Tình khúc “Ngày đó chúng mình” của Phạm Duy

Đăng ngày 21/07/2024

Ngày đó chúng mình” được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác vào năm 1959 tại Sài Gòn, nó được xem là một trong những bản tình ca đẹp nhất của nhạc sĩ, thuộc dòng “nhạc tình cảm tính”, nhiều người vẫn nói rằng dòng nhạc này có giai điệu như “sự vươn lên của đôi cánh thiên nga” (Lời ví von của nhà nghiên cứu nhạc học Georges Etienne Gauthier đăng trong tạp chí Bách Khoa, Sài Gòn năm 1972). Ca khúc “Ngày đó chúng mình” như một thứ “bom tấn” trong hàng chục dòng “bom tấn” của nhạc sĩ Phạm Duy, được sáng tác khi ông đắm chìm trong mối tình mười năm ngoài hôn nhân với nàng thơ Lệ Lan (khi ấy cô nàng chỉ mới 16 tuổi). Phạm Duy chưa từ bỏ bất cứ dịp nào để nhắc đến hay để hồi tưởng về người con gái nhỏ năm ấy, người đã viết cho ông hơn trăm bài thơ, là nguồn cảm hứng để ông gửi gắm đến biết bao bản tình ca đẹp của nền Tân nhạc Việt Nam.

TUYỆT PHẨM PHẠM DUY - NGÀY ĐÓ CHÚNG MÌNH (TẤN MINH & KHÁNH LINH)

 

Đó là một câu chuyện tình kín đáo mà người trong cuộc luôn giấu kín và chỉ được phát hiện trong một dịp tình cờ mà thôi. Ở thời điểm đó, người ta vẫn hay thấy một vài tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy có đề là: nhạc Phạm Duy – thơ Lệ Lan. Thoạt đầu, ai ai cũng sẽ nghĩ rằng do nhạc sĩ Phạm Duy cảm được và thấu hiểu được những nỗi niềm trong thi thơ của người thi sĩ mới, ông yêu thích dòng thơ của nàng nên mới phổ thành những ca khúc tuyệt phẩm. Nhưng chẳng thể nào ngờ được, đấy lại là “chiêu” để nhạc sĩ Phạm Duy có thể hợp thức hóa chuyện tình cảm ngoài gia đình của ông và nàng thơ bé nhỏ Lệ Lan. Và đây đã mở đầu cho một câu chuyện tình kéo dài suốt 10 năm trời. Thuở đầu, Phạm Duy rất ngỡ ngàng và đắn đo suy nghĩ bởi cô nàng còn quá nhỏ, ông nghĩ rằng nàng chẳng hiểu thế nào là tình yêu, chỉ lao vào như một “con thiêu thân” mà thôi. Nhưng dần dần, sự nồng nhiệt và cháy bỏng của cô đã phá vỡ bức tường thành vốn mỏng của ông. Nàng thể hiện tình cảm của mình, thể hiện khát khao yêu nồng cháy cho chàng nhạc sĩ, cuối cùng thì bóng hình nàng dần ngự trị trong tâm trí ông, không biết thế nào đuổi đi cũng chẳng biết thế nào giữ lại. Từ ngày yêu cô bé nhỏ, Phạm Duy như thấy mình trẻ lại, ông lại có những cảm xúc thăng hoa, lại được sống với mối tình nhạc thơ lý tưởng để cho ra đời nhiều nhạc khúc tình đong đầy cảm xúc chân thực.

Ngày đó chúng mình (Phạm Duy) – Sheet nhạc Piano

“Ngày đó có em đi nhẹ vào đời
Và mang theo trăng sao – đến với lời thơ nuối
Ngày đó có anh mơ lại mộng ngời
Và se tơ kết tóc – giam em vào lòng thôi
Ngày đôi ta ca vui tiếng hát với đường dài
Ngâm kẽ tiếng thơ, khơi mạch sầu lơi (ý y y)
Ngày đôi môi đôi môi đã quyết trói đời người
ôi những cánh tay đan vòng tình ái (ớ ơ ờ)….”Thuở chưa cùng người tình nhỏ nói lên những câu yêu thương ngọt ngào, Phạm Duy vẫn theo lối nhạc tình cũ, vẫn là những câu chuyện dựa vào cuộc sống, vào sự cảm nhận của tâm hồn nghệ sĩ. Nhưng “ngày đó có em đi nhẹ vào đời và mang theo trăng sao đến với lời thơ nuối”, âm nhạc của người nhạc sĩ trở nên có hồn, trở nên chân thực hơn, bởi nó được viết nên bằng cảm xúc, bằng cảm nhận của con tim đang nồng nhiệt lửa tình. Nàng thơ gửi cho ông vài trăm câu thơ tỏ tình, ông lấy đó làm nguồn cảm hứng cho âm nhạc, tình cảm của cô nhân tình bé nhỏ ông đáp lại bằng hương say nồng nàn. Nếu không biết đây là “trái cấm”, có lẽ người người sẽ phải thốt lên đây là một câu chuyện tình đẹp và ngọt đến “sâu răng”.

“Ngày đó có anh mơ lại mộng ngời và xe tơ kết tóc – giam em vào lòng thôi”, Lệ Lan đã từng có lần “năn nỉ” cuộc đời đừng lay động cô, cứ để cho cô được đắm chìm trong giấc mộng hạnh phúc ấy, cho cô được trải qua giấc mơ “xe tơ kết tóc” cùng người tình “không bao giờ cưới”. Biết đây chỉ là mộng nhưng vẫn muốn lún sâu, biết sẽ chẳng lâu cho một câu chuyện tình ngang trái nhưng vẫn muốn được “giam cầm” người vào chiếc “lòng” để yêu thương, để chiều chuộng, để viết nên câu hát ân tình.

Cái thuở ấy, cái thuở đầu rung động khiến cho đôi ta quên hết những rào cản trên đường đời, khiến cho đôi lứa vứt bỏ hết những chướng ngại vật đang bủa vây câu chuyện “cấm”, họ say với tiếng hát, họ hòa với niềm vui trọn vẹn, người viết nhạc bất tử, người ngâm nga thơ cho đời. Họ hạnh phúc trong guồng quay yêu đương đến quên trời đất. Cứ thế mà sà vào lòng đối phương, cứ thế mà tận hưởng hương vị ái tình mật ngọt và dùng đôi môi “quyết trói đời người”, giữ mãi người trong vòng ái tình đôi lứa.

 

“…..Ngày đó có ta mơ được trọn đời
Tình vươn vai lên khơi – tới chín trời mây khói
Ngày đó có say duyên vượt biển ngoài
Trùng dương ơi! Giữ kín cho lâu đài tình đôi……”

Có lẽ, đã có lúc tình yêu đó vượt quá xa sự kiểm soát của hai người, đã từng có những suy nghĩ cho một câu chuyện tình “sai trái”. Đôi nhân tình đã từng mơ sẽ được trọn đời bên nhau, từng mơ hạnh phúc bên nhau suốt một kiếp người, muốn “tình vươn vai lên khơi – tới chín trời mây khói”. Một suy nghĩ thật táo bạo của đôi nhân tình, họ muốn được gắn kết đời đời, được bên nhau mà hòa chung hạnh phúc đến chín tầng mây. Nhưng một nghịch lý rằng, họ chỉ muốn đó là câu chuyện tình bí mật, muốn trùng dương “giữ kín” lâu đài tình ái cho đôi uyên ương. Muốn bên nhau, nhưng lại chẳng muốn người biết? Liệu có quá thiệt thòi cho người con gái nhỏ ấy không?

“….Ngày đó có em ra khỏi đời rồi
Và mang theo trăng sao chết cuối trời u tối
Ngày đó có anh mê mải tìm lời
Tìm trong đêm rách rưới – cơn mơ nào lẻ loi?
Ngày đôi ta chôn với tiếng hát đã lạc loài
Chôn kín tiếng thơ rơi, ngậm ngùi rơi (ý y y)
Ngày đôi môi thương môi đã xé nát nụ cuối
Ôi những cánh tay ngỡ ngàng tả tơi
Ngày đó có bơ vơ lạc về trời
Tìm trên mây xa khơi – có áo dài khăn cưới
Ngày đó có kêu lên gọi hồn người
Trùng dương ơi! Có xót xa cũng hoài mà thôi!”

Hợp đương nhiên sẽ có tan, vui lắm cũng đến lúc tàn, yêu thương nào rồi cũng phải nói câu tạm biệt và rời xa. “Ngày đó có em ra khỏi đời rồi và mang theo trăng sao chết cuối trời u tối”, nàng ra đi, kết thúc một câu chuyện tình 10 năm dai dẳng. Mười năm cho một câu chuyện tình có dài không? Dài chứ, đó là cả thanh xuân của một cô bé 16 tuổi, là cả tuổi mộng mơ dành trọn cho người nhạc sĩ. Lúc nàng đi, không chỉ mang đi một con tim trưởng thành của thiếu nữ, mà còn mang cả ánh trăng văn chương của người nhạc sĩ, làm cho bầu trời vốn đang sáng rực của ông trở nên âm u và tăm tối. Từ đây, sẽ không còn nàng Lệ Lan thơ ngây và nồng nhiệt ríu rít bên chàng nhạc sĩ, không còn những câu nói ngọt ngào làm ông say mê và chìm đắm.

“Ngày đó có anh mê mải tìm lời, tìm trong đêm rách rưới – cơn mơ nào lẻ loi”, sau một cơn say tình lại buộc phải trải lại với guồng sống không tình yêu nồng cháy, người nhạc sĩ có chút không quen, có chút chơi vơi như đang lạc lõng giữa rừng hoang. Ông đã chẳng thể nào kiềm chế nỗi bản thân mà cứ kiếm tìm trong vô vọng, tìm kiếm cả trong những giấc mộng ảo, chỉ mong tìm lại được người tình bé nhỏ năm xưa. Ta không chắc rằng, Phạm Duy có thật sự đi kiếm tìm người tình nhỏ hay không, nhưng chắc rằng, ông cũng biết đã đến lúc dừng lại. Chấp nhận buông tay một người mình từng thương yêu nồng nhiệt, có lẽ là chân thành nên khi người rời đi, ông mới có sự xót xa và dằn vặt đến như vậy. Đôi môi ngày nào quyết giữ lấy người, vòng tay ngày nao muốn giam cầm người thì nay lại như một tấm lưới rách tả tơi, chẳng giữ lấy được ai, được điều gì.

Có lẽ với Phạm Duy, việc người đó rời đi cũng nằm trong vòng suy nghĩ của ông, nhưng vẫn không kìm được mà “bơ vơ lạc về trời”, vì dù sau mối tình ấy cũng khá sâu đậm. Nếu nói việc chia ly không tí cảm xúc, có phải nhạc sĩ là một con người vô tâm quá hay không? Xót xa đó, đau thương cũng có đó, nhưng ông biết, đã đến lúc dừng, vì người kia vẫn cần tìm một hạnh phúc đúng nghĩa, nàng cần “có áo dài khăn cưới”, mà ông thì lại chẳng thể cho được….

“Ngày đó chúng mình” của nhạc sĩ Phạm Duy mang theo một giai điệu bay bổng với những ca từ vô cùng tuyệt mỹ của một người đang đắm chìm trong tình yêu. Bài hát mang theo một vòng ma mị, khiến người nghe như đắm mình vào những giai điệu yêu thương nồng nhiệt của một đôi nhân tình. “Ngày đó chúng mình” mang đến cảm giác như từng sợi cảm xúc, những dây thần kinh tình cảm đều đụng chạm vào nhau, gây nên những kích ứng lạ thường mà ta chẳng thể nào tìm thấy ở những ca khúc khác trong nền tân nhạc Việt Nam. Lệ Lan không nghĩ mình sẽ được yêu thương, sẽ không nghĩ mình được đáp lại tình cảm, nên khi cảm nhận được tình yêu của Phạm Duy cô đã vô cùng vui mừng và hạnh phúc. Chìm trong hương mật của tình yêu cùng cô nàng thơ bé nhỏ, Lệ Lan trở thành nguồn cảm hứng âm nhạc bất diệt của Phạm Duy và ngược lại, tình yêu của Phạm Duy cũng trở thành ánh sáng soi chiếu tâm hồn thiếu nữ để nàng gửi gắm đến những dòng thơ ngọt ngào.

Ngày đó có em đi nhẹ vào đời
Và mang theo trăng sao – đến với lời thơ nuối
Ngày đó có anh mơ lại mộng ngời
Và se tơ kết tóc – giam em vào lòng thôi
Ngày đôi ta ca vui tiếng hát vói đường dài
Ngâm kẽ tiếng thơ, khơi mạch sầu lơi (ý y y)
Ngày đôi môi đôi môi đã quyết trói đời người
ôi những cánh tay đan vòng tình ái (ớ ơ ờ)

Tình vươn vai lên khơi – tới chín trời mây khói
Ngày đó có say duyên vượt biển ngoài
Trùng dương ơi! Giữ kín cho lâu đài tình đôi

Ngày đó có em ra khỏi đời rồi
Và mang theo trăng sao chết cuối trời u tối
Ngày đó có anh mê mải tìm lời
Tìm trong đêm rách rưới – cơn mơ nào lẻ loi?
Ngày đôi ta chôn vơi tiếng hát đã lạc loài
Chôn kín tiếng thơ rơi, ngậm ngùi rơi (ý y y)
Ngày đôi môi thương môi đã xé nát nụ cuối
Ôi những cánh tay ngỡ ngàng tả tơi

Ngày đó có bơ vơ lạc về trời
Tìm trên mây xa khơi – có áo dài khăn cưới
Ngày đó có kêu lên gọi hồn người
Trùng dương ơi! Có xót xa cũng hoài mà thôi!