Sự thật thú vị đằng sau thành công của ca khúc “Nếu Xuân Này Vắng Anh” của nhạc sĩ Bảo Thu

Xuân đến rồi, xuân đang bước dần trên từng góc phố, đi qua từng cánh đồng bát ngát nơi làng quê, từng đàn én đang rủ rê nhau sảy đôi cánh vươn rộng trên trời cao, từng đàn bướm uyên ương đang tô thêm cho nền trời nhiều sắc màu của năm mới. Mùa xuân không hổ là mùa đẹp nhất trong năm, không chỉ có sự nhộn nhịp như cô nàng mới lớn, mà còn có sự nhẹ nhàng của thiếu nữ đoan trang, vừa thu hút lại làm người ta đắm say. Vậy nên ngoài những nhạc khúc xuân nhộn nhịp rộn ràng, không thể bỏ qua những giai điệu dịu dàng  như ca khúc “Nếu Xuân Này Vắng Anh” của nhạc sĩ Bảo Thu.

Nhạc sĩ Bảo Thu

Nhạc sĩ Bảo Thu tên thật là Nguyễn Trung Khuyến, ông là một nhà tạp kỹ nổi tiếng. Người yêu nhạc biết đến ông qua nghệ danh Bảo Thu hoặc Trần Anh Mai. Với nghệ danh Bảo Thu, ông bắt đầu sáng tác từ năm 1964 qua ca khúc “Ước vọng tương phùng” – Nghệ danh này đơn giản là được ghép từ tên của ba cô nàng Bích Bảo, Thanh Thu và Xuân Thu. Trong suốt thời gian hoạt động nghệ thuật trong lĩnh vực âm nhạc, ông để lại cho kho tàng nhiều bài hát có giá trị cao, nhưng nổi bật nhất có thể kể đến “Giọng ca dĩ vãng”, “Cho tôi được một lần” và “Nếu Xuân này vắng Anh”.

“NẾU XUÂN NÀY VẮNG ANH” là một trong những bài hát thuộc thể loại nhạc vàng với chủ đề mùa xuân nổi tiếng của nhạc sĩ Bảo Thu, nằm trong tuyển tập nhạc xuân trước năm 1975. Người góp phần nên sự thành công của nhạc khúc chính là nữ ca sĩ Trúc Ly với chất giọng mộc mạc và đơn giản, lại truyền mang đến nét mới lạ trong giai điệu của người nghe. Ca khúc “NẾU XUÂN NÀY VẮNG ANH” không đơn giản chỉ là một bài hát nhạc xuân nổi tiếng với đa dạng người nghe, nó còn ẩn chứa hai điều khá thú vị: Một là ẩn ý trong từng ca từ của bài hát và thứ hai chính là hoàn cảnh ra đời của một tuyệt phẩm ngày xuân.

https://www.youtube.com/watch?v=VlFVg_t4ips

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do danh ca Hương Lan trình bày

Bạn có để ý thấy những từ “Anh” trong bài hát đều được viết hoa như cách viết một tên riêng? Nhiều người vẫn lầm tưởng đây là cách gọi thân mật về một người con trai và nghĩ rằng đây là một bài hát nói lên nỗi lòng người thiếu nữ muốn nhắn gửi đến anh “người trai nơi tiền tuyến”. Nhưng nếu tinh ý, các bạn sẽ thấy rằng “Xuân đã về Anh có hay?” hay ở câu “Nơi Phương trời Anh có nhớ” chính là đang nhắc đến ca sĩ Phương Anh thời đó. Và vì trong nhóm ca sĩ của Phương Anh có các chị em khác cũng được nhạc sĩ Bảo Thu nhắc đến như “Xuân”, “Đông”, “Yến”,….đều là những cô nàng mà ông đã từng gặp gỡ, từng tiếp xúc. Nhưng hầu hết ca khúc được trình bày bằng những giọng ca nữ nên người nghe vẫn luôn lầm tưởng là tâm tình của người con gái gửi tặng chàng trai mà cô yêu quý.

Còn về hoàn cảnh sáng tác của ca khúc là vào cuối tháng 12 năm 1967 – thời điểm mùa xuân năm 1968. Với Bảo Thu, sự ra đời của “NẾU XUÂN NÀY VẮNG ANH” là sự bất ngờ, không hề được báo trước, ông hoàn thành nhạc phẩm trong sự gấp rút và nhanh chóng nên cũng không có quá nhiều sự trau chuốt từ ca từ hay giai điệu. Trong chương trình nhạc sĩ Jimmy Show, Bảo Thu đã có cơ hội giải bày sự ra đời hay quá trình thành công của nhiều ca khúc, khi được hỏi đến bài hát này ông có kể:

Nhạc sĩ Bảo Thu trong chương trình The Jimmy Show. Ảnh chụp màn hình

…Vào một chiều cuối tháng 12 năm 1967, ông được dịp họp mặt và vui chơi cùng anh em tại khu vực gần với Hãng dĩa Việt Nam, ông được bà chủ hãng dĩa cho người gọi đến và “đặt hàng” gấp ông một ca khúc nhạc xuân để kịp thời ra mắt cho tuyển tập nhạc mùa Xuân năm 1968. Có chút hơi men trong người nên tinh thần cũng không còn tỉnh táo lắm, khi được hỏi có bài chưa, ông đã đáp ngay là “CÓ” và còn là có sẵn ở nhà, hứa sáng hôm sau ông sẽ giao ngay cho bên sản xuất. Bảo Thu đã đặt ngay tên cho bài hát dù chưa có lời hay chính xác hơn chỉ là một trang giấy trắng, đến tối nhậu say đến khuya, về lại ngủ quên mất. Sáng hôm sau vẫn như thường lệ, ông đến lớp dạy ảo thuật cho nhạc sĩ Quốc Dũng, trong quá trình dạy học có lúc bàn về vấn đề nhạc, lúc này Bảo Thu mới nhớ đến lời hứa giao tác phẩm cho bên hãng dĩa Việt Nam. Lúc nhạc sĩ Quốc Dũng tập dợt, ông đã tranh thủ thời gian đó mà sáng tác lời cho ca khúc “NẾU XUÂN NÀY VẮNG ANH” – Ca từ của bài hát được Bảo Thu gọi là “viết ẩu, viết tả” để có bài đi giao. Khi giao xong, bà chủ hãng lại hỏi ông rằng: “Bây giờ đề nghị, ai là người ca bài này?” nhưng do không tự tin vào ca khúc viết vội này, nên ông chỉ đành chọn một nữ ca sĩ không chuyên và chưa nổi tiếng như Trúc Ly. Chưa qua lớp học về nhạc lý nên khi được giao trình bày ca khúc, Trúc Ly đã phải tập luyện rất nhiều và Bảo Thu còn dành thời gian để tập luyện cùng cô suốt một tháng trời…..

Kết quả bài hát gặt được lại nằm ngoài dự tính của nhạc sĩ Bảo Thu, có thể một phần do sự mới lạ trong giọng hát của Trúc Ly, ca khúc đã thành công vang dội dù đã qua hơn nửa thập kỷ.

“Xuân đã về Anh có hay?

Hoa bướm vui mùa sum vầy

Nơi Phương trời Anh có nhớ

Một người luôn nhắc tên Anh

Và mơ duyên lứa đôi…..”

https://www.youtube.com/watch?v=K5ZGV7d43wc

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Như Quỳnh trình bày.

Mùa xuân chính là thời điểm con người chúng ta chăm chút và bồi dưỡng thêm chút năng lượng của hạnh phúc, của tình yêu. Những cặp đôi yêu xa đã mong mỏi thế nào một dịp sum họp, đôi lứa kề cạnh bên nhau, trao cho nhau từng cái ôm ấm áp, dưới âm thêm cho cái se lạnh của ngày xuân.

Xuân về trên từng nụ hoa, các cánh hoa đang tranh nhau nở rộ, khoe sắc thắm trong không khí xuân đang tràn ngập, từng đàn bướm bay vui đùa như tiếp thêm sức sống cho muôn loài. Xuân đã về đến nơi rồi, liệu cô nàng mang tên Phương Anh có hay không? Nàng luôn trong tâm trí của ta, nàng như đại diện cho mùa xuân, mang đến cho ta bao nguồn sống…..Chàng trai trong ca khúc luôn mơ mộng…..sẽ có một ngày, chàng được sánh bước bên nàng, chung tay trên từng con phố nhộn nhịp đón mùa xuân về trên mảnh đất quê hương.

“….Nếu Xuân về vắng Anh

Ong bướm thôi dệt duyên lành

Dây tơ chùng cung lỡ phím

Cho khúc hát ái ân

Từ đây lỡ tơ duyên….”

Nếu mùa xuân này không có Anh, vậy có khác nào chàng trai không được tận hưởng một mùa Xuân trọn vẹn: Đàn bướm cũng dừng việc dệt tơ xuân, “dây tơ chung cung lỡ phím”, những khúc hát ái ân ngợi ca duyên lành cũng chẳng còn ý nghĩa….Mọi thứ xung quanh của chàng như “đóng băng” vì sự vắng mặt của nàng, cuộc sống của chàng trai chỉ còn lại một mảng trời u tối – Vô cùng đúng với câu thơ của thi hào Nguyễn Du “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

“….Thu qua Đông tàn nàng Xuân mới sang

Muôn sắc huy hoàng

Xuân này nếu vắng Anh lạc bầy chim Yến bay

Ngày xuân như Đông buồn…..”

 

Nếu Xuân này vắng Anh

Như lá khô buồn xa cành

Như giao thừa im tiếng pháo

Mai úa sắc bên hiên

Thì đừng đến Xuân ơi!”

https://www.youtube.com/watch?v=ZltKGTvBCpU

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Tuấn Vũ trình bày.

Hình ảnh thu vừa qua, đông cũng vừa tàn, mọi người đang nhắc nhở nhau để đón chào một mùa xuân mới sang. Mọi cảnh vật như bừng sáng trong khí trời ấm áp của nàng Xuân tươi mới,….nhưng mọi thứ lại nhanh chóng bị dập tắt khi hay tin “Xuân này vắng Anh”, đàn yến như lạc khỏi bầy bay về nơi phương trời vô định. Mùa Xuân chỉ vừa bước chân đến nhưng lại lụi tàn ngay như đêm Đông lạnh giá và đầy u buồn.

Rồi lại đến hình ảnh của những chiếc lá lìa cành, buồn thương chia xa với thân cây gắn bó hay những cánh hoa mai chẳng còn rực rỡ khoe sắc vàng thắm mà chỉ có “mai úa sắc bên hiên”. Xuân này không có “Anh” đối với chàng trai chẳng còn ý nghĩa, tình yêu không đến thì cũng giống “như giao thừa im tiếng pháo”. Khung cảnh này gợi lên cho người ta bao nỗi buồn miên man và lạc lõng nhưng cũng không quá bi thương khiến cho người nghe phải rơi nước mắt.

Dù không được chăm chút từng chút một, hay nghiên cứu kỹ càng từng câu từ từng giai điệu, nhưng chẳng ai có thể phũ bỏ sự thành công mà ca khúc “NẾU XUÂN NÀY VẮNG ANH” mang đến cho ca sĩ Trúc Ly và cả “cha đẻ” Bảo Thu. Nhạc sĩ như ngầm khẳng định một điều: Một tác phẩm tâm huyết, không chắc sẽ mang đến cho nhạc sĩ sự thành công như mong đợi, ngược lại một tác phẩm được cho rằng “cẩu thả” đôi khi lại “ăn khách” đến bất ngờ. Cốt lõi của bài hát không nằm ở sự nhận định hay dở của nhạc sĩ, mà nó nằm ở phần nội dung có đánh trúng vào tâm tư, tình cảm của người nghe hay không.

5/5 - (1 bình chọn)

Viết một bình luận