Nghệ thuật gieo vần như thơ trong sáng tác “Trước giờ tạm biệt” của nhạc sĩ Hoài An và tình khúc chia ly đầy lưu luyến

Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, có lẽ không ít nhạc sĩ có kỹ năng gieo vần như thơ, đây không chỉ là nét đặc biệt mà còn là điểm nhấn cho ca khúc. Chẳng ai xa lạ với nhạc sĩ Hoài Linh cùng biệt tài “vẽ tranh bằng lời nhạc” – Người được mệnh danh là đặt lời nhạc rất hay, những ca khúc của ông như một bài thơ vần điệu làm lay động lòng người. Ngoài ra, vẫn còn nhiều nhạc sĩ nổi tiếng khác cũng sử dụng cách thức gieo vần như thế khi sáng tác, điển hình là nhạc sĩ Hoài An trong phần lớn ca khúc của mình. Ví dụ như:

“Chỉ còn một đêm nay nữa thôi.

Mai chúng ta mỗi người một nơi.

Đã trót yêu thương nhau đầy vơi

chớ cho hương nhạt màu trôi,

vì cuộc đời người đi cuối trời….”

Nhạc sĩ Hoài An

Đây là đoạn mở đầu trong tình khúc người lính “Trước giờ tạm biệt” được sáng tác vào năm 1964. Ca khúc là bức tranh đại diện cho những cuộc chia ly đầy luyến lưu của những đôi nhân tình hay đôi vợ chồng thời chinh chiến, là khoảnh khắc đêm hôm trước ngày tiễn người thương lên đường ra sa trường hung hiểm. Ai chẳng biết được sự hiểm nguy nơi chiến trường khốc liệt, nhưng cũng chẳng ai có thể tiên đoán được rằng hay biết được nó thật sự đáng sợ ra sao. Đêm chia ly ấy, không chỉ đơn thuần là sự chia xa kẻ tiền tuyến người hậu phương, mà có khi là sự cách biệt sinh tử bởi có mấy người đến chiến trường có ngày quay trở lại, hay vĩnh viễn vùi thân nơi đất lạ. Đôi tình nhân trong giờ phút chia tay, không chỉ sẽ nhớ nhung mà còn nhiều hơn là sự lo sợ, sợ sẽ không còn được gặp nhau nữa, sợ sự cách biệt âm dương, sợ kẻ ở người đi, sợ rất nhiều thứ,….

Chỉ còn một đêm duy nhất này nữa thôi, “mai chúng ta mỗi người một nơi” chàng sẽ đến nơi tiền tuyến nhiều nguy hiểm mang theo mong muốn dẹp loạn cho quê hương, giữ vững bờ cõi cho Tổ quốc thân yêu này. Còn nàng, sẽ vững tâm và vững lòng nơi hậu phương hẻo lánh để chờ đợi người thương trở lại và mong ngày đôi lứa sum vầy trong ấm no và hạnh phúc. “Đã trót yêu thương nhau đầy vơi”, chỉ ngày mai thôi là đôi người đôi ngã, không sợ thời gian lâu dài “hương nhạt màu trôi” tình cảm dần nhạt mất mà chỉ sợ bom đạn nơi chiến trường cướp anh ra khỏi vòng tay em “vì cuộc đời người đi cuối trời”. Bản thân người trong cuộc cũng chẳng biết, tim này giữ được rồi, tình này đậm sâu rồi nhưng người có còn để viết tiếp được đôi lời tình ca cho cuộc đời này hay không….

“…..Nhìn hành trang lệ rưng cuối mi.

Cố nén trong tim một điều gì!

Thôi hãy vui lên trước giờ đi,

xóa tan bao giận hờn chi,

ai tránh khỏi phút giây phân kỳ?…”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Hoàng Oanh trình bày.

Ngắm nhìn chàng từng món hành trang chuẩn bị lên đường, đối diện tương lai “bom bay lửa đạn” mà nàng lặng lẽ rơi nước mắt “lệ rưng cuối mi”, nhưng vẫn cố gắng kìm nén không cho giọt lệ ấy rơi xuống làm bận lòng người chiến sĩ. Từng tiếng nấc nghẹn được cô nàng giữ lại trong lòng để ủi an bản thân rằng “chàng ra đi sẽ sớm ngày trở lại” và cũng muốn để chàng lính yên tâm. an lòng lên đường làm nhiệm vụ cao cả.

“Cố nén trong tim một điều gì!”, cố dặn lòng không được suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực mà phải vững dạ nguyện cầu cho người thương, nhưng len lỏi từng ngóc ngách trong lòng vẫn không ngừng được sự sợ hãi. Nhưng biết làm sao được, chẳng thể cản ngăn nên chỉ đành cổ vũ mình “vui lên”, vui như niềm vui trước giờ để “xóa tan bao giận hờn”. Có mấy ai trong đời có thể tránh khỏi được sự chia ly, nó chẳng qua chỉ là một người rời đi trong thời gian, sau đó sẽ sớm ngày trở lại và hạnh phúc đôi lứa sẽ lại được lâu bền như trước kia mà thôi. Người con gái nhỏ đã tự an ủi mình như thế đấy, đã tự dặn lòng cố gắng như thế đó!

“….Chia tay lối rẽ ánh đèn nửa đêm.

Mưa bay giăng mắc phố buồn ngả nghiêng.

Tiễn người nhẹ bước chinh yên

cùng chung một chí hướng

mộng ngày về đoàn viên….”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Giao Linh trình bày.

“Chia tay lối rẽ ánh đèn nửa đêm” – Giây phút đôi trẻ nói lời chia tay nhau vào lúc nửa đêm, đến cả ông trời dường như cũng bị động lòng thay mà trút xuống từng trận mưa giăng đầy lối, phố phường cũng đôi lần ngả nghiêng vì phiền muộn dâng đầy, những giọt mưa nặng hạt càng tô điểm thêm cho sắc trời nét ưu buồn trong nỗi lòng xa cách của đôi uyên ương. Nhưng vì mong người thương được nhẹ gánh trong lòng, “tiễn người nhẹ bước chinh yên”, không mang theo quá nhiều tâm thế sầu lo về mình, về tương lai trước mắt, cũng như muốn chàng được vơi bớt được nỗi ưu tư trong lòng, mà họ đã nhắc nhở nhau mơ về một ngày mai tươi sáng, “cùng chung một chí hướng” về một giấc mộng đẹp cho đôi tình nhân sớm ngày sum họp trong cảnh đất nước thanh bình, chàng khải hoàn trở về cùng nàng nối lại mối duyên đôi lứa.

“….Ba lô cất bước lên đường,

đôi tay gắn bó câu nguyền.

Ngó nhau lần cuối mỉm cười câu hẹn mới:

Lúc quay về vui lứa đôi!…..”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Trường Vũ trình bày

Ba lô với đầy đủ hành trang cần mang, sau đêm nay, chàng sẽ cất bước lên đường ra chiến trận, nàng ở lại ngóng trông từng ngày và nguyện cầu cho chàng được bình an. Đôi tay ấy đan vào nhau thật chặt, như lời thề hẹn gắn bó trăm năm, lời khẳng định người thương sẽ sớm ngày trở về để đôi lứa lại hạnh phúc bên nhau. Muôn lời nhắn gửi, vạn câu thề ước đều được gửi gắm cả vào nụ cười và ánh nhìn sau cuối: “Lúc quay về vui lứa đôi”, nàng hãy ở nhà, hãy sống thật tốt, biết chăm sóc cho bản thân để chờ chàng trở về mà viết tiếp câu chuyện duyên tình ngày trước.

“….Dù giờ đây tạm chia cách xa.

Nhưng cách chia sao được lòng ta?

Xin chớ quên kỷ niệm ngày qua,

những đêm chong đèn ngồi ca

tin chắc ngàn kiếp không phai nhòa.”

Họ tin rằng, hôm nay chia xa chỉ là tạm bợ, số phận sẽ không nỡ chia cắt đôi uyên ương thâm tình, đây có chăng chỉ là thử thách, thử xem họ có thật lòng thật dạ mà có nhau hay không thôi. Thử thách kết thúc cũng chính là ngày họ đoàn tụ bên mái nhà bé xinh và bạc đầu răng long vì “cách chia sao được lòng ta?”. Những kỷ niệm ngày trước, những lời thề hẹn xưa sẽ là liều thuốc an thần an ủi họ những giây phút yếu lòng, họ sẽ ghi nhớ rằng bản thân là đang chờ đợi hạnh phúc quay trở lại, tình cảm ấy dù có ngàn năm sau cũng chẳng thể nào phai nhòa được.

“Trước giờ tạm biệt”, nói thay tiếng lòng của biết bao đôi nhân tình ngày cũ, họ muốn lên tiếng níu giữ người thương đừng ra đi, đừng đến nơi chiến trường gian truân mà đầy nguy hiểm đó, nhưng lại chẳng thể nói ra được thành lời mà chỉ có thể “giấu nhẹm” trong lòng mà lặng lẽ rơi nước mắt nhìn chàng tay mang hành lý rời đi. Tại sao lại im lặng, tại sao muốn giữ nhưng cuối cùng vẫn để người ấy ra đi? Bởi họ biết, đó không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm cao quý của một công dân, cống hiến sức mình để giữ yên bờ cõi. Đất nước không an bình, thân trai làm sao dám mơ có cuộc sống ấm no trong cảnh đất nước ly tán. Trong dòng nhạc vàng ngày xưa, có rất nhiều bài hát hay và nổi tiếng nói về chủ đề “đêm cuối ngày chia ly” của người chinh nhân cùng người thương, người thân. Nổi tiếng nhất là phải kể đến các tuyệt phẩm như “Tạ Từ Trong Đêm”, “Khuya Nay Anh Đi Rồi”, “Từ Đó Em Buồn”, “Hành Trang Giã Từ”…… Nhưng trong tất cả đó, tình khúc người lính “Trước giờ tạm biệt” của nhạc sĩ Hoài An vẫn để lại trong lòng người yêu nhạc những ấn tượng đặc biệt nhất. Không chỉ bởi lời ca dung dị và nhạc khúc với nhiều cung bậc cảm xúc, mà còn đặc biệt ở các sáng tác, cách thức gieo vần điệu nghệ giàu chất thơ.

Lời bài hát Trước Giờ Tạm Biệt – Hoài An

Chỉ còn một đêm nay nữa thôi.
Mai chúng ta mỗi người một nơi.
Đã trót yêu thương nhau đầy vơi
chớ cho hương nhạt màu trôi,
vì cuộc đời người đi cuối trời.

Nhìn hành trang lệ rưng cuối mi.
Cố nén trong tim một điều gì!
Thôi hãy vui lên trước giờ đi,
xóa tan bao giận hờn chi,
ai tránh khỏi phút giây phân kỳ?

Chia tay lối rẽ ánh đèn nửa đêm.
Mưa bay giăng mắc phố buồn ngả nghiêng.
Tiễn người nhẹ bước chinh yên
cùng chung một chí hướng
mộng ngày về đoàn viên.

Ba lô cất bước lên đường,
đôi tay gắn bó câu nguyền.
Ngó nhau lần cuối mỉm cười câu hẹn mới:
Lúc quay về vui lứa đôi!

Dù giờ đây tạm chia cách xa.
Nhưng cách chia sao được lòng ta?
Xin chớ quên kỷ niệm ngày qua,
những đêm chong đèn ngồi ca
tin chắc ngàn kiếp không phai nhòa.

Đánh giá post

Viết một bình luận