Đó là lời tâm sự của Phương Dung – Người được giới yêu nhạc gọi với biệt danh “Nhạn trắng Gò Công”. Theo nữ danh ca, ca khúc “Nỗi buồn gác trọ” của nhạc sỹ Mạnh Phát – Hoài Linh là ca khúc đầu tiên đã đưa chị đến với khán giả để trở thành ca sỹ chuyên nghiệp.
Phương Dung kể nhạc sỹ Mạnh Phát là một trong những người phát hiện ra giọng ca của chị và góp phần dạy dỗ để có một Phương Dung ngày hôm nay.
Ngày đó, nhạc sĩ Mạnh Phát là một ca sĩ kiêm nhạc sĩ có nhiều sáng tác nổi tiếng, được khán giả yêu thích như Nỗi buồn gác trọ, Về đâu mái tóc người thương, Qua xóm nhỏ, Nhớ mùa hoa tím, Dấu chân kỷ niệm, Hoa nở về đêm, Sương lạnh chiều đông, Phố vắng em rồi…
Đặc biệt với ca khúc Nỗi buồn gác trọ, sau khi sáng tác, nhạc sỹ đã ưu ái cho Phương Dung được thể hiện đầu tiên, và nhờ đó khán giả đã biết tới có một nữ ca sỹ mang tên Phương Dung. Từ đó, Phương Dung có cơ hội được lên sân khấu, được thể hiện nỗi đam mê với âm nhạc của mình
Danh ca Phương Dung nhớ về kỷ niệm đẹp với nhạc sĩ Mạnh Phát: “Cảm ơn cuộc đời âm nhạc đã cho tôi gặp được 2 người tôi luôn mang ơn là nhạc sỹ Mạnh Phát và nhạc sỹ Huỳnh Anh.
Tôi gặp nhạc sĩ Mạnh Phát qua sự gửi gắm của nhạc sĩ Huỳnh Anh. Khi đó anh Mạnh Phát đã cùng với nhạc sỹ Hoài Linh viết bài Nỗi buồn gác trọ. Anh Mạnh Phát thay mặt cả 2 để tặng tôi ca khúc đó. Ngay từ câu hát đầu tiên “Gác lạnh về khuya cơn gió lùa” đã khiến tôi hồi tưởng lại năm 11 tuổi lên Sài Gòn trọ học cùng 4 người bạn. Những đêm mưa, nghe radio, thấy bản thân bé nhỏ, trong khi ước mơ thì quá lớn. Tôi thấu hiểu nỗi buồn khi ở trọ, nhìn cảnh những cô cậu sinh viên đi bộ, đạp xe đến trường, tôi dễ xúc động. Không có anh Mạnh Phát viết Nỗi buồn gác trọ, không có Phương Dung ngày hôm nay”.
Cũng với nỗi cô đơn của người nghệ sỹ, nhạc sỹ Đỗ Lễ đã sáng tác ca khúc mang tên Sang ngang. Sau khi sáng tác, thấy Phương Dung cũng “lặng lẽ sớm khuya một mình”, Đỗ Lễ đã đưa cho Phương Dung thể hiện. “Những đêm mưa, tôi nhẩm ca khúc Sang ngang rồi tưởng tượng viễn cảnh đi cùng người yêu đến nơi bán sách, cùng đọc và bình luận sách. Không gian chỉ hai người thôi nhưng mơ ước đó có thành được hay không? Rồi đọc sách nhưng chữ không đọng lại trong đầu, chỉ có niềm tuyệt vọng vì nhớ người yêu? Tôi cứ sợ ca khúc Sang ngang sẽ vận vào đời tôi nhưng thật may mắn, những đêm nhớ nhung người yêu của tôi đã được đền đáp bằng một cuộc hôn nhân đầy hạnh phúc cùng người mình yêu”, Phương Dung kể.
Chương trình Chân dung cuộc tình tập 15 với chủ đề Giọt sầu trong đêm cùng những kỷ niệm khó phai trong cuộc đời làm nghề của danh ca Phương Dung sẽ được phát sóng vào 21h00 thứ Tư ngày 13/10 trên kênh THVL1.
Khi nhắc đến những nữ ca sĩ nổi tiếng và có sức ảnh hưởng lớn trước 1975 người ta sẽ không khỏi không nhắc đến ca sĩ Phương Dung, người được mệnh danh là Nhạn Trắng Gò Công, biệt danh mà thi sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà tặng cho cô. Phương Dung được xem là một trong những giọng ca vàng của dòng nhạc trữ tình, bolero.
Ca sĩ Phương Dung tên thật là Nguyễn Phan Phương Dung, sinh năm 1946 tại tỉnh Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang). Phương Dung được sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em, gia đình khá giả có vườn tược, hoa màu và có cửa hàng buôn bán. Khi biết con gái có năng khiếu và cũng đam mê ca hát, bố cô đã động viên khuyến khích con gái theo đuổi con đường nghệ thuật này. Theo cô kể lại bố cô từng nói: “đi hát là một cái nghề rất là lương thiện mà tự vì người dân của mình họ bảo thủ và có một cái nhìn sai lạc về những người làm nghệ thuật nói chung. Nhưng mà con đi hát thì phải biết mình là người yêu nghệ thuật mà đi hát chứ không phải sống một cuộc sống bừa bãi. Tự vì người nghệ sĩ mà không làm nghệ thuật giỏi và hay thì người ta đâu có thích. Và nếu nói theo Phật pháp người mà được người ta thương mến nhiều là người có tu nhiều kiếp lắm”. Điều này cho thấy bố cô rất yêu thương và ủng hộ con đường sự nghiệp của cô.
Cô bắt đầu sự nghiệp ca hát năm 1959 khi mới chỉ 13 tuổi, lúc ấy cô từ Gò Công lên Sài Gòn tham gia cuộc thi tuyển chọn ca sĩ của Đài phát thanh Sài Gòn, mà trong cuộc thi đó có sự tham gia của nhạc sĩ Thanh Sơn, người đã rất ưng ý khi chấm điểm cao cho giọng ca mới này.
Khi mới 16 tuổi cô đã nổi tiếng khi trình bày thành công ca khúc Nỗi buồn gác trọ của Mạnh Phát và Hoài Linh vào năm 1962. Kể từ đó tiếng hát cô càng được biết đến qua những bài hát như Những đồi hoa sim” năm 1964 (Dzũng Chinh phổ thơ của Hữu Loan) và “Tạ từ trong đêm” năm 1965 (của Trần Thiện Thanh). Năm 1965 Phương Dung được trao huy chương vàng dành cho nữ ca sĩ, trong khi đó tác giả Trần Thiện Thanh nhận giải Bài hát xuất sắc nhất trong năm. Đồng thời cũng với “Tạ Từ Trong Đêm”, Phương Dung còn được tạp chí Sân Khấu của ký giả Nguyễn Ang Ca trao giải Nữ Ca Sĩ Được Cảm Tình Nhất Năm 1965. Ngoài những sáng tác của Trần Thiện Thanh, tiếng hát Phương Dung còn được biết đến nhiều với những nhạc phẩm của Thanh Sơn, Thu Hồ, Hoàng Trang, Hồng Vân và đặc biệt những nhạc phẩm của nhóm Lê Minh Bằng.
Ca khúc được cô thâu thanh đầu tiên là bài Đường về khuya của nhạc sĩ Lê Dinh & Minh Kỳ. Sau đó cô đã thu âm rất nhiều vào dĩa nhựa 45 tours của các hãng dĩa Việt Nam: Sóng Nhạc, Sơn Ca, và tiếp đến là băng Akai của các trung tâm Continental, Trường Hải, Nhật Trường và đã thành công rất lớn. Khi nhắc đến những nhạc phẩm: “Những đồi hoa sim” (Dzũng Chinh và Hữu Loan), “Nỗi buồn gác trọ” (Mạnh Phát và Hoài Linh), “Tạ từ trong đêm” (Trần Thiện Thanh), “Khúc hát ân tình” (Xuân Tiên và Y Vân), “Đố ai” (Phạm Duy), “Sương lạnh chiều đông” (Mạnh Phát), “Tím cả rừng chiều” (Thu Hồ), “Vọng gác đêm sương” (Mạnh Phát), “Cánh buồm chuyển bến” (Minh Kỳ – Hoài Linh), “Nỗi buồn đêm đông” (Anh Minh), “Sắc hoa màu nhớ” (Nguyễn Văn Đông), “Biết đâu tìm” (Hoàng Thi Thơ), “Còn mãi những khúc tình ca” (Quốc Dũng)… thì không thể không nhớ đến giọng ca mượt mà, êm dịu của cô ca sĩ Phương Dung, người gắn liền với những tình khúc mang âm hưởng gần gữi với nội dung về tình yêu đôi lứa , tình yêu quê hương của một thời khói lửa.
Bên cạnh sự nghiệp thành công Phương Dung cũng có một gia đình vô cùng hạnh phúc bên người chồng hơn cô 13 tuổi và 8 người con của mình ( 6 trai và 2 gái). Năm 1967 Phương Dung sang Bangkok, Thái Lan biểu diễn cô đã vô tình gặp gỡ Võ Doãn Ngọc và nên duyên vợ chồng cùng ông vào năm mậu thân 1968. Sau khi thành hôn, vợ chồng cô theo đuổi ngành kinh doanh. Tại Gò Công họ sở hữu một trang trại gà và một số tầu đánh cá. Ngoài ra hai người còn điều hành một công ty xuất khẩu tôm đông lạnh nên cuộc sống khá thoải mái về vật chất. Năm 1977 Phương Dung cùng gia đình sang Ucs định cư tại thành phố Melbourne. Sau khi định cư tại đây, thỉnh thoảng cô vẫn tham gia hoạt động văn nghệ trên các show lớn của Trung tâm Thế giới Nghệ thuật, Trung tâm Thúy Nga, Trung tâm Làng Văn, Asia Entertainment tại Mỹ. Phương Dung cho biết tám người con của cô ai cũng thành đạt, tốt nghiệp nhiều trường đại học lớn ở nước ngoài. Tuy nhiên, cả tám người không ai theo nghệ thuật, dù có một cô con út tên là Phương Vy hát rất hay. Cô nói: “Con gái út tôi có giọng hát Bolero rất hay, không thua gì mẹ. Trước đây cháu từng hát cho một trung tâm ca nhạc ở hải ngoại, tuy nhiên, sau này cháu không theo nghiệp hát. Nó bảo không nỡ bỏ cả gia đình, con nhỏ để chạy show”.
Danh ca Phương Dung cũng là một người có tấm lòng nhân ái, cô là một trong những người thành lập “Hội See The Light” chuyên giúp đỡ những bệnh nhân và người nghèo tại Việt Nam qua việc giúp đỡ tiền bạc để chữa mắt, xây nhà, trường học. Cô còn vận động văn nghệ sĩ, bạn bè của mình tham gia vào chương trình này thông qua những show nghệ thuật gây quỹ từ thiện tại những quốc gia có đông người Việt.
Bắt đầu từ năm 1999, Phương Dung thường xuyên về Việt Nam hỗ trợ những bệnh nhân bị đục thủy tinh thể điều trị miễn phí. Cô đã mở những đợt chữa trị mắt cho dân nghèo tại quê hương Gò Công, Tiền Giang, nơi mình sinh ra, sau đó cô còn nhân rộng việc làm đầy ý nghĩa nhân văn này ra tận Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình, Kon Tum, Đồng Tháp, Cần Thơ. Phương Dung chia sẻ: “Lúc nào tôi cũng nhận được sự động viên của chồng mình. Ông ấy hiểu tôi hơn ai hết về những việc làm thiện nguyện. Ông còn đem cả tiền lương hưu ủng hộ cho những hoạt động của tôi. Bởi theo ông, danh tiếng và tình cảm mà công chúng cho tôi, đã quá nhiều lộc nghề, nên phải chia sẻ tình thương yêu này cho những người kém may mắn” .Ngoài ra hội thiện nguyện của cô còn tham gia giúp đỡ cho nhiều học sinh nghèo, cứu trợ những nạn nhân thiên tai, bão lụt. Đồng thời, cô đã đài thọ cho nhiều sinh viên khoa y đại học Y Dược TP HCM từ năm đầu vào đại học cho đến khi tốt nghiệp.
Từ 2014 đến nay Phương Dung cũng tích cực tham gia các chương trình truyền hình trong nước. Cụ thể khoảng cuối năm 2014 Phương Dung được mời làm giám khảo của cuộc thi Solo cùng Bolero do Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long sản xuất. Ngoài ra cô còn tham gia nhiều chương trình khác như : Tình Bolero (2016), Gương mặt thân quen (2017), Ca sĩ giấu mặt (2017), Ban nhạc quyền năng (2018), Chân dung cuộc tình (2018 – 2019), Người kể truyện tình (2017 – 2018), Tinh hoa hội tụ (2018 – 2019), Sao nối ngôi (2019), Làng hài mở hội mừng xuân (2019), Hãy nghe tôi hát (2017, 2019), Thần tượng Bolero (2019), Ký Ức Vui Vẻ (2019).
Sự ra đi đột ngột của chồng vào tháng 8.2017 đã để lại khoảng trống không thể lấp đầy trong lòng của Phương Dung. Có lần cô đã tâm sự trên báo chí rằng: “Chồng là tình đầu cũng là tình cuối của tôi. Ban đầu khi ông mới mất, tôi rất buồn, nhưng sau tôi hiểu rằng, cuộc đời không có gì là mãi mãi. Ông đi cũng là bởi duyên số vợ chồng của chúng tôi chỉ đến vậy, đó cũng là cái phước, để ông trở về với cõi vĩnh hằng. Dù giờ không còn gặp nhau nữa nhưng tôi vẫn luôn cảm nhận được ông ở bên, động viên và giúp đỡ tôi trong cuộc sống. Tôi cũng đã quen với cuộc sống một mình khi về già và vơi đi nỗi buồn mất chồng. Tôi tìm niềm vui bằng việc đi làm từ thiện, đi hát để gặp gỡ khán giả yêu thương của mình”.
Hiện tại cô sống trong căn hộ 120m2 cùng người làm, các con cô cũng thường xuyên về nước để thăm mẹ. Đặc biệt mỗi năm cô cũng dành 2 tháng để đi du lịch nước ngoài và thăm con.
- Tuyển tập những hình ảnh cho thấy sự phồn thịnh của “Đô Thành Sài Gòn” từ năm 1954 – 1965 – Phần 1
- Hiểu rõ hơn về kiến trúc đặc biệt của Tôn giáo xưa ở Sài Gòn qua hơn 90 bức ảnh quý – Phần 1
- Ngồi lại nghe chuyện Sài Gòn xưa: Nhớ về những tên đường từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa
- “Anh Còn Nợ Em” – Nợ một cuộc tình dang dở
- Câu chuyện tình yêu đẹp nhưng mong manh, đến rồi đi như một giấc mộng tình si