Minh Trang được biết đến là một nữ ca sĩ thành danh của dòng tân nhạc Việt vào cuối thập niên 1940, giọng hát của cô được mọi người biết đến qua đài phát thanh Pháp Á. Ca sĩ Minh Trang sở hữu một giọng hát trong và cao vút. Ngoài có giọng ca truyền cảm, cô còn sở hữu nét đẹp quý phái của Tây phương. Tên tuổi của Minh Trang gắn liền với nhiều ca khúc nổi tiếng như “Con thuyền không bến” của nhạc sĩ Đặng Thế Phong, “Đêm Đông” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, “Đêm tàu bến Ngự”, “Áng mây chiều” của Dương Thiệu Tước,… hay những bài dân ca của nhạc sĩ Phạm Duy khi song ca với ca sĩ Thái Hằng và Anh Ngọc. Minh Trang cũng được đông đảo công chúng biết đến qua câu chuyện lương duyên với nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Và cô cũng chính là bóng hồng trong nhiều khúc tình ca bất hũ của người nhạc sĩ tài hoa này như: “Ngọc Lan,” “Sóng Lòng,” “Buồn Xa Vắng,” “Bóng Chiều Xưa“,…
Minh Trang tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Trâm sinh ngày 18 tháng 8 năm 1921 tại một nhà hộ sinh nằm ngay trên Bến Ngự, thành phố Huế. Cô có thân thế thuộc dòng dõi danh gia vọng tộc, là con gái của quan Tổng đốc Bình Định Nguyễn Hy (sau này ông làm Tổng đốc Thanh Hóa, rồi Thượng thư Bộ Hình). Minh Trang còn là cháu ngoại của công chúa Mỹ Lương (Bà Chúa Nhứt) – chị ruột vua Thành Thái. Minh Trang từ nhỏ đã ít gần gũi với cha vì ông phải đáo nhậm những nhiệm sở xa, cũng do lẽ đó nên Minh Trang có dịp được gần gũi với bên ngoại nhiều hơn.
Mỹ Lương tuy là một công chúa nhưng bà lại có tính rất nghệ sĩ, trong nhà có hẳn một ban hát tới mấy chục người và có riêng một ban ca Huế. Ở chung với ngoại lâu, hằng ngày đều nghe những âm thanh ca Huế thấm nhuần vào tâm hồn trong tuổi ấu thơ, nên mới bảy tám tuổi, Minh Trang đã thuộc những bài cổ nhạc, ca Huế như những khúc Nam Ai, Nam Bình, Kim Tiền, Lưu Thủy…
Được sinh ra và lớn lên trong khung cảnh của một danh gia vọng tộc một thời ở đất thần kinh, nhưng Minh Trang là người sớm đã được hấp thụ nền văn hóa Tây phương. Lúc nhỏ cô theo học trường Jeanne d’ Arc (gần bưu điện Huế), một trường dòng danh tiếng ở Huế và lúc này cô cũng đã bắt đầu học dương cầm.
Lên trung học, Minh Trang theo gia đình ra Hà Nội, đến năm 1941, cha cô về nhậm chức tại Bộ Lại (tức là bộ Nội Vụ) tại Huế nên cô lại theo về học tại Lycée Khải Định (nay là Quốc Học Huế) rồi tốt nghiệp Tú Tài toàn phần của Pháp vào thời điểm đó hiếm có người phụ nữ nào đỗ đạt được như vậy.
Khi học tại trường Khải Định, Minh Trang đã gặp thầy dạy Việt Văn tên là Ưng Quả, cũng là phụ giáo của triều đình Huế. Ông là một người uyên bác, tài hoa. Là học giả uyên bác được giới khảo cứu Việt học của Pháp kính trọng và là bậc thầy của một thế hệ giáo sư, sau này có nhiều khoa trưởng của các đại học thời độc lập. Ưng Quả từng làm Thái Tử Thiếu Bảo khi dạy học Thái Tử Bảo Long, là Hiệu trưởng trường Quốc Học tại Huế, giám đốc Nha Học Chánh Trung Phần thuộc Bộ Học của nước Việt Nam thời Pháp và tác giả của nhiều công trình biên khảo về văn hóa và mỹ thuật Việt Nam. Ông từng phiên dịch văn chương Pháp qua Việt ngữ và văn học Việt Nam Pháp ngữ…
Lúc Minh Trang gặp Thầy Ưng Quả thì ông đã là một người đàn ông goá vợ và đã có hai con trai. Tuy nhiên cả hai đều xuất thân “danh môn vọng tộc” và đều là những người học rộng rất “môn đăng hộ đối” vì thế được gia đình ủng hộ nên cả hai kết hôn và sinh hạ được một trai, một gái tên là Bửu Minh và Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang (tức là ca sĩ Quỳnh Giao). Sau này, khi hát cho đài phát thanh Pháp Á, cô đã ghép hai tên người con để làm nghệ danh cho mình thành cái tên Minh Trang.
Vì tình hình đất nước loạn lạc từ năm 1946 hai vợ chồng Minh Trang đã tạm thời xa nhau, đến năm 1951 thì họ xa nhau mãi mãi khi ông Ưng Quả qua đời vì bệnh tật.
Năm 1948, Minh Trang mang theo hai con vào Sài Gòn lập nghiệp và xin được vào làm xướng ngôn viên Pháp ngữ và biên tập cho đài phát thanh Pháp Á. Đó là giai đoạn đánh dấu bước chuyển mốc quan trọng của cuộc đời cô. Sau này có lần Minh Trang tâm sự:
“Bỏ Huế mà đi, tôi muốn tự lập. Vào đến Sài Gòn, đi mòn cả guốc không kiếm ra việc làm. May sao một hôm có người quen mách cho biết rằng ở đài Pháp Á đang tuyển người làm xướng ngôn viên tiếng Pháp, kiêm biên tập. Tôi đến nộp đơn thi cùng với nhiều phụ nữ người Pháp, rồi được tuyển. Tôi được chọn, chủ yếu là nhờ được học trường Pháp từ nhỏ, phát âm như người Pháp. Kiếm được việc, mừng quá”.
Công việc ở đài lúc này của Minh Trang là dịch những bản tin tiếng Pháp sang tiếng Việt, rồi tự mình trình bày bản tin đó trên làn sóng phát thanh. Trong lúc dịch tin, thỉnh thoảng cô cũng ngẫu hứng hát một vài câu tiếng Pháp. Rồi từ những lần ngẫu hứng đó, Minh Trang trở thành ca sĩ chính của đài Pháp Á. Cơ duyên đến với sự nghiệp ca hát này được Minh Trang kể lại như sau:
“Hồi đó nhạc sĩ Đức Quỳnh phụ trách một chương trình ca nhạc hàng tuần, ca sĩ trong ban nhạc đó là chị Ngọc Thanh, vợ của anh Đức Quỳnh. Một hôm chị Ngọc Thanh bệnh không đến hát được. Ngày đó không có thu thanh trước rồi tới giờ mới phát như hiện nay, mà là hát với ban nhạc trước máy vi âm và phát thanh trực tiếp trên làn sóng điện.
Không có ca sĩ cho ban nhạc, nên đài cuống lên không biết giải quyết tình trạng đó ra sao. Nhân vì thường khi ngồi làm việc, viết tin tức, tôi cứ hay tự hát nho nhỏ, nên đồng nghiệp cũng biết là tôi biết hát. Lúc đó ông Hoàng Cao Tăng là chủ sự Ban Văn Nghệ của đài mới qua đề nghị tôi có thể hát đỡ một bài. Tôi nói tôi chỉ nhớ mấy bài tiếng Pháp, còn bài nhạc Việt thì chỉ thuộc duy nhất bài “Đêm Đông” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Tôi thuộc bài đó cũng vì hồi ở Huế tôi có chơi thân với chị Xuân Nga là vợ anh Thương, và đã từng hát “Đêm Đông” cho anh Thương nghe.
Ông Hoàng Cao Tăng nói nếu tôi thuộc thì cứ hát đại đi. Tôi bèn hát đại. Vậy là thành ca sĩ.
Thính giả cả 3 miền thích lắm, viết thư về đài rất nhiều. Ông Hoàng Cao Tăng liền đề nghị tôi hát thường xuyên, trả thù lao gấp đôi, bình thường hát như vậy được 150 đồng, còn tôi thì ổng trả 300 đồng.
Được mấy tuần lễ sau thì rất nhiều nhạc sĩ ngoài Hà Nội như các anh Dương Thiệu Tước, Vũ Thành, Nguyễn Văn Khánh, Hoàng Giác, Nguyễn Thiện Tơ, Thẩm Oánh gửi tác phẩm vào Sài Gòn nhờ tôi hát. Nhạc của ai tôi cũng hát cả.
Thành ra, tôi trở thành ca sĩ chuyên nghiệp là do sự tình cờ sắp xếp cho mình, chứ từ ngày nhỏ tôi không hề nghĩ mình sẽ chọn con đường âm nhạc”
Và thế là từ một xướng ngôn viên, Minh Trang đã trở thành một nữ ca sĩ nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn trong một dịp tình cờ như vậy.
Lúc bấy giờ, những nhạc sĩ nổi tiếng nhất ở Hà Nội đa số đều tò mò về nhan sắc của một giọng hát thanh thoát mới nổi ở phương Nam được phát đi từ làn sóng phát thanh, và rồi sau đó họ cũng có dịp được tận mắt gặp mặt giai nhân.
Năm 1949, Minh Trang ra Hà Nội theo lời mời của Thủ hiến Bắc kỳ là Nguyễn Hữu Trí, người đang rất mến mộ giọng hát Minh Trang nên đã đích thân phát công văn chính thức để mời cô từ Sài Gòn ra Hà Nội trình diễn trong Hội chợ Đấu Xảo được tổ chức hàng năm.
Minh Trang lúc ấy đã có hai con nhưng cô vẫn giữ được một vẻ đẹp quý phái làm say đắm những chàng nhạc sĩ hào hoa đất Bắc, đặc biệt là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Trong dịp đó, Minh Trang được các nhạc sĩ trẻ săn đón, nhưng để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng cô cũng chỉ có nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Sau này hai người đã nên duyên vợ chồng và có với nhau 5 người con, 1 trai là Dương Hồng Phong, 4 gái là Vân Quỳnh, Vân Khanh, Vân Hoà, Vân Dung. Cuộc gặp gỡ định mệnh của hai vợ chồng được được Minh Trang thuật lại như sau:
“Mặc cho các bạn Thẩm Oánh, Nguyễn Thiện Tơ, Dzoãn Mẫn… rối rít, ông ấy (Dương Thiệu Tước) im lặng từ đầu đến cuối. Chỉ nhìn thôi. Lâu lâu mới mỉm cười. Sự xa cách, lặng lẽ này khiến tôi càng thêm chú ý. Trước khi gặp gỡ, tôi đã từng hát nhạc của ông ấy nên tôi cũng rất ao ước được gặp mặt con người tài hoa này.
Sau đó tôi về Sài Gòn, chúng tôi thư từ cho nhau, thấy hợp, rồi thành.
Khi tôi mới vào lại Sài Gòn, vì nhớ tôi mà anh Tước viết bài Sóng Lòng. Dạo ấy anh còn sáng tác Ngọc Lan là để tặng riêng cho tôi. Tuy đó là tên một loài hoa, nhưng người ta có thể thấy được trong lời ca là mô tả người thiếu nữ…”
Cũng giống như Bửu Minh và Đoan Trang, các con của hai vợ chồng cô đều được theo học tại trường Quốc Gia Âm Nhạc với sự dìu dắt của chính Dương Thiệu Tước. Sau này, Đoan Trang và Vân Quỳnh đều đã trở thành ca sĩ, Dương Hồng Phong tốt nghiệp vĩ cầm tại Quốc Gia Âm Nhạc, còn Bửu Minh thì đi du học Pháp năm 1961 sau này là dương cầm thủ chính (đệ nhất vĩ cầm) trong ban nhạc đại hòa tấu “Staatsphihlarmonic Rheinland Plalz” của Đức Quốc.
Sau năm 1975, các cô con gái của hai vợ chồng Minh Trang đều đã lập gia đình và đều theo chồng rời Việt Nam, nhưng Minh Trang và Dương Thiệu Tước vẫn còn ở lại Việt Nam, vì con trai duy nhất của hai người là Dương Hồng Phong vào quân ngũ năm 1972 đã bị kẹt tại Chu Lai và bị bắt làm tù binh.
Lúc đó nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đi dạy lục huyền cầm với số lương ít ỏi là 64 đồng một tháng nên gia đình phải sống rất chật vật. Minh Trang kể lại là suốt trong những ngày khốn khó đó, công việc của cô cũng chỉ là ngồi lượm sạn và bông lúa để lo bữa cơm cho chồng con.
Năm 1978, Dương Hồng Phong ra tù, nhưng lúc này nhạc sĩ Dương Thiệu Tước lại bị đau ốm thường xuyên nên ông vẫn ở lại Việt Nam. Chỉ có Minh Trang cùng ba con còn lại đến Thái Lan vào cuối năm 1979, và đi định cư tại Virginia. Tại đây, cô kiếm sống bằng nghề kiểm tra chất lượng cho một hãng microfilm và làm cả bảo mẫu cho một gia đình người Pháp.
Năm 1986, Minh Trang chuyển về sống ở Orange County để gần các con gái. Ở đây, khí hậu ấm áp hơn nên sức khoẻ của cô rất ổn định và cô sống vui vầy bên các cháu ngoại.
Những ngày cuối cùng trước khi vào bệnh viện, Minh Trang sống trong một căn hộ dành cho người cao niên rất yên tĩnh. Thú vui hàng ngày của cô là nghe nhạc và thường xuyên theo dõi tin tức thời sự. Cho đến ngày phải vào bệnh viện vì ốm đau, cô lúc nào cũng thấy nhanh nhẹn và minh mẫn dù đã ở tuổi gần 90.
Trưa ngày 17 tháng 8, 2010, danh ca Minh Trang ra đi thanh thản tại thành phố Garden Grove, California, hưởng thọ 90 tuổi.
- Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Phải Lòng Con Gái Bến Tre” – Thời điểm sóng gió của tác giả Phan Ni Tấn
- “Bảy ngày đợi mong” một ca khúc vô cùng dễ thương về tình yêu của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh
- Bộ ảnh Sài Gòn 1994-1999 qua ống kính của Mike Huddleston
- Ngược dòng thời gian, ngắm nhìn Sài Gòn xưa qua bộ ảnh quý của chợ Sài Gòn đã cũ
- Lịch sử hình thành và phát triển Đà Lạt – Tỉnh Tuyên Đức ngày xưa và những bức ảnh màu đẹp nhất trước 1975