Đôi nét về cuộc đời của danh ca Tâm Vấn (1934 -2018) – Giọng ca lả lướt đầy rung cảm một thời

Tâm Vấn là một trong những nữ ca sĩ thuộc thế hệ đầu của tân nhạc Việt Nam. Tên tuổi của nữ danh ca gắn liền những nhạc phẩm như Mơ Hoa, Thu Vàng, Ngày Về, Gái Xuân,… Vào những năm đầu thập niên 1950, Tâm Vấn nổi danh với giọng hát ngọt ngào, lả lướt và đầy rung cảm, tiếng hát của cô vang vọng trong các buổi phát sóng của Đài phát thanh Hà Nội, Đài phát thanh Pháp Á, Đài Vô Tuyến Việt Nam.

Tâm Vấn sinh ngày 16 tháng 7 năm 1934 tại Hà Nội. Tên khai sinh của cô là Dương Thị Vân nhưng do huý kỵ với một người trong họ nên gọi trại đi là Vấn. Khi còn đi học cô bị các bạn chọc ghẹo nhiều vì tên nghe như “vấn thuốc lá ” nên cô đã đề nghị bạn bè gọi mình bằng tên Tâm – cái tên mà cô thích. Nghệ danh Tâm Vấn được cô chọn do hai cái tên của cô tạo thành và sau này trên giấy tờ cô cũng đổi lại thành Dương Tâm Vấn.

Danh ca Tâm Vấn

Tâm Vấn ngay từ nhỏ đã có năng khiếu ca hát, giọng hát của cô lả lướt, giàu cảm xúc. Giọng ca tiềm năng ấy đã được nhạc sĩ Trần Văn Nhơn chú ý đến khi nền tân nhạc mới bắt đầu phát triển mạnh mẽ tại Hà Nội. Dưới sự hướng dẫn về nhạc lý của nhạc sĩ Trần Văn Nhơn, chỉ ít lâu sau Tâm Vấn đã mạnh dạn lên đài phát thanh Hà Nội trình bày bản “Mưa Đêm Thu” mở màn cho sự nghiệp ca hát của cô. Với giọng ca đầy quyến rũ kèm theo bóng dáng của một nữ sinh ngoài 20 tuổi xinh tươi khả ái, Tâm Vấn nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán thính giả. Thính giả Hà Thành bắt đầu chú ý đến giọng ca của cô và sau nhiều buổi trình diễn ca nhạc tại sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội, Tâm Vấn đã gặt hái được thành công đầu tiên trong cuộc đời nghệ sĩ của mình. Vào những năm 1950 -1952, Minh Đỗ và Tâm Vấn là hai nữ ca sĩ có tiếng tăm lừng lẫy nhất trong làng Tân nhạc Hà Nội lúc bấy giờ.

Năm 1954, Tâm Vấn di cư vào Sài Gòn sinh sống, gia đình cô sống tại đường Phạm Ngũ Lão, Quận 1. Tại đây, cô tiếp tục xuất hiện trên các làn sóng đài phát thanh Quốc Gia và trình diễn trên các sân khấu tân – nhạc – kịch tại các rạp chiếu bóng. Dù là ở Hà Nội hay ở Sài Gòn thì tiếng hát ngọt ngào của Tâm Vấn vẫn được khán thính giả đón nhận nồng nhiệt. Sở trường của cô là những bản nhạc vui tươi dí dỏm nhưng bên cạnh đó cô cũng thể hiện thành công các ca khúc tiền chiến bất hủ.

Danh ca Tâm Vấn

Đến đầu thập niên 1960, Tâm Vấn dừng việc ca hát một thời gian vì phải chăm lo cho gia đình không có thời gian để tiếp tục sự nghiệp. Lúc ấy chồng của Tâm Vấn là nhà văn Thanh Nghị – nguyên phó Tổng thư ký Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Văn hoá Cộng hoà miền Nam Việt Nam Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong thời gian ông Thanh Nghị hoạt động cách mạng và ở “ngoài bưng” thì Tâm Vấn một mình cán đáng gia đình và nuôi nấng, dạy dỗ những đứa con.

Tuy nhiên, Tâm Vấn và chồng không cùng một “lý tưởng” nên sau đó cô quyết định chia tay. Sau một thời gian cô gặp bác sĩ Nguyễn Đan Quế và hai người nên duyên vợ chồng. Cô rất yêu mến và kính nể bác sĩ Quế và ngược lại ông Quế cũng rất thương yêu và quý mến những người con riêng của Tâm Vấn, những người con này cũng rất kính trọng ông.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc Nỗi Lòng do Tâm Vấn trình bày

Năm 1968 bác sĩ Nguyễn Đan Quế không ở trong nước thường xuyên, ông đi tu nghiệp ở Bỉ (năm 1968), Pháp (năm 1969) và Anh (năm 1972). Đến khoảng năm 1974, ông Quế mới hoàn tất chương trình tu nghiệp, lúc này ông nhận được đề nghị làm việc cho tổ chức Y Tế Thế Giới nhưng ông đã từ chối để được trở về bên vợ con. Về lại Sài Gòn, bác sĩ Nguyễn Đan Quế làm Trưởng khoa nội, bệnh viện Chợ Rẫy và giảng dạy tại trường đại học Y Khoa Sài Gòn.

Tuy nhiên, gia đình hai người chưa được hạnh phúc bao lâu thì sự kiện 1975 diễn ra, sau đó vài năm thì bác sĩ Nguyễn Đan Quế bị bắt giam trong nhiều năm liền. Cùng lúc đó, Tâm Vấn không thể đi hát được, cuộc sống vô cùng khó khăn, cô phải vất vả mưu sinh để nuôi gần 10 miệng ăn trong gia đình và tất bật đi thăm nuôi chồng trong nhiều năm trời.

Danh ca Tâm Vấn

Tuy cũng là một giọng ca nổi danh một thời nhưng tiếng hát của Tâm Vấn hiện nay chỉ còn tìm được rất ít trong vài bản thu trong dĩa nhựa. Vì cô chỉ đi hát vổn vẹn khoảng một thập niên (1950 – 1960), nên vào thời kỳ bùng nổ của các loại băng, dĩa nhạc phát hành tại Sài Gòn trong thập niên 1960, 1970 đều thiếu vắng giọng ca Tâm Vấn, đó là một điều hết sức đáng tiếc.

Tháng 7 năm 2013, diễn ra đêm nhạc tại Emrald Bay với chủ đề: 20 Hà Nội – 60 năm Sài Gòn , đây là đêm hội ngộ khán giả & thân hữu, đồng thời mừng thượng thọ danh ca Tâm Vấn do các con của cô tổ chức và đó cũng là dịp cuối cùng cô xuất hiện trên sân khấu. Trong đêm nhạc, có những khán giả đến từ những nơi xa như Texas, Arizona, Sydney, Việt Nam ở lại tham dự. Trong đó còn có sự tham gia của Air Viet Nam, những vị trí thức của Saigon năm xưa và những nhân vật nổi tiếng của hải ngoại cũng hiện diện trong đêm này.

Danh ca Tâm Vấn

Trong dịp này, Tâm Vấn chia sẻ: “Tôi sinh ra và có được một chút danh ở Hà Nội và chung tình với Sài Gòn suốt 60 năm. Nói là một đời nhưng đã trải qua nhiều kiếp chứ không phải đợi đến lúc chết mới sang một kiếp khác… Tôi coi ca nhạc như một tôn giáo thứ hai. Nhờ ca nhạc tâm hồn tôi được bay bổng, biết yêu thương và có lòng hỉ xả. Tôi cám ơn những nhạc sĩ đã cho tôi những bài ca tôi xem như kinh tụng hàng ngày.”

Ngày 3 tháng 7 năm 2018, danh ca Tâm Vấn qua đời tại Sài Gòn, cô hưởng thọ 84 tuổi. Tuy chỉ xuất hiện trong làng nhạc một thời gian ngắn, nhưng tiếng hát của cô đã để lại những dư âm ngọt ngào cho người nghe. Tiếng hát ấy thanh tao, quý phái nhưng cũng lả lướt làm rung động bao trái tim người Việt, cô đã truyền tải trọn vẹn được cái hồn của bài hát đến người nghe với giọng ca đầy cảm xúc.

Thoixua biên soạn

Đánh giá post

Viết một bình luận