Cuộc đời và sự nghiệp của Sĩ Phú – Chàng Ca sĩ lịch lãm đầy quyến rũ với nhiều phụ nữ.

Sĩ Phú được biết đến với vai trò là một ca sĩ nổi tiếng với chất giọng ấm áp và vô cùng truyền cảm. Mặc dù chưa từng học qua lớp nhạc nào, nhưng với khả năng thiên phú của mình, giọng hát Sĩ Phú đã được khán giả đón nhận một cách nồng nhiệt. Đồng thời với phong cách trình diễn đầy vẻ hào hoa và bay bướm trong bộ đồ bay của ông đã thu hút được ngay cảm tình của khán giả và những người mến mộ, một thời từng là một hình ảnh lịch lãm đầy quyến rũ với nhiều phụ nữ.

Ca sĩ Sĩ Phú

Sĩ Phú tên đầy đủ là Nguyễn Sĩ Phú, sinh ngày 09 tháng 1 năm 1940 ( nhưng trong giấy khai sinh để là 1942) tại Bonneng Thakhet, Lào trong gia đình có 3 người con, ông là con út. Bố mẹ Sĩ Phú làm việc tại đây trước khi về sống tại miền Bắc Việt Nam. Sau đó năm 1954, gia đình ông di cư vào Nam sinh sống, ông cư ngụ tại Sài Gòn đến năm 1975.

Lúc chưa đầy 16 tuổi, ông đã tốt nghiệp trung học, rồi sau đó nhập học Trường Đại học Khoa học. Khi mới tròn 18 tuổi, ông đã là giáo sư trung học đệ nhất cấp (cấp 2), dạy môn toán và lý hoá ở hai trường Trung học La San Nghĩa Thục và Thăng Long tại Sài Gòn.

Năm 1962, Sĩ Phú gia nhập binh chủng không quân và từng mang tới cấp hàm thiếu tá không quân. Đến năm 1968, ông mới bắt đầu sự nghiệp ca hát của mình, khi trình bày một nhạc phẩm trên đài Truyền hình Việt Nam trong dịp kỉ niệm ngày thành lập binh chủng không quân. Bằng giọng ca thật trầm ấm và truyền cảm, Sĩ Phú đã làm lay động trái tim của khán thính giả và tên tuổi của ông được nhiều người biết đến từ đó.

Sau một thời gian ngắn trên con đường ca hát, ông đã trở nên nổi tiếng với những nhạc phẩm tình cảm lãng mạn, trong số có những nhạc phẩm tiền chiến như: Tà áo xanh, Trở về bến mơ, Em tôi, Hoài cảm, Cô láng giềng… Đến nay một số ca khúc như: Mắt biếc, Chuyện tình buồn, Niệm khúc cuối, Chiếc lá cuối cùng … có nhiều người cho rằng không có ca sĩ nào để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc như giọng ca của Sĩ Phú.

Khi còn ở Việt Nam, Sĩ Phú đã góp tiếng hát mình trong một số băng nhạc mang nhãn hiệu Tú Quỳnh của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, là người đã góp công không ít trong việc đưa tên tuổi Sĩ Phú lên cao. Ngoài ra, Sĩ Phú còn cộng tác một thời gian dài trong “Chương Trình Phạm Mạnh Cương”, phát hành hàng tuần trên đài Truyền Hình Việt Nam từ năm 1969.  Cùng với đó, Sĩ Phú còn hợp tác với chương trình “Chiến Sĩ Và Đời Sống” trên đài phát thanh quân đội và “Chương trình Phạm Mạnh Cương” trên đài phát thanh Sài Gòn.

Mặc dù rất nổi tiếng trong sự nghiệp ca hát, nhưng ông xem việc ca hát chỉ là nghề phụ. Sĩ Phú rất ít khi xuất hiện trong các sân khấu nhạc hội hay vũ trường ở Sài Gòn, ông chỉ thường hát trong những chương trình ca nhạc tổ chức tại Câu lạc bộ Không quân ở phi trường Tân Sơn Nhất.

Khoảng cuối thập niên 1960,  Sĩ Phú lập gia đình với một thiếu nữ tên Chi, cô rất say mê tiếng hát và tính tình hào hoa của ông.  Họ có với nhau 3 người con trai, hiện 3 người vẫn còn ở lại Việt Nam.

Năm 1975, Sĩ Phú rời Việt Nam và sang định cư tại Hoa Kỳ. Năm 1976, Sĩ Phú được mời biểu diễn trong một chương trình văn nghệ mừng Tết Bính Thìn tại San Diego, lúc này ông đã gặp ca sĩ Uyên Ly, hai người nảy sinh tình cảm và quyết định cùng nhau chung sống, họ có với nhau một người con gái vào năm 1978. Cũng trong năm 1976, ông đi học và đã tốt nghiệp ngành kỹ sư viễn thông và làm việc toàn thời gian cho một công ty Mỹ.

Ở hải ngoại, Sĩ Phú từng đi lưu diễn ở nhiều nơi tại Canada, Úc, Pháp, Bỉ… Sau đó, trong khoảng 10 năm, hầu như ông không tham gia các hoạt động văn nghệ. Đến năm 2000, trong một cuộc phỏng vấn bởi Nam Lộc trên đài Truyền hình Văn nghệ Việt Nam, ông cho biết vì “biến cố” con gái ông mất năm 1983, nên ông sinh ra chán nản và “bỏ nghề không muốn hát nữa, vì không thể nào hát nổi khi trái tim đã bị rướm máu.”

Đến năm 1995, nỗi đau đã qua đi và phần vì nhớ những sinh họat ca nhạc, Sĩ Phú đã nhận lời xuất hiện trên chương trình video Trường Thanh số 1, thu hình tại thành phố Montreal, Canada.  Trong chương trình video này, ngoài vai trò ca sĩ, ông còn đảm trách vai trò MC chương trình. Cũng trong năm này, Sĩ Phú đã thực hiện riêng cho mình 2 CD mang tựa đề “Tà Áo Xanh” và “Trái Tim Hững Hờ” trong thời gian ông cư ngụ tại miền bắc California. Trong CD “Tà Áo Xanh” là những nhạc phẩm Sĩ Phú cho là ưng ý nhất của mình như: Tà Áo Xanh, Dư Âm, Cô Láng Giềng, vv… Còn đối với CD “Trái Tim Hững Hờ” gồm 10 nhạc phẩm ngoại quốc nổi tiếng được ông soạn lời Việt dưới những tựa đề như: Cỏ Vẫn Xanh, Si Tình, Tình Yêu Tôi, Lệ Hoen Mắt Biếc, vv… Trước đó Sĩ Phú cũng đã từng thu thanh trên một số CD khác như: Khối Tình Trương Chi, Chân Trời Tím, Cô Hàng Nước, Áo Lụa Hà Đông, Xin Hãy Rời Xa, vv…, mà đa số do trung tâm Diễm Xưa thực hiện.

Ngoài góp mặt trên video Trường Thanh 1, Sĩ Phú còn xuất hiện trên một vài chương trình khác của trung tâm Asia, ông thể hiện những nhạc phẩm Tóc Mây, Tuyết Trắng, vv… và giọng ca của ông vẫn còn gây được ấn tượng tốt đẹp nơi khán thính giả.

Sĩ Phú và Uyên Linh

Sau đó một thời gian, Sĩ Phú dời xuống Orange County và có dịp gặp gỡ Ngọc Lan trong một “party” ở vùng Little Saigon, nam California. Cô gái lúc ấy đã dành ngay cho Sĩ Phú một tình cảm rất đậm đà và chân thật. Và họ cũng đã nảy sinh tình cảm. Uyên Ly sau này cũng biết về mối quan hệ này nhưng cô vẫn chấp nhận. Giữa  Uyên Ly và Ngọc Lan vẫn thường liên lạc trong một mối giao hảo tốt đẹp. Theo Uyên Ly cho hay thì Ngọc Lan là một người phụ nữ “rất dễ thương và tận tình săn sóc anh ấy kể từ khi phát giác là bị bệnh”.

Cuối tháng 4 năm 1999, Sĩ Phú phát hiện ra mình bị ung thư phổi, sau đó ông nhập viện tại bệnh viện UCI dưới sự chăm sóc tận tình của Ngọc Lan. Nhưng đến sáng sớm ngày 19/07/2000 ông trút hơi thở cuối cùng, để lại bao niềm tiếc thương cho người hâm mộ. CD cuối cùng của Sĩ Phú được ra mắt mang tên “Còn chút gì để nhớ” tại vũ trường Majestic, ở nam California.

Sau khi ông qua đời, người bạn cuối đời Ngọc Lan đã gom góp những kỷ niệm viết thành hồi ký “Biết bao giờ nguôi” mà theo BBC thì: “Đó có thể nói là một sự trải nghiệm ngợi ca lòng can đảm, tình nghĩa vợ chồng sắt son và trên hết là tình yêu thương cao cả của con người với nhau, cho nhau và vì nhau.”

4.5/5 - (2 bình chọn)

Viết một bình luận