Trong số những dòng nhạc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, người hâm mộ nhạc chắc hẳn còn nhớ vào khoảng hơn 30 năm về trước, đã có thời những bản tân nhạc mang âm hưởng trữ tình quê hương làm nên một cuộc cách mạng: Cuộc cách mạng mang tên “Mưa bụi”. Dòng nhạc “Mưa Bụi” vào những năm của thập niên 1990 là sự kết hợp hài hòa giữa tân nhạc hiện đại cùng với những kỹ thuật cổ nhạc trong những ca khúc trữ tình quê hương với chất nhạc đầy dân dã.
Nền âm nhạc Việt Nam của những năm đầu thập kỷ 90 đã gắn liền với những cái tên quá đỗi quen thuộc như Nhã Phương, Bảo Yến, Ngọc Ánh, Ngọc Sơn, Đình Văn… Những tên tuổi này từng làm mưa làm gió với những bản trữ tình quê hương đầy ngọt ngào, ca khúc rock sôi động, dòng nhạc Tình Ca Đỏ hay những bản nhạc Vàng trước năm 1975 đều làm người ta nhung nhớ khôn nguôi. Nhạc đỏ tức là dòng nhạc cách mạng – là một dòng của tân nhạc Việt Nam gồm những bài hát sáng tác trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương. Còn về nhạc vàng là dòng nhạc trữ tình lãng mạn từ thời tiền chiến, sau phát triển ở miền nam Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975 và hải ngoại, chịu ảnh hưởng nhạc miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Ngoài những tên tuổi ít ỏi trong nước, làng nhạc việt gần như bị xem là lép vế so với sự phát triển mạnh mẽ của nhạc hải ngoại. Về cơ bản, ở thời đó những người Việt ở nước ngoài đều có một cuộc sống ổn định, họ đòi hỏi ngày càng cao về nhu cầu tinh thần. Đồng thời, ngoài những băng đĩa của các ca sĩ đình đám – tên tuổi từ trước những năm 1975, còn có sự xuất hiện của những gương mặt mới ở hải ngoại như Ngọc Lan, Tuấn Vũ, Don Hồ, Lâm Thúy Vân… và thế hệ hát nhạc trẻ đình đám là Lưu Bích, Tô Chấn Phong, Tommy Ngô, Lynda Trang Đài…
Sau khoảng thời dài không được tiếp xúc với dòng nhạc Vàng một cách công khai, công chúng yêu nhạc chỉ có thể bắt đầu tiếp cận nhạc hải ngoại thông qua những băng đĩa lậu. Cũng trong thời điểm này mà nhu cầu thưởng thức âm nhạc của khán giả trở nên cao hơn. Họ bắt đầu trông chờ vào những sản phẩm mới, đòi hỏi chất lượng cũng một tăng. Được cũng được xem là thời kỳ “đầu thai” cho thể loại âm nhạc kết hợp giữa tân nhạc và cổ nhạc, sau này được đặt hẳn cho một cái tên là “Mưa bụi”.
Trong khi đó, ở thị trường nước ngoài, nền âm nhạc còn ảm đạm hơn nhiều do những dư chấn còn đọng lại sau thời kỳ kiểm soát văn hóa đầy gắt gao của những năm sau 1975. Điều này, phần nào làm cho âm nhạc Việt Nam ở trong nước bị mất đi tầng lớp kế thừa âm nhạc trữ tình. Mãi đến những năm đầu của thập niên 1990, trước khi sự du nhập ngược của dòng nhạc hải ngoại về đến việt Nam, một số ít nhà sản xuất âm nhạc trong nước đã khám phá ra được tiềm năng to lớn của thị trường âm nhạc quốc nội, điển hình là trung tâm băng nhạc Kim Lợi.
Thời kỳ ấy, phương tiện truyền thông chưa phát triển mạnh mẽ, các sản phẩm băng đĩa cũng gói gọn trong vài chiếc băng cassette, video. Mà cũng không phải ai cũng có điều kiện được thưởng thức những sản phẩm này, bởi có được chiếc đài cassette thì hẳn là khá giả lắm. Nếu có, thì cũng là âm nhạc hải ngoại với những cái tên Ngọc Lan, Hương Lan, Linda Trang Đài… với các băng nhạc Asia, Paris by night. Thế nên khán giả, nếu muốn nghe âm nhạc ‘nội’, chỉ còn cách đến những tụ điểm sân khấu ngoài trời, một số sân khấu tỉnh để trực tiếp nghe những ca sĩ thời bấy giờ biểu diễn. Cũng chính bởi những lý do ấy, mà thị trường âm nhạc trong nước còn manh mún, nghèo nàn và lạc hậu.
Nắm bắt được thực tại, nhạc sĩ Hữu Minh, ông chủ của hãng đĩa Kim Lợi mong muốn có được một thử nghiệm mới, một dòng âm nhạc mới mang bản sắc của Việt Nam, mang hơi hướng dân ca nhưng với những kỹ thuật nhạc nhẹ. Và cơ hội đã đến khi nghệ sĩ cải lương Tài Linh ghé Kim Lợi, thu âm thử những ca khúc Hữu Minh viết và được nhạc sĩ Vinh Sử, người được mệnh danh là “ông vua nhạc sến” lúc bấy giờ biên tập. Còn nữ nghệ sĩ Tài Linh thời ấy lại chính là một ngôi sao thực sự của sân khấu cải lương và chưa hề có bất kỳ kỹ thuật hát tân nhạc nào.
Cuộc hành trình thu âm rất cực khổ của Tài Linh bắt đầu. Chị làm quen với nhịp phách và tiết tấu của nhạc nhẹ qua sở trường và cách nhấn nhá, buông thả luyến láy mềm mại của cổ nhạc, những chị biết chắt lọc và làm mới giọng hát của mình, cộng hưởng với sự mày mò, sửa chữa, và xử lý tinh tế về kỹ thuật của phòng thu Kim Lợi. Tiếng hát đặc biệt của chị đã thuyết phục được ca sĩ Đình Văn, vốn là một giọng ca nam khá sáng giá lúc bấy giờ, kết hợp với chị thành một cặp song ca. Đình Văn – Tài Linh với bài hát đình đám đầu tiên “Tùy Hứng Lý Qua Cầu” đã làm lay động được thị trường băng cassette, bắt đầu vươn lên, phá các kỷ lục của Ngọc Sơn, Thu Hiền… vượt qua con số 150.000 bản, làm rộn ràng khắp trong Nam ngoài Bắc, từ thành phố đến tận miền quê thời kỳ đó. Sau những khó khăn ban đầu của việc cho ca sĩ làm quen với thể loại nhạc mới, sản phẩm đầu tiên của Kim Lợi đã đánh trúng tâm lý của người nghe nhạc khi doanh số bán ra của những băng cát sét này dần dần tăng lên vượt quá sự mong đợi.Sau thành công ban đầu đó, Hãng phim Trẻ và Kim Lợi đã có ý tưởng quay lại những cảnh đẹp của Việt Nam cùng những ca sĩ trong dự án. Đây được coi là sự khởi đầu mới mẻ cho các MV ca nhạc Việt Nam sau này. Ý tưởng này khá liều lĩnh bởi người yêu nhạc trong nước khi đó còn khá lạ lẫm với những MV ca nhạc, nếu có thì cũng chỉ là những sản phẩm hải ngoại được quay trên sân khấu. Còn các ca sĩ trong nước rất ít người phát hành những MV ca nhạc được đầu tư công sức, máy móc hiện đại như vậy.
Hữu Minh kể: “Một chiều buồn, cả đoàn đi quay cảnh làm karaoke trên Đà Lạt, thì gặp …mưa bụi”. Anh còn nhấn mạnh: “Cam đoan chỉ ở Đà Lạt mới có mưa bụi. Đó là những hạt mưa nhẹ và mỏng manh lạ lùng, chỉ làm mềm tấm áo, không làm người ta ướt sũng, ý tưởng này sẽ dùng làm chủ đề cho video ca nhạc của Tài Linh. Máy M2 sẽ quay và.… đặc tả được mưa bụi“. Cính sự tình cờ này đã dẫn anh đến quyết định đặt tên cho những dòng sản phẩm của mình thành “Mưa Bụi”, cũng chính vì thế mà khai sinh ra một dòng mới cho chính mình và khán giả.
Khi Hãng Phim Trẻ và Kim Lợi có sáng kiến liều lĩnh du nhập một dàn máy quay mới tinh thì các nhà “sáng tạo nghệ thuật” mới tìm cách dùng, khai thác tối đa công năng của nó bằng ý tưởng quay nghệ sĩ và cảnh đẹp (tiền thân của video ca nhạc và MTV Việt Nam sau này). Sở dĩ điều này được coi là mới lạ, vì ở thời điểm đó, mọi người vẫn chưa được tiếp cận với MTV quốc tế, hầu hết chỉ biết đến những chương trình ca hát nhạc hải ngoại được quay trực tiếp trên sân khấu ở trung tâm Thúy Nga hoặc Asia.
Kể từ đó, dòng video ca nhạc tình tự quê hương “Mưa Bụi” ra đời. Những phong cảnh đặc trưng của Việt Nam lần lượt xuất hiện trong những MV ca nhạc này. Những bối cảnh như đồng lúa con trâu, những cầu tre lắt lẻo, những miền đất thân thương như Huế mộng mơ, miền Trung thương nhớ, Tây Nguyên khói sương, miền Tây chân tình… được đưa vào những video ca nhạc của Mưa Bụi. Hàng ngày chứng kiến các đoàn phim lên đường, chưa bao giờ cảnh đẹp quê hương lại được khai phá, thu vào ống kính trong từng bối cảnh, từng góc độ tận tình như vậy.
Cũng vì là những nhân tố đầu tiên, thế nên những phong cảnh đẹp của quê hương được khai phá, lột tả từng chi tiết và đem lại nhiều cảm xúc cho ca sĩ cũng như khán giả. Nhạc sĩ Hữu Minh đã quyết định giới thiệu Việt Nam qua những video ca nhạc cũng như những bản tình khúc trữ tình như một đặc trưng riêng của thể loại âm nhạc này. Anh phân tích được rằng, đây chính là thế mạnh, cũng như điểm mới lạ mà không ai trước đó từng làm. Biến những khó khăn thành ưu điểm, Hữu Minh mạnh dạn cùng những ca sĩ của mình quyết định rẽ sang một hướng mới với đầy thử thách.
Dấu ấn khó phai nhất của “Mưa Bụi” là bài hát Giăng Câu. Nó gần gũi và phổ thông đến mức trở thành câu chào hàng ngày của khán giả miền Tây và một số nơi ở Sài Gòn: “Em hỏi anh đêm nay đi đâu? Anh nói rằng anh đi giăng câu…”
Video ca nhạc “Mưa Bụi” phát triển dần dần theo một công thức khá hấp dẫn: Ca khúc có âm hưởng dân ca + nhạc trữ tình bình dân (sến) + Tổ hợp hoạt cảnh hài + ca sĩ mới được lăng xê.… Ban đầu chỉ với hai ca sĩ chủ chốt kiêm diễn viên chính là Tài Linh – Đình Văn, dòng nhạc này đã phát triển và xuất hiện rầm rộ hàng loạt tên tuổi một thời như Chế Thanh, Sỹ Ben, Mộng Na, Thùy Trang, Cảnh Hàn…Mưa Bụi còn rủ rê cả những ngôi sao cải lương như Kim Tử Long và các danh hài Hồng Vân, Bảo Chung, Bảo Quốc, Duy Phương, Hồng Tơ…, các nghệ sĩ Thành Lộc, Hồng Nga… dạo chơi qua lĩnh vực video ca nhạc và tạo được dấu ấn bằng những tiết mục hài rất vui nhộn, hợp thị hiếu, có tính chất sáng tạo, đầy thể nghiệm và tìm tòi trong thời kỳ đó.
Nhưng sau 3 số đầu tiên với lượng băng video bán chạy không ngờ, lên tới hàng trăm ngàn bản, “Mưa Bụi” gặp phải sự phản đối vì quá dân dã khiến cho nhiều khán giả khó tính cho rằng âm nhạc này không xứng tầm với nền âm nhạc trong nước. Không thanh minh, chẳng lý giải, ê kíp thực hiện lặng lẽ đổi tên chương trình từ “Mưa Bụi” thành “Tình Đã Bay Xa”. Kể từ đó, “Mưa Bụi” đã vượt qua biên giới trong nước để đến với thị trường hải ngoại. Người Việt ở khắp nơi trên thế giới, với nỗi lòng canh cánh thương nhớ về quê nhà, khi gặp được dòng nhạc này đã đón nhận nhiệt liệt bởi họ có thể ngắm nhìn những cảnh đẹp của quê hương cũng như lắng nghe những khúc nhạc thuộc về nơi chôn rau cắt rốn của họ.
Cũng từ đây, các trung tâm băng đĩa hải ngoại đã kết hợp với ê kíp để cùng nhau thực hiện những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của những người con Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới. Chính bởi vậy, âm nhạc “Mưa Bụi” ngày càng đến được với nhiều khán giả hơn, nhiều người tìm nghe bằng được những băng đĩa này, đến nỗi các đại lý phải xếp hàng lấy số mới có thể đăng ký được số lượng cho mình để mua được băng về bán. Minh Vy kể lại: “Tôi vẫn nhớ trung tâm Kim Lợi mở cửa bán hàng vào 7h30 sáng, nhưng từ 4h30 đã có người xếp hàng để được mua trước như những ngày thời bao cấp“.
Sẽ có ít người biết rằng, hầu hết những ca sĩ thành danh của hiện tại như Hồng Vân, Ngọc Sơn, Cẩm Ly,…cho đến Phương Thanh, Lam Trường,…đều trưởng thành từ cái nôi của dòng nhạc “Mưa Bụi”. Họ được đông đảo khán giả biết đến và yêu thích thông qua những ca khúc, những sân khấu mà họ thể hiện trong hàng loạt chương trình này.
Không kéo dài lâu, âm nhạc Việt Nam thời kỳ sau đó đã bùng nổ với những cái tên như Đan Trường, Mỹ Tâm, Hiền Thục…. với dòng nhạc trẻ, để từ đó khép lại một thời kỳ oanh liệt của “Mưa Bụi”.
“Mưa Bụi” đã kết thúc sứ mệnh của mình, thế nhưng dấu ấn dòng nhạc này để lại không hề nhỏ khi nó đã từng xuất hiện, từng thu hút hàng triệu người nghe, từng làm cho những cái tên “mới tinh” trở nên nổi tiếng, từng đi sâu vào tâm hồn của mỗi con người Việt Nam để từ đó, mỗi lần nhắc đến âm nhạc trong nước, người ta lại bồi hồi nhớ về thời kỳ Mưa bụi với những bản trữ tình quê hương làm lay động lòng người.