Nếu mọi người đều nghĩ rằng, những ca khúc về xuân sẽ luôn tràn đầy sự nhộn nhịp, luôn mang đến người nghe những âm điệu vui tươi và bắt tai bởi ca từ sôi động. Thế nhưng vẫn xen vào đó là những ca khúc trầm lặng và vô cùng ý nghĩa trong tuyển tập nhạc xuân của các nhạc sĩ. Xuân không chỉ mang đến nguồn cảm hứng về thiên nhiên tươi đẹp hay lòng người nhộn nhịp, bởi sẽ có một phận nhỏ vì vài lý do mà chẳng thể cùng gia đình đoàn viên, chẳng được đón chào một cái Tết trọn vẹn niềm vui. Những ca khúc này dù mang giai điệu buồn tủi nhưng lại đánh thẳng và đúng vào tâm lý người nghe nên trở thành những nhạc phẩm đẹp, sống mãi với thời gian, dù đượm buồn nhưng vẫn lưu lại trong tâm trí người nghe. Có thể kể đến như bài hát “XUÂN NÀO CON SẼ VỀ” của nhạc sĩ Nhật Ngân.
Được biết đến là một nhạc sĩ Việt Nam sáng tác từ những năm trước 1975 vô cùng nổi tiếng, kể cả sau này ở hải ngoại cũng thế. Xuất hiện trong làng âm nhạc miền Nam Việt Nam của thập niên 1960, Nhật Ngân ngay từ ca khúc đầu tay “Tôi đưa em sang sông” khi sáng tác cùng với Y Vũ. Sau đó là hàng loạt ca khúc về chủ đề người lính như “Mùa xuân của Mẹ”, “Xuân này con không về”, “Qua cơn mê”,….cũng giành được nhiều thành công vang dội. Ngoài bút danh Nhật Ngân được nhiều khán giả biết đến, ông còn sử dụng thêm những bút danh khác như Ngân Khánh, Song An và đặc biệt là Trịnh Lâm Ngân (Được dùng khi hoạt động cùng với nhóm nhạc sĩ Trần Trịnh và Lâm Đệ).
“XUÂN NÀO CON SẼ VỀ” là một trong những bài hát ý nghĩa của nhạc sĩ Nhật Ngân khi lựa chọn chủ đề viết về Mẹ. Không chỉ mang trong mình tâm trạng mong chờ đón mùa xuân mới sang, Nhật Ngân còn ta cảm nhận được những mùa xuân xa nhà có biết bao nhớ thương, biết bao hoài niệm. Nhớ về Mẹ già nơi mái lá đợi chờ ta, nhớ tới bao mùa xuân không ở nhà đón Tết còn Mẹ, nhớ làm sao hơi ấm của gia đình vẫn luôn che chở cho ta….Nếu trong bài “Xuân này con không về” Nhật Ngân diễn tả tâm trạng của một người con xa nhà vào dịp Tết, không thể về sum họp cùng với gia đình của mình được, không thể gặp được ba mẹ, không thể vui đùa cùng các em. Thì trong ca khúc “XUÂN NÀO CON SẼ VỀ” Nhật Ngân lại mang chúng ta đến một cảm xúc lạc lõng bởi tác giả ra đi mà chẳng xác định khi nào bản thân mới có thể hòa hợp cùng người thân, được về bên Mẹ yêu sau bao ngày xa cách.
“Lại một mùa xuân buồn xa xứ
Nghe nhớ thương vây kín trong hồn
Từ những mùa xuân qua lạnh lùng
Nghe lòng bâng khuâng ……”
Tết đang về trong mọi nhà, không khí Tết bao trùm cả một khoảng trời bao la, vậy mà nó lại trở thành khoảng đêm tăm tối trong lòng những người tha hương.
“Lại một mùa xuân buồn xa xứ” – Nghe có thấy xót xa? Nghe có thấy lòng buồn rười rượi? “Lại” được hiểu như từ ngữ diễn tả sự tuần hoàn, lặp lại, đã không biết trải qua bao mùa xuân mà nhạc sĩ vẫn chưa được về với gia đình, bên cạnh người Mẹ thân yêu. Nơi xứ người biết bao lạ lẫm, dù là người ở nhiều năm hay người mới qua vài tháng cũng chẳng thể hòa nhập khi bản thân là người Việt và trong không khí người Việt đón Tết an khang. Nếu hiện tại, bản thân đang ở quê nhà, đang vui vẻ cùng đàn em thơ nơi mái nhà ấm cúng, được cùng mẹ đón chờ nồi bánh tét thơm ngon, cùng cười đùa kể nhau những câu chuyện,….thì vui biết là bao nhiêu. Nhưng lại chẳng thể được chỉ biết “nhớ thương vây kín trong hồn”, an ủi bản thân bằng những hồi ức khi còn tấm bé, chỉ biết ấp ôm những kỷ niệm về tuổi thơ bên mẹ.
Với nhiều người sẽ cảm thấy mùa xuân là một mùa đẹp nhất trong năm, mùa xuân với bao mầm non đâm chồi nảy lộc cùng với muôn hoa đua nở, lòng vui như ngàn hoa. Thì với những người con tha hương, mùa xuân là một mùa chẳng đáng được mong chờ, họ cảm thấy thật lạnh lẽo, còn lạnh hơn cả mùa đông, bởi vì không chỉ lạnh ngoài thân mà còn lạnh cả tấm lòng. Bởi vậy mới có câu hát “Từ những mùa xuân qua lạnh lùng, nghe lòng bâng khuâng…”.
“…..Ôi nhớ thương sao những xuân nao
Lan cũng xôn xao đón mai đào
Mùa Xuân đẹp sao, giờ đây tìm đâu, thấy đâu?
Xuân ơi, Xuân ơi, thương nhớ ngập lòng
Xuân ơi, Xuân ơi, ta giờ một bóng!
Quê hương yêu ơi! Thương nhớ một trời
Quê hương yêu ơi! Bao giờ ta về?….”
Mùa xuân đến mang theo một không khí tươi mát làm người người vui vẻ, nên ai ai cũng trông chờ mà đón xuân, trẻ nhỏ mong Tết đến để lớn thêm một tuổi để phong lì xì thêm “nặng”, người trưởng thành càng thêm chín chắn, người lớn tuổi thì như được hồi xuân….Mỗi người một tâm trạng nhưng đều chúng cảm xúc vui tươi.
Xuân trong tâm trí mỗi chúng ta đều chất chứa những ký ức chẳng thể nào quên được, tác giả cũng vậy, ngồi buồn ngắm nhìn từng cảnh tượng mùa xuân đang nhẹ nhàng bước tới. “Ôi nhớ thương sao những xuân nao” lòng cũng mong được một lần nôn nao đón tết cùng gia đình, được bên mẹ ngày ý nghĩa này, ngắm nhìn những cành hoa mai, hoa đào chen nhau mà chào xuân…Xuân trong ký ức của tác giả đẹp lắm, nhưng hiện tại lại biến đâu mất, “giờ đây tìm đâu, thấy đâu?”.
Liên tiếp là những câu cảm thán được lặp lại trong cùng một câu hát, “Xuân ơi, xuân ơi!” – “quê hương yêu ơi” đều là những câu từ thể hiện sự thương nhớ khôn nguôi của tác giả. Thậm chí, câu hát này còn được lặp lại đến hai lần trong bài hát, giữa bài và phần kết thúc, dù lặp đoạn nhưng chẳng làm người ta chán ghét hay bài xích, mà còn làm tăng thêm phần não nề cho ca khúc. Xuân đến rồi, trong lòng đều đầy ắp những hình ảnh về mùa tụ họp, nhưng đột nhiên nhận ra bản thân chỉ có một mình, thương nhớ làm sao khung trời Nam với bao yêu mến nhưng lại xa xứ chưa biết ngày trở về. Mong mỏi là thế! Nhưng lực bất tòng tâm, chỉ biết nơi khung trời lạ mà nhìn về phương xa mà lặng lẽ rơi lệ….
“…..Lại một mùa xuân đời viễn xứ
Con mãi lênh đênh, mãi mịt mờ
Mẹ héo từng đêm xuân đợi chờ
Mắt lệ rưng rưng….”
Mẹ ơi! Nơi quê nhà không thấy dáng con tung tăng, mẹ có buồn không? Con biết, vì sự nghiệp, vì lý tưởng của bản thân mà con đã đánh mất cái gọi là sự ấm áp gia đình, rời nhà tha hương, Tết nhất chẳng được về bên Mẹ. Đột nhiên cảm thấy bản thân cứ “mãi lênh đênh, mãi mờ mịt”, cứ mãi đón xuân miền viễn xứ, mùa xuân với con chẳng còn đẹp như trước, chẳng còn bao nhiêu lưu luyến. Con biết mẹ mong con từng ngày, con biết mẹ “héo từng đêm xuân” mà đợi chờ tin con mà hằng đêm phải lau mặt bằng nước mắt. Làm sao rửa hết tội lỗi này khi để mẹ lệ rơi, để mẹ chờ mong con trong sự vọng khi chính bản thân cũng chẳng biết “xuân nào con sẽ về”.
“……Xuân đến xuân đi đã bao lần
Con vẫn lênh đênh, vẫn chưa về
Để Mẹ chờ mong
Mùa Xuân buồn, xuân cứ qua …”
Một câu xin lỗi kín đáo được tác giả bộc bạch trong bài hát, vì bản thân không về được, vì bản thân không thể đón tết cùng Mẹ, cùng gia đình, vì bản thân đã để mẹ chờ mong, vì bản thân đã để mẹ phải trải qua nhiều mùa xuân không vui vẻ….và vì nhiều cái khác nữa. Xuân đến xuân đi không biết đã bao nhiêu lần, nhưng người ra đi vẫn chưa trở về, còn người ở lại vẫn mãi một niềm tin mà nóng lòng chờ đợi.
Thời xưa do chiến sự chưa tròn nên nhiều người chẳng dám rời bỏ cương vị mà về nhà với mẹ cha, ho khao khát biết nhường nào, họ trân trọng biết bao từng giây phút bên gia đình khi có thể. Còn ở thời đại mới này, mọi người có điều kiện nên đi du lịch nhiều hơn trong dịp Tết đầu xuân thay cho việc bên gia đình sưởi ấm cho không gian nhà cửa. Có lẽ, chỉ những người xa nhà lâu năm mới có thể thấm thía từng ca từ của bài hát này, họ mong mỏi thế nào để được trở về với gia đình, trở về bên mẹ. Có ai từng nghĩ rằng, Tết chính là ngày của Mẹ, ngày của những đứa em thơ, Tết không về với Mẹ thì không thực sự là Tết.
Nhóm nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân cũng có một bài hát rất được yêu thích và truyền tải một thông điệp về Mẹ vô cùng mạnh mẽ chính là “Mùa xuân của Mẹ”. Thực sự là như vậy! Chúng ta dù lớn thì vẫn vô cùng bé nhỏ đối với người sinh thành, với Mẹ chúng ta luôn là những đứa trẻ không bao giờ lớn, vậy nên mỗi một mùa xuân qua đi, chúng ta như nhẫm lại từng ngày bên mẹ. Liệu còn bao lâu, vậy sao không tranh thủ mà bên Mẹ, vì chỉ cần bên Mẹ thì ngày nào với chúng ta cũng là mùa Xuân tràn đầy ý nghĩa và hơi ấm.
- “Mộng Dưới Hoa” – Tình là mộng ảo
- “Chiều tím” (Đan Thọ & thơ Đình Hùng)
- Ly kỳ chuyện tình của vua Thành Thái với cô gái nông dân tại Bạch Dinh
- “Cho Người Tình Lỡ” – Ca khúc về mối tình lỡ giữa con gái Chúa Đảo và nhạc sĩ Hoàng Nguyên
- Cà Phê Sài Gòn Ngày Xưa – Cà phê vốn cùng đi với con đường lịch sử.