Phạm Duy là một nhạc sĩ có số lượng sáng tác đồ sộ, đa số những tác phẩm của ông khiến người nghe phải xuýt xoa, vì quá hay, quá đẹp. Bức tranh đồng quê trong ca khúc “Nương Chiều” nơi núi rừng Cao – Bắc – Lạng yên ả, thanh bình được vẽ ra từ nỗi hoài hương. Vẫn là những cảnh sinh hoạt thường nhật của người dân, nhưng qua nét vẽ của Phạm Duy lại thêm phần không khí lãng mạn trong sáng dịu dàng vô cùng.
Năm 1948, khi nhạc sĩ Phạm Duy vẫn còn đang miệt mài rong rủi nơi tiền tuyến, trong một buổi chiều tình cờ giữa nơi vùng cao Đông Bắc, giữa vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, núi rừng hùng vĩ, ông đã viết nên bài hát “Nương Chiều”. Nếu có dịp đến với miền quê vùng cao Bắc bộ, vào một buổi chiều tà, ta sẽ bỗng nhớ ngay đến Nương chiều và thấm thía hơn ca từ của bài hát.
Chiều ơi! Lúc chiều về rợp bóng nương khoai
Trâu bò về rục mõ xa xôi, ơi chiều
Chiều ơi! Áo chàm về quảy lúa trên vai
In hình vào sườn núi chơi vơi, ới chiều
Chiều ơi! Lúc chiều về là lúc yên vui
Qua đường mòn ngửi lúa thơm ngơi, ới chiều
“Nương” là đất trồng trọt trên đồi núi hay bãi cao ven sông. Có nương dâu, nương khoai, nương chè,… tất cả đều là những hình ảnh rất thân quen với con người ở vùng cao Bắc Bộ. Cả những hình ảnh “trâu bò về rục mõ”, “áo chàm về quảy lúa trên vai”…đều là đặc trưng của nông thôn miền Bắc. Mỗi sáng tinh sương mẹ địu con lên nương, hương lúa, hương ngô bát ngát cả vùng trời, có điều gì làm mủi lòng mỗi khi chiều xuống? Ở nông thôn, người ta thường đeo mõ vào cổ trâu, bò để không bị lạc mất khi chúng đi ăn ở xa. Chiều rợp bóng cũng là lúc người nông dân trở về cùng sum vầy bên bếp lửa hồng. Chậm rãi đi qua những con ngõ, chiếc mõ đeo trên cổ phát ra âm thanh xa xăm như một điệu nhạc độc lạ nhưng lại buồn não.
Một chiếc áo chàm về quảy lúa trên vai, in hình vào sườn núi chơi vơi. Đi qua con đường mòn, ngửi thấy hương lúa thơm, tất cả tạo nên cái không khí sâu thẳm và man mác buồn. Bài hát mang giai điệu dặt dìu, có đoạn chậm rãi nhẹ nhàng, có đoạn tiết tấu nổi bật, mang đậm chất đồng quê.
Thu về đồng lúa nương chiều
Tay dân cầy ngừng giữa làn gió.
Lúa ngát thơm trên những cánh nương
Tiếng súng xa nghe lẫn oán thương
Đây nhà nông phá rừng gây luống
Mai về, để lúa trên ngàn
Ta nuôi người gìn giữ non nước
Lúc sức tôi chen với sức anh
Lấy máu tô cho thắm núi xanh
Đem mồ hôi tưới đồng lúa xanh.
Trong đoạn điệp khúc, cũng vẫn cảnh nương chiều nhưng với nét lao động mệt mỏi. Người nông dân ngừng tay cày, đưa tay lau mồ hôi trán, hương lúa ngát hương bao trùm cả nương rẫy, mắt nhìn về khoảng rừng mình mới phá xong và đang gây luống. Chợt nghe tiếng súng xa, người nông phu nghĩ mà lòng đau đáu, oán hận quân thù, thương xót cho những người lính đang ở nơi tiền tuyến. Tự dặn với lòng mình ra sức nhiệt thành tham gia sản xuất để “nuôi người giữ gìn non nước”. Họ chỉ là những người nông dân nhỏ bé nhưng lại có ý chí đáng nể, một lòng hướng đến tiền tuyến xa xôi, “lấy máu tô cho thắm núi xanh”. Hòa lẫn vào cảnh lao động đó là tình cảm nồng nàn của người dân đối với người gìn giữ non nước. Vì thế cho nên bức tranh ở đoạn này có cả nội tâm lẫn tình cảm của nhân vật.
Chiều ơi! Lúc chiều về mọc ánh trăng tơ
Cho ngày mùa bài hát nên thơ, ơi chiều
Chiều ơi! Mái nhà sàn thở khói âm u
Cô nàng về để suối tương tư, ới chiều
Chiều ơi! Biết chiều nào còn đứng trên nương
Phố phường nhiều chiều vắng quê hương, ới chiều.
Với những nét thơ mộng vô cùng êm ái, có ánh trăng thanh mọc trên mái nhà sàn. Trăng sáng tỏ tỏa nhẹ làm cho người lao động quên cả một ngày mệt mỏi, cảm thấy yêu cái khung cảnh này, cầu mong “cho ngày mùa bài hát nên thơ”. “Mái nhà sàn thở khói âm u”, khói ở miền núi nặng nề bay lên chậm chứ không bay bổng lả lơi như ở đồng quê thoáng đãng. Làn khói đó dường như báo hiệu một bếp lửa hồng ấm cúng bên trong ngôi nhà, sự sum họp, một bữa cơm ngon. Tác giả dùng hình ảnh khói bếp để vẽ một khung cảnh yên vui, sung túc, làm cho bức tranh quê thêm phần màu sắc.
“Cô nàng về để suối tương tư”, cô nàng và suối, mối tình “tương tư”. Những con suối ở miền sơn cước thật sự rất đẹp ở ngoài đời thực. Tác giả dùng biện pháp nhân hóa rất tinh tế, con suối biết tương tư, biết yêu, biết nhớ, thờ thẫn khi cô nàng rời đi.
Chiều ấy trên nương, dù chỉ là một sinh cảnh thường nhật, những cô gái quảy lúa lội qua suối về trong nắng chiều nhưng khi giai điệu dặt dìu của bài hát cất lên tha thiết gọi “Chiều ơi” cùng hình ảnh thơ mộng “ánh trăng tơ” “suối tương tư” khiến người ta chất chứa cả niềm xuyến xao, phiêu lãng trước một bức họa trần gian đẹp như mơ. Thật đáng nể với sức mạnh của cả giai điệu lẫn ngôn từ, ca từ đậm chất trữ tình của Phạm Duy.
Chiều ơi ! Lúc chiều về rợp bóng nương khoai
Trâu bò về rục mõ xa xôi, ơi chiều
Chiều ơi ! Áo chàm về quảy lúa trên vai
In hình vào sườn núi chơi vơi, ới chiều
Chiều ơi ! Lúc chiều về là lúc yên vui
Qua đường mòn ngửi lúa thơm ngơi, ới chiều
Chiều ới ! Chiều ơi ! Chiều ơi !
Thu về đồng lúa nương chiều
Tay dân cầy ngừng giữa làn gió.
Lúa ngát thơm trên những cánh nương
Tiếng súng xa nghe lẫn oán thương
Đây nhà nông phá rừng gây luống
Mai về, để lúa trên ngàn
Ta nuôi người gìn giữ non nước
Lúc sức tôi chen với sức anh
Lấy máu tô cho thắm núi xanh
Đem mồ hôi tưới đồng lúa xanh.
Chiều ơi ! Lúc chiều về mọc ánh trăng tơ
Cho ngày mùa bài hát nên thơ, ơi chiều
Chiều ơi ! Mái nhà sàn thở khói âm u
Cô nàng về để suối tương tư, ới chiều
Chiều ơi ! Biết chiều nào còn đứng trên nương
Phố phường nhiều chiều vắng quê hương, ới chiều
Chiều ới ! Chiều ơi ! Chiều ơi !
- Hình ảnh bà Nguyễn Văn Thiệu ngày khánh thành Thư viện Trường Quốc Gia Nghĩa Tử năm 1971
- Ca khúc “Giáng Ngọc” từng một thời làm mưa làm gió vào những năm đầu thập niên 70
- Đường Catinat – Tự Do – Đồng Khởi và nếp sống Saigon xưa qua con đường lâu đời nhất
- Cà Phê Sài Gòn Ngày Xưa – Cà phê vốn cùng đi với con đường lịch sử.
- Hình ảnh Saigon xưa đi kèm với những chiếc Xế Điếc vào những năm thập niên 60-70