Miền Nam Việt Nam có câu thành ngữ: “Ông già Ba Tri” để nói về những người lớn tuổi can đảm, không vì trở ngại tuổi tác mà trở nên nhút nhát. Câu thành ngữ này còn có ý nghĩa chỉ những người già có công lập nước, lập chợ. Vậy ông già Ba Tri có thật hay không? Nếu có thật thì ông ấy là ai?
Tương truyền, ông già Ba Tri là một nhân vật có thật, sinh sống ở Ba Tri – Bến Tre khoảng thế kỷ XVIII, tên là Thái Hữu Kiểm hay còn gọi là Cả Kiểm, là cháu nội ông Thái Hữu Xưa, quê gốc Quảng Ngãi. Khi xưa do có công giúp chúa Nguyễn Ánh nên ông được phong chức “Trùm cả An Bình Đông” ở Ba Tri”. Nhờ chức phong này mà mọi người gọi ông là Cả Kiểm.
Ông nổi tiếng là người yêu nước thương dân, đã tự mình dựng chợ Trong gần rạch Ba Tri để dân có cơ hội mà làm ăn sinh sống. Thời đó, nhờ vào lưu thông đường bộ và đường thủy thuận tiện nên người dân xung quanh đều túa về đây để làm ăn. Dân vùng Phú Lễ, Bình Tây,… thường đến chợ Trong để buôn bán làm chợ này trở nên ngày càng tấp nập. Thậm chí cả những người ở các huyện, tỉnh khác của miền Tây như Trà Vinh, Tam Hiệp, Mỹ Tho,… cũng đến chợ Trong để họp chợ thông qua sông Hàm Luông và kênh Ba Tri. Thế nhưng, kênh Ba Tri lại là kênh rạch duy nhất để lưu thông vào chợ. Và đây là lý do xuất hiện câu chuyện “Ông già Ba Tri”.
Chuyện là thế này: Ngay khi vừa dựng chợ, hoạt động được một thời gian thì ông Xã Hạc, chủ của một khu chợ Ngoài, vì tức dân vô chợ Trong, không ra chợ Ngoài nên ông cho người đắp đập khiến ghe không lưu thông từ sông Hàm Luông vào chợ Trong làm dân không làm ăn buôn bán gì được, dân lại đói.
Thấy cảnh dân bị hiếp đáp, ông Kiểm tức lên, quyết định kiện lên quan. Nhưng mà hình như quan ăn hối lộ, xem chuyện này chẳng có gì, liền xử cho ông Xã Hạc thắng kiện với lý lẽ “lệ làng” rằng đất, sông, rạch làng nào thì ở đó được quyền khai thác. Ông Xã Hạc lắp đập ở chỗ ổng thì chẳng có gì sai. “Lệ làng” không làm chủ được cho ông Kiểm thì ông nhờ “lệ vua” đứng ra giúp ông. Nói là làm, ông lên kinh đô gặp vua để kiện. Ông cùng với hai người nữa tên là Nguyễn Văn Tới và Lê Văn Lợi để đi bộ từ Ba Tri ra Huế, khoảng cách đường đi khoảng hơn 1000 cây số, đó là chưa kể đường miền Tây khi đó sông rạch chằng chịt, đi ra miền Trung còn đèo núi gập ghềnh, nói chung là chuyến đi vô cùng gian nan vất vả. Vậy mà ông với hai người kia cũng khăn gói lên đường.
Khi đó vua Gia Long vừa băng hà, Minh Mạng lên ngôi hoàng đế. Ông Kiểm tới kinh thành thì thấy trống Đăng Văn liền đánh trống kêu oan. Trống Đăng Văn đặt giữa sân, dành cho ai có oan khuất thì đến đập trống sẽ có người ra xử án. Tiếng của nó vang vọng khắp nơi, xa đến 10 dặm. Để phân biệt giữa tiếng trống kêu oan và tiếng trống của Đại nội, nhiều vua Nguyễn cấm không cho người trong Đại nội đánh trống bậy bạ, chủ yếu chỉ để nghe tiếng trống oan của dân.
Vua Minh Mạng sau khi nghe tiếng trống liền ra hỏi ông lão ở đâu, ông đáp: “Lão ở Ba Tri”.
Thông thường có án thì vua sẽ giao cho Tam Pháp ty xử lý. May sao vụ này, vua Minh Mạng lại đứng ra xử lý. Vua Minh Mạng là người thấu tình đạt lý. Sau khi nghe ông Kiểm kể rõ ngọn ngành, vua xử ông thắng kiện, ra lệnh phá bỏ đập vì rạch là rạch chung, phải để ghe thuyền lưu thông cả hai chợ. Nhờ vào lòng dũng cảm của ông Kiểm, người dân chợ Trong cũng có đất mà làm ăn, sinh sống. Sau này, để tưởng nhớ ông già Ba Tri, mọi người đổi tên chợ Trong thành chợ Ba Tri (chợ Đập).
Qua câu chuyện này, mọi người thường gọi ông Kiểm là “ông già Ba Tri”, vùng đất Bến Tre cũng nổi tiếng với câu chuyện có một ông lão không ngại đường xa đi bộ hơn 1000 cây số để đấu tranh cho lẽ phải. Vậy nên từ đó về sau, thành ngữ “ông già Ba Tri” để nói đến những ông già không sợ bất cứ ai, đã làm gì là làm tới bến.
Xung quanh câu chuyện “ông già Ba Tri” cũng xuất hiện nhiều dị bản. Có những chuyện không nhắc đến tên ông nhưng nội dung chính vẫn là có một ông già không quản đường sá xa xôi đi kiện ở vua để giành lại công bằng. Có chuyện lại bảo ông Xã Hạc là bạn của ông Kiểm, vì muốn thắng kiện nên cả hai cùng lên kinh thành Huế để thưa kiện. Có bản thì nói người theo ông Kiểm lên kinh đô chỉ có hai người bạn của ông thôi. Nói chung là chuyện xa xưa và được truyền miệng nên cũng sẽ có ít nhiều thay đổi so với câu chuyện gốc.
Vùng đất Ba Tri không những nổi tiếng có ông Kiểm dũng cảm mà còn là nơi có đến ba ngôi mộ của ba vị danh nhân văn hóa lớn của lịch sử nước nhà. Đó là đền thờ Nguyễn Đình Chiểu, cùng với đó là mộ vợ và con gái (Sương Nguyệt Anh). Đền thờ thứ hai là của nhà giáo Võ Trường Toản và đền thờ thứ ba là mộ của quan Đại thần Phan Thanh Giản. Ta có thể thấy, tuy đây chỉ là vùng đất nhỏ nhưng lại là nơi an nghỉ của những nhân vật quan trọng trong lịch sử Việt Nam.
Hình ảnh ông già Ba Tri dũng cảm, thương dân là khuôn mẫu cho hình ảnh của những cụ già miền Tây Nam Bộ đức độ, tốt tính. Hỏi những người lớn tuổi ở quanh Ba Tri, không ai là không nghe đến tên tuổi của ông già Ba Tri. Tuy danh tiếng của ông chỉ được truyền miệng từ đời này sang đời khác nhưng quanh tỉnh Bến Tre vẫn biết ơn một ông lão dũng cảm từng giúp dân có chỗ làm ăn.