Khánh Ngọc là một ca sĩ nổi danh trong làng nhạc từ những năm giữa thập niên 1950 đến đầu thập niên 1960. Ca sĩ Khánh Ngọc không chỉ có giọng hát trời phú mà còn sở hữu một nhan sắc xinh đẹp khiến nhiều người ngưỡng mộ. Ngoài ra cô còn là một diễn viên điện ảnh nổi tiếng trước cả Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh,… và là một trong những ngôi sao thuộc thế hệ đầu của làng điện ảnh Sài Gòn. Có thể nói Khánh Ngọc là một nghệ sĩ tài năng, cô đã có nhiều đóng góp to lớn cho làng nghệ thuật Miền Nam.
Khánh Ngọc tên thật là Hàn Thị Lan Anh sinh năm 1937, cha cô là người Hoa sống tại Việt Nam, mẹ cô là người Việt. Ban đầu, Khánh Ngọc theo học ở trường của người Hoa, sau đó cô học trung học ở trường Pháp cho đến năm 1951 thì theo gia đình chuyển vào Nam sinh sống
Từ nhỏ, Khánh Ngọc đã rất thích ca hát, cô được gia đình cho đi học nhạc và đã được thụ giáo piano với nhạc sĩ Võ Đức Thu. Khi vào Sài Gòn, Khánh Ngọc tiếp tục được theo học nhạc với vợ chồng nghệ sĩ Dương Thiệu Tước – Minh Trang, lúc này cặp nghệ sĩ này đang đảm nhiệm phần ca nhạc ở Đài phát thanh Pháp Á và Quốc Gia. Nhờ có năng khiếu ca nhạc cùng sự chỉ dạy tận tình và được nâng đỡ phần nào nên Khánh Ngọc bước chân vào con đường nghệ thuật từ rất sớm.
Danh ca Minh Trang đã tạo cơ hội cho Khánh Ngọc được hát trên đài phát thanh và từ đó tiếng hát của cô vang đi khắp mọi miền. Ca khúc đầu tiên Khánh Ngọc trình bày là bài “Tiếng hát lênh đênh” của nhạc sĩ Từ Pháp, hát ở rạp Nam Việt. Sài Gòn vào thời điểm đó, trước khi trình chiếu một bộ phim luôn có những chương trình phụ diễn tân nhạc và Khánh Ngọc đã hát hàng tuần ở các rạp Nam Việt, Nam Quang, Văn Cầm, Đại Nam và đi lưu diễn nhiều nơi khác nữa. Nhờ khả năng diễn xuất hiện đại, tự nhiên mà Khánh Ngọc đã đem diễn xuất của mình vào để diễn tả những bản nhạc tạo nên sự sống động hơn so với các ca sĩ cùng thời
Năm 13,14 tuổi, Khánh Ngọc bắt đầu đi hát thường xuyên ở các Đài phát thanh và hát trong các chương trình Đại nhạc hội Sài Gòn và các tỉnh miền Trung. Sau đó cô gia nhập ban hợp ca Thăng Long, trong đó có các ca sĩ như: Thái Hằng, Thái Thanh, Hoài Trung, Hoài Bắc. Hai lần theo ban hợp ca này ra Hà Nội biểu diễn trong đoàn “Gió Nam” có Trần Văn Trạch, Võ Đức Thu và ban ca nhạc nhảy múa có Lưu Hồng, Lưu Bình.
Nhờ ca hát mà Khánh Ngọc có tiếng tăm và chỗ đứng trong làng âm nhạc. Đồng thời, cũng chính âm nhạc đã se duyên cho Khánh Ngọc và Phạm Đình Chương (Hoài Bắc) gặp gỡ, yêu nhau và kết hôn vào năm 1953. Có thể nói, Khánh Ngọc là tình yêu lớn trong cuộc đời của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, cô là nguồn cảm hứng và cũng là nỗi đau tột cùng …để tạo nên cảm hứng cho nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác ra những ca khúc bất hủ, vang danh như: Nửa hồn thương đau, Người đi qua đời tôi,…
Khánh Ngọc bén duyên điện ảnh cùng nhờ vào tài năng ca hát của cô. Vào năm 1955, có phái đoàn ngoại quốc Mỹ, Phi đến Sài Gòn để tìm các diễn viên cho phim “Ánh sáng Miền Nam”. Đạo diễn của phim này là người Phi Luật Tân, ông cũng đã chọn được cho mình nhiều diễn viên, nhưng qua một chương trình nhạc cảnh mang tên “Được mùa” do ban hợp ca Thăng Long trình diễn tại rạp Việt Long, người đạo diễn này đã “chấm” Khánh Ngọc và cho cô đảm nhận vai cô thôn nữ cũng chính là vai chính trong bộ phim. Phim này được khởi quay vào tháng 1 năm 1955, bối cảnh chính quay tại Hóc Môn, bến tàu Sài Gòn và một số cảnh quay tại thủ đô Manila. Trong phim “Ánh sáng miền nam” còn có sự xuất hiện của hai chị em Thái Hằng, Thái Thanh và Phạm Duy.
Bộ phim “ánh sáng miền Nam” do Khánh Ngọc thủ vai chính đã đoạt giải Oscar của Đại hội Điện ảnh Phi Luật Tân vào năm 1956. Vinh quang trong giới điện ảnh đến với Khánh Ngọc một cách thật bất ngờ.Từ thành công ở phim đầu tiên, Khánh Ngọc bước chân hẳn vào sự nghiệp điện ảnh với vai chính trong phim thứ hai mang tên “Đất lành” của hãng phim Đông Dương, đóng chung với Lê Quỳnh, Lê Thương và Kiều Hạnh. “Đất lành” dài 90 phút, do đạo diễn Ramon Eatells thực hiện theo kịch bản của Cear Amigo và Phạm Duy.
Phim thứ ba mà Khánh Ngọc tham gia là “Ràng buộc” do hãng phim Alpha thực hiện. Đây là bộ phim tình cảm, tâm lý xã hội rất ăn khách mà Khánh Ngọc diễn cùng với tài tử Anh Tứ.
Cả ba bộ phim do cô tham gia và đảm nhận vai chính đều thành công vang dội. Kể từ đó, Khánh Ngọc cũng được khán giả mến mộ và yêu thích nhiều hơn nên lịch hát của cô cũng ngày càng nhiều. Vào khoảng thời gian này, Khánh Ngọc đang là một ngôi sao sáng của vòm trời ca nhạc – điện ảnh miền Nam Việt Nam.
Thế nhưng đang thăng hoa trên con đường sự nghiệp âm nhạc và điện ảnh thì biến cố lớn xảy ra trong đời Khánh Ngọc. Cô chia tay chồng vì vướng vào chuyện lùm xùm về tình cảm với Phạm Duy. Lúc bấy giờ, dư luận khó có thể chấp nhận cô khi hoạt động trong làng nghệ thuật. Khánh Ngọc bỏ hết những vinh quang và lầm lỡ tại Việt Nam và sang Mỹ.
Sau khi sang Mỹ, Khánh Ngọc tiếp tục theo học nghề điện ảnh và ca hát. Cô theo học Trường Pasadena Playhouse College (California) và học thanh nhạc với ông Tuttle. Trong lá thư đăng trên Báo Kịch Ảnh vào năm 1962, Khánh Ngọc cho biết: “Tôi đã hát tại Los Angeles, Pasadena, San Francisco… trong những buổi trình diễn nhạc kịch và đã thâu một số dĩa như Danny boy, Smoke gets in your eyes, Never on Sunday… Tôi cũng có dịp hát tại Đài NBC bài Giấc mơ hồi hương của Vũ Thành…
Tháng 7 năm 1962, Khánh Ngọc về thăm lại Sài Gòn, cô tham gia hát trong Đại nhạc hội Kim-Vân-Khánh được báo chí tiếp đón và viết những bài báo rất thân thiện.
Và trong một chuyến lưu diễn của mình, Khánh Ngọc đã gặp một du học sinh Việt Nam, hai người kết hôn và họ có với nhau ba người con. Từ đó Khánh Ngọc bận rộn với công việc nhà, điều này đã phần nào ngăn cản con đường nghệ thuật của cô. Tuy nhiên, cô chia sẻ mình rất mãn nguyện với sự lựa chọn của bản thân.
Ngày 14 tháng 5 năm 2021, Khánh Ngọc qua đời ở tuổi 85 tuổi tại nhà riêng ở California, Hoa Kỳ.