Khoảng 28 năm về trước, cái tên “Mùi đu đủ xanh” lần đầu tiên được xướng tên trong hạng mục đề cử cua rphim nói tiếng nước ngoài hay nhất trong lịch sử lễ trao giải Oscar. Và mãi 28 năm sau, đây vẫn là một bộ phim, một câu chuyện đậm chất Việt Nam được quay dựng một cách ấn tượng nhất.
“Mùi đu đủ xanh” (tiếng Pháp: L’Odeur de la papaye verte; tiếng Anh: The Scent of Green Papaya) làbộ phim điện ảnh tiếng Việt của năm 1993, được sản xuất và quay tại Pháp do đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng biên dựng. Toàn bộ kinh phí để sản xuất đều do người Pháp tài trợ, phim trường thực tế cũng là tại Pháp, nhưng toàn bộ dàn diễn viên cùng với ngôn ngữ phim và bối cảnh của “Mùi đu đủ xanh” đều mang đến cho người xem một cảm giác nồng đậm màu sắc Việt Nam như Trần Nữ Yên Khê (đồng thời cũng là vợ Trần Anh Hùng), Lư Mẫn San và Trương Thị Lộc. Nếu là người lần đầu xem bộ phim này, sẽ không thể nào ngờ được nó được quay trong phòng âm tầng tại Boulogne, Pháp vào những năm 1993; mà chỉ nghĩ là nó đặt bối cảnh ở Việt Nam và cụ thể là ở Sài Gòn của những năm thập niên 1950. Phim cũng là sự hợp tác đầu tiên của vị đạo diễn họ Trần với nhà soạn nhạc người Việt Tôn Thất Tiết, người sau này cũng viết nhạc cho hai bộ phim khác của Trần Anh Hùng là “Xích lô” và “Mùa hè chiều thẳng đứng”.
Bộ phim đã đoạt giải camera vàng tại Liên hoan phim Cannes 1993, một giải César cho phim đầu tay hay nhất và được đề cử cho giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 66, giúp nó trở thành bộ phim nói tiếng Việt đầu tiên và duy nhất cho đến nay từng nhận được đề cử Oscar.
Bộ phim xoay quanh cô gái có tên là Mùi – một cô bé ôn hòa và luôn tò mò về thế giới xung quanh. Cô đi ở (ở đợ, làm người giúp việc) cho một gia đình gốc Bắc buôn vải ở Sài Gòn vào khoảng những năm 1950. Trong gia đình này, người vợ mới chính là trụ cột chính, cô ra ngoài làm ăn gánh vác mọi việc, còn chồng thì chỉ là một người ăn chơi, chẳng giúp ích gì được cho vợ con cùng với một bà mẹ chồng. Ông bà chủ có ba cậu con trai, một người đã ở độ tuổi trưởng thành tên là Trung; hai người còn lại, người thì đã vào độ tuổi vị thành niên nên chẳng mấy quan tâm đến Mùi, còn người kia thì trạc tuổi của Mùi nên thường xuyên lấy việc ghẹo chọc cô để làm niềm vui. Lần thứ tư người chồng bỏ nhà ra đi cùng với toàn bộ số tài sản trong nhà, đến cuối cùng, ông vẫn quay trở lại khi trong người mang đầy bệnh tật và qua đời ít lâu sau đó. Mười năm sau, gia đình mà Mùi giúp việc rơi vào hoàn cảnh khó khăn, dù trong lòng bà chủ từ lâu đã xem Mùi như một trong những người con thân yêu của mình nhưng đến cuối bà chủ lại muốn Mùi trở thành người giúp việc cho bạn của con trai cả mình. Thế rồi, dòng đời đưa đẩy, Mùi trở thành người giúp việc cho một nghệ sĩ dương cầm tênlà Khuyến – từ lâu đã có đính ước, nhưng anh lại chẳng mấy mặn nồng trong việc dành thời gian ở bên cạnh vị hôn thê, mà thay vào đó anh lại có niềm đam mê cùng với dương cầm. Một đêm, khi hôn thê của Khuyến nói luôn mồm, tiếng piano của anh ngày càng trở nên dữ dội khi anh lờ cô ta đi. Lúc đó cô ta bỏ đi và hé nhìn qua cửa sổ. Khi Mùi bước vào phòng, âm nhạc của Khuyến lại trở nên hài hòa hơn bao giờ hết. Chính vì vậy sau đêm đó, anh đã đến phòng của Mùi và bày tỏ tình cảm với cô. Khi hôn thê của Khuyến biết được việc này, lễ đính ước lập tức bị hủy bỏ. Khuyến bắt đầu dạy Mùi cách đọc và viết cũng như cách cư xử để trở thành một quý bà. Phim kết thúc với cảnh Mùi đang đọc thơ cho chồng mình, đứa con chưa ra đời và người chủ nhà ban đầu
Mọi người nghĩ như thế nào về nội dung phim như thế? Điểm đặc biệt đã làm cho “Mùi đu đủ xanh” trở nên xứng đáng khi đại diện Việt Nam nhận được đề cử tại giải Oscar năm 1993, không chỉ đơn thuần là ở nội dung câu chuyện. Mà hơn hết, đó là những ẩn ý sâu phía trong mà Trần Anh Hùng muốn gửi gắm, là những bài học với nhiều tầng ý nghĩa cùng với một tình yêu mang theo tinh thần rất “Việt Nam” đã được tác giả khéo léo mà lồng ghép vào từng phần cảnh, từng lối suy nghĩ của nhân vật, từng tuyến nhỏ của diễn viên dù nhỏ nhất. Ý tưởng của bộ phim “Mùi đu đủ xanh” của tác giả Trần Anh Hùng bắt nguồn từ hình tượng quả đu đủ, anh cho biết:
“Hình tượng quả đu đủ xanh nói lên, theo lối ẩn dụ, chủ đề chính là thân phận của người đàn bà Việt Nam, một quan hệ truyền thống giữa đàn bà và đàn ông, quan hệ phục dịch. Một sự phục dịch chấp nhận bằng một sức mạnh tâm linh phi thường mà người ta có thể bắt gặp ở các bà mẹ Việt Nam. Một chế độ không thể chấp nhận, nếu xét một cách duy vật.”
Xuyên suốt toàn bộ phim “Mùi đu đủ xanh” , người xem sẽ cảm nhận được một điều rằng: Thứ tình yêu với nhiều cung bậc cảm xúc sẽ có thể hiện diện ở khắp mọi nơi, nó là sự quan tâm, là sự thấu hiểu, tuy có phần kín đáo nhưng đủ làm người ta cảm thấy ấm áp, sự vừa phải trong phim như chính tính cách của những con người Việt Nam. Đó là thứ tình yêu trọn vẹn nhưng đầy sự khoắc khoải mà bà nội đã dành cho ông nội của Mùi dù đã mất rất nhiều năm; hay đó là thứ tình yêu của một ông già vẫn hay trò chuyện cùng tâm sự với Mùi dành cho bà nội cô, chẳng cần ở bên nhau đời đời kiếp kiếp, chỉ cần biết bà vẫn luôn khỏe mạnh và vui vẻ, thế cũng là đủ lắm rồi. Đó cũng có thể là thứ tình yêu rất đàn bà của bà chủ Mùi dành cho người chồng vô trách nhiệm, âm thầm chịu đựng những nhọc nhằn và chấp nhận tha thứ mọi lỗi lầm.
Và thứ tình yêu sâu sắc nhất cũng là ngọt ngào nhất của toàn bộ phim chính là tình yêu của Khuyến và Mùi dành cho nhau, một thứ cảm xúc dịu nhẹ đưa người xem tiến vào bản ru ca êm ái như chính hương bị của đu đủ xanh. Từ đầu đến cuối, dù là năm 10 tuổi hay Mùi của năm 20 tuổi đều như thế, vẫn luôn chung thủy, giàu lòng tắc ẩn và âm thầm vun vén mọi thứ cho người mình mang lòng yêu thương. Về phần Khuyến, anh đã vượt qua những suy nghĩ thường tình về khoảng cách vai vế giữa người với người trong xã hội, khoảng cách giữa vợ và chồng trong gia đình, sẵn sàng dạy cho Mùi biết được mọi thứ và bắt đầu là đọc viết. Hành động đó rất nhỏ, nhưng nó lại chứa đựng sự quan tâm khó nói nên lời, bởi nó thể hiện cho cử chỉ tôn trọng về sự bình đẳng dành cho người phụ nữ mà mình yêu.
Ngay sau khi ra công chiếu trước đông đảo công chúng, “Mùi đu đủ xanh” đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới phê bình điện ảnh. Thống kê từ trang web phê bình điện ảnh Rotten Tomatoes cho thấy “Mùi đu đủ xanh” đạt số điểm cao tới 82%. Nhà phê bình Hal Hinson từ nhật báo The Washington Post ca ngợi:
“Trong Mùi Đu Đủ Xanh, sự tế nhị và khúc bi thương của nhà làm phim người Việt Nam Trần Anh Hùng là dành cho đất nước khai sinh của anh, thời gian được đếm không phải trong phút hay giờ mà là trong những tiêu chuẩn con người – nhịp tim và những lời khẩn cầu bị bóp nghẹt.”
Giống như Hal, Janet Maslin của tờ The New York Times cũng dành những lời khen ngợi cho bộ phim:
“Mùi đu đủ xanh” là một bộ phim đẹp thanh bình của Trần Anh Hùng về đất nước Việt Nam – một nơi có trật tự yên bình khi chưa bị chiến tranh tàn phá… “Mùi đu đủ xanh” đánh dấu màn ra mắt hoa mỹ, cái nhìn say đắm cho đạo diễn Hùng; phim của anh thường rất yên lặng đầy tính liên tưởng rằng nó chỉ cần lời đối thoại là vừa đủ”.
Nhà phê bình Roger Ebert từng đoạt giải Pulitzer chấm phim 5/5 sao và gọi “Mùi đu đủ xanh” là “một bộ phim đầy sự điềm tĩnh và chan chứa ngọt ngào, xem nó giống như đang nghe nhạc êm dịu vậy…; Đây là một bộ phim điềm tĩnh, nội tâm, trầm lặng – không có tình tiết chèo lái nhưng tập trung vào sự phát triển của cô gái trẻ.”
Nhẹ nhàng nhưng chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa, nhịp phim chậm rãi nhưng lại chỉnh chu đến từng chi tiết, từng thước phim hoàn toàn chinh phục người xem một cách tự nhiên, điều này khiến cho nhiều người không thể nào ngờ đến. Dù ở 28 năm sau hay khoảng thời gian về sau nữa thì “Mùi đu đủ xanh” vẫn là bộ phim mà ai ai cũng nên thưởng thức ít nhất một lần trong đời.