Một trong những ca khúc nổi tiếng tạo nên tên tuổi của nhạc sĩ Trúc Phương là bài “Nửa đêm ngoài phố” được thể hiện qua giọng ca liêu trai của ca sĩ Thanh Thúy. Bài hát như lời tâm tình của một người cô đơn, lẻ bóng đang buồn thương, tiếc nuối cho những kỉ niệm đã qua, nhớ bóng hình của một người cũ mà lòng quặn thắt giữa đêm khuya vắng trên con phố buồn tênh. Phố đêm vắng lặng luôn mang lại nhiều cảm hứng sáng tác cho nhiều nhà thơ, nhạc sĩ và trong đó có nhạc sĩ Trúc Phương với ca khúc “Nửa đêm ngoài phố”, một ca khúc được nhiều người yêu thích cho đến ngày nay.
“Buồn vào hồn không tên,
Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời
Đường phố vắng đêm nao quen một người
Mà yêu thương trót trao nhau trọn lời”
Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc thành phố lên đèn, đường phố lại tấp nập với những hoạt động về đêm. Nhưng sau những ồn ào, tấp nập kia là một khoảng không hoàn toàn vắng lặng về khuya. Cả con phố chìm vào giấc ngủ như một hoạt động thường ngày. Nhưng đối với những người chất chứa nhiều tâm tư, suy nghĩ thì chuyện nửa đêm thức giấc hay thức trắng một đêm là chuyện thường tình. Khác với một ngày dài đầy xô bồ, ồn ào, tấp nập với cái nắng oi ả và đầy khói bụi thì đêm khuya lại mang nét trầm tĩnh, vắng vẻ đến cô đơn, cái lạnh buốt người bởi sương đêm làm lòng người cũng trở nên trống vắng và buồn đến lạ thường gợi nhắc lại những gì đã trở thành xưa cũ. Bây giờ chỉ có thể một mình gặm nhấm sự cô đơn và nỗi nhớ không thể gọi tên như chính tác giả Trúc Phương đã viết “Buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời”. Nỗi buồn đó có thể bắt nguồn từ một người thương cũ, cũng chính trên đường phố này ta đã quen nhau, trao yêu thương hẹn thờ nhưng đến bây giờ chỉ còn lại mình ta với màn đêm tĩnh lặng và đường phố cũng nằm im lìm chất chứa cả một bầu trời thương nhớ “Đường phố vắng đêm nao quen một người. Mà yêu thương trót trao nhau trọn lời”.
“Để rồi làm sao quên?
Biết tên người quen, biết nẻo đi đường về
Và biết có đêm nao ta hẹn hò
Để tâm tư những đêm ngủ không yên”
Trước đây, khi còn yêu thương hẹn hò vào mỗi đêm, cùng đưa nhau về trên từng đoạn đường, từng cái tên, từng con đường in hằng vào trong kí ức, để rồi bây giờ chia xa lại tự hỏi làm sao để quên khi mọi thứ đã quá thân quen. Để rồi tâm tư và nỗi nhớ cứ chất chứa làm “những đêm ngủ không yên” với bao muộn phiền và ray rứt, tiếc nuối.
“Nửa đêm lạnh qua tim
Giữa đường phố hoa đèn
Có người mãi đi tìm,
Một người không hẹn đến
Mà tiếng bước buồn thêm
Tiếc thay hoài công thôi
Phố đã vắng thưa rồi
Biết rằng chẳng duyên thề
Để người không gặp nữa
Về nối giấc mơ xưa”
Nửa đêm khuya giá lạnh, “ giữa đường phố hoa đèn” con tim bỗng buồn tênh, rét mướt cả tâm hồn nhỏ. Có một người thương hẹn đến, nhưng sao đường lại vắng tanh. Một mình lặng lẽ bước, mà thấy “tiếng bước buồn thêm”, có lẽ vì người không đến nữa nên “tiếc thay hoài công thôi”. Với một chút buồn, luyến tiếc, hy vọng, đợi chờ về một cuộc tình đã xa, bây giờ cũng chỉ như là một “giấc mơ xưa”.
“Ngày buồn dài lê thê
Có hôm chợt nghe gió lạnh đâu tìm về
Làm rét mướt qua song len vào hồn
Làm khô môi biết bao nhiêu lần rồi”
Sau những ngày chia xa, là những ngày buồn dài lê thê trôi chậm rãi qua từng ngày, dần đưa những kỉ niệm xưa vào dĩ vãng, phủ những lớp bụi thời gian lên kí ức. Nhưng rồi những tâm tư ngày cũ không thể khỏa lấp nhất là vào những “hôm chợt nghe gió lạnh đâu tìm về. Làm rét mướt qua song len vào hồn”. Cơn gió lạnh khẽ lướt qua làm trái tim buốt giá, se cắt lòng của một kẻ tương tư. Làm những tâm tư ngày cũ lại một lần nữa trỗi dậy, yêu thương xưa lại như một vết cắt nhói lên trong lòng.
“Đời còn nhiều bâng khuâng
Có ai vì thương góp nhặt tâm tình này
Gửi giúp đến cố nhân mua nụ cười
Và xin ghi kỷ niệm một đêm thôi.”
Đêm khuya một mình giữa con phố cũ, với tất cả kỉ niệm xưa về một người từng thương đang về lại tràn đầy, xin một lần nữa được góp nhặt lại hết những tâm tình này gửi đến cố nhân. Gửi giúp ta một chút nhớ, một chút thương, một chút yêu đong đầy nơi sâu thẳm. Và chỉ “xin ghi kỷ niệm một đêm thôi”, để rồi sau đó lại xếp chúng vào quá khứ, để những gì đã qua được ngủ yên vào dĩ vãng.
Lúc nào cũng thế, khi tình yêu không trọn vẹn thì người còn thương luôn là người mang bệnh tương tư, trái tim lâu lâu lại nhói đau vì tiếc nuối, nhất là vào giữa những đêm khuya thanh vắng với cái se lạnh của tiết trời. Có lẽ cũng chính vì thế mà nhạc sĩ Trúc Phương đã viết nên ca khúc này, hay có chăng những ca từ trong ca khúc chính là nỗi lòng của ông về một mối tình dang dở?
Nhạc sĩ Trúc Phương đã sáng tác rất nhiều ca khúc trữ tình nổi tiếng. Khó ai có thể quên được những ca khúc trữ tình đầy ấp niềm tâm sự với ca từ rất lạ, rất sáng tạo của ông. Và “Nửa đêm ngoài phố” là một trong những ca khúc thể hiện rõ nhất phong cách sáng tác này của nhạc sĩ.
“Buồn vào hồn không tên,
Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời
Đường phố vắng đêm nao quen một người
Mà yêu thương trót trao nhau trọn lời
Để rồi làm sao quên?
Biết tên người quen, biết nẻo đi đường về
Và biết có đêm nao ta hẹn hò
Để tâm tư những đêm ngủ không yên
Nửa đêm lạnh qua tim
Giữa đường phố hoa đèn
Có người mãi đi tìm,
Một người không hẹn đến
Mà tiếng bước buồn thêm
Tiếc thay hoài công thôi
Phố đã vắng thưa rồi
Biết rằng chẳng duyên thề
Để người không gặp nữa
Về nối giấc mơ xưa
Ngày buồn dài lê thê
Có hôm chợt nghe gió lạnh đâu tìm về”.
-Trích lời bài hát “Nửa đêm ngoài phố”.
- Tìm hiểu đôi nét về Viện Viễn Đông Bác cổ – Nơi lưu trữ những thông tin cổ xưa của các nước Đông Nam Á
- Cuộc đời và sự nghiệp của danh ca Kim Tước
- Ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị: Sự thật ít biết và lời thắc mắc của Thái Thanh với Phạm Duy
- Ngắm nhìn lại những công trình xây dựng của tập đoàn RMK-BRJ tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975
- Trúc Phương – Nhạc khúc “Bóng Nhỏ Đường Chiều”