Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Xuân Thu – Hoài niệm về một giọng hát ngọt ngào mà của tuổi trăng tròn.

Vào những năm thập niên 1960, xuất hiện một cô ca sĩ mới, với chất giọng êm dịu, khuôn mặt khả ái, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi như một mùa xuân dịu dàng vừa chớm. Cô hay trình bày những ca khúc mang âm điệu buồn man mác như gió mùa thu, thổi vào hồn người nghe một cảm xúc khó tả. Đó là ca sĩ Xuân Thu, tiếng hát ngọt ngào, đằm thắm của cô một thời làm say đắm lòng người thưởng thức, mặc dù chỉ hoạt động chính thức trong một khoảng thời gian ngắn chưa đến 10 năm, nhưng tên tuổi của cô vẫn được nhiều người mến mộ nhớ tới. Vào những năm thập niên 60, ca sĩ Xuân Thu thường xuất hiện trên đài phát thanh với những ca khúc gắn liền với tên tuổi của mình như: Biển Nhớ, Nhìn Những Mùa Thu Đi, Thu Quyến Rũ, Màu Kỷ Niệm, Tuyết Trắng, Ai Đưa Em Về, Mộng Ban Đầu,…  và đặc biệt là ca khúc Ai Lên Xứ Hoa Đào.

Xuân Thu sinh năm 1950 tại Sài Gòn, cha cô là người miền Bắc, mẹ là người Huế. Cha mẹ cô gặp nhau tại Sài Gòn, sau đó kết hôn và cư ngụ tại một căn nhà nhỏ trong hẻm số 12 đường Phan Thanh Giản ( tức đường Điện Biên Phủ ngày nay). Xuân Thu là cô con gái lớn trong gia đình, dưới cô còn có 3 người em trai và một người em gái. Cả gia đình tất thảy 7 người sống chung với nhau sum vầy trong căn nhà ấm cúng ấy cho mãi đến năm 1975, mặc dù giai đoạn khá giả cha cô muốn chuyển qua căn nhà khang trang hơn nhưng tất thảy mọi người đều muốn ở lại căn nhà với đầy ắp kỉ niệm của gia đình này.

Ca sĩ Xuân Thu

Từ nhỏ, Xuân Thu đã có đam mê với âm nhạc và có tài năng ca hát nhưng mãi đến năm 1962, cô mới bắt đầu đến với ca nhạc khi được cha mẹ cho phép sinh hoạt với ban thiếu nhi Tuổi Xanh của vợ chồng nghệ sĩ Kiều Hạnh và Phạm Đình Sỹ.

Cơ duyên đến với ban Tuổi Xanh là vào đầu thập niên 1960, bà ngoại của Xuân Thu mở một nhà hàng có sân khấu ca nhạc hàng đêm do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết phụ trách, lúc này có những ca sĩ tên tuổi như Minh Hiếu, Mỹ Thể… cộng tác với nhà hàng. Vào một hôm, các ca sĩ không rõ lí do là gì đã tới muộn để biểu diễn, đúng lúc này cô bé Xuân Thu lại có mặt lúc đó, và vì rất thích hát nên cô đã xin được lên hát thế. Vì còn sớm, khách đến chưa đông nên nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết đã đồng ý cho cô bé 11 tuổi Xuân Thu lên hát thử cùng ban nhạc với ca khúc Xuân Ca của nhạc sĩ Phạm Duy.

Ca sĩ Xuân Thu (bên trái) và các em

Sau khi nghe Xuân Thu hát xong, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết đã tỏ ra vô cùng thích thú. Ngay sau đó ông đã giới thiệu cô bé đến vợ chồng nghệ sĩ Kiều Hạnh – Phạm Đình Sỹ, qua sự giới thiệu nhiệt tình của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết, nghệ sĩ Kiều Hạnh đã tìm đến nhà của Xuân Thu để xin phép gia đình cô cho gia nhập vào ban Tuổi Xanh.

Do tên tuổi của ông bà Kiều Hạnh và Phạm Đình Sỹ rất có tiếng thời bấy giờ, cha mẹ Xuân Thu cũng quý mến tài năng của họ nên đã bằng lòng cho con gái của mình gia nhập vào ban Tuổi Xanh để sinh hoạt ca nhạc với các bạn đồng trang lứa.

Trong Ban Tuổi Xanh có nhiều giọng ca thiếu nhi mà đa số sau này đều trở thành những ca sĩ nổi tiếng. Cũng nhờ vào những chương trình của ban Tuổi Xanh mà Xuân Thu có dịp xuất hiện thường xuyên trên các đài phát thanh và sau này là đài vô tuyến truyền hình và giọng hát của cô bắt đầu gây được nhiều thiện cảm, không chỉ với công chúng yêu nhạc mà còn với cả những nhạc sĩ khác.

Ca sĩ Xuân Thu

Có một thời gian ngắn Xuân Thu cộng tác với ban nhạc trẻ thuộc phái nữ đầu tiên của Việt Nam là The Blue Stars và trình bày nhiều ca khúc nổi tiếng nước ngoài rất thịnh hành vào thời đó, đặc biệt là những nhạc phẩm của Connie Frncis trong các chương trình đại nhạc hội vào khoảng năm 1964. Được một thời gian thì cô ngưng hát với The Blue Stars khi ban nhạc này bắt đầu trình diễn trong các club Mỹ cùng với sự gia nhập của hai nữ ca sĩ Kim Thoa và Hồng Loan.

Năm 1965, Xuân Thu bắt đầu hát những bản nhạc tình cảm được gọi là của người lớn (trước đó cô chỉ hát những bản nhạc vui tươi hoặc nhạc thiếu nhi). Cô được rất nhiều nhạc sĩ nổi danh mời cộng tác với chương trình của họ. Bắt đầu là ban nhạc Tiếng Hát Đôi Mươi của nhạc sĩ Nhật Trường, ông đã mời cô hát ca khúc “Hãy Trả Lời Em” với phần bè của ba ca sĩ nổi danh thời đó là Nhật Trường, Hoàng Oanh và Mai Hương.

Ca sĩ Xuân Thu

Tiếp đó cô còn được cộng tác với nhiều ban nhạc khác trên đài phát thanh như ban Trường Sơn của Duy Khánh, ban Đàn Dây của Hoàng Lang, … Bên cạnh đó, Xuân Thu còn xuất hiện trên truyền hình cùng các ban Hương Thời Gian, Tiếng Tơ Đồng, Thi Văn Tao Đàn…

Ngoài ra, trong những năm giữa thập niên 60 đến đầu thập niên 70, tiếng hát ngọt ngào của Xuân Thu còn được khán thính giả biết đến qua một số chương trình truyền thanh, truyền hình như: Hương Thời Gian, Nhạc Vàng, Thi Nhạc Giao Duyên,… Giai đoạn này cô thường xuyên trình bày những nhạc phẩm của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn – Từ Linh cùng nhiều nhạc phẩm của các nhạc sĩ khác như: Trịnh Công Sơn, Ngô Thuỵ Miên, Từ Công Phụng,…

Xuân Thu thường chọn những ca khúc có giai điệu nhẹ nhàng để trình bày. Cô hát nhiều bài nhạc tiền chiến nhưng bên cạnh đó cô cũng diễn tả được thành công các ca khúc mới sáng tác của các tác giả tên tuổi. Người thưởng ngoạn thường nghe Xuân Thu hát Biển Nhớ (của Trịnh Công Sơn), Màu Kỷ Niệm (của Phạm Đình Chương, phổ từ thơ của thi sĩ Nguyên Sa), Tuyết Trắng (của Anh Chương), Ai Lên Xứ Hoa Đào (của Hoàng Nguyên), Ai Đưa Em Về (của Thanh Sơn), Mộng Ban Đầu (của Hoàng Trọng), …

https://www.youtube.com/watch?v=Ph3Qk2C_dxQ

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc Ai Lên Xứ Hoa Đào do Xuân Thu trình bày.

Xuân Thu có một giọng hát nhẹ nhàng và đầy quyến rũ. Cô có cách nhả chữ rất riêng của mình, mỗi nốt nhạc, qua giọng hát của Xuân Thu như một lời nhắn nhủ đầy cảm xúc sâu lắng. Giọng hát đó không quá cường điệu mà cũng không đơn giản hóa cảm xúc của bài hát. Xuân Thu hấp dẫn người nghe bằng sự thuần khiết và ngây thơ trong giọng hát của mình, giọng hát của cô có thể chinh phục khách thưởng ngoạn và làm vương vấn tâm hồn người nghe.

Ngoài góp mặt trong các chương trình trên đài phát thanh và truyền hình, Xuân Thu cũng thỉnh thoảng hát cho một số chương trình đại nhạc hội, trừ những chương trình tuyển lựa ca sĩ do đài phát thanh Sài Gòn tổ chức.

Ca sĩ Xuân Thu

Về mặt thu thanh, Xuân Thu đã hợp tác thu tiếng hát của mình trên một số đĩa nhạc của các công ty Việt Nam của Cô Sáu, Continental của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.

Tuy là một giọng hát đặc biệt, được chú ý đến nhiều và nổi tiếng khá sớm khi còn đang học trung học. Nhưng với Xuân Thu, cô đi hát là để thỏa mãn tâm hồn yêu văn nghệ của mình, còn việc ưu tiên hàng đầu của cô vẫn là học vấn. Vì thế, khi Xuân Thu đang được biết đến nhiều nhất thì cô lại dần dần rút khỏi sân khấu, bởi cô phải tập trung vào các đợt thi tú tài, thi vào đại học Văn Khoa, cho đến khi cô bước chân vào đại học Văn Khoa (1972) thì gần như cô không còn sinh hoạt văn nghệ nữa.

Sau đó, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Xuân Thu quyết định nghỉ học đi làm để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Cô ứng tuyển vào tổ hợp ngân hàng Bank Of America ở Sài Gòn và được thu nhập chỉ chờ ngày đi làm.

Ca sĩ Xuân Thu

Cũng trong thời gian này một công ty khai thác dầu hoả ngoại quốc tại Việt Nam cần tuyển gấp nhân viên nên đã liên hệ với Bank Of America và đề nghị chuyển cho họ danh sách 10 người đã được tổ hợp này chọn để thực hiện phỏng vấn. Và Xuân Thu có tên trong danh sách này, đồng thời trong 10 người cô lại là người duy nhất được chọn vào làm việc cho công ty dầu hoả này mặc dù trước đó chưa bao giờ đi làm.

Tháng 9 năm 1974, Xuân Thu được gửi sang Anh tu nghiệp về quản trị hành chánh cho công ty dầu hoả trong 2 tháng. Qua hải ngoại, Xuân Thu nói rằng thời gian đó đã giúp cô được mở mang tầm mắt rất nhiều. Sau đó, cô trở về làm việc cho công ty đến năm 1975.

Ca sĩ Xuân Thu

Sau sự kiện vào tháng 4 năm 1975, cả gia đình Xuân Thu vượt biên, họ ở trại tị nạn Fort Chaffee hơn 1 tháng thì được công ty ITT (là nơi cha cô từng làm việc trước đó khi còn ở Việt Nam) đưa về tiểu bang New Jersey cư ngụ. Ngay sau đó, cha mẹ Xuân Thu cùng với cô và 1 người em trai nữa đã đi làm ngay cho công ty này.

Sau vài năm sống ở New Jersey, vào cuối năm 1978 thì cả đại gia đình Xuân Thu chuyển sang bang California có nắng ấm vì bố mẹ của cô lúc này cũng đã có tuổi và không thể chịu nổi cái lạnh ở New Jersey. Đây cũng được xem là thủ phủ của người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ, nhiều nhà sản xuất âm nhạc sau khi biết Xuân Thu chuyển tới đó đã tìm đến Xuân Thu mời cô đi hát. Lúc đầu, Xuân Thu từ chối những lời mời vì nghĩ rằng mình đã rời xa âm nhạc quá lâu. Tuy nhiên được sự khuyến khích của cha mẹ, cô quyết định đi hát lại với niềm đam mê và cũng với mục đích tìm gặp lại được những bạn bè và người quen đã phân tán khắp nơi sau khi rời Việt Nam.

Ca sĩ Xuân Thu

Sau một thời gian dài rời xa sân khấu, nhưng giọng hát của Xuân Thu tưởng chừng như chưa bị thời gian đi qua. Cô vẫn thể hiện ca khúc một cách thẹn thùng, vẫn duyên dáng trữ tình và tràn đầy cảm xúc. Nó giúp cho Xuân Thu có một chỗ đứng riêng biệt và trang trọng trong lòng nhiều người mến mộ.

Xuân Thu đi hát thường xuyên hơn và cũng có thực hiện cho mình một vài album cũng như thỉnh thoảng xuất hiện trong các chương trình ca nhạc của các trung tâm hải ngoại. Cuối năm 1979, với sự khuyến khích của chồng, Xuân Thu đã thực hiện CD đầu tiên với chủ đề “Chiều Vàng”. CD này cô làm nhằm mục đích để tặng bạn bè để làm kỷ niệm cho thời gian đi hát ngắn ngủi của mình chứ không phổ biến với tính chất thương mại.

Ca sĩ Xuân Thu

Ngoài ra, Xuân Thu còn xuất hiện cùng với Mai Hương và Jo Marcel trên sân khấu của một số phòng trà nhỏ vào đầu thập niên 80 tại vùng Orange County trong một thời gian ngắn. Cho đến cuối năm 1983, Xuân Thu đi làm trở lại ở Bank of America, vì công việc khá bận rộn có khi mỗi ngày phải làm tới 12 tiếng nên Xuân Thu một lần nữa tạm dừng việc ca hát.

Chỉ đôi lúc, cô nhận lời mời của các thân hữu thì mới xuất hiện trong những buổi sinh hoạt văn nghệ với tính chất góp vui hoặc trong một số chương trình gây quỹ cho người tị nạn.

Ca sĩ Xuân ThuXu

Năm 2005, Xuân Thu góp mặt trong chương trình kỷ niệm cuộc đời đi hát của Mai Hương (cũng bắt đầu từ ban thiếu nhi Tuổi Xanh như cô).

Năm 2006, Xuân Thu nhận lời tham gia trong chương trình đặc biệt dành cho cố nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, được tổ chức tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt ở Little Saigon.

Thoixua biên soạn

Nguồn tham khảo: Bài viết của cố  nhạc sĩ Trường Kỳ.

3.3/5 - (3 bình chọn)

Viết một bình luận