Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Thái Hằng – người vợ tào khang của nhạc sĩ Phạm Duy

Thái Hằng được biết đến là một ca sĩ Việt Nam trước năm 1975, giọng ca của bà gắn liền với những ca khúc “Tiếng Sáo Thiên Thai”, “Tình Hoài Hương”, “Tình Ca”… . Tên tuổi của Thái Hằng gắn bó với nhạc sĩ Phạm Duy và ban hợp ca Thăng Long, gia đình bà là những nghệ sĩ hàng đầu lúc bấy giờ và có những đóng góp to lớn cho nền âm nhạc Việt Nam. Ca sĩ Thái Hằng còn được biết đến là một người vợ đảm của nhạc sĩ Phạm Duy và là mẹ hiền của các ca sĩ nổi tiếng Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo và nhạc sĩ Duy Cường.

Thái Hằng tên thật là Phạm Thị Quang Thái, bà sinh năm 1927 tại Hà Nội và xuất thân trong một gia đình âm nhạc. Cha của bà là Phạm Đình Phụng – một người am hiểu nhạc cổ, ông biết đánh đàn nguyệt, còn mẹ bà thì biết đánh đàn tranh và đàn tỳ bà nổi tiếng một thời ở đất Bắc.

Ca sĩ Thái Hằng

Cha của Thái Hằng có hai người vợ. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được 4 người con trai là Phạm Đình Trung, Phạm Đình Chính, Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ kết hôn với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long. Còn người vợ sau của ông Phụng thì có ba người con: trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái (ca sĩ Thái Hằng). Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh (ca sĩ Thái Thanh).

Thái Thanh – Phạm Đình Chương – Thái Hằng

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống âm nhạc cho nên hầu như tất cả anh chị em của Thái Hằng đều thấm nhuần dòng máu văn nghệ từ lúc còn nhỏ.

Ngày 12 tháng 9 năm 1946, Thái Hằng cùng gia đình tản cư ra Sơn Tây. Sau đó do chị gái bị trúng đạn tử thương nên cha mẹ bà đã đưa các con chạy xuống vùng xuôi, mở một quán phở và đặt tên là Thăng Long. Tại quán phở Thăng Long, các văn nghệ sĩ kháng chiến thường dừng chân ăn phở và nghe nhạc. Cũng từ đó cái tên Ban Hợp Ca Thăng Long ra đời. Thái Hằng lúc bấy giờ còn là cháu của nữ kịch sĩ Song Kim, được Thế Lữ ( chồng của bà Song Kim) có ý định cho vào hoạt động trong đoàn kịch Thế Lữ. Nhà thơ kiêm kịch tác gia này đã đặt cho Phạm Thị Quang Thái cái tên sân khấu là Thái Hằng.

Thái Hằng bắt đầu bước vào sự nghiệp ca hát trong những năm kháng chiến chống Pháp. Trong thời gian ấy bà cùng các anh chị em của mình là nhạc sĩ Phạm Đình Viêm, Phạm Đình Chương, ca sĩ Thái Thanh,… theo các đoàn văn công đi khắp các chiến khu để biểu diễn.

Đầu năm 1949, anh chị em trong Ban Thăng Long gia nhập các ban văn nghệ quân đội của liên khu IV. Quán Thăng Long lúc này cũng dời về chợ Neo (Thanh Hóa). Cũng tại đây, Phạm Duy và Thái Hằng đã gặp nhau, sau 6 tháng quen biết Thái Hằng đã kết hôn cùng với Phạm Duy (một nhạc sĩ tiềm năng lúc bấy giờ).

Trong hồi ký Phạm Duy, đoạn ghi lại những năm đầu ông đi kháng chiến, khi “tạm trú” ở ngay quán Thăng Long, ông đã viết về sự gặp gỡ định mệnh với Thái Hằng như sau:

“Vào đầu năm 1949, sau khi tất cả mấy anh em Phạm Đình Viêm (tức Hoài Trung), Phạm Đình Chương, Thái Hằng, Băng Thanh (tức Thái Thanh) đã gia nhập các ban văn nghệ quân đội của Liên Khu IV rồi thì hai ông bà Thăng Long cũng rời Chợ Đại di cư vào Thanh Hoá để được sống gần gũi các con.

Hai ông bà tới một nơi gọi là Chợ Neo, cách làng Ngò khoảng vài cây số, thuê lại căn nhà lá của một nông dân tên là Cò Mại và mở một quán phở vẫn lấy tên là Quán Thăng Long. (…)

Vì cùng là đội viên của đoàn văn nghệ quân đội và vì không có ai là người quyến thuộc cho nên vào những ngày nghỉ, tôi thường hay theo Phạm Đình Viêm và Thái Hằng về chơi quán Thăng Long.

Đã quen biết hai ông bà từ ngày ở Chợ Đại cho nên tôi được ưu đãi. Tôi được ăn uống, nghỉ ngơi và ngủ luôn tại quán, giường ngủ là hai cái bàn trong quán ăn kê xát lại nhau. Cùng với Viêm, Chương, Thái Hằng, Băng Thanh, chúng tôi ngồi đàn hát với nhau suốt ngày hoặc cùng với đội viên của đoàn văn nghệ đóng quân ở gần đây, kéo nhau ra sông máng để tắm táp, bơi lội…

Khi còn ở Chợ Đại, tôi cũng thoáng biết tới cô con gái lớn của Quán Thăng Long, được nghe cô đánh đàn guitare hawaiwenne và hát chung với mấy người anh, nhưng lúc đó tôi không năng tới quán ăn này để tán tỉnh nàng – như thường lệ mỗi khi gặp bất cứ người đẹp nào – bởi vì tôi còn đang quá bận bịu với những chuyện vui chơi của tôi.

Vả lại lúc bấy giờ cũng có khá nhiều cây si được trồng tại quán Thăng Long. Các chàng si này, nếu phải mài kiếm dưới trăng để so kiếm, lại toàn là những tình địch trong nghề như Đinh Hùng, Huyền Kiêu, Bùi Xuân Phái, Ngọc Bích…

Vào tới Khu IV, tuy cùng hoạt động chung với nhau trong đoàn văn nghệ, nhưng tôi và Thái Hằng chỉ là hai người bạn đồng đội và sống riêng biệt. Mới đầu tôi chỉ thấy Thái Hằng là người hiền lành, xinh xắn, dễ thương nhưng ít vui và rất hà tiện trong sự biểu lộ tình cảm. Nay được ở gần nàng luôn luôn và vì tôi là người lém lỉnh cho nên nàng không thể im hơi lặng tiếng được nữa. Thế là chuyện này chuyện nọ được trao đi đổi lại như giữa bất cứ một đôi trai gái nào. (…)

Sau gần sáu tháng đi chung với nhau trong đoàn văn nghệ cũng như ở chung với nhau tại Quán Thăng Long và sau khi đã ôm được nàng vào lòng rồi, tôi chính thức hỏi Thái Hằng làm vợ…”

Phạm Duy – Thái Hằng vào thập niên 1940

Năm 1950, hai vợ chồng Thái Hằng – Phạm Duy sinh hạ đứa con đầu lòng là Duy Quang, sau đó bà hạ sinh thêm Duy Cường, Thái Hiền và Thái Thảo những tài năng âm nhạc mới.

Phạm Duy – Thái Hằng và Duy Quang

Vào những năm thập niên 1950, Thái Hằng đã nổi tiếng cùng với ban hợp ca Thăng Long gồm các anh chị em là ca sĩ Thái Thanh, Hoài Trung, Hoài Bắc cùng với nhạc sĩ Phạm Duy, ban hợp ca đã góp phần dựng lên một thời hưng thịnh của âm nhạc Việt Nam. Họ đi trình diễn trên các đài phát thanh và sân khấu khắp ba miền.

Đại gia đình Thăng Long: hàng trên: Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Hoài Trung, hàng dưới: Thái Hằng, Khánh Ngọc, Thái Thanh

Thái Hằng lúc bấy giờ còn được khán thính giả đài phát thanh Sài Gòn rất hâm mộ khi ngâm thơ trong chương trình Tao Đàn do cố thi sĩ Đinh Hùng phụ trách. Thái Hằng cũng thường song ca cùng với em mình là ca sĩ Thái Thanh.

Bên cạnh việc sinh hoạt trong lĩnh vực ca hát cùng các anh chị em và chồng là nhạc sĩ Phạm Duy suốt nhiều thập niên trước năm 1975 thì Thái Hằng còn là một giọng ngâm thơ và là nữ diễn viên được yêu thích trong các chương trình thơ văn và thoại kịch trên Đài Phát thanh Sài Gòn.

Cho đến nay nhiều người yêu âm nhạc vẫn còn nhớ giọng ca của Thái Hằng qua những bản như “Tiếng Sáo Thiên Thai”, “Tình Hoài Hương”, “Tình Ca”,… của nhạc sĩ Phạm Duy.

Đến đầu thập niên 1970, khi các con đã lớn, Thái Hằng ngưng hoạt động trình diễn. Sau đó năm 1975 gia đình bà qua Mỹ sinh sống, lúc này Thái Hằng đã trở lại sân khấu, cùng Phạm Duy, Thái Hiền và Thái Thảo đi lưu diễn, mang lại niềm an ủi và hy vọng đến cho người Việt Nam tị nạn.

8 người con trong gia đình nhạc sĩ Phạm Duy

Năm 1978, khi các con trai từ Việt Nam qua Mỹ thì Thái Hằng cũng ngưng hoạt động âm nhạc.

Hiện nay các con của Thái Hằng vẫn tiếp tục sinh hoạt về âm nhạc. Các ca sĩ và nhạc sĩ Quang, Minh, Hùng, Cường biểu diễn thường xuyên tại phòng trà Ritz, Thái Hiền tại Đêm Màu hồng, Thái Thảo và Tuấn Ngọc tại Majestic.

Thái Hằng được bạn bè nhìn nhận như là một người vợ thảo, mẹ hiền kiểu mẫu theo lối Việt Nam cổ truyền. Thái Hằng có tất cả tám người con, hai con út là Đức và Hạnh. Khi ở Việt Nam cũng như khi qua Mỹ, gia đình của bà đều sống quây quần, trong một mái nhà hay ở nhà bên cạnh.

Thập niên 1980, tại Paris

Về lối sống và nhân cách của Thái Hằng, nhà văn Văn Quang (hàng xóm của gia đình Phạm Duy trước năm 1975, cách nhà nhạc sĩ Phạm Duy không quá 50m) kể lại như sau:

“Tôi có nhận xét rất thành thật là nếu ở con người anh Phạm Duy, luôn luôn hiện diện hai chữ nghệ sĩ lớn như cây đại thụ thì ở chị Thái Hằng trong xóm tôi, chị là người rất bình dị.Chưa bao giờ chị chứng tỏ mình là “một cái gì”, ít ra cũng là vợ một nhạc sĩ có tên tuổi. Nói khác đi, chị không phải là bà Phạm Duy nổi tiếng và cũng chẳng phải là một nữ danh ca thượng thặng trong ban hợp ca Thăng Long. 

Chị sống chan hòa như một người chị mẫu mực, hiền hậu. Đối với mọi người trong xóm, chị sống hết sức bình dị, không se sua, không làm dáng.

Mỗi buổi sáng, quần ta, áo cánh xách giỏ đi chợ như mọi bà nội trợ bình thường khác. Chị thân thiện chân thành chứ không phải sự “nhún mình” để che giấu một thứ hào quang sau gáy.

Suốt hơn 10 năm, sống gần gia đình chị, từ khi Duy Quang, Duy Cường, Duy Minh còn rất nhỏ cho tới khi các cháu lớn lên, tôi chưa hề thấy chị to tiếng với bất kỳ cháu nào và chị cũng chưa từng làm mất lòng ai trong xóm. Sự khoan hòa dung dị của chị có thể là một tấm gương lớn cho nữ giới.”

Ngày 14 tháng 8 năm 1999 ca sĩ Thái Hằng trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng, thị trấn Midway City, miền Nam tiểu bang California. Những ngày cuối cùng bà sống rất bình an và hạnh phúc bên chồng và con đã trưởng thành, cùng thân quyến, bạn bè luôn đến thăm hỏi. Sau khi bà qua đời, đã có rất nhiều lời thương tiếc gửi đến gia đình bà từ khắp nơi trên thế giới.

Nguồn tổng hợp do thoixua.vn biên soạn

(Wikipedia, dansaigon.com)

Đánh giá post

Viết một bình luận