Đan Thọ được nhiều người thưởng ngoạn âm nhạc trước năm 1975 biết đến là một nhạc sĩ đa tài, ông là cha đẻ của bản nhạc “Chiều Tím” lời ca Đinh Hùng bất hủ cùng những nhạc phẩm khác như : Tình Quê Hương (phổ nhạc từ thơ Phan Lạc Tuyên), Bóng Quê Xưa, Vọng Cố Đô (viết cùng nhạc sĩ Nhật Bằng) hay Xa Quê Hương (viết cùng nhạc sĩ Xuân Tiên),… Nhạc của ông được nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn nhận xét là : “… nhạc của ông, vui hay buồn đều chừng mực, lãng mạn nhưng không có vẻ ủy mị, đắm đuối, và nhất là luôn toát ra vẻ lịch sự, sang trọng”. Ngoài sáng tác nhạc, nhạc sĩ Đan Thọ còn chơi được nhiều loại nhạc cụ khác nhau, nhưng trong đó ông nổi tiếng nhất với ngón đàn violin điêu luyện và tiếng kèn saxophone điệu nghệ đã làm mưa làm gió một thời tại các phòng trà ca nhạc và vũ trường của Sài Gòn trước năm 75
Đan Thọ tên thật là Đan Đình Thọ, sinh ngày 21 tháng 6 năm 1924 tại Nam Định.
Ông được học nhạc từ khá sớm, vào năm 1936 đến năm 1941 Đan Thọ theo học tại trường Saint Thomas D’Aquin dòng Lasan.
Năm 1942 – 1945, Đan Thọ được học hòa âm và sáng tác cùng với các giáo sư Tạ Phước và Vũ Đình Dự.
Năm 1945, ông bắt đầu đi làm thêm tại phòng trà Thiên Thai của nhạc sĩ Hoàng Trọng ở Nam Định với vai trò là một tay chơi đàn violin. Cũng trong năm này, Đan Thọ lập gia đình với một thiếu nữ Hà Nội mới 16 tuổi, hai người quen biết nhau qua sự giới thiệu của chính người em họ của vợ ông mà ông quen biết trước. Cho dù gia đình của cô gái có phần e ngại khi biết con gái sắp kết hôn cùng với một nghệ sĩ nhưng thời gian đã chứng minh tất cả, sau bao thăng trầm của cuộc sống thì ông bà vẫn sống với nhau cho tới ngày nay “răng long đầu bạc”, cùng nuôi dạy nên người một cậu con trai và ba cô con gái.
Năm 1948 – 1954, Đan Thọ gia nhập Ban quân nhạc Đệ Tam Quân Khu Hà Nội cùng với các nhạc sĩ tên tuổi khác như: Văn Phụng, Nguyễn Hiền, Nhật Bằng, Nguyễn Túc, Nguyễn Cầu,… Trong thời gian hoạt động tại đây, Đan Thọ được quân nhạc trưởng Schmetzler hướng dẫn về cách dùng Saxophone, từ đó ông chơi sành cả hai loại nhạc cụ là violin lẫn Saxophone tenor. Ngoài tham gia những hoạt động trong ban quân nhạc, Đan Thọ cùng nhạc sĩ Nguyễn Túc từng trình diễn tại nhiều phòng trà ở Hà Nội.
Năm 1952, Đan Thọ cho ra đời hai nhạc phẩm đầu tay được ông sáng tác chung với nhạc sĩ Nhật Bằng mang tên “Bóng Quê Xưa” và “Vọng Cố Đô”.
Khoảng giữa năm 1954, Đan Thọ cùng ban quân nhạc di cư vào Nha Trang rồi sau đó đặt chân đến Sài Gòn vào năm 1956. Giai đoạn này, ông đã sáng tác ca khúc “Tình Quê Hương” được phổ từ một bài thơ của nhà thơ Phan Lạc Tuyên.
Sau khi vào Nam, ông tiếp tục theo học kèn với nhạc sĩ Mano Umali người Phi Luật Tân. Với sở trường sử dụng thành thạo hai nhạc khí là Violin và Saxophone, Đan Thọ cộng tác với nhiều chương trình nhạc trên các đài phát thanh, truyền hình và phòng trà, vũ trường ở Sài Gòn.
Bên cạnh đó, ông còn là trưởng ban nhạc nhẹ của đài Ðài Phát Thanh Tiếng Nói Quân Ðội trong khoảng một thời gian dài từ năm 1956 – 1965, gồm các nhạc sĩ nổi danh như: Xuân Tiên, Xuân Lôi, Văn Ba, Nguyễn Ích, Canh Thân,… và đặc biệt là trong ban nhạc này có một người nhạc sĩ người Philippines tên Alano Badin soạn hòa âm cho những nhạc phẩm Việt Nam thu thanh, nhờ đó đã mang lại cho người nghe những âm thanh mới lạ.
Năm 1956 và 1961, Đan Thọ cùng ban nhạc của mình được cử vào phái đoàn nghệ sĩ của miền Nam, đi trình diễn tại Bangkok và Manila và đã gặt hái được nhiều thành công đáng kể.
Năm 1962, khi có lệnh cấm khiêu vũ thì một ban nhạc của vũ trường Đại Nam tiên phong đổi qua trình diễn nhạc Jazz gồm các nhạc sĩ nổi danh như: Đan Thọ, Văn Hạnh, Lê Văn Thiện, Huỳnh Anh,… Riêng cá nhân Đan Thọ đã có dịp trình diễn cho khán giả Việt Nam lúc bấy giờ thưởng thức tiếng kèn Saxophone quyến rũ của ông qua dòng nhạc Jazz tương đối mới mẻ với người thưởng ngoạn.
Khoảng cuối thập niên 1960, Đan Thọ tham gia vào ban Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh và tiếp tục trình diễn tại nhiều phòng trà, vũ trường cho đến năm 1975.
Trong thời gian làm việc ở Sài Gòn, ngoài việc trình diễn, Đan Thọ còn sáng tác nhiều nhạc phẩm đặc sắc. Những bản tình ca ông viết mang âm điệu nhẹ nhàng, tha thiết, lời ca trong sáng như: Chiều Tím (thơ Đinh Hùng), Xa Quê Hương (viết chung với nhạc sĩ Xuân Tiên), Mimosa Thôi Nở (thơ Nhất Tuấn). Trong đó đặc biệt nhất là ca khúc “Chiều Tím”, đây có thể được xem là một trong những ca khúc đặc sắc nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Theo một số tài liệu cho rằng nhạc phẩm “Chiều Tím” được nhạc sĩ Đan Thọ phổ nhạc cho thơ của nhà thơ Đinh Hùng. Nhưng theo tài liệu của Tạp chí Thế Giới Nghệ Sĩ thì viết rằng: “Chiều Tím, chính nhạc sĩ Đan Thọ cho biết, có lời ca do nhà thơ Đinh Hùng viết chứ không phải là thơ phổ nhạc, theo tác giả Nguyễn Đình Toàn ghi lại. Đan Thọ kể lại rằng, trong một bữa uống cà phê tại La Pagode, Đan Thọ đã đưa bản nhạc vừa viết xong của mình cho Đinh Hùng và Thanh Nam coi. Đinh Hùng nói, “moi biết chơi mandoline, để moi viết lời ca cho”. Khi Đinh Hùng viết xong lời ca, ba người gặp lại nhau, Thanh Nam đề nghị đặt tên là Chiều Tím. Ca sĩ trình bày Chiều Tím đầu tiên trên làn sóng điện là Anh Ngọc”.
Sau năm 1975, Đan Thọ cộng tác với ban nhạc của Đoàn Kịch Nói Kim Cương và cùng ban nhạc đi lưu diễn nhiều nơi như: Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, vv… Lúc đó trong đoàn kịch ông làm việc chung với nhiều nhạc sĩ nổi danh trước năm 75 khác như Xuân Tiên, Lâm Thoại Nguyên, Ngọc Chánh, Lê Văn Thiện, Đài Trang, Đặng Văn Hiền, vv…
Năm 1980, Đan Thọ cùng với Đoàn Kịch Nói Kim Cương ra Hà Nội trình diễn trong vòng một tháng và được công chúng đón nhận nồng nhiệt.
Tuy nhiên sau đó, ông quyết định xin nghỉ và dành cả thời gian của mình cho gia đình cùng với thú nuôi chim yến của ông.
Thế nhưng, tuy không còn đi lưu diễn nhưng Đan Thọ chưa thể xa rời sân khấu, ông cùng với nhạc sĩ Cao Phi Long và một số nhạc sĩ khác như Trí, Hòa,… được mời cộng tác với vũ trường Maxim’s ở trên lầu. Tại đây, Đan Thọ và các nhạc sĩ trong ban đã khiến khán giả thích thú với nghệ thuật trình bày loại nhạc Zigane, trong số có rất nhiều khán giả người ngoại quốc rất yêu thích chương trình nhạc của ông.
Năm 1985, Đan Thọ cùng gia đình rời Việt Nam đến định cư tại Hoa Kỳ. Sau khi định cư tại đây, dù lúc này tuổi cũng đã ngoài 60 nhưng vợ chồng ông vẫn cần mẫn lái xe hàng ngày từ Quận Cam lên Van Nuys và làm việc cho công ty General Ribbon chuyên hãng sản xuất “ruy-băng” cho máy điện toán. Và vào những đêm cuối tuần, ông lại chơi nhạc tại vũ trường Ritz của nhạc sĩ Ngọc Chánh.
Đến năm 1995, Đan Thọ chính thức tuyên bố giải nghệ. Tối ngày 30 tháng 6 năm 1995, ông tổ chức một đêm nhạc tại vũ trường Ritz để từ giã bạn bè tại California và xem như đánh dấu quá trình hoạt động âm nhạc cuối cùng của ông.
Sau đó, Đan Thọ về Louisiana đoàn tụ với gia đình con gái Đan Tâm và con rể là bác sĩ Mùi Quý Bồng. Ca khúc sau cùng được Đan Thọ sáng tác là “Dương Cầm” viết dựa trên ý thơ của Mùi Quý Bồng, cảm hứng được lấy từ lúc ông thấy bàn tay nhỏ nhắn xinh xắn của cháu gái đang lướt nhẹ trên các phím dương cầm.
Giờ đây, nhạc sĩ Đan Thọ đang sống yên bình và hạnh phúc với cuộc sống viên mãn của mình bên người vợ hiền, họ đang tận hưởng những chuỗi ngày nhàn hạ, nương tựa nhau trong tuổi xế chiều tại Houston và con cháu cũng thường xuyên qua lại thăm ông bà.