Tròn 13 năm nhạc sĩ Châu Kỳ rời xa cõi tạm, nhưng ký ức, những kỷ niệm về ông vẫn tràn ngập trong căn nhà của gia đình. Vợ ông – bà Kha Thị Đàng vẫn nhớ những đêm trên căn gác nghèo, người chồng nhạc sĩ đã viết các tác phẩm âm nhạc để đời.
Nhạc sĩ Châu Kỳ sinh năm 1923 tại một làng quê ở Huế. Cuộc đời ông trải qua thăng trầm, sống ở nhiều vùng đất nên tư liệu không còn nhiều. Bà Kha Thị Đàng, vợ ông cho biết: “Chồng tôi có nói từng tham gia vệ quốc đoàn, phục vụ trong lực lượng văn nghệ cách mạng. Khi đất nước chia cắt, chồng tôi ở miền Nam thì ông không đăng lính lần nào nữa, chỉ hát và sáng tác thôi”. Bà Đàng bảo: “Nhà tôi có căn gác nhỏ, buổi tối có hai vợ chồng trên gác, ông sáng tác bài gì, tôi đều ở cạnh. Các tác phẩm của chồng tôi tập trung vào đề tài tình yêu quê hương đất nước và mong ước đất nước hòa bình, thống nhất”.
Tôi, tác giả bài báo này cũng có thể cung cấp thêm vài tư liệu. Nghệ sĩ ưu tú Mộng Điệp cũng chính là bác tôi. Khi còn sống bác tôi thường có nhắc tới nhạc sĩ Châu Kỳ. Bác tôi bảo: “Bác Châu Kỳ hồi trước 1945 là người hát hay, đặc biệt rất đẹp trai. Khi đoàn kịch Huế đi đâu biểu diễn, cứ đề tên nghệ sĩ Châu Kỳ- Mộng Điệp thì khán giả rất đông”. Việc nhạc sĩ Châu Kỳ bị Pháp giam giữ thì bác tôi kể lại: “Pháp lựa lúc đoàn đi diễn bên Lào, theo bắt. Chúng giam anh em chủ chốt như bác và bác Châu Kỳ, cố tra khảo, nhưng không ai khai gì, nên chúng không tìm được bằng chứng ta giúp cách mạng, cuối cùng phải thả”.
Một câu chuyện không chỉ là giai thoại, đó là nhờ tiếng hát mà Châu Kỳ giữ được mạng sống của mình để hoạt động nghệ thuật. Bác Kha Thị Đàng kể: “Khi chồng tôi viết ca khúc Giọt lệ đài trang, có kể cho tôi nghe việc đã thoát khỏi tay giặc Pháp như thế nào”. Trong một lần các bác đi biểu diễn các ca khúc yêu nước, giặc Pháp đã bắt được nhóm văn nghệ của ta và bác Châu Kỳ nghe được chúng nói với nhau là “sẽ đem hết bọn Việt Minh này bắn đi”. Khi ấy, mọi người không ai biết tiếng Pháp, chỉ mình bác Châu Kỳ thôi. Mọi người vẫn hồn nhiên, nhưng bác thì lo lắng. Bác nói là mình muốn đi giải, chúng đưa bác ra bụi cây và dí ѕúиɢ vào thắt lưng. Bác nghĩ chắc mình sắp bị bắn trước anh em, nên nhanh ý mới nói với tên lính Pháp bằng tiếng Pháp hỏi thăm về gia đình nó, chúc phúc cho gia đình anh ta, mặc dù, theo lời bác Kha Thị Đàng thì: “Khi đó chồng tôi cũng sợ lắm, nên không thể đi tiểu được nữa”.
Sau đó bác nói liên hồi bằng tiếng Pháp với tên sĩ quan, nói rằng ở đây toàn anh em văn nghệ, rất thích âm nhạc Pháp. Rồi bác hát liền mấy bài tiếng Pháp rất hay, khiến tụi lính kéo đến nghe và đám lính khen ngợi hết lời. Cuối cùng chúng không bắn mà đem về doanh trại để giam giữ. Giữa lúc ấy thì vợ tên sĩ quan Pháp, vốn là con gái một gia đình quyền thế ở Huế cũng đi tới trại lính và nhận ra Châu Kỳ. Trước kia, Châu Kỳ cũng rất có tình cảm với cô, không ngờ cô ấy lại lấy một tên sĩ quan Pháp. Nghe vợ nói gì đó, tên lính Pháp xiêu lòng rồi thả nhóm anh em văn nghệ.
Bác Kha Thị Đàng bảo: “Chồng tôi cũng quên chuyện thoát chết hy hữu ấy từ lâu. Nhưng những năm 1960, khi Pháp thua trận rút về nước hết, thì cô vợ kia vẫn ở Việt Nam và rơi vào cuộc sống khó khăn, đi đâu cũng bị coi thường. Một lần chồng tôi gặp lại cô ta, thấy cô ấy khổ quá, cám cảnh chồng tôi đêm về nhà ngồi viết bài Giọt lệ đài trang
Bác Kha Thị Đàng kể: “Chồng tôi trước có đời vợ, sáu năm không có con nên vợ đi lấy người khác. Ông ấy gặp tôi khi tôi 16 tuổi, nữ sinh trường Gia Long. Tôi hoạt động trong phong trào sinh viên học sinh rất sôi nổi. Năm 1955 đám cưới được tổ chức, dù gia đình nhà gái không ưng ý lắm khi con gái gả cho anh nhạc sĩ nghèo. Bác Kha Thị Đàng kể: “Khi lấy anh Kỳ, theo lời anh, tôi rời khỏi nhà chỉ với một chiếc áo dài trắng mặc trên người, với tinh thần tự lập, không dựa vào gia đình”. Đêm tân hôn mới biết chồng không nhà cửa, căn phòng đang trọ là nhờ một gia đình người bạn và chẳng biết bao giờ mới có thể mua được nhà. “Khi đó chúng tôi sống dựa vào tiền thù lao đi hát tại các rạp phim, phòng trà của anh Kỳ. Sau khi sinh đứa con đầu lòng, tôi mới quyết chí đi mua trả góp một căn nhà nhỏ trong hẻm sâu với bề ngang 4m, sâu 14 m. Phía trước nhà trệt, phía sau có một cái gác nhỏ. Từ đó mà anh Kỳ có nhà riêng, có nơi ngồi viết lách. Tiền mua nhà thì trả mấy đợt mới hết”.
Cuộc sống khấm khá lên từ khi nhạc Bolero thịnh hành. Theo bác Kha: “Nhạc Bolero lúc đó được hiểu là dòng nhạc trữ tình, quê hương, khác với nhạc nhảy ở vũ trường, khác với nhạc Mỹ, nhạc Pháp, không phải nhạc rock, nhạc jazz. Âm nhạc thì dựa vào dân gian, nội dung thì nói về tình yêu quê hương, con người”. Nhạc Bolero thịnh hành tới mức các bản nhạc in ra số lượng lớn mà vẫn tiêu thụ hết. “Có lần, nhà xuất bản đưa một chiếc ô tô đến đậu trước ngõ nhà tôi, bảo với anh Kỳ là nếu anh bán bản quyền bài hát mới nhất cho chúng tôi thì chiếc xe này là của anh. Từ đó, chồng tôi không đi chiếc vecpa mà đi chiếc ô tô ấy”.
Người vợ cố nhạc sĩ như còn thấy hình ảnh người chồng bên chiếc đàn ghi ta thùng giản dị, đêm đêm hướng ánh mắt xa xăm, như mong đợi điều gì. Bác Kha Thị Đàng kể: “Những năm tháng đất nước chia cắt, chồng tôi chỉ có một mong ước là đất nước hòa bình, thống nhất. Quê hương liền một giải. Ngày xuân, người ta tổ chức nhiều trò vui, thì chồng tôi lại ngồi viết nhạc, rằng chưa có mùa xuân”.
Sau năm 1975, đất nước hòa bình thống nhất. Kinh tế rất khó khăn, xe ô tô phải bán đi để nuôi con. Bác Đàng bảo: “Kể từ đó chồng tôi toàn đi xe đạp. Đến lúc mất, chồng tôi đã sử dụng khoảng 9 chiếc xe đạp”. Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên thì dù không phải hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam, nhưng nhạc sĩ Châu Kỳ thường đạp xe lên trụ sở của hội, cà phê, gặp gỡ anh em sáng tác nhiều thế hệ.
Nhạc sư Vĩnh Tuấn, nguyên giáo sư Trường quốc gia âm nhạc Huế trước 1975, cũng là bạn với nhạc sĩ Châu Kỳ nhận xét: “Các sáng tác của Châu Kỳ đậm chất quê hương. Đặc biệt có bài Ai Ra Xứ Huế, là tác phẩm để đời”.
Ông đã khép lại cuộc đời sáng tác của mình trên đất mẹ vào năm 2008. Bác Đàng thấy chồng ốm đau quá, leo lên núi Yên Tử (Quảng Ninh) làm một bài thơ đem về. Chồng đọc xong, nhận xét: “Em viết hay lắm, để anh khỏe sẽ phổ nhạc”. Một hôm, bỗng dưng bác Châu Kỳ khỏe khoắn, ngồi dậy phổ hết bài thơ, nét chữ rất ngay ngắn, đẹp hơn cả lúc bình thường, khiến vợ vô cùng kinh ngạc. Rồi Châu Kỳ bảo vợ: “Anh phổ thơ em xong rồi đó. Để anh khỏe thì anh sẽ tập cho em hát”. 3 ngày sau, nhạc sĩ qua đời.
Bác Kha Thị Đàng cầm bản thảo bài thơ “Ánh đạo vàng” ca ngợi vua Trần Nhân Tông mà chồng mình phổ nhạc, là tác phẩm cuối cùng của Châu Kỳ, không cầm nước mắt: “Chồng tôi ra đi khi chưa kịp tập cho tôi hát bài hát này”. Bài hát có những câu: “Nương gót từ bi, khoác áo nâu sòng người trung tu từng bước đi lên. Đầu đội trời, chân đạp đất chịu khổ hạnh làm ngọn đuốc tuệ chiếu ánh sáng đạo vàng”.
- “Hương Xưa” và những nỗi niềm một chiều thu trong thời chiến
- Tình cảm và nỗi nhớ của người lính chiến khu chất đầy trong ca khúc “Mùa Xuân Gửi Em”
- Nhớ về Chương trình Dạ Lan – Huyền thoại về “em gái hậu phương” một thời
- Những hình ảnh cực hiếm về Ga Sài Gòn trước năm 1978 – Ga tàu trăm năm in sâu trong ký ức người dân Sài Gòn
- Khám phá bộ sưu tập những bức ảnh đẹp nhất về các tượng đài của Pháp tại Sài Gòn