Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Carol Kim – Tên tuổi gắn liền với những ca khúc “Cái Trâm Em Cài”, “Oh Carol”, “Tình Phụ”,…

Carol Kim là một nữ ca sĩ nổi tiếng trước năm 1975, cô được khán thính giả nhớ đến với những ca khúc nhạc ngoại bốc lửa như: Oh Carol, My Prayer, Moon River,… hay những ca khúc Việt ngọt ngào, sâu lắng như: Tình Phụ, Cái Trâm Em Cài, Không, Mười Năm Tình Cũ, Tại Vắng Anh, Hai Mươi Năm Tình Muộn, Tình Mong Manh, Nửa Đêm Ngoài Phố, … Carol Kim sở hữu ngoại hình tương đối khác biệt so với các nữ ca sĩ cùng thời, cô có nước da ngâm đen, vóc dáng to cao. Ca sĩ Carol Kim bắt đầu nổi danh từ những năm cuối thập niên 60 với giọng hát khoẻ khoắn đầy nội lực và phong cách biểu diễn mạnh mẽ riêng biệt.

Carol Kim tên thật là Hoàng Kim Hoa, sinh năm 1948 tại Châu Phú – Châu Đốc, cô mang trong mình hai dòng máu Việt Nam và Mã Lai. Cha Carol Kim là người Cần Thơ (ông là một viên chức cảnh sát) kết hôn với mẹ cô là một người Mã Lai đã sang định cư tại Việt Nam nhiều năm, cha mẹ cô có tất thảy 11 người con và Carol Kim là người con thứ tư trong gia đình.

Ngay từ nhỏ, Carol Kim đã yêu thích âm nhạc và rất có năng khiếu ca hát. Nhưng cha cô là một người nghiêm khắc và không muốn con gái đi theo con đường nghệ thuật này. Ông cấm đoán và sẵn sàng dùng đòn roi để dạy cô con gái nhỏ vì cãi lời mà theo đuổi đam mê. Carol Kim từng chia sẻ: “Gia đình có tiếng là nghiêm khắc. Việc ca hát đương nhiên bị cấm đoán. Tôi đã ăn không biết bao nhiêu trận đòn khi cha phát hiện tôi vẫn lén nhà đi hát. Khó ai có thể tin rằng khi đã trở thành ca sĩ nổi tiếng, khi đã 25 tuổi, tôi vẫn bị cha đánh đòn vì những lỗi rất nhỏ.”

Mặc dù bị cấm cản, nhưng niềm đam mê mãnh liệt trong người Carol Kim không cho phép cô bỏ cuộc, cô vẫn lén cha tự học nhạc và sự kiên trì của cô cũng đã được gia đình cho phép theo thời gian. Khi cha cô nhận nhiệm vụ ở Ban Mê Thuột và mang theo gia đình cùng đi, Carol Kim đã có dịp thể hiện tài năng của mình trên những sân khấu ca nhạc cộng đồng dưới cái tên Hoàng Hoa.

Thành công đầu tiên cô đạt được khi mới học lớp đệ thất, cô đã giành được giải nhất một cuộc thi hát ở trường với bài “Bước Chân Chiều Chủ Nhật” của nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng. Sau đó cô thường xuất hiện trên các sân khấu cùng với đoàn văn nghệ của đơn vị cảnh sát ở Ban Mê Thuột – nơi cha cô đang công tác, đó là những chương trình văn nghệ góp vui cho đồng bào và anh em chiến sĩ.

Năm 1965, với chất giọng đặc biệt của mình cô đã chinh phục được ban giám khảo trong một cuộc thi tuyển lựa ca sĩ do phòng thông tin Ban Mê Thuột tổ chức và mang về giải nhất cho mình.

Năm 1967, Carol Kim trở về Sài Gòn và trong một lần ghé thăm người chị đang làm việc ở vũ trường Tour D’lvoire ngay góc Trần Hưng Đạo – Bùi Viện, cô đã lên sân khấu và hát góp vui bài “Moon River”, giọng hát của cô gái trẻ đã chinh phục được những khán thính giả có mặt ngày hôm ấy và trong số đó có nhạc sĩ Lê Văn Thiện.

Sau đó nhạc sĩ Lê Văn Thiện đã giới thiệu Carol Kim cho Pat Lam – một nam ca sĩ rất có tiếng tăm ở khắp các phòng trà, vũ trường lúc bấy giờ. Từ đó, Carol Kim được Pat Lam đưa đi hát tại các Club Mỹ ở Sài Gòn.

Nhờ ngoại hình cao to cùng chất giọng mạnh mẽ, nội lực phù hợp với những ca khúc nhạc ngoại, Carol Kim đã chinh phục được cảm tình của các quân nhân Hoa Kỳ khi thể hiện những nhạc phẩm thịnh hành lúc bấy giờ như: What’d I Say, Chains Of Fools, My Prayer, Oh Carol, … Bài hát cô được yêu thích nhất lúc bấy giờ là Oh Carol cho nên một khách ngoại quốc thường gọi tên cô là Carol và cô cũng đã sử dụng cái tên này làm nghệ danh của mình.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc Oh Carol

Qua một thời gian hát trong các Club Mỹ với những chuyến lưu diễn cùng các ban nhạc Đại Hàn và Phi Luật Tân tại Cam Ranh, Đà Nẵng,… khả năng ngoại ngữ của Carol Kim càng ngày càng vững, nhiều khán giả Mỹ nhận xét rằng khó có thể nói giọng hát đó là của một người Việt.

Năm 1968, Carol Kim được mời ký hợp đồng hát cho vũ trường Arc En Ciel, sau đó là ký độc quyền với phòng trà Tự Do. Khi ấy, quy định của chính quyền lúc bấy giờ là nghệ sĩ phải có nghệ danh tiếng Việt nên cô ghép thêm tên đệm của mình để thành nghệ danh Carol Kim và kể từ khi sang phòng trà Tự Do cô cũng bắt đầu chuyển sang hát nhạc Việt. Giới thưởng ngoạn âm nhạc lúc đó công nhận rằng, Carol Kim diễn tả rất tốt những nhạc phẩm mang âm điệu Blues, Jazz, Soul, cô có thể trình bày thành công cả nhạc ngoại quốc lẫn nhạc Việt. Khán thính giả yêu thích cô qua những ca khúc Việt như: Sầu Đông, Vết Thương Cuối Cùng, Tình Phụ, Không, Hãy Khóc Đi Em,… Không những thế, Carol Kim còn thể hiện khả năng của mình qua những bài hát thuộc thể loại kích động, nhạc vui và các bài nhạc trẻ. Trong đó nhạc phẩm kích động nổi tiếng đã gắn liền với tên tuổi của cô là “Cái Trâm Em Cài” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.

Sau khi hết hợp đồng độc quyền với phòng trà Tự Do, Carol Kim còn hợp tác với nhiều phòng trà lớn khác như Queen Bee, Đêm Màu Hồng, Olympia,…

Vào những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, Carol Kim thu âm rất nhiều băng đĩa. Bản nhạc đầu tiên cô thu băng đó là “Hãy Khóc Đi Em” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do Trung tâm Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh thực hiện, tiếp đó là bản Điệu Ru Nước Mắt, Loan Mắt Nhung, Xa Lộ Không Đèn, Tình Phụ… Ngoài ra cô còn hợp tác với các trung tâm của các nhạc sĩ khác như: Phạm Mạnh Cương, Nhật Trường, Jo Marcel, Y Vân, Nguyễn Văn Đông, Trường Hải… nhưng nhiều nhất vẫn là Trung tâm của nhạc sĩ Ngọc Chánh với các băng nhạc Shotguns, Thanh Thúy, băng Nhạc Trẻ.

Ngoài ra, trước năm 1975 Carol Kim là một trong những nữ ca sĩ hát nhạc phim nhiều nhất trong đó phải kể đến là: Điệu Ru Nước Mắt, Biển Động, Xa Lộ Không Đèn…

Đầu năm 1975, Carol Kim cùng với nam ca sĩ Elvis Phương đoạt giải Kim Khánh với danh hiệu ca sĩ được ái mộ nhất.

Tháng 3 năm 1975, Carol Kim rời Việt Nam và đến định cư tại thành phố Chicago. Năm 1978 thì cô chuyển về Houston rồi đến năm 1980 thì chuyển đến quận Cam và bắt đầu hát độc quyền cho vũ trường Rits của nhạc sĩ Ngọc Chánh suốt 14 năm.

Từ khi sang định cư tại Quận Cam, Carol Kim bắt đầu thu băng nhiều ca khúc Việt Nam. Bản nhạc được cô thu âm đầu tiên tại hải ngoại là “Xin Còn Gọi Tên Nhau” trong cuốn Video do Tuý Hồng thực hiện vào năm 1985. Bên cạnh đó, cô còn cộng tác với các trung tâm khác như Thanh Lan, Người Đẹp Bình Dương, Hải Âu, Giáng Ngọc,… ngoài ra cô còn hát một số nhạc quê hương cho trung tâm Phượng Hoàng ở Paris.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc Xin Còn Gọi Tên Nhau.

Những ca khúc để lại dấu ấn Carol Kim trong lòng khán giả trong thời gian đó là: Mười Năm Tình Cũ, Thuở Ấy Có Em, Đời Tôi Chỉ Yêu Một Người, Ca Dao Mẹ, Lặng Lẽ Đi Về.

Là một ca sĩ có khả năng hát nhiều bản nhạc ngoại quốc sôi động và êm dịu, hát những bản nhạc Việt đủ mọi thể loại, bên cạnh đó Carol Kim cũng thích được mời trình diễn trong một chương trình nhạc thính phòng để khán giả có thể thưởng thức thêm được nét đa dạng của cô.

Năm 2007, lần đầu tiên sau 32 năm xa cách, Carol Kim trở lại Việt Nam để biểu diễn. Cô xuất hiện trên sân khấu với làn hơi sung mãn có chút khàn ấm, lay động tâm hồn khán giả và được mọi người đón nhận rất nồng nhiệt. Cô tâm sự: “Qua lần biểu diễn đầu tiên của tôi sau 32 năm xa xứ (được Công ty Tiếng Xưa mời về), tôi thật sự xúc động. Có lúc tôi nghĩ mình không còn cơ hội nào để được tâm sự, giao lưu cùng khán giả thân thương. Quả thật tôi không cầm được nước mắt khi thấy khán giả vẫn còn trân trọng và quý mến mình.” Sau lần ấy, Carol Kim còn trở về nước nhiều lần khác nữa để trình diễn trước khán giả Việt.

Những năm sau này, cô thực hiện một số băng nhạc Thánh Ca và rất được yêu thích, cuốn đầu tiên mang tên “Dấu Tình Thiên Ân” ra mắt vào năm 2014.

Tuy là một ca sĩ có vẻ ngoài mạnh mẽ, gai góc và thường hát những bản nhạc bốc lửa nhưng Carol tự nhận mình có cá tính không giống như vẻ bề ngoài, cô là mẫu người sống vô cùng tình cảm và đôi khi dễ chạnh lòng. Mặc dù bận bịu đi làm, đi show diễn thường xuyên, nhưng Carol Kim luôn chu toàn việc bếp núc và cùng ông xã nuôi dạy con cái thành người, dạy con lễ phép, biết trân trọng cuộc sống gia đình, đủ “công dung ngôn hạnh” theo phong tục tập quán của người Việt Nam. Cô chia sẻ:“Tôi hài lòng với những gì mình đã đạt được trong cuộc đời. Bản thân tôi không quá cầu toàn trong cuộc sống. Tôi có một người chồng luôn hiểu và thương yêu mình; con cái luôn trân trọng và quý mến cha mẹ; có những khán giả luôn quan tâm đến mình. Thế là đủ.”

Thoixua biên soạn

Nguồn tham khảo: Thanhnien.vn, Bài viết của Trần Chí Phúc trên trang Dongnhacxua.com

Đánh giá post

Viết một bình luận