Trần Thiện Thanh không những được biết đến với tư cách là một ca sĩ nổi tiếng (Nhật Trường- một trong bốn tứ trụ nhạc vàng) mà ông còn được nhiều người mến mộ bởi tài sáng tác của mình. Thể loại ông thường sáng tác là nhạc vàng, nhạc quê hương, tình khúc trữ tình giai đoạn 1954 -1975. Trong đó nổi bật nhất và được mọi người biết đến nhiều nhất là các ca khúc về lính, những nhạc khúc của ông tuy viết về người lính nhưng nội dung ca từ không có thù hận, gay gắt, kích động hoặc u uất, bi thảm mà thường là trong sáng vui tươi hoặc nhẹ nhàng sâu lắng làm thi vị hóa cuộc đời của người lính gian khổ. Những sáng tác của ông với từ ngữ đơn giản, chân thực, giai điệu nhẹ nhàng dễ đi vào lòng người như: Biển Mặn, Mùa Xuân Lá Khô, Người Ở Lại Charlie, Anh Không Chết Đâu Em,…, và Rừng Lá Thấp.
Hôm nay mời quý độc giả cùng tìm hiểu qua hoàn cảnh sáng tác bài hát “Rừng Lá Thấp” của Trần Thiện Thanh.
Trong lời tờ nhạc của ca khúc này được phát hành năm 1968, Trần Thiện Thanh đã đề tựa là: Tặng anh hùng mũ xanh chiến trường Bình Lợi,
Cố Đại Úy Vũ Mạnh Hùng Tiểu Đoàn 3 – Thủy Quân Lục Chiến.
Ngoài lời đề tựa bên góc trái, Trần Thiện Thanh còn viết thêm vài dòng thư bên góc phải gửi người bạn quá cố của mình, bài viết xin phép được trích dẫn ra như sau:
Hùng,
Xưa, 1 lần hành quân về ghé thăm tao, mày đã tỏ ý khó chịu về những nàng ca sĩ cứ bô bô hát những bài ca đòi… “yêu”, đòi “chung tình” với “Lính”.
Tao đã không đáp, bởi… thật khó cho tao khi phải nói về những người bạn đồng nghiệp.
Trong tình bằng hữu mười mấy năm còn thật đậm, tao ghi lại ở đây 1 ý kiến của mày, tiếc là mày không thèm nghe tao hát nữa. HÙNG ơi!
Thanh – 1968/11
Ca khúc “Rừng Lá Thấp” được cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết vào cuối năm 1968 chính là để tưởng nhớ người bạn của mình là Trung úy Thủy Quân Lục Chiến – Vũ Mạnh Hùng, đã tử trận trong năm Mậu Thân năm 1968 trong trận chiến Cầu Bình Lợi ( đây là nơi được xem là cửa ngõ vô Sài Gòn). Nên ngay từ những câu ca đầu tiên Trần Thiện Thanh đã viết:
Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi
Thành phố sau lưng ôm mộng ước gì
Tôi là người đi chinh chiến dài lâu
Nên mộng ước đầu tôi nghe đã chìm sâu.
Khi đã bước chân vào quân ngũ, giữa thời điểm chiến tranh, loạn lạc thì những mộng ước thuở ban đầu đành xếp lại sau lưng nơi thành phố chốn phồn hoa đô thị, lúc này nơi người lính hay quân hành chắc có lẽ là những cánh rừng với “lá xanh xanh cây phủ đường đi”. Bước vô chiến trường nơi đạn bơm khói lửa thì đã đã xác định đi chinh chiến dài lâu, nên những mộng ước ban đầu dường như chìm sâu vào kí ức.
Trong lời đề tựa có trên tờ nhạc, chắc hẳn cũng đã giúp khán thính giả có thể hiểu hơn về nội dung tiếp theo của lời ca:
Từ máy thu thanh cô nàng vừa ca:
“Trọn kiếp yêu anh lính khổ xa nhà”
Giữa rừng già vang tiếng hát thật cao
Nhưng giữa già tôi có thấy gì đâu?
Khi còn sống trung úy Vũ Mạnh Hùng đã rất khó chịu khi nghe những lời hát sáo rỗng của các nàng ca sĩ khi hát về “tình yêu lính”, “chung tình với lính”, “trọn kiếp yêu lính”. Vì anh cho rằng làm gì có tình yêu đẹp như thế, làm gì có ai chịu thương, chịu yêu một người lính nghèo lại đi chiến đấu xa nhà. Vậy nên khi nhớ tới bạn mình, Trần Thiện Thanh đã nhớ tới những điều ấy. Từ máy thu thanh, người lính nghe những lời hát yêu thương trọn kiếp đó vang vọng giữa rừng. Nhưng thật sự có tình yêu đẹp như vậy hay chăng chỉ toàn là lời mật ngọt nơi chót lưỡi đầu môi? Ở nơi rừng già, âm thanh từ máy thu thanh vang vọng lên chỉ là tiếng hát thật cao của người ca sĩ, ngoài ra không còn điều gì khác nữa để thấy được tình yêu nơi đây.
Sao không hát cho người giết giặc trên cầu
Khi bùn lầy còn pha sắc áo xanh
Trong khói súng xây thành
Mắt quầng thâm mất ngủ
tàn đêm khói lửa,
Giờ chỉ cần hai tiếng “mến anh”
Đối với người lính, họ biết thế nào là khổ cực, gian lao “vào sinh ra tử”, sau những trận chiến với bơm rơi, đạn lạc họ chẳng cần gì nhiều ngoài việc có người nhớ thương tới họ, biết họ gian nan như thế nào. Không cần những câu nói, những câu hát quá hoa mỹ không có thật, họ chỉ cần mọi người nhớ về những gian khổ của người lính khi “ giết giặc trên cầu”, “ bùn lầy còn pha sắc áo xanh” hay những đêm mất ngủ khiến “ mắt thâm quầng” để giữ gìn thành lũy mà họ ra sức bảo vệ trong những đêm khói lửa. Đời lính gian lao, họ không cần những lời “yêu” hay thề thốt “ trọn kiếp chung tình”, người lính chỉ “cần hai tiếng “mến anh””là đủ để họ thấy ấm lòng giữa nơi chiến trường khốc liệt.
Sao Không hát cho những người còn mải mê
Lá rừng che kín đường về phồn hoa
Sao không hát cho những bà mẹ hằng đêm nhớ con xa
Hay hát cho những người vừa nằm xuống chiều qua.
Xin hãy hát cho những người lính còn mải mê bên súng đạn nơi rừng già, không phải họ không muốn về chốn phồn hoa đô thị mà trọng trách còn gánh trên vai, sao họ có thể bỏ anh em đồng đội ở lại mà đành lòng sống cuộc sống an nhàn. Dẫu biết rằng ngoài kia, biết bao nhiêu người mẹ đang ngày đêm mong ngóng, “hằng đêm nhớ con xa” mà lòng quặn thắt. Xin hãy “hát cho những người vừa nằm xuống chiều qua”, những người đã ra đi mãi mãi, nằm lại nơi chiến trường lạnh lẽo để bảo vệ điều họ cho là quý giá. Xin hãy tưởng nhớ đến những hy sinh mất mát mà những người lính đã cho đi. Để họ biết rằng, những công sức họ bỏ ra không phải là điều vô nghĩa.
Rừng lá xanh xanh lối mòn chạy quanh.
Đời lính quen yêu gian khổ quân hành
Nghe từ ngày thơ tiếng súng triền miên
Đánh giặc lâu bền cho non nước bình yên
Đã là người lính, hầu như ai cũng đã quen yêu “với gian khổ quân hành”, quen với “tiếng súng triền miên” từ những ngày thơ ấu. Cho nên họ không than trách gì cả, chỉ mong ước sự hy sinh của họ có thể mang lại bình yên lâu bền cho non nước. Màu áo lính của họ mặc là màu áo xanh, bộ quân phục màu xanh giống như đang ngụy trang thành những khóm cây. Khi quân hành, nếu từ trên cao nhìn xuống sẽ có cảm tưởng như một cánh rừng nhỏ ở dưới thấp “Rừng lá xanh xanh lối mòn chạy quanh.”. Chắc có lẽ vì vậy mà Trần Thiện Thanh lấy tên bài hát là “ Rừng lá thấp” để ám chỉ những đội quân lúc đi quân hành của những người lính trong đó có bạn ông.
Lời hát xin gây rung động thật sâu
Đừng hát như chim giữa rừng lá sầu
Xin thật lòng qua câu hát đầu môi
Như lính giữa rừng yêu lá thấp mà thôi .
Xin hãy hát những lời thật lòng với người lính, bởi lẽ những lời thật lòng thường giản dị, mộc mạc, đơn sơ nhưng lại có sức “gây rung động thật sâu”. Để họ biết rằng mình không bị lãng quên, để họ cảm nhận được rằng yêu thương là mãi mãi, “Như lính giữa rừng yêu lá thấp mà thôi” như người lính yêu màu áo của họ, màu áo xanh giúp họ có thể ngụy trang, giúp họ che chắn, bảo vệ họ khỏi ánh mắt của kẻ thù.
Dù là ở thời nào, thuộc chiến tuyến nào thì những người lính cũng là những người lấy cả sinh mạng của mình ra để bảo vệ bình yên nơi chốn quê nhà, bảo vệ những người họ thương yêu. Là người trực tiếp chiến đấu giữa nơi chiến trận khói lửa. Vì thế xin hãy nhớ và thầm cảm ơn những con người dũng cảm ấy. Bài hát với những câu từ đơn giản nhưng lại mang một cảm xúc sâu lắng, in đậm dấu ấn trong lòng người nghe. Cảm ơn Trần Thiện Thanh người nhạc sĩ đã để lại cho đời biết bao ca khúc bất hủ.
Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi
Thành phố sau lưng ôm mộng ước gì
Tôi là người đi chinh chiến dài lâu
Nên mộng ước đầu tôi nghe đã chìm sâu.
Từ máy thu thanh cô nàng vừa ca:
“Trọn kiếp yêu anh lính khổ xa nhà”
Giữa rừng già vang tiếng hát thật cao
Nhưng giữa già tôi có thấy gì đâu?
Sao không hát cho người giết giặc trên cầu
Khi bùn lầy còn pha sắc áo xanh
Trong khói súng xây thành
Mắt quầng thâm mất ngủ
tàn đêm khói lửa,
Giờ chỉ cần hai tiếng “mến anh”
Sao Không hát cho những người còn mải mê
Lá rừng che kín đường về phồn hoa
Sao không hát cho những bà mẹ hằng đêm nhớ con xa
Hay hát cho những người vừa nằm xuống chiều qua.
Rừng lá xanh xanh lối mòn chạy quanh.
Đời lính quen yêu gian khổ quân hành
Nghe từ ngày thơ tiếng súng triền miên
Đánh giặc lâu bền cho non nước bình yên
Lời hát xin gây rung động thật sâu
Đừng hát như chim giữa rừng lá sầu
Xin thật lòng qua câu hát đầu môi
Như lính giữa rừng yêu lá thấp mà thôi .
- “Bài Tango cho em” – Mốt chút tiếc nuối về mối tình đẹp như mơ nhưng đầy cô đơn của nhạc sĩ Lam Phương
- Là người Sài Gòn – Bạn sẽ nhớ điều gì nhất nơi đô thị phồn hoa rực rỡ Sài Thành này?
- Bộ sưu tập Con trâu trên đất Việt – Phần 1
- Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ với ca khúc “Tàu Về Quê Ngoại” đưa ta trở về với miền ký ức tuổi thơ, dạt dào tình yêu quê hương đất nước.
- Sài Gòn 1971 – Biến cố vụ cháy nơi Cầu Ông Lãnh