Phạm Đình Chương là một nhạc sĩ tiêu biểu của nền Tân nhạc Việt Nam. Trong thập niên 1950, ông được đông đảo người hâm mộ biết đến qua các ca khúc như Ly rượu mừng, Tiếng dân chai, Thuở ban đầu,… Và ấn tượng nhất là bản trường ca được xem như duy nhất trong suốt cuộc đời sáng tác của Phạm Đình Chương – Hội Trùng Dương. Hội trùng Dương là trường ca bất hủ viết về ba dòng sông lớn của Việt Nam là: Sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long. Nhạc trường ca của Phạm Đình Chương mang âm hưởng của dân ca Việt Nam, với sự tài tình của ngữ thuật, sự khéo léo trong cách dùng từ, trường ca Hội Trùng Dương là một trường ca mang trong mình nét hài hòa giữa thơ và nhạc, du nhập những nét đẹp tân kỳ của dòng nhạc Tây phương vào dân ca Việt Nam. Hội Trùng Dương kể về tâm sự của ba dòng sông lớn đổ ra biển mẹ gồm ba phần, mỗi phần là một nhạc khúc về một dòng sông đại diện của ba miền Bắc –Trung- Nam. Nếu ở phần một, nhạc khúc “Tiếng sông Hồng” là chuyện tình cùng làn điệu hò Quan họ tha thiết, phần ba là Nhạc khúc “Tiếng Sông Cửu Long” của những điệu vui tươi với những tiếng dân ca mộc mạc miền Tây sông Nước. Thì như một dấu chấm phá cho bản trường ca, phần hai một nhạc khúc “Tiếng sông Hương” da diết với những đồng vọng giọng hò xứ Huế, là những đau thương mất mát của cùng đất nghèo trong chiến tranh.
“Tiếng sông Hương” là nhạc khúc mang nét cổ kính của miền cố đô với những nét nhạc dân ca nguyên thủy, nhịp điệu chậm rãi với lối than van và nghệ thuật dùng từ của Phạm Đình Chương. Trong phần hai, bối cảnh là dòng sông Hương hiền hòa uốn quanh cố đô Huế.
Miền Trung vọng tiếng, em xinh em bé tên là Hương giang,
đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than.
Hò ơi, phiên Đông Ba buồn qua cửa chợ,
bến Vân Lâu thuyền vó đơm sâu.
Hỡi hò, hỡi hò.
Miền Trung hiện lên với lời giới thiệu mộc mạc, chân tình “em xinh em bé tên là Hương Giang”. Dòng sông Hương trong đêm trăng vàng hiện lên một cách nên thơ nhưng u buồn như lời than. Đứng trên chiếc thuyền nhỏ xuôi dòng sông Hương, tác giả lặng ngắm cuộc sống nơi đây. Đó là những phiên chợ “Đông Ba buồn”, là “bến Vân Lâu thuyền vó đơm sâu”. Miền Trung vốn là một miền thiệt thòi, đồng bằng nhỏ, khô hạn vào mùa nắng, ngập lụt vào mùa mưa. Nên miền Trung đi vào trường ca cũng là miền trung chân thật nhất với những lời than, những u buồn, một miền quê nghèo mặc không đủ ấm, ăn không đủ no.
Quê hương em nghèo lắm ai ơi,
mùa đông thiếu áo hè thì thiếu ăn.
Trời rằng,
trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi,
khiến đau thương thấm tràn,
lấp Thuận An để lan biển khơi,
ơi hò ơi hò.
Miền Trung thân thương, những con người chất phác ấy phải đấu tranh cùng thiên nhiên khắc nghiệt, sống trong cảnh “Trời hành cơn lũ lụt mỗi năm”, là cuộc sống còn nhiều nghèo khó “mùa đông thiếu áo hè thì thiếu ăn”. Những cơ cực của miền Trung đi vào câu hát một cách tự nhiên mà thấm buồn lòng những người nghe, là cảm giác khiến cho lòng người “đau thương thấm tràn”. Nỗi đau thương ấy có thể “lấp Thuận An để lan biển khơi”.
Hò ơi…… Ai là qua là thôn vắng,
nghe sầu như mùa mưa nắng cùng em xót dân lều tranh chiếu manh.
Hò ơi…… Bao giờ máu xương hết tuôn tràn,
quê miền Trung thôi kiếp điêu tàn cho em vang khúc ca nồng nàn.
Ai một lần đến với miền Trung, một lần đi qua vùng thôn vắng, mới thấu hết nỗi sầu khi nhìn những đồng bào cùng chung dòng máu với chúng ta đang sống trong “lều tranh chiếu manh”. Chỉ mong sao “bao giờ máu xương hết tuôn trào”, mong sau khi chiến tranh kết thúc “quê miền Trung thôi kiếp điêu tàn cho em vang khúc ca nồng nàn.” Cuộc sống vốn khó khăn, nhưng khi chiến tranh xảy ra, “máu xương tuôn tràn”, khó khăn chồng chất khó khăn, cuộc sống người dân nay lại cơ cực hơn. Họ chỉ biết tin vào một tương lai khi chiến tranh kết thúc, hòa bình lặp lại thì có thể hát “vang khúc ca nồng nàn”, có thể bắt đầu lại một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ngày vui, tan đao binh, mẹ bồng, con sơ sinh,
chiều đầu xóm xôn xao đón người trường chinh.
Ngậm ngùi hân hoan tiếng cười đoàn viên.
Rồi ngày vui hằng mong ước cũng đến, ngày đất nước không còn quân thù “ngày vui, tan đao binh, mẹ bồng, con sơ sinh. Chiều đầu xóm xôn xao đón người trường chinh”. Chiến tranh kết thúc, họ vui mừng đón những người con, người chồng, người cha “trường chinh” trở về. Không khí vui mừng sau ngày hòa bình, niềm hân hoan đoàn viên tràn ngập khắp thôn cùng ngõ tận ở miền Trung.
Là một trong ba nhạc khúc của trường ca Hội Trùng Dương, “Tiếng sông Hương” là một nhạc khúc nói lên tiếng lòng của sông Hương, một lời than thay cho những khó khăn của nhân dân miền Trung và nổi bật lên là tình yêu bám trụ lại ở mảnh đất quê nhà còn nhiều khó khăn, là sự lạc quan yêu đời và niềm tin vào một tương lai sẽ tươi đẹp hơn. Đó là tất cả những gì mà người nhạc sĩ tài hoa Phạm Đình Chương vẽ lên cho dòng sông Hương.
Miền Trung vọng tiếng
em xinh em bé tên là Hương giang
đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than.
Hò ơi, phiên Đông Ba buồn qua cửa chợ
bến Vân Lâu thuyền vó đơm sâu.
Hỡi hò, hỡi hò.
Quê hương em nghèo lắm ai ơi
mùa đông thiếu áo hè thì thiếu ăn
Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi
khiến đau thương thấm tràn
lấp Thuận An để lan biển khơi ơi hò ơi.
Hò ơi! Ai là qua là thôn vắng
nghe sầu như mùa mưa nắng cùng em
xót dân lều tranh chiếu manh.
Hò ơi!Bao giờ máu xương hết tuôn tràn
quê miền Trung thôi kiếp điêu tàn
cho em vang khúc ca nồng nàn.
Ngày vui, tan đao binh, mẹ bồng, con sơ sinh
chiều đầu xóm xôn xao đón người trường chinh.
Ngậm ngùi hân hoan tiếng cười đoàn viên