Mải mê công việc, tôi quên mất bánh pháo đang “chưng” trên bếp; bỗng cả nhà giật mình bởi tràng âm thanh đanh giòn tan phút tĩnh lặng của thời khắc trước giao thừa.
Tết xưa, tiếng pháo là thứ âm thanh quan trọng bậc nhất “đánh thức” mọi giác quan, cảm xúc của con người sau một năm làm lụng vất vả, báo hiệu đất trời đã sang xuân, một năm mới bắt đầu, một tuổi mới tràn đầy những ước vọng tốt đẹp về tương lai. Nó không chỉ là âm thanh rộn rã, vui tai mà còn được cho là biểu tượng của sự kỳ vọng năm mới may mắn, thịnh vượng. Vì thế, khoảnh khắc được đốt phong pháo Tết, nghe tiếng nổ của nó là khoảnh khắc mà mọi người đều háo hức mong đợi.
Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng có thể không ngon nhưng không sao. Thời đất nước còn lam lũ, của không ngon nhà đông con cũng hết. Nhưng phút giao thừa thắp hương cho ông bà, ông vải xong, nếu tràng pháo đốt lên mà tiếng nổ đứt quãng, kém giòn giã, thậm chí tịt ngòi thì ôi thôi, còn gì buồn hơn? Bởi người ta quan niệm, đó là dấu hiệu xui xẻo của năm mới. Chưa kể, nó còn làm giảm không khí tưng bừng rộn rã, gây cảm giác cụt hứng, ỉu xìu cho cả trẻ con lẫn người lớn, nhất là khi pháo hàng xóm nổ giòn.
Thế cho nên, với mọi người, mọi nhà, khi chuẩn bị Tết lo nhất vẫn là tràng pháo. Chỉ khi nào có được tràng pháo cất trong nhà đợi Tết thì mới tạm yên tâm. Nói tạm yên tâm vì chưa biết rồi nó sẽ nổ ra sao, pháo nhà mình có thua kém nhà hàng xóm không, và đặc biệt là khi đốt lên có bị nổ đứt quãng hay không.
Ấy thế mà gia đình tôi đã có một sự cố nhớ đời về pháo chỉ vì nó nổ quá giòn, quá “hoành tráng”. Đây là một kỷ niệm không bao giờ quên của gia đình tôi.
Năm ấy, tôi mua được một bánh pháo ở cửa hàng mậu dịch quốc doanh từ trước ngày ông Công, ông Táo về Trời. Phải lo mua sớm như vậy là bởi vì sợ giáp Tết cháy hàng. Và cũng bởi vì mua sớm quá, thời tiết lại âm u nên pháo sẽ bị ẩm. Nghe ai đó mách nước rằng muốn pháo nổ giòn thì phải đem hong bếp, tôi bỏ bánh pháo vào cái chảo rang, bắc lên bếp củi còn nóng hơi than vừa nấu nướng hồi chiều.
Lúc ấy khoảng 8 giờ tối. Tôi yên tâm ngồi cắt dán, trang hoàng cho kịp giao thừa. Phòng khách là nửa ngoài của gian nhà tập thể cơ quan, được ngăn bởi bức vách gián giấy báo. Mải mê công việc, tôi quên mất bánh pháo đang “chưng” trên bếp. Bỗng dưng cả nhà giật mình hoảng hốt. Một tràng âm thanh đanh giòn xua tan phút tĩnh lặng của thời khắc trước giao thừa.
Tôi trấn tĩnh, nghĩ nhà nào mà lại đốt pháo sớm thế. Lúc ấy vợ tôi hốt hoảng từ dưới bếp chạy lên, bảo pháo nhà mình nổ rồi. Tôi ngớ người rồi ba chân bốn cẳng chạy vào xem. Ôi thôi, cả chái bếp mịt mù khói bụi, nền bếp vương đầy xác pháo. Tôi đứng như chôn chân. Thế là hết, ước vọng năm mới đúng là “tan như xác pháo”. Xui xẻo, xui xẻo. Tôi thoáng nghĩ đến điều đó trong cái nồng nặc, khó thở của mùi thuốc pháo lẫn với tro bếp.
Giao thừa năm ấy, cả nhà tôi đắp chăn nằm ngủ. Bánh pháo – thứ âm thanh kỳ diệu tiễn năm cũ chào đón năm mới, thứ mà cả người lớn lẫn con trẻ háo hức chờ đợi mấy ngày nay – không còn nữa thì thức đón giao thừa chỉ thêm buồn, thêm tâm tư.
- Hình ảnh đẹp về chợ Nancy trước những năm thập 60-70
- Kỷ niệm Chế Linh từng phải nhảy xuống sông với danh ca Hùng Cường khi thấy điều bất ổn
- Chiêm ngưỡng những bức ảnh tuyệt đẹp của Sài Gòn vào năm 1965 được thực hiện bởi Ken Kraft.
- Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Hoài An (1929 -2012)
- Ngã 6 Nguyễn Tri Phương – Sài Gòn Chợ Lớn hồi trước 75