nhiều công trình hợp tác nghiên cứu và sáng tạo các điệu múa dân tộc: Vũ múa trống, Vũ lên đồng, Vũ múa nón, Múa xòe, Múa Koho,… . Ông được cho là người tiên phong trong việc xây dựng những điệu vũ vừa hiện đại vừa đậm chất dân tộc.
Đối với nhạc kịch – Điện ảnh: Hoàng Thi Thơ đã đạo diễn sáng tác vở nhạc kịch đầu tiên vào năm 1963, tên là “Từ Thức lạc lối bích đào”. Năm 1964, ông ra mắt vở “ Dương Qúy Phi”. Sau đó là vở kịch “ Cô gái điên” (1966) và “ Ả đào say” (1968)
Năm 1965, ông trở thành đạo diễn điện ảnh với cuốn phim mang tên “ Cô gái điên”, quay thành phim từ vở nhạc kịch cùng tên của ông, do Trung tâm Điện ảnh Quốc gia sản xuất.
Năm 1969, Hoàng Thi Thơ làm đạo diễn cho phim “ Người cô đơn” do chính ông sản xuất. Sau này, lúc đã sang hải ngoại ông tiế tục làm đạo diễn cho một số phim như: “Chuyện Tình Buồn”, “Tiếng Hát Trong Trăng”, “Người Đẹp Bạch Hoa Thôn” và “Chiêu Quân Cống Hồ”.
Ngày 23 tháng 9 năm 2001, người nhạc sĩ đa tài Hoàng Thi Thơ đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở Glendale, California. Ông được an táng tại vườn Vĩnh Cửu – nghĩa trang Peek Family, Quận Cam. Mộ của ông nằm ở Heritage Memorial Service, 17712 Beach Boulevard, Huntington Beach, Hoa Kỳ.
Cho đến nay, nhiều sáng tác của cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ vẫn được nhiều người mến mộ yêu thích bởi cái chất nhạc nhẹ nhàng, sâu lắng dễ đi vào lòng người của ông. Và nhiều ca khúc của ông đã trở thành những nhạc khúc bất hủ, trường tồn cùng với thời gian.