Hạnh phúc, vui tươi là thứ mà tất cả con người chúng ta luôn hằng khao khát, luôn nỗ lực tìm kiếm và mong mỏi. Thế nhưng chiến tranh đã cướp đi nó, cướp đi một cách trắng trợn mà chẳng chút xót thương. Hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình là những thứ tất yếu trong cuộc sống, nhưng “chiến tranh” đã khiến những thứ tưởng chừng dễ dàng ấy lại trở nên xa vời tầm với. Nó không chỉ chà đạp lên quyền sống của con người, còn chà đạp lên số phận, vứt họ xuống tầng cấp thấp nhất, chẳng thể giữ nổi giá trị của bản thân. Không chỉ có những quyển tài liệu, hay những bộ phim điện ảnh mới diễn tả được sự mất mát đau thương đó, mà nhạc sĩ Anh Bằng đã dùng tài hoa của mình để viết nên từng câu hát, từng giai điệu tái hiện lại nỗi đau khốn cùng của những mảnh đời bất hạnh đó qua nhạc phẩm “Nó”.
Nhạc phẩm “Nó” là một trong những sáng tác của nhóm nhạc sĩ Lê Minh Bằng, được ký dưới bút danh của Anh Bằng – Hoàng Minh, ca khúc được sáng tác vào năm 1972 – Thời điểm đất nước ta vẫn còn đang chìm trong chiến tranh. “Nó” là lời nói thay cho tiếng lòng của rất nhiều con người khốn khổ trên đất nước thời chinh chiến loạn lạc, cái thời mà “miền bắc điêu tàn”. Ca khúc đã từng làm lay động biết bao trái tim, lấy đi biết bao nước mắt bởi ý nghĩa và cả giai điệu nức nở, xót thương.
“Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ
Tuổi ấu thơ đã mang nhiều âu lo
Ngày nó sống kiếp lang thang
Ngẩn ngơ như chim xa đàn
Nghĩ mình tủi thân muôn vàn…”
Đã biết bao nhiêu năm kể từ khi cuộc thảm chiến ấy đi qua, hình ảnh những “thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ” vẫn còn in dấu sâu đậm trong lòng chúng ta. Tuổi của “nó” còn rất nhỏ, nhưng ngày ngày phải sống trong nỗi lo âu được mất, mang trong mình kiếp sống lang thang như chú chim lạc đàn, chẳng biết nên bay hay đậu, mà bay thì nên bay theo hướng nào, bay về đâu. Cuộc sống không định hướng, không mục tiêu, chỉ biết hôm nay có được lo bụng hay không, hôm nay có chỗ ngủ ấm như ngày hôm qua hay không? Một con người nhỏ bé nhưng đã phải đối mặt với thực tại khốn khó tột cùng, không dám oán trách ông trời, chỉ biết tủi thân một mình mà thôi!
Những con hẻm nhỏ – nơi lưu trú của những mảnh đời bất hạnh, “nhà” của những số kiếp lang thang, và là chỗ ngủ “ấm êm” của những con chim muông xa đàn. Ngõ nhỏ chính là bộ mặt khác của đường phố rộng lớn và phồn hoa, nơi đối lập hoàn toàn với những chung cư, những tòa cao ốc, những vũ trường hay nhà hàng đông đúc. Những con người se sua quần là áo lụa, vung tay chi tiền chẳng nghĩ suy,…nhưng “nó” thì vẫn thế, vẫn đói rách, vẫn nghèo nàn, vẫn co ro một góc của xã hội để “tủi thân muôn đời”
“….Mẹ nó ra đi khi còn tấm nhỏ
Một chén cơm chiều nhưng lòng chưa no
Cuộc sống đói rách bơ vơ
Hỏi ai ai cho nương nhờ
Chuỗi ngày tăm tối bơ vơ….”
Nó không còn mẹ, không còn người thân trên cõi đời này, nó chỉ có một thân một mình ngay từ khi còn “tấm nhỏ”, một chén cơm chiều nhưng bụng vẫn còn đói meo. Thế thì đã sao? Ai quan tâm nó đói hay no, ấm hay lạnh, nghèo hay sang. “Nó” chỉ một đứa lang thang có cuộc sống “đói rách” bơ vơ giữa dòng đời trắc trở mà thôi! Chẳng còn ai để nó than khóc, cũng chẳng có ai để nó nương nhờ lúc mệt mỏi, chỉ có chuỗi ngày tăm tối bơ vơ là đồng hành bao ngày tháng.
Những đứa bé âm thầm lang thang trong thời chiến loạn ấy, nay cũng đã trưởng thành trong xứ sở hòa bình, cuộc sống của “nó” chắc không còn phải “sống kiếp lang thang”, trôi dạt nơi “đầu đường xó chợ”. Chắc đã hết rồi những “nó” đói khát, hay bơ vơ côi cút, không nơi nương tựa. Có lẽ đã tốt hơn hoặc có lẽ “nó” đã chẳng vượt qua nỗi những gian truân của xã hội.
“….Đêm đêm nó ngủ một manh chiếu rách co ro
Một thân côi cút không nhà
Thân em lá cỏ bạn quen ai có đâu xa
Thằng tư con tám hôm qua trên phô lê la…”
Không còn Mẹ, không có người thân như một chú chim lạc đàn không tìm được bầy. “Nó” là một đám bạn bè bụi đời, bạn ngày túa nhau khắp phố phường để ăn xin, để nhặt rác, để đánh giày,….hay là những đám bạn cùng bán vé số, lượm bao ni – lông, nhặt ve chai,….đêm đêm lại cùng nhau san sẻ một chiếc chiếu rách, rồi co ro vì giá lạnh. Anh em đồng liêu, có họa cùng chịu có khổ cùng chia, cả đám đều là những người tha hương chẳng biết quê hương là nơi nào, cứ lê la hết ngõ cùng cuối phố – bốn bể là nhà, một đám côi cút là anh em, người thân.
“…..Miền bắc điêu tàn nên đời nó khổ
Một chén cơm chiều nên lòng chưa no
Nhiều lúc nó khóc trong mơ
Mẹ ơi ! Con yêu mong chờ
Bao giờ cho đến bao giờ”
Ngày xưa, cái thuở mà “miền bắc điêu tàn”, chiến sự liên miên, “nó” thân cô thế cô, không nhà cũng chẳng cửa quá khốn khổ, quá bi thương. Một chú chim xa đàn nên đã sớm làm quen với cảnh “một chén cơm chiều nên lòng chưa no”, “nó” đau lắm, giờ phút này nó thấy sau cuộc đời lại quá bất công, cuộc sống như một cái lồng sắt rộng lớn đang giam cầm tấm thân nhỏ bé, “nó” không biết làm cách nào để bản thân có thể thoát ra được. Bao đêm nó khóc trong mơ, những giọt nước mắt âm thầm rơi trong vô thức. Nó chẳng kêu gào được với ai, chỉ lặng lẽ mà tuôn lệ, chỉ biết thét lên tiếng thét hãi hùng trong mộng ảo. “Nó” mệt mỏi quá rồi, nó chẳng còn sức để mà gắng gượng, nó muốn được ở bên Mẹ, nó muốn được trở lại với vòng ôm che chở của Mẹ, nhưng lại không biết cách để trở về, chỉ viết chờ đợi trong vô vọng – “Mẹ ơi! Con yêu mong chờ, bao giờ cho đến bao giờ”.
“Nó” thời nào cũng có, người nghèo thuở nào cũng tràn đầy khắp ngõ ngách xã hội, dù chiến tranh hay hòa bình, dù yên ả hay loạn lạc, nhưng làm sao biết được “nó” muôn màu đa sắc trong xã hội hiện nay? “Nó” là một đám trẻ mồ côi sống lây lất qua ngày đoạn tháng; “nó” là những đứa trẻ lưu lạc, tha hương nơi đất khách chỉ vì dại khờ tin người, chỉ một cái nhắm mắt cả cuộc đời thay đổi, mở mắt ra nhìn người người thay nhau mà chà đạp tấm thân mình. “Nó” cũng ở nơi miền quê nghèo, hết bão thì lụt, hết chiến tranh lại gặp chèn ép, hết hạn hán lại đến mất mùa,…người người quê “nó” lũ lượt kéo nhau rời đi. Hay “nó” là những cô nàng chấp nhận bán thân làm dâu xứ người để cứu gia đình ra khỏi cơn khốn cùng. Ở nơi đất khách, giấc mộng ấm êm cùng người chồng thương vợ hoàn toàn bị dập tắt, chồng “nó” là những ông cụ già xồm xoàn không còn nhân tính, là những chàng trai cộc tính vũ phu,….”Nó” có quá nhiều hình dạng, ôm trong mình quá nhiều căn bệnh oái oăm của thế kỷ, chẳng ai có thể hiểu, chẳng người có thể thấu.
“Nó” của nhạc sĩ Anh Bằng – Hoàng Minh mang chúng ta đi hết khắp cùng ngõ hẹp của cuộc sống, tỏ tường từng mảng tối tăm của người nghèo kẻ khổ trong xã hội. Ai cũng sẽ đổ lỗi do chiến tranh nên có quá nhiều người khó, nhưng chiến sự đã hoàn, “nó” vẫn còn đó thôi. Chúng ta có thể làm được gì cho “nó” đây? Những mảnh đời bất hạnh thì quá nhiều
Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ
Tuổi ấu thơ đã mang nhiều âu lo
Ngày nó sống kiếp lang thang
Ngẩn ngơ như chim xa đàn
Nghĩ mình tủi thân muôn vàn
Mẹ nó ra đi khi còn tấm nhỏ
Một chén cơm chiều nhưng lòng chưa no
Cuộc sống đói rách bơ vơ
Hỏi ai ai cho nương nhờ
Chuỗi ngày tăm tối bơ vơ
Đêm đêm nó ngủ một manh chiếu rách co ro
Một thân côi cút không nhà
Thân em lá cỏ bạn quen ai có đâu xa
Thằng tư con tám hôm qua trên phô lê la
Miền bắc điêu tàn nên đời nó khổ
Một chén cơm chiều nên lòng chưa no
Nhiều lúc nó khóc trong mơ
Mẹ ơi ! Con yêu mong chờ
Bao giờ cho đến bao giờ
- “Những ngày thơ mộng” (Hoàng Thi Thơ)
- Phương Dung kể về 10 năm đau khổ của Nhạc Sĩ Phạm Đình Chương sau mối tình phụ bạc
- ”Bài Ca Tết Cho Em” – Lời tỏ tình ngọt ngào lãng mãn của nhạc sĩ Quốc Dũng
- Chú Hỷ: Ông vua sông nước nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh khiến người Sài Gòn ngưỡng mộ
- “Bay Đi Cánh Chim Biển” (Đức Huy) – Sự hụt hẫng khi đánh mất tình yêu của một chàng trai mang đầy hoài bão