Y Vân – Người viết hộ nỗi lòng của người con xa xứ trong nhạc phẩm “Nhạt Nắng”

Đăng ngày 21/07/2024

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người.

Đó là bốn câu thơ trong bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân. Mỗi người sinh ra ai mà chẳng có cội nguồn gốc gác, ai mà chẳng có quê hương – Nơi chôn rau cắt rốn của chúng ta, quê hương có một ý nghĩa đặc biệt với mỗi người, chứa đựng những kỷ niệm trẻ thơ, quê hương như người mẹ thứ hai của chúng ta. Chính vì thế, trong mỗi chúng ta luôn có một thứ tình cảm đặc biệt dành cho quê hương, xứ sở. Không chỉ nhà thơ Đỗ Trung Quân mang tình yêu ấy vào vần thơ qua bài thơ Quê hương mà nhạc sĩ Y Vân cũng mang điệu lý, ca từ cho tình yêu ấy vào nhạc qua nhạc phẩm Nhạt nắng. Khác với sự hồn nhiên tươi trẻ của trẻ thơ khi nói về quê hương của Đỗ Trung Quân, Nhạt nắng của Y Vân viết về một miền quê nghèo xơ xác, tiêu điều trong ánh nắng nhạt.

VĂN THƠ NHẠC: Y Vân - Người viết hộ nỗi lòng của người con xa xứ với làng quê nghèo xơ xác trong nhạc phẩm "Nhạt nắng"

Y Vân (1933 – 1992) là một nhạc sĩ tiêu biểu của nền Tân nhạc Việt Nam từ cuối thập niên 1950 đến 1990. Ông tên thật là Trần Tấn Hậu, sinh ra tại Hà Nội, duyên âm nhạc đến với ông từ rất sớm, khi còn bé ông đã tập tành học nhạc cùng nhạc sĩ Tạ Phước. Y Vân là  nhạc sĩ nổi tiếng qua các ca khúc: Lòng mẹ, Ơn cha, 60 năm cuộc đời, Hai chuyến tàu đêm,…nhạc của ông rất đa dạng, không tập trung vào duy nhất một chủ đề hay theo riêng một lối mòn nào cả. Ông luôn biết cách truyền tải thông điệp cùng cảm xúc của mình vào từng ca từ của bài hát. Có thể vì điều này mà nhiều ca khúc của ông khiến khán giả nghe nhạc xúc động không nguôi – Điển hình như ca khúc về chủ đề quê hương “Nhạt nắng”.

Nhạt nắng là một nhạc khúc buồn về quê hương, là lòng xót xa của người con xứ sở khi ngắn nhìn quê hương bị tàn phá trong cảnh nắng chiều tà. Bản thân không có sức mạnh siêu anh hùng, chẳng thể một mình bảo vệ miền quê nhỏ, chỉ có thể trơ mắt nhìn nơi mình sinh ra từng chút từng chút một chìm dần trong xơ xác. Ca khúc “Nhạt nắng” mang trong mình những giai điệu cùng với lời bài hát vô cùng đẹp nhưng lại ẩn chứa sự man mác buồn, nó không chỉ gợi lên cho chúng ta một làng quê Việt Nam chân thật mà còn cảm nhận được sự chua xót và bất lực của một người con tha hương. Bài hát vẫn còn vang bóng cho đến ngày nay, không chỉ với thế hệ yêu nhạc ngày xưa mà với cả những người thích nhạc quê hương của bây giờ cũng không kiềm được sự xúc động mỗi khi lắng nghe những giai điệu sâu lắng ấy.

Tôi thương miền quê nhớ hoàng hôn trên đất xưa
Nghe tiếng tiêu mơ màng chiều hè
Tôi yêu người xưa áo nâu hương duyên thật thà
Đời mặn nồng hồng lên đôi má

VĂN THƠ NHẠC: Y Vân - Người viết hộ nỗi lòng của người con xa xứ với làng quê nghèo xơ xác trong nhạc phẩm "Nhạt nắng"

Người con quê hương nhớ về những hoàng hôn trên đất xưa, mỗi chiều về nghe văng vẳng bên tai tiếng ai thổi tiêu. Nhớ và yêu màu áo nâu, màu áo đặc trưng của người nông dân chất phát hiền lành, nhớ những đôi má hồng lên không phải vì son vì phấn, mà vì cái mặn, cái nắng của quê hương. Trong ký ức của tác giả, quê hương hiện lên qua cảnh vật tươi đẹp, qua con người hồn nhiên đầy sức sống.

Nhưng thôi giờ đây nắng tàn phai trên khóm tre
Bao áng mây bên trời mịt mờ
Thương ai nhạt môi
Mắt sâu lắng như đêm dài
Đời cần lao khoác lên mình trai

“Nhưng thôi giờ đây nắng tàn phai trên khóm tre” lời ca như một câu than thốt đầy bất ngờ trước sự đau lòng cho quê hương. Nếu ở mở đầu bài hát là một miền quê thanh bình, hạnh phúc thì giờ đây chỉ còn một miền quê tàn phai. Mây trời cũng không tươi xanh mà mờ mịt. Những đôi má đào giờ chỉ còn lại bờ môi nhạt và đôi mắt lắng như đêm dài. Cuộc đời vất vả mưu sinh đè nặng đôi vai người trai trẻ “Đời cần lao khoác lên mình trai”.

Hoàng hôn phai nắng
Chân trời xa vắng
Còn đâu tiếng tiêu buông

VĂN THƠ NHẠC: Y Vân - Người viết hộ nỗi lòng của người con xa xứ với làng quê nghèo xơ xác trong nhạc phẩm "Nhạt nắng"

Hoàng hôn phai nắng, chân trời như ở xa và tiếng tiêu ngày nào giờ cũng như buông xuôi không cất tiếng nữa. Tất cả mọi cảnh vật giờ đây đều khoác lên mình một tâm trạng buồn, cảnh buồn trong hoàng hôn phai nắng, một cảnh buồn miên man không điểm dừng như chân trời nơi xa ấy. Tiếng tiêu luôn vang lên trong những thời khắc đau thương nhất, nhưng tại thời điểm này, tiếng tiêu ấy cũng chẳng thể vang nổi. Phải chăng quá xót xa, quá ưu phiền mà chẳng thể cất lên nỗi một tiếng tiêu sầu….

Chiều tà mênh mang
Thoáng bên đồi nương
Có tiếng ai thở than

Ánh chiều tà đã làm người ta nao lòng, vậy mà còn thêm tiếng ai than thở, nghe sao mà chán nản….Ngay trong một khắc ấy, cảm giác muốn buông xuôi tất cả để mặc cho số phận êm trôi.

Bầu trời chiều mênh mang phủ xuống bên đồi nương thoáng nghe có tiếng ai than thở. Đây là tiếng than của người nông dân trước cảnh cơ hàn, hay là tiếng than của nỗi lòng tác giả trước sự tan hoang, tiêu điều của người mẹ quê hương?

Tôi thương làng xưa mái nghèo không manh liếp che
Tia nắng phai mau ngoài đầu hè
Tôi thương miền quê
Khóm tre xác xơ tiêu điều
Người buồn u uất ôm tình sâu

Và đến cuối bài, tác giả mới bộc bạch cảm xúc của mình với quê hương “Tôi thương làng xưa mái nghèo không manh liếp che”, “Tôi thương miền quê”. “Tôi thương”, không phải yêu, không phải xót mà là thương. Một chữ thương nghe tình cảm ấm áp, thương cho làng quê nghèo, thương cho miền quê xác xơ. Người con thương cho quê hương nghèo không có manh liếp che, thương cho khóm tre nay cũng trở nên xơ xác. Cây tre vốn là loài cây tượng trưng cho khí tiết và tinh thần đánh đuổi giặc của nhân nhân ta từ thời Thánh Gióng nhổ bụi tre làng đánh đuổi giặc Ân. Sức sống mãnh liệt của loài cây kiên cường bất khuất, tre già măng mọc ấy là biểu tượng cho tinh thần dân tộc ta. Nên không ngạc nhiên khi tác giả chọn cây tre để đại diện nói về quê hương. Những khóm tre kiên cường, xanh tốt tươi ngày nào giờ cũng xơ xác, xơ xác như những người nông dân áo nâu “buồn u uất ôm sầu”.

“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” mọi vật, mọi thứ xung quanh như phủ một không khí u buồn, một sự thương tiếc của tác giả đối với cảnh quê hương bị tàn phá. Tác giả không đề cập đến lý do vì sao quê hương trở nên như thế, mà chỉ tập trung bộc lộ hết tất cả tâm tình của người con xa nhà, khi về thăm lại quê hương nay khác xưa quá nhiều. Vẫn cái nắng nhạt của ngày nào, vẫn những con người ngày nào nhưng giờ đây mọi thứ đều xơ xác, tan hoang

Trích lời bài hát:

Tôi thương miền quê… nhớ hoàng hôn trên đất xưa
Nghe… tiếng tiêu mơ màng chiều hè
Tôi… yêu người xưa… áo nâu hương duyên thật thà
Đời… mặn nồng hồng lên đôi má

Nhưng thôi giờ đây… nắng tàn phai trên khóm tre
Bao… áng mây bên trời mịt mờ
Thương… ai nhạt môi
Mắt sâu lắng như đêm dài
Đời… cần lao khoác lên mình trai

Điệp khúc:
Hoàng… hôn phai nắng
Chân… trời xa vắng
Còn… đâu tiếng tiêu buông

Chiều… tà mênh mang
Thoáng… bên đồi nương
Có… tiếng ai thở than

Tôi thương làng xưa… mái nghèo không manh liếp che
Tia… nắng phai mau ngoài đầu hè
Tôi… thương miền quê
Khóm tre… xác xơ tiêu điều
Người… buồn u uất ôm tình sâu