Nhà thơ Kim Tuấn có lẽ cũng không quá xa lạ với các khán giả yêu nhạc, bởi ông chính là “cha đẻ” của những tác phẩm thơ phổ nhạc nổi tiếng, trong đó có thể kể đến hai nhạc phẩm nổi tiếng là “Anh Cho Em Mùa Xuân” (phổ từ bài Nụ hoa vàng ngày xuân) và “Những Bước Chân Âm Thầm” (phổ từ bài Kỷ niệm). Ngoài ra còn có Tự tình lý cây bông, Ầu ơ lý ru con, Khi tôi về,….
Những năm 60 của thế kỷ trước, khi nhà thơ Kim Tuấn còn sống tại vùng đất cao nguyên Pleiku thơ mộng, ông đã sáng tác ra rất nhiều tập thơ để ngợi ca vẻ đẹp mộc mạc lại ý vị của vùng đất này. Sau đó, ông đã quay trở lại Sài Gòn để tiếp tục nguồn sống mưu sinh vào năm 2003, rời xa Pleiku ông đã cho ra đời bài thơ mang tên “Kỷ Niệm” để ghi lại những hồi ức tươi đẹp của ông tại nơi đây và được nhạc sĩ Y Vân phổ thành nhạc khúc nổi tiếng cả một thời đại – “Những bước chân âm thầm”.
Y Vân là một nhạc sĩ tiêu biểu của tân nhạc Việt Nam, khi nhắc đến Y Vân người ta sẽ nhắc ngay đến những sáng tác “thuộc nằm lòng” của ông, những ca khúc mà dù ở thế hệ nào cũng phải ít nhất một lần nghe qua như “Lòng Mẹ”, “60 Năm Cuộc Đời”, “Ảo Ảnh”,…..Không chỉ thành công trong các thể loại Bolero, Zumba, mà ngay cả Rock hay Twist thì Y Vân cũng để lại cho người yêu nhạc các tác phẩm bất hủ theo thời gian. Các nhạc khúc của ông đã in dấu trong tâm trí người yêu nhạc, không chỉ bởi những ca từ da diết mà bao gồm cả giai điệu lúc thì sâu lắng, lúc lại vui tươi yêu đời,…luôn được nhạc sĩ biến tấu rất đa dạng.
Bài hát “Những Bước Chân Âm Thầm” mang trong mình sự cân đối đến hài hòa, vừa đậm chất thi trong tâm hồn Kim Tuấn, vừa có sự ngọt ngào lãng mạn của Y Vân. Người ta luôn nói đùa với nhau rằng: Những Bước Chân Âm Thầm là sự biến tấu vượt thời gian, từ một bài thơ dành cho mùa hạ trong lành chuyển thành một nhạc khúc mùa đông tươi mát. Sở dĩ có sự ví von này là vì theo nguyên tác của nhà thơ Kim Tuấn sẽ là Hoa “vông” rừng tuyết trắng, bởi thời điểm sáng tác bài thơ này là vào mùa nắng nơi núi rừng Pleiku đang vào độ những cây vông trong rừng thông nở bung trái. Cả mảnh rừng như được tô một màu trắng xóa, chỉ cần một cơn gió nhẹ đi qua, những hoa vông rơi xuống như những hoa tuyết tinh khôi đang bay đầy trời. Nhưng đến khi phổ nhạc lại biến thành Hoa “vòng” rừng tuyết trắng, mang ý nghĩa là cả một mảng rừng bị phủ quanh bởi một vòng hoa tuyết của mùa đông lạnh giá.
“Từng bước từng bước thầm
Hoa vòng rừng tuyết trắng
Rặng thông già lặng câm
Em yêu vì xa vắng?
Cho trời mây ướp buồn
Từng bước từng bước thầm
Mưa giữ mùa tháng năm
Tay đan sầu kỷ niệm
Gió rét về lạnh căm
Từng bước chân âm thầm…”
Khung cảnh Pleiku những mùa nắng của tháng 5 lại thoát cái hòa vào sự giá lạnh đầy mảng rừng thông. Tâm tư như quay trở lại quá khứ, tận mắt chứng kiến cảnh sắc nơi khoảng rừng ấy.
Câu nói: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” thật chính xác trong thời khắc này, đến cả những rặng thông già cũng trở nên câm lặng, từng rặng mây cũng u ám như chất chứa hàng triệu nỗi buồn cho lần chia tay cố nhân này. Và trận mưa hôm ấy sẽ được lưu mãi trong miền ký ức của người, nâng những kỷ niệm ấy trong bàn tay để tiếc thương, để nhung nhớ. Dù giá có rét, mưa có lạnh thì những yêu thương xưa vẫn được giữ nguyên vẹn trong lòng người.
“…Anh yêu tình nở muộn
Chiều tím màu mến thương
Mắt biếc sầu lắng đọng
Đèn thắp mờ bóng đêm
Từng bước từng bước thầm…”
Tình yêu trong ca khúc này được tác giả tinh tế đưa vào, một cách nhẹ nhàng mà chẳng làm người ta khó chịu. Mở ra một bức tranh hoàng hôn Pleiku xinh đẹp với sắc tím mộng mơ, chứa đầy thương nhớ và hoài niệm. Một nỗi buồn miên man được cất giấu sâu trong đôi mắt biếc ấy, lắng đọng nhưng cũng rất mãnh liệt như những ngọn đèn mờ trong bóng đêm, chẳng sợ gió cứ mạnh mẽ mà thắp sáng trong màn đêm u tối.
Đây là lần thứ ba cụm từ “từng bước từng bước thầm” được lặp lại trong ca khúc này, mang theo một nỗi buồn miên man không biết gửi vào đâu. Những năm tháng khi ra đời của bài thơ – bài hát này, cao nguyên Pleiku vẫn còn đang chìm trong cuộc chiến tranh, quân lính ta bị bắt, người dân vô tội của ta cũng phải sống trong cảnh lầm than. Có lẽ vì thế mà nỗi buồn của tuổi trẻ chính là sự sầu bi cho thân phận của mình, buồn cho tương lai mênh mông không có bến bờ như những rừng thông đã lặng tiếng, như những dải núi cao ngất đang thầm thủ thỉ.
“….Khi người yêu không đến
Tuổi xuân buồn lặng căm
Đi trong chiều mưa hoang
Đời biết ai thương mình …..”
Những nỗi lòng thương nhớ về khung cảnh xanh mơn mởn của núi non cao nguyên Pleiku, như thương nhớ về người tình, không còn được đặt chân nơi vùng đất ấy cũng như người yêu rời xa vòng tay mình mãi mãi. Đây là nơi tuổi xuân của người trai được hình thành, những mộng ảo tươi đẹp, những hồi ức lung linh,….nhưng giờ đây đều chết lặng như tuổi xuân không nói nên lời. Để rồi khi một mình lang thang trong chiều mưa ấy, bản thân lại cảm thấy cô đơn và chơi vơi, như đứa trẻ đi lạc cứ loanh quanh mãi chẳng tìm thấy lối thoát cho tâm hồn.
Từ những năm 90, người ta đã ồ ạt kéo nhau “san bằng” nơi cao nguyên thơ mộng ấy, khai thác cây rừng để lấy gỗ, đã làm vắng bóng những cây gòn rừng, sẽ chẳng còn những trận “tuyết” rơi nơi rừng thông mỗi chiều ngoại ô, sẽ chẳng còn được chứng kiến “cái tuyết mùa đông” giữa mùa hè thoáng mát. Y Vân và Kim Tuấn tuy chẳng còn nữa nhưng Kỷ Niệm – Những Bước Chân Âm Thầm thì vẫn trường tồn mãi với thời không, vẫn đang bềnh bồng xuôi ngược khắp mọi nơi mà không chỉ riêng gì ở Pleiku thân yêu.
Dù là “Kỷ Niệm” của nhà thơ Kim Tuấn hay “Những Bước Chân Âm Thầm” của nhạc sĩ Y Vân, dù là mùa hạ hay mùa đông thì những người yêu thích ca khúc này cũng chẳng để nhiều về sự nhầm lẫn này. Cái họ yêu không phải là tuyết, mà họ yêu là cái chất buồn trong ca khúc, một nỗi niềm nhung nhớ trong sự cô đơn của nó. Bài hát như nói hộ tiếng lòng của người nghe nhạc, như đồng cảm và trở thành tri kỷ của họ nên họ yêu nó và nó trở nên bất hủ. Có lẽ câu hay nhất và tâm đắc nhất trong cả bài hát này chính là câu: “Đời biết ai thương mình…” Vì sống nơi xã hội đầy sự ganh đua và bon chen này, dù bạn có tỉnh táo đến đâu thì vẫn chẳng thể nào biết được ai mới là người thương bạn thật lòng, ai sẽ thương hại bạn và ai sẽ vì lợi ích mà lừa dối bạn….
- Những ngày cuối cùng trong cuộc Chiến tranh Việt Nam qua ống kính thực của người phóng viên Nhật Bản
- Đôi điều về Duy Khánh – Danh ca có Một Không Hai của nền tân nhạc Việt Nam
- “Mùa Hoa Anh Đào” – Nhạc khúc viết riêng tặng người vợ thân yêu của nhạc sĩ Thanh Sơn
- Phương Dung kể về 10 năm đau khổ của Nhạc Sĩ Phạm Đình Chương sau mối tình phụ bạc
- Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Căn Nhà Dĩ Vãng” của nhạc sĩ Đài Phương Trang.