Cuộc đời và sự nghiệp của nữ danh ca Giao Linh – “Nữ hoàng sầu muộn” của dòng nhạc vàng, giọng ca vang mãi cùng năm tháng

Một trong những giọng ca được yêu thích và nhắc đến nhiều nhất của dòng nhạc vàng trước năm 1975 chính là danh ca Giao Linh. Dù qua bao năm tháng thăng trầm của cuộc sống thì tiếng hát với âm sắc trầm buồn của cô vẫn luôn đánh thức được những cảm xúc sâu kín nhất trong lòng mỗi con người yêu nhạc. Với giọng hát truyền cảm, có phần nức nở, thổn thức và phong cách biểu diễn trầm buồn, chuyên hát các ca khúc buồn sâu lắng của danh ca Giao Linh đã tạo nên nghệ danh “Nữ hoàng sầu muộn” của dòng nhạc vàng. Và chính giọng ca đặc biệt ấy đã tạo nên một phần kỷ niệm và ký ức đẹp đẽ của bao người yêu nhạc từ xưa cho đến tận bây giờ. Tên tuổi của nữ danh ca Giao Linh gắn liền với nhiều ca khúc nổi tiếng như: Đom Đóm, Chiều Mưa Biên Giới, Mùa Sao Sáng, Không Bao Giờ Quên Anh, Tâm Sự Với Anh, Đêm Ru Điệu Nhớ, Mùa Pensee Nở, Màu Tím Pensee…

Giao Linh tên thật là Đỗ Thị Sinh, sinh ngày 8 tháng 9 năm 1949 tại Sài Gòn. Tên khai sinh ban đầu của cô là Đỗ Thị Xin, lí do là lúc mới được sinh ra, cô rất nhỏ bé và khó nuôi, nên khi đi làm giấy khai sinh, cha cô muốn đặt một cái tên “xấu một chút” để dễ nuôi (theo quan niêm ngày xưa). Nhưng người làm công chức phụ trách làm giấy khai sinh thấy tên bé gái mà để như vậy thì “lạ” quá nên đổi lại thành Đỗ Thị Sinh, cha mẹ Giao Linh lúc ấy cũng quyết định giữ lại cái tên này cho cô.

Còn nghệ danh Giao Linh  được cô sử dụng lúc lớn khi cô có ý định đi hát, một người bạn thân tên là Thuận ở Đà Lạt đã đặt cho cô tên ấy với ý nghĩa là “hai tâm hồn giao nhau”, bạn cô tin rằng “người mang nghệ danh này sẽ gặp được nhiều may mắn.

Giao Linh được sinh ra trong gia đình nghèo khó, đông anh chị em, có tổng cộng 10 người, nhưng 3 người mất sớm, cô là “Chị cả” trong gia đình. Cha cô là người Phủ Lý – Hà Nam, năm 12 tuổi ông chuyển vào Nam để tự lập thân. Sau khi vào miền Nam, cha cô xin vô đồn điền cao su của người Pháp làm nên đã được học tiếng Pháp, nhờ vậy mà sau này ông được tuyển vô làm cho tòa lãnh sự Pháp ở Sài Gòn.

Mẹ của Giao Linh người gốc Quảng Bình, bà theo gia đình vào nam từ nhỏ, vì gia cảnh nghèo khó nên bà cũng lam lũ, cực nhọc mưu sinh từ khi mới lên 8, 9 tuổi. Tuy nhiên, khác với cha của Giao Linh – người có quan niệm phong kiến, bảo thủ cho rằng nghề ca hát là “xướng ca vô loài”, thì mẹ cô lại có tâm hồn yêu văn nghệ, nên khi biết con gái Đỗ Thị Sinh có năng khiếu ca hát, bà đã hết lòng khuyến khích và giúp con có thể được đi hát. Lúc biết Giao Linh đam mê ca nhạc, thích đi hát, cô đã bị cha cấm cản, nhưng mẹ cô lại ủng hộ và tạo điều kiện hết mình để Giao Linh đi “tầm sư học đạo” thực hiện mơ ước, bà che dấu dẫn cô đi học nhạc và đi hát song song với việc học văn hóa ở trường nữ Nguyễn Bá Tòng.

Vì thế, Giao Linh rất mang ơn mẹ mình khi bà đã ủng hộ chặng đường làm nghệ thuật của cô, sau này trong chương trình Jimmy Show, cô tâm sự: “Mẹ tôi phải giấu ba cho tôi đi hát, rồi đi học nhạc các kiểu. Tôi được như ngày hôm nay là nhờ mẹ rất nhiều. Để nói về văn nghệ, hát tân nhạc thì mẹ tôi không rành lắm, nhưng mẹ tôi rất rành về cổ nhạc và dẫn tôi đi học ở nhà ông ba Giáo. Tôi hát cổ nhạc không thua cô đào nào, ông thầy khen tôi hát rất hay và “mùi”, nhưng trong đầu tôi lại chỉ thích tân nhạc, nên một thời gian sau chuyển qua tân nhạc”.

Cơ duyên đến với sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp của Giao Linh hết sức tình cờ, đó là năm cô khoảng 16 tuổi, Giao Linh được học đàn với một người anh thân thiết tên là Ngọc An công tác tại hãng hàng không Air Vietnam. Trong quá trình dạy đàn, nhận thấy Giao Linh có chất giọng hay, ông dẫn cô vào giới thiệu với Air Vietnam vốn đang cần ca sĩ. Kể từ sau khi thử giọng thành công, buổi sáng Giao Linh làm việc tại văn phòng của hãng hàng không quốc gia này tại chi nhánh ở đường Thủ Khoa Huân, buổi chiều cô đi hát ở Air Vietnam. Lúc đó do Giao Linh còn nhỏ tuổi, chưa có thẻ căn cước nên việc ký hợp đồng cô phải nhờ mẹ giúp.

Năm 1965, trong một đêm hát giao lưu văn nghệ, Giao Linh đại diện cho đoàn Air Vietnam lên hát và được khán giả vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt, trong hàng ghế dưới khán đài đó còn có cả nhạc sĩ Thu Hồ. Điều đặc biệt là nhạc sĩ Thu Hồ lúc đó đang là giáo sư giảng dạy môn nhạc ở trường Nguyễn Bá Tòng, là nơi Giao Linh theo học, nhưng mãi đến khi gặp nhau trong đêm nhạc, người nhạc sĩ này mới nhận ra giọng hát đầy thu hút của cô học trò nhỏ. Sau buổi diễn ông đã đến trò chuyện với Giao Linh và nói hôm sau đến nhà ông để luyện lại giọng hát và ông sẽ giới thiệu cô đến cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông – người rất có quyền lực trong làng nhạc lúc bấy giờ.

Được nhạc sĩ Thu Hồ mở lời, ngay ngày hôm sau Giao Linh cùng với mẹ đón xích lô đến nhà vị nhạc sĩ này ở bến Tắm Ngựa, là một con hẻm lớn nằm trên đường Yên Đỗ. Tại đây, Giao Linh được nhạc sĩ Thu Hồ đệm mandoline và tập cho cô hát, rồi hẹn ngày hôm sau sẽ đưa cô đến nhà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.

Và như đã hẹn, sáng ngày hôm nay nhạc sĩ Thu Hồ đã cùng Giao Linh đến nhà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, tuy nhiên ở buổi gặp đầu tiên cô khá e dè và nhút nhát, không chia sẻ nhiều khi được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông bắt chuyện. Vì thế ông phải hẹn cô sang một ngày khác sang phòng thu âm của hãng Continental để thử giọng, từ đó ông mới khám phá được một giọng hát nội lực ẩn sau một thân hình nhỏ nhắn, gầy gò ốm yếu của cô bé 16 tuổi.

Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông kể lại câu chuyện gặp gỡ “định mệnh” đó như sau:

“Tôi nhớ lại, vào một sáng Chúa Nhựt năm 1965, nhạc sĩ Thu Hồ đưa đến nhà tôi một cô bé gầy gò ốm yếu. Cô đến bằng chiếc xe máy mini VeloSolex, nhưng không đủ sức đẩy xe qua thềm nhà tôi, phải nhờ nhạc sĩ Thu Hồ giúp đở. Cô bé ngồi im lặng như đóng băng không nói năng chi, trong khi nhạc sĩ Thu Hồ thao thao bất tuyệt về khả năng âm nhạc tiềm ẩn trong người cô. Tôi nhìn cô bé 16 tuổi, vóc dáng nhỏ nhắn, không phát triển như những cô gái cùng trang lứa, nghĩ thầm làm sao cô bé này có đủ hơi sức để hát hò. Tôi gợi chuyện vui để cho cô bắt chuyện, qua đó khám phá cái duyên ngầm sân khấu mà trong nghề nghiệp gọi là tổ đãi cho người nghệ sĩ. Nhưng cô bé vẫn không cười không nói, nên buổi gặp gở đầu tiên đó, tôi không dự cảm được gì về cô.

Tuy nhiên, để không phụ lòng nhạc sĩ Thu Hồ, tôi cho một cái hẹn thử giọng cô bé Đỗ Thị Sinh tại phòng thu âm của hãng dĩa Continental. Thật bất ngờ, Giao Linh, cái tên nghệ nhân sau này của cô bé Đỗ Thị Sinh, đã gây sửng sốt bằng chất giọng khỏe khoắn. Cô hát vượt qua tầm cữ quãng tám một cách dễ dàng với làn hơi ngân nga dịu dàng truyền cảm. Hãng dĩa Continental chấp nhận, tôi lên chương trình đào tạo, và chỉ sau một thời gian ngắn, tên tuổi ca sĩ Giao Linh bừng sáng trên vòm trời nghệ thuật, sánh vai cùng đàn anh đàn chị đi trước. Khi ấy Giao Linh vừa tròn 17 tuổi.

Được biết, lương của Giao Linh ở Air Vietnam chỉ có 4.600 mỗi tháng, nhưng sau khi hợp tác với Continental cô được công ty này ký hợp đồng độc quyền 3 năm với mức lương là 150.000 đồng thời bấy giờ, đó là một số tiền quá lớn mà cô chưa từng nghĩ rằng mình sẽ kiếm được để có thể phụ giúp cha mẹ nuôi các em thơ.

Có thể nói, sau khi trở thành học trò của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, cuộc đời của Giao Linh dường như được bước sang một trang mới, ông đã dẫn dắt cô những bước đi đầu của sự nghiệp suôn sẽ, may mắn để có được những thành công mà ít người có được. Tuy nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông không có nhiều thời gian để hướng dẫn trực tiếp các học trò của mình, mà ông chỉ lên chương trình đào tạo rồi giao lại cho các nhạc sĩ đang làm việc cho Continental chỉ dẫn trực tiếp. Nhưng nhờ thế mà Giao Linh được học hỏi nhiều hơn với những nghệ sĩ khác. Điển hình, Giao Linh được học cách hát, lấy hơi và nhả chữ từ nhạc sĩ Ngọc Sơn – tác giả của các ca khúc Nét Son Buồn, 100%… đặc biệt là ca khúc “Lời Này Cho Em” được vị nhạc sĩ này ký với bút danh là Ngọc Sơn & Giao Linh.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc Lời Này Cho Anh do Giao Linh trình bày.

Chỉ sau 3 tháng từ khi ký hợp đồng với Continental, dưới sự dẫn dắt của các nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, Ngọc Sơn và Thu Hồ cùng với giọng hát đặc biệt truyền cảm và kỹ thuật trình bày khá chững chạc, cộng với ngoại hình mảnh mai, tươi tắn của tuổi trẻ, Giao Linh đã thu phục được cảm tình của giới mộ điệu trong một thời gian ngắn. Giao Linh trở thành một ngôi sao sáng trên bầu trời âm nhạc lúc bấy giờ, sự nổi tiếng của cô khiến nhiều tờ báo thời đó gọi Giao Linh là “ca sĩ có đôi hia 7 dặm”.

Việc ký hợp đồng độc quyền với hãng dĩa Continentel, đã giúp Giao Linh hát được rất nhiều ca khúc của Nguyễn Văn Đông cùng các nhạc sĩ ký hợp đồng với hãng dĩa này như: Hoàng Trang, Đài Phương Trang, Ngọc Sơn. Tiếng hát của cô đã ghi được dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả qua nhiều ca khúc nổi tiếng mà hiện nay vẫn còn nhiều người nhắc đến như:  Đom Đóm, Chiều Mưa Biên Giới, Mùa Sao Sáng, Không Bao Giờ Quên Anh, Tâm Sự Với Anh, Đêm Ru Điệu Nhớ, Mùa Pensee Nở, Màu Tím Pensee…

Hãng dĩa Continental không những thu âm tân nhạc mà còn thiên về cải lương – vọng cổ. Vì thế nên khi nhận Giao Linh làm học trò, nhận thấy chất giọng nức nở truyền cảm của cô, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã gửi cô đi học về cổ nhạc (cùng học chung có Chí Tâm và Tài Lương). Tuy nhiên, sau 2 năm cố gắng kiên trì học hỏi, nhưng Giao Linh vẫn không thể nào học thông được, cô cho rằng mình không thích hợp với cổ nhạc, và cuối cùng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông mới nhận ra rằng ông đã ép học trò mình theo đuổi một thứ không thích hợp, nên từ đó không bắt Giao Linh hát cổ nhạc nữa.

Đến năm 1970, khi hết hạn hợp đồng với hãng đĩa Continental, Giao Linh tiếp tục cộng tác với các hãng dĩa khác, đồng thời được hãng dĩa Sơn Ca của nhạc sĩ Nguyễn Văи Đông giúp phát hành băиg nhạc đơn ca “Sơn Ca 6”.

Sau nhiều năm đi hát, đến năm 1975 khi đã bước sang tuổi 26 , dù trải qua một vài mối tình nhưng Giao Linh vẫn không tiến tới hôn nhân với ai cũng bởi cô canh cánh với gánh nặng gia đình. Giao Linh cho biết mình mang nặng trách nhiệm với gia đình, thương cha mẹ và các em, nên chưa nghĩ đến chuyện lấy chồng, mà chỉ tâm niệm làm sao lo lắng cho các em được học hành tử tế nên người. Sau này trong một cuộc phỏng vấn cô tâm sự: “Cha mẹ tôi sinh ra tất cả 10 người con, mất đi 3 người, còn lại tôi và 6 đứa em ở dưới. Nhà nghèo, lại có đàn em nheo nhóc thơ dại như vậy nên làm sao mình có thể sống thoải mái để hưởng hạnh phúc riêng đây. Tôi luôn nghĩ mình phải lo cho các em nên người trước đã, thành ra khi có bạn trai mà chỉ cần người ta có chút suy nghĩ gờn gợn gì đó kiểu như ‘sao em lo cho gia đình nhiều quá’ là không thể tiến tới được với mình”.

Năm 1982, Giao Linh rời Việt Nam và sang định cư ở Canada khi đã 33 tuổi. Qua hải ngoại, sống trên xứ người mọi thứ đều lạ lẫm, vất vả mưu sinh, chuyện riêng tư lại bị gạt sang một bên. Giao Linh không đi hát nữa, không còn những ngày tháng huy hoàng trên sân khấu như trước 1975,  lúc này cô mở một quán phở mang tên là “Linh”, là nơi lui tới thường xuyên của giới văn nghệ sĩ ở Toronto.

Năm 1983, Giao Linh trở lại với sự nghiệp âm nhạc với băng đầu tiên ở hải ngoại do ca – nhạc sĩ Trường Hải sản xuất mang tên “Tiếng Xưa”.

Năm 1987, Giao Linh kết hôn với một người bạn từ thời thanh mai trúc mã, người đó đã từng có 3 đời vợ và đang nuôi 6 đứa con, còn Giao Linh cũng đã 37 tuổi. Tuy nhiên đối với cô điều đó không quan trọng, quan trọng là tình cảm của hai vợ chồng rất tốt. Giao Linh kể rằng chồng cô là người rất yêu thương vợ và biết cách chăm sóc con cái. Chồng của cô tuy không hoạt động nghệ thuật nhưng rất yêu nghệ thuật, đặc biệt ông rất yêu tiếng hát của vợ.

Danh ca Giao Linh vừa qua cơn đột quỵ tưởng chừng cướp đi mạng sống.

Suốt mấy chục năm chung sống với nhau, vợ chồng cô thỉnh thoảng cũng có lúc giận hờn nhưng không bao giờ nói nặng lời với nhau vì cùng chung quan điểm “hạnh phúc là do mình tự tạo dựng nên mỗi người đều phải tự giữ, nhất là khi tuổi già không bỏ sót một ai, thời gian không còn nhiều thì cớ gì không dành để yêu thương”.

Sau nhiều năm về nước hoạt động nghệ thuật, Giao Linh và chồng đã mua một căn chung cư tại TP.HCM để sinh sống. Kể từ sau khi kết hôn, chồng Giao Linh luôn sát cánh cùng cô trong bất cứ chuyến lưu diễn nào ở trong và ngoài nước, lo lắng tỉ mỉ cho cô từng miếng ăn, giấc ngủ, tư vấn từng bộ áo dài mặc lên sân khấu, rồi còn tự tay tìm mua hộp phấn, thỏi son để cô dùng. Có thể nói tuy hạnh phúc đến muộn nhưng cuộc sống hôn nhân của nữ danh ca vô cùng viên mãn.

Thoixua biên soạn

Đánh giá post

Viết một bình luận