Trước năm 1975, nhắc đến nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, hầu như ai cũng sẽ nhớ đến ca khúc vô cùng nổi tiếng của ông mang tên “Trộm Nhìn Nhau”. Bài hát có giai điệu nhẹ nhàng sâu lắng, lời ca mang tính chất tự sự rất tình cảm. Những ca từ trong lời bài hát kể về một anh lính về thăm gia đình, họ gặp lại nhau sau bao ngày xa cách. Từ khoảnh khắc ấy mà người lính nói lên những tâm tư của anh về người vợ, của người vợ đối với chồng, của người con với người mẹ già cũng như những suy ngẫm của người mẹ về cuộc đời này. Thời đó, gia đình nào mà không có người trai đi chinh chiến, gia đình nào không có những bà mẹ ngóng tin con, những cô phụ mong đợi chồng về. Cho nên có thể nói tâm tư của từng gia đình cũng chính là tâm tư chung của toàn xã hội vậy. Cả bài hát tác giả dùng hình ảnh nào cũng đặc sắc, dùng từ ngữ nào cũng đắt giá
Tại sao phải nhìn trộm ư? Có lẽ bởi như thế anh mới thấy được người yêu thương của mình trong một hình tượng tự nhiên nhất, không hoa mỹ, không hào nhoáng. Những lần được phép về thăm gia đình, anh lo nghĩ lâu ngày xa cách không biết vợ mình có còn xuân sắc như ngày xưa qua hình ảnh ẩn dụ đôi má đào. Nhìn trộm em để xem đôi má đào thường e thẹn năm xưa nay giờ ra sao, hay là trong những ngày đợi chờ mòn mỏi, chăn đơn gối chiếc giấc ngủ không tròn làm nhan sắc em xanh xao. Anh thương tấm thân gái nhỏ mong manh như tấm vải lụa đào, biết em có bề gì không ở giữa cõi đời nhiều giông tố. Anh cũng lo ngại khi anh vắng nhà, vợ anh có bề nào thì anh không còn ai để lo lắng chăm sóc.
“Đôi khi trộm nhìn em
Xem dung nhan đó bây giờ ra sao
Em có còn đôi má đào như ngày nào
Kể từ khi vắng anh em như tấm vải lụa nhầu
Thương thâu đêm giấc mộng xanh xao
Anh có bề nào ai đón đưa em
Cuộc đời là vách chắn là rào thưa
Thương em tiếng hát sang mùa
Một mai mưa ướt áo em áo mỏng đường mòn
Dáng nhỏ thân quen”
Theo dòng mạch cảm xúc, tác giả đưa ta cái nhìn của người vợ về anh. Nhìn trộm anh để xem đôi tay rắn phong trần năm xưa đã trải qua bao ngày mải mê bước sông hồ. Từ khi xa anh, em thành “tấm vải lụa nhầu” vì vắng tay người nâng niu. Quê hương này bão tố vẫn chưa yên nên anh vẫn phải còn đi mãi như chim vút cánh đường mây. Ngăn cách tiếp nối, anh có cảm giác cuộc đời anh như có một vách núi cao, tuy chỉ là rào thưa nhưng lại khó vượt qua. Ta có thể thấy anh là một người chồng tận tụy quên thân mình và rất yêu thương vợ, tuy phải ra đi vì đất nước nhưng lúc nào cũng lo nghĩ đến người vợ ở nhà vò võ một mình. Những người lính không sợ chết, chỉ sợ những người phụ nữ của họ phải buồn phải khổ nếu chẳng may họ không trở về.
“Đôi khi em trộm nhìn anh xem đôi tay rắn phong trần năm xưa
Anh có còn mê sông hồ qua từng ngày
Kể từ khi vắng anh em như tấm vải lụa nhầu
Đêm thâu đêm giấc ngủ xanh xao
Anh có bề nào ai đón ai đưa
Cuộc đời là vách núi là tường mây
Quê hương nắng cháy đêm ngày
Mà anh chim vút cánh bay thăm thẳm đường dài
Không về thăm em”
Ở đoạn cuối của bài hát, những lời ca từ này thực chất là nhìn trộm mẹ hay cô gái đang nhìn về tương lai của mình? Xa anh, tuổi xuân em cũng trôi dần theo quy luật thời gian, ngày xưa em như tấm vải lụa đào, một người phụ nữ thật đẹp trong mắt anh. Thế nhưng bây giờ vẻ đẹp ấy như cánh hoa lụi tàn như lá rụng mùa thu, em như lạc vào một cõi mộng hư vô, tim em nhớ anh đến nỗi đã không còn cảm giác, thân xác em cũng đã hao mòn theo tiếng gọi của thời gian. Nhạc sĩ dùng hình ảnh ẩn dụ quê hương nắng gió đêm ngày để nói về chiến tranh kéo dài trên quê hương không biết khi nào mới chấm dứt. Anh đi vì lý tưởng của quê hương, nắng gắt xa trường nên nhìn anh phong trần lãng tử, bàn tay anh không chỉ dành trọn, ôm trọn lấy em mà nó còn là đôi bàn tay ôm lấy cả một vùng quê hương bao la rộng lớn. Em chỉ sợ một điều nếu như một ngày không anh thì cuộc sống em sẽ ra sao.
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Duy Khánh biểu diễn
“Đôi khi trộm nhìn mẹ
Soi gương trang điểm cho đời thêm tươi
Thương tiếc thời tô phấn hồng sang nhà người
Rồi mùa xuân cũng qua
Mang theo tuổi dại ngọc ngà
Đêm qua đêm tính trọn tương lai
Mơ thấy một ngày con níu chân cha
Cuộc đời là bể cả, là dòng sông,
Như con nước lớn nước ròng
Mà ta như chiếc lá khô
Nước chảy về nguồn, lá đành trôi theo.”
Cuộc đời vốn dĩ luôn thăng trầm, dường như lúc xưa, cha anh cũng ra đi không trở lại khi anh còn chưa biết mặt cha nên người mẹ lúc nào cũng mơ có một ngày được thấy cảnh con níu chân cha. Mẹ già như chiếc lá khô, cũng đến lúc phải rụng rơi, trôi theo dòng đời như một quy luật. Lời bài hát da diết, làm cho người nghe càng cảm thấy xúc động nghẹn ngào, càng thấy thương cảm dâng trào.
Trộm nhìn nhau là một ca khúc bất hủ trong tâm thức của người Việt Nam. Nó mang một nỗi buồn sâu lắng, thể hiện những tâm trạng khắc khoải của con người trong một giai đoạn đau thương của chiến tranh vô nghĩa. Nó khiến người nghe bất giác đặt ra những câu hỏi: nếu như không có chiến tranh, phải chi các gia đình không phải ly tán. Tôi chợt nghĩ đến hiện tại và nhận ra rằng, quê hương mình từ đó đến nay có bao giờ thật sự được yên ả đâu. Ngoài kia Biển Đông vẫn đang dậy sóng. Lòng người vẫn còn khắc khoải và nhiều tâm tư lắm.
Trích lời bài hát Trộm nhìn nhau của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng:
Đôi khi trộm nhìn em
Xem dung nhan đó bây giờ ra sao
Em có còn đôi má đào như ngày nào
Kể từ khi vắng anh em như tấm vải lụa nhầu
Thương thâu đêm giấc mộng xanh xao
Anh có bề nào ai đón đưa em
Cuộc đời là vách chắn là rào thưa
Thương em tiếng hát sang mùa
Một mai mưa ướt áo em áo mỏng đường mòn
Dáng nhỏ thân quen
Đôi khi em trộm nhìn anh xem đôi tay rắn phong trần năm xưa
Anh có còn mê sông hồ qua từng ngày
Kể từ khi vắng anh em như tấm vải lụa nhầu
Đêm thâu đêm giấc ngủ xanh xao
Anh có bề nào ai đón ai đưa
Cuộc đời là vách núi là tường mây
Quê hương nắng cháy đêm ngày
Mà anh chim vút cánh bay thăm thẳm đường dài
Không về thăm em
Đôi khi trộm nhìn me
Soi gương trang điểm cho đời thêm tươi
Thương tiếc thời tô phấn hồng sang nhà người
Rồi mùa xuân cũng qua
Mang theo tuổi dại ngọc ngà
Đêm qua đêm tính trọn tương lai
Mơ thấy một ngày con níu chân cha
Cuộc đời là bể cả, là dòng sông,
Như con nước lớn nước ròng
Mà ta như chiếc là khô
Nước chảy về nguồn, lá đành trôi theo…
- Những tấm ảnh sắc nét nhất của đường phố Sài Gòn năm 1969
- Tuyển tập những hình ảnh xưa về một tỉnh cũ miền Tây Nam Bộ của năm 1972 – Tỉnh Định Tường (Mỹ Tho)
- “Nhật Ký Đời Tôi” của nhạc sĩ Thanh Sơn – Tình có thể tan nhưng kỷ niệm thì mãi mãi trường tồn
- Mùa xuân thật đẹp qua ca khúc “Gió mùa xuân tới” của nhạc sĩ Hoàng Trọng
- Lắng nghe mối tình tan vỡ qua nhạc phẩm “Chỉ chừng đó thôi” của nhạc sĩ Phạm Duy