“Rừng Chưa Thay Lá” (Huỳnh Anh & Thơ Hoàng Ngọc Ẩn) – Nhìn cảnh trước mắt mà hoài niệm phần quá khứ đã qua

Huỳnh Anh chính thức bước chân vào con đường âm nhạc với vai trò là một tay trống cho một ban nhạc tại thành phố Đà Lạt. Nhờ tài năng và khả năng cảm thụ âm nhạc, mà chỉ sau mười năm vào nghề, ông đã trở thành trưởng ban nhạc và là một tay trống lừng lẫy trình diễn ở nhiều phòng trà, vũ trường Sài Gòn. Cơ duyên mang ông đến với nghiệp sáng tác, số lượng bài hát ông viết ra không nhiều, chỉ vỏn vẹn khoảng 20 ca khúc, phần lớn được xem là đam mê, là một hình thức để ông truyền tải những cảm xúc sâu kín trong lòng. Nhạc phẩm đầu tiên mang tên “Em Gắng Chờ” , sau đó là vài ca khúc sáng tác cho những vở cải lương cùng tên như “Lạnh Trọn Đêm Mưa”, “Mưa Rừng”, “Kiếp Cầm Ca”,….Ông còn viết nhạc cho phim như “Loan Mắt Nhung”, “Sa Mạc Tuổi Trẻ”,….Đến sau năm 1975, khi Huỳnh Anh sang Mỹ định cư, nhạc sĩ càng hạn chế sáng tác hơn, được biết, từng ấy năm bên xứ người, cố nhạc sĩ chỉ cho phổ biến rộng rãi hai ca khúc là “Rừng Chưa Thay Lá” và “Thành Phố Sương Mù”.

Nhạc sĩ Huỳnh Anh

Ca khúc “Rừng Chưa Thay Lá” được nhạc sĩ Huỳnh Anh sáng tác vào khoảng năm 1981, bài hát được phổ từ thơ của Hoàng Ngọc Ẩn và sau khoảng 40 năm thì giai điệu bolero ngọt ngào ấy vẫn còn ngân nga mãi trong lòng người yêu nhạc. Thi sĩ Hoàng Ngọc Ẩn được mệnh danh là người mang thi ca đến với âm nhạc, mỗi bài thơ được ông viết nên đều gieo vào trong lòng người nhạc sĩ những giai điệu, nhưng cảm xúc không thể nói nên lời. Vậy nên, thơ của ông thường được rất nhiều nhạc sĩ phổ nhạc và những ca khúc đó cũng trở nên bất tử với thời gian: “Hãy Trả Lại Em” (Phạm Duy), “Cho Một Thành Phố Mất Tên” (Phạm Đình Chương), “Bài Tango Cuối Cùng” (Việt Dzũng), “Một Thoáng Ngậm Ngùi” (Song Ngọc),…..

Qua một lần chia sẻ, Huỳnh Anh đã nói rằng: Ca khúc “Rừng Chưa Thay Lá” được hình thành là khi ông đọc được bài thơ cùng tên của Hoàng Ngọc Ẩn, ngay lập tức trong đầu ông đã bắt đầu ngâm ngơ giai điệu và khi quyết định phổ nhạc ông đã giữ nguyên toàn bộ bài thơ. Có lẽ, bài thơ của người thi sĩ vốn đã chan chứa nhạc tính, tự thân của thơ đã chính là nhạc. “Rừng Chưa Thay Lá” thổ lộ tâm tình của một chàng trai bị buộc xa xứ, bỏ lại sau lưng là một thành phố Sài Gòn với biết bao hoài niệm, nơi đã gắn bó với anh rất nhiều năm, nơi anh đã trải qua những thăng trầm trong cả quãng đời niên thiếu. Và chàng trai ấy chính là nhà thơ Hoàng Ngọc Ẩn khi ông bị đưa thẳng sang Mỹ sau biến cố năm 1975.

“Anh đi rừng chưa thay lá

anh về rừng lá thay chưa

phố cũ bây chừ xa lạ

hắt hiu đợi gió giao mùa

Xuân xưa mình chung đôi bóng

xuân này mình ngóng trông nhau

hun hút phương trời vô vọng

nhớ thương bạc trắng mái đầu…”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Như Quỳnh trình bày.

Ngày anh rời xa, quê hương mang mang màu áo cũ, không biết ngày anh về, đất nước đã đổi thay hay chưa? Ngày xưa, ngày xuân giao mùa ta cùng bạn, cùng người nhà sum họp chung bóng, cười nói vui tươi đúng nghĩa xuân hạnh phúc. Còn ngày nay, cũng là xuân giao mùa như chỉ biết lẻ loi mà ngóng về bến bờ kia của Thái Bình Dương. Cách biệt hai phương trời, cách biệt nửa vòng trái đất, dù xác ta nơi đây thì hồn vẫn đang nơi phố cũ xưa, vẫn “nhớ thương bạc trắng mái đầu”.

“….Em có về qua lối cũ

phố phường chừ đã đổi thay

thương em nửa đời hoang phế

thương ta trọn kiếp lưu đầy…”

https://www.youtube.com/watch?v=h94gnCV9hHg

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Hương Lan trình bày.

“Em” đây không phải là nói đến một cô gái, mà chỉ là một đối tượng mà chàng trai tưởng tượng ra để gửi gắm chút tâm tư về nỗi nhớ thương quê nhà. Nếu nói chính xác có lẽ câu hát sẽ là: “Ai có về qua lối cũ”, nhưng nó lại làm giảm đi chút tình ý trong câu hát.

Người ơi, người có về thăm lại nơi “lối cũ”,  có nhìn thấy cảnh sắc bây giờ đã đổi thay, có nhìn thấy sự phồn hoa hơn ngày trước, có nhìn thấy đất nước mình đẹp hơn khi xưa. Dù, phố phường có đổi thay thế nào đi chăng nữa thì trong tâm trí của chàng, Việt Nam vẫn là đất nước đẹp nhất, là nơi đất mẹ thương yêu. Nhưng tiếc cho thân không được chết đi trên mảnh đất ấy, kiếp này mang thân lưu đày, chỉ đành vùi thân nơi đất lạ quê người.

“…..Xuân nay mình em lẻ bóng

có còn tiếc nhớ xuân xưa

dài tay đếm từng nhung nhớ

em ơi chờ gió giao mùa”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Nhật Trường trình bày.

Nhớ xuân năm nào ta còn vui vầy bên người thân, xung quanh là những xóm giềng dễ thương, lúc nào cũng nhộn nhịp và hạnh phúc. Nhưng “xuân nay mình em lẻ bóng”, chẳng ai vui chung niềm vui năm mới, chẳng nghe được những câu chúc nhau may mắn, chẳng có những lễ nghi truyền thống quê ta. Tiếc không? Tiếc chứ, nhớ lắm chứ, hoài niệm lắm chứ! Nên lúc nào tận sâu thâm tâm cũng ước mơ mình sẽ được về thăm nhà, được thực sự trải qua giây phút giao mùa nồng ấm cùng người thân và bạn bè.

Cả bài hát là những câu hỏi thầm thì trong tim người trai, những câu hỏi nhưng chẳng thể nhận lấy câu trả lời: “rừng lá thay chưa”, “em có về qua lối cũ”, “có còn tiếc nhớ xuân xưa”,…Trước mắt chàng trai bây giờ, chính là khung cảnh cả cánh rừng đang rủ nhau thay đổi tấm áo mới, khoác lên mình những chiếc lá xanh mơn, rũ bỏ những cành lá úa vàng không sức sống. Nơi đây, phố phường tấp nập, người người đang hòa mình giữa thành phố hối hả với dòng xe cộ nhộn nhịp. Nhìn cảnh tượng trước mắt này, tâm tư của chàng sớm đã bay về quá khứ, hoài niệm loạt chuyện đã qua, nhớ lại những vui buồn nơi quê hương thân yêu. Dù “phố cũ bây chừ xa lạ”, dù cho “phố phường chừ đã đổi thay” thì chàng vẫn đang đêm ngày mong ngóng mà “dài tay đếm từng nhung nhớ”, thầm nuôi bao hẹn ước “chờ gió giao mùa”, chờ một ngày bản thân được quay trở về với quê nhà thân sinh.

Giai điệu Bolero ngọt ngào và êm ái của ca khúc “Rừng Chưa Thay Lá” có lẽ vẫn còn ngâm nga trong lòng người yêu nhạc trong suốt những thập kỷ qua. Thật tài hoa làm sao khi từng con chữ riêng lẻ, tưởng không liên quan nhau nhưng lại được người làm thơ sắp xếp khéo léo trở thành những câu thơ trao gửi nỗi niềm riêng, chất chứa những tâm tư tình cảm của người thi sĩ. Và người soạn nhạc cũng thật tài tình khi lồng ghép những giai điệu “động” vào từng lời thơ “tĩnh”, giữ trọn vẹn linh hồn của bài thơ mà không thay đổi hay thêm bớt bất kỳ câu từ nào. Nếu không biết, cứ nghĩ hai con người xa lạ đã có một cuộc gặp gỡ, đã từng ngồi lại và soạn nên những ca từ xinh đẹp trong bài hát ấy…Ca từ nhẹ nhàng nhưng lại da diết khôn nguôi khi gìn giữ biết bao nỗi niềm: sự nuối tiếc khi hoài niệm về quá khứ, sự mong đợi vào một điều mơ hồ sẽ mở ra ở tương lai, không biết gọi tên thế nào nhưng vẫn tâm niệm mà chờ đợi….

Lời bài hát Rừng Lá Chưa Thay – Huỳnh Anh

Anh đi rừng chưa thay lá
anh về rừng lá thay chưa
phố cũ bây chừ xa lạ
hắt hiu đợi gió giao mùa

Xuân xưa mình chung đôi bóng
xuân này mình ngóng trông nhau
hun hút phương trời vô vọng
nhớ thương bạc trắng mái đầu

Em có về qua lối cũ
phố phường chừ đã đổi thay
thương em nửa đời hoang phế
thương ta trọn kiếp lưu đầy

Xuân nay mình em lẻ bóng
có còn tiếc nhớ xuân xưa
dài tay đếm từng nhung nhớ
em ơi chờ gió giao mùa

Đánh giá post

Viết một bình luận