Ngưỡng mộ cuộc hôn nhân 43 năm ngọt ngào của GS-TS Trần Quang Hải và danh ca Bạch Yến

Nhân kỷ niệm 43 năm ngày cưới, GS-TS Trần Quang Hải đã trải lòng về cuộc sống hạnh phúc bên danh ca Bạch Yến tại nước Pháp.

Giáo sư – Tiến sĩ (GS-TS) Trần Quang Hải, sinh năm 1944, là con trai trưởng của cố GS.TS Trần Văn Khê. Trong hơn 60 năm gắn bó với hoạt động nghệ thuật, trình diễn và nghiên cứu, ông đạt được nhiều thành tựu với gần 30 giải thưởng Quốc tế. Bên cạnh thành công trong sự nghiệp, GS Trần Quang Hải còn có cuộc hôn nhân hạnh phúc cùng danh ca Bạch Yến.

Ngày 17/6/2021 là ngày kỷ niệm 43 năm thành hôn của GS.TS Trần Quang Hải – Bạch Yến. Sau hơn 4 thập kỷ gắn bó trong hôn nhân, dù không có người con chung nào nhưng ông bà vẫn có cuộc sống gia đình hạnh phúc và sự thành công trong sự nghiệp âm nhạc.

Ảnh cưới năm 1978 của GS-TS Trần Quang Hải và danh ca Bạch Yến.

Nhân kỷ niệm 43 năm ngày cưới, GS-TS Trần Quang Hải đã trải lòng về cùng Dân trí về cuộc sống hạnh phúc bên danh ca Bạch Yến tại nước Pháp.

Tôi thành công nhờ có vợ… sắp đặt

Với hơn 43 năm gắn bó trong cuộc sống hôn nhân, điều gì khiến GS-TS Trần Quang Hải trân trọng nhất ở người bạn đời của mình – danh ca Bạch Yến?

Tôi trân trọng vợ mình vì có tình thương, chung thủy và sự hy sinh nghề nghiệp. Bạch Yến đã chuyển từ hát tân nhạc sang học hỏi hát dân ca để cùng tôi đi truyền bá nhạc dân tộc khắp thế giới.

Trong 43 năm qua, chúng tôi đã cùng thực hiện nhiều CD, trình diễn qua 60 quốc gia và hơn 100 đại nhạc hội quốc tế.

Ông thương vợ mình nhất ở điều gì trong tính cách và cách sống?

Vợ tôi sống rất ngăn nắp, ăn uống cẩn thận để giữ gìn sức khỏe. Đặc biệt, Bạch Yến rất chú trọng về cách trình diễn trên sân khấu và thận trọng khi xếp đặt chương trình.

Vợ bảo tôi ăn mặc đúng phong cách người Việt xưa khi chúng tôi đi diễn. Mỗi khi lên sân khấu yêu cầu tôi phải mặc áo dài the, khăn đóng đen, dép Gia Định, áo quần trắng bên trong… Cả cách đi đứng trên sân khấu, cách chào cung kính theo người Việt Nam.

Còn về phía vợ tôi thì móng tay, móng chân phải để trắng, không đeo nữ trang vì đóng vai gái quê. Bà mặc trang phục theo nội dung bài hát. Là khăn mỏ quạ, áo tứ thân cho dân ca Bắc; khăn rằn ri, áo bà ba trắng quần đen cho dân ca Nam Bộ. Khi đi ra sân khấu, luôn luôn đi sau chồng.

Hình ảnh vợ chồng GS Trần Quang Hải và danh ca Bạch Yến trình diễn cùng nhau năm 1998.

Nhờ vậy mà chúng tôi chỉ có hai người không cần phải rườm rà áo quần, trình diễn mộc không cần micro, âm thanh. Chỉ có hai người với vài nhạc cụ do tôi trình diễn, như đàn tranh, đàn cò, sinh tiền, muỗng… mà vẫn chinh phục khán giả Tây phương vì giữ đúng phong cách cổ truyền.

Nên tôi khẳng định, nhờ xếp đặt của vợ để chúng tôi đi đến thành công.

Theo ông, có phải khi người ta có cuộc sống riêng an ổn thì mới có thể chuyên tâm cho sự nghiệp? Ông có thấy mình may mắn khi gặp được người bạn đời ăn ý như bà Bạch Yến?

Có thể nói, tôi rất may mắn khi cưới được Bạch Yến làm vợ. Chính vợ đã giúp tôi thành công trong sự nghiệp âm nhạc và nghiên cứu.

“Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn”, từ ngày chúng tôi thành vợ chồng tới nay, tôi đã gặt hái nhiều thành công rực rỡ.

Và có điều gì vợ làm khiến ông “bực mình” mà không dám nói không?

Vợ tôi tính quá kỹ lưỡng, đâu ra đó đàng hoàng. Đôi khi tôi không quen vì tính hay buông đùa, xí xóa. Cũng có lúc bực mình, nhưng tôi không dám thổ lộ (cười). Nhưng rồi nghĩ lại, thấy mình bực bội hoàn toàn vô lý. Vậy là tìm cách giải hòa.

Trong cuộc sống sẽ không tránh khỏi những lúc bất đồng. Vậy điều gì khiến ông bà bất đồng với nhau nhiều nhất? Và cả hai làm sao để chấp nhận những bất đồng của nhau?

Không ai có thể sống hoàn toàn trong một cuộc sống yên lặng. Chúng tôi thường hay bất đồng ý kiến trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng dù có gây sự với nhau thường cũng chỉ trong chốc lát, lâu hơn là trong một ngày thì cả hai hòa hợp lại với lời xin lỗi của đôi bên.

Mỗi ngày, tôi luôn chọc vợ cười vì tính tôi hay đùa. Chúng tôi gọi nhau bằng ba-má nên vợ tôi thường nói “Ngày nào ba không làm má cười thì thôi nhau”.

Có bao giờ giữa ông bà xảy ra mâu thuẫn đến mức muốn chia tay nhau không?

Có đôi lúc chúng tôi gây nhau “dữ tợn” lắm, nhưng chưa đi tới chỗ muốn chia tay. Cả hai đều có một “quá khứ sôi động”, với sự hiểu biết nhau, thương yêu nhau, kính trọng nhau cho nên dễ làm hòa.

Tôi biết ơn vì vợ – “kế mẫu” đã dạy dỗ con gái tôi nên người

Ông có cảm thấy buồn hay tiếc gì khi ông bà không có người con chung nào?

Chúng tôi không buồn vì không có con với nhau. Trời Phật định đoạt như thế nào thì mình phải chấp nhận.

Tôi đã có con với người vợ trước. 3 năm sau khi ly dị tôi gặp Bạch Yến. Vợ tôi là “kế mẫu” nhưng thương yêu con gái của tôi như con ruột của mình. Bà còn dạy dỗ con tôi đúng theo truyền thống Việt Nam.

Nhờ vậy con gái tôi dù sinh ở Pháp nhưng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt thông thạo. Tôi không bao giờ quên công ơn này của vợ.

Ông bà đều lớn tuổi, bên cạnh không có con cháu, cả hai chăm sóc nhau như thế nào?

Vợ lúc nào cũng chăm lo sức khỏe cho tôi. Mỗi ngày bà “coi chừng” và khuyên tôi không nên ăn nhiều thịt mà nên ăn rau, trái cây.

Năm 2017, khi biết tôi mắc bệnh ung thư máu, tiểu đường nặng, suy thận, áp huyết cao… tôi không còn lái xe vì uống nhiều thuốc. Bà ấy trở thành tài xế lái xe đưa tôi đi bệnh viện, nhắc chừng tôi phải uống thuốc đúng ngày giờ.

Tôi uống 20 viên mỗi ngày, y tá tới nhà chích ba lần mỗi tuần, thử máu một lần mỗi tháng. Tôi ba lần “xém chết” vì kỵ thuốc uống.

Tôi suýt bị tai biến não vì độ đường xuống quá thấp phải cấp cứu. May nhờ vợ tôi hay, kịp kêu xe cấp cứu. Tôi nằm bệnh viện 3 lần trong 3 năm 2017, 2018 và 2019.

Ngoài ra, vợ còn lo cơm nước, giặt ủi quần áo, đi chợ búa… cùng đi bộ với tôi 2km mỗi ngày. Nhờ sự chăm sóc chu đáo của vợ mà sức khỏe tôi đã tốt hơn rất nhiều và tôi càng thương vợ hơn.

Như GS Trần Quang Hải chia sẻ, vợ chăm cho ông từ miếng ăn, giấc ngủ. Vậy ngược lại, ông sẽ chăm lo cho bà như thế nào?

Từ lúc về hưu tới nay, tôi nói vợ để mình làm bếp. Tôi muốn giúp vợ đỡ lo phần nấu nướng. Lúc đầu vợ không chịu vì “nghi ngờ” tài làm bếp của tôi (cười).

Vợ chỉ bằng lòng chỉ dạy tôi cách căn bản pha nước mắm tỏi ớt theo gu miền Nam, cách ướp thức ăn theo Việt, Hàn, Trung Quốc…

Tôi thường xem các chương trình dạy nấu nướng trên mạng để thay đổi thực đơn mỗi ngày. Dần dần, vợ đã thấy tôi từ “nấu tạm được” thành càng ngày nấu càng ngon.

Hiện, tôi đã biết nấu trên 60 món, một nửa là món ăn Việt Nam, một nửa là các xứ khác. Tôi lo việc rửa chén dĩa, chuẩn bị đồ ăn sáng, cà phê, bánh mì để vợ chồng cùng ăn với nhau. Tuy không nhiều nhưng đó là cách tôi chăm lo cho vợ.

Giấc mơ ấp ủ sau 60 năm xa quê

Một ngày của ông sẽ bắt đầu như thế nào?

Khi còn làm việc công sở, tôi đi làm ở Viện bảo tàng Con người. Cuối tuần hai vợ chồng cùng nhau đi trình diễn khắp Châu Âu theo lịch trình mỗi năm.

GS Trần Quang Hải và danh ca Bạch Yến chụp ảnh cùng Tổng thống Pháp Jacques Chirac năm 2002.

Từ năm 2009, khi về hưu, cuộc sống thường nhật có thay đổi. Tôi vẫn dậy sớm như hồi còn đi làm, nhưng để nghiên cứu hát đồng song thanh (Hát đồng song thanh là sự hài hòa âm thanh mà người hát có thể sản xuất từ sâu trong cổ họng – PV), viết bài và sửa soạn các bài tham luận cho các hội nghị quốc tế.

Tôi đã tham gia hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam do UNESCO đề xướng trong thời gian hưu trí.

Trước khi phát hiện bị bệnh ung thư máu, năm 2017 tôi đã tặng cho Viện Âm nhạc Hà Nội hơn 1000 CD nghiên cứu nhạc dân tộc thế giới và hơn 1000 quyển sách tài liệu nghiên cứu dân tộc nhạc học.

Từ ngày biết mình bệnh, tôi có viết hai quyển sách kể lại 50 năm nghiên cứu nhạc truyền thống Việt nam và hát đồng song thanh.

Những năm tháng đã đi qua, ngoài công việc thì điều gì khiến ông cảm thấy hạnh phúc nhất? Vui vẻ nhất?

Suốt 43 năm qua, tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là vợ chồng tôi đã tạo một hình ảnh đẹp cho thế giới nghệ sĩ. Đó là lòng chung thủy với nhau, không một tiếng xấu trong cuộc sống, và luôn làm đẹp hình ảnh Việt Nam trong làng văn nghệ thế giới.

Ông bà có định về sống tại Việt Nam những năm tháng sau này không?

Vợ chồng tôi mong muốn trở về sống ở Việt Nam trong những ngày cuối đời. Đó là giấc mơ của những người xa quê hương gần 60 năm. Chúng tôi chỉ sợ người trong nước không coi chúng tôi là người Việt mà chỉ coi là Việt Kiều!

Xin trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ. Kính chúc ông bà luôn nhiều sức khỏe và an vui trong cuộc sống!

Theo Băng Châu – Báo Dân Trí

Đánh giá post

Viết một bình luận