“Nhịp Cầu Tri Âm” (Hoài Linh) – Tình thư người lính, người em nhỏ đô thành và câu chuyện tình tìm bạn bốn phương

Nổi tiếng bởi những bài hát với giai điệu nhẹ nhàng, dễ nghe, nhưng hơn hết là biệt tài “vẽ tranh bằng âm nhạc” của nhạc sĩ Hoài Linh mới làm cho nhiều cánh nhạc sĩ ngưỡng mộ và đánh giá cao. Theo như lời kể của Văn Giảng thì dạo trước, phần lớn nhạc sĩ dù nổi tiếng nhưng vẫn nhờ Hoài Linh đặt lời cho ca khúc của mình bởi ông vốn giỏi văn chương nên ca từ qua ngòi bút của ông càng thêm sinh động, đặc biệt những cảnh vật được nhạc sĩ Hoài Linh miêu tả trong ca khúc cứ như là bức tranh thiên nhiên phong phú sắc màu. Lời ca của Hoài Linh được nhiều người đánh giá là bay bướm, mỹ miều và có vần có điệu. Mỗi tác phẩm ông đưa đến công chúng đều được ông chọn lựa thật kỹ từng ca từ, soạn nhạc vô cùng tỉ mỉ và tinh tế.

Nhạc sĩ Hoài Linh

Nhạc sĩ Hoài Linh là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi có cuộc sống thoải mái, chẳng hề bận tâm về vấn đề tài chính chỉ nhờ vào công việc sáng tác. Các ca khúc của ông đều rất ăn khách và nổi tiếng cho đến tận thời điểm hiện nay. Đặc biệt gây ấn tượng chính là ca khúc “Nhịp Cầu Tri Âm” được nhạc sĩ viết vào năm 1968. Đây là tuyệt phẩm đầy cảm mến cho mối tình tìm bạn bốn phương của cô gái nhỏ đô thành và chàng chính chiến khu miền xa.

“Tôi ở đồn xa, nhịp cầu duyên mong nối, tri âm muốn tìm.
Em ở thành đô, ngại gì một câu thơ hòa điệu lòng cảm mến.
Oanh, Yến hay Liên, Hồng, Lan, Đào, Diễm
hằng ngày nghe nói tên.
Muốn quen để rồi đến em
Hậu Giang tôi cũng kiếm, miền Trung tôi cũng tìm….”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Thanh Tuyền & Trung Chỉnh trình bày.

Chàng lính chiến khu nơi đồn xa với đầy gian nguy hiểm trở – Nàng là cô gái nhỏ nơi đô thành phồn hoa, vài đôi câu thơ, vài điệu hòa cảm mến đã bắc thành nhịp cầu kết nối cho mối lương duyên. Với những anh chiến sĩ có người yêu nơi quê nhà hậu phương thì còn mong còn nhớ, còn qua lại đối cánh thư tay cùng người thương bé nhỏ. Nhưng với những kẻ cô đơn thì mong muốn tìm bạn tri âm dường như trở nên xa vời, bởi thời đó phương tiện thông tin đại chúng chẳng phổ biến làm gì có cơ hội mà hạnh ngộ bạn bè năm châu. Chàng lính chỉ biết mải miết mà kiếm tìm, tìm từ miền nam xuôi lên miền trung, từ Hậu Giang lại đổ về đô thành qua những lần hành quân vất vả. “Oanh, Yến hay Liên, Hồng, Lan, Đào, Diễm”, đây đều là những cái tên mà hàng ngày chàng nghe thấy, nhưng lại chẳng biết đâu mới là cái tên bạn tri âm, đâu mới là người anh thật sự muốn tìm quen.

“….Nối nhịp cầu duyên của người anh lính chiến, em xin nhắn lời.
Bao tuổi người ơi! Đường tình đà nên đôi?
Thật lòng đừng lừa dối.
Đi lính bao lâu, người trông đẹp xấu, lập được bao chiến công?
Mấy câu thành thật ước mong, vì sinh ra phận gái
hỏi ai không lấy chồng?…”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Tuấn Vũ & Mỹ Huyền trình bày.

Nhịp cầu bốn phương đã kết nối hai trái tim mộng mơ của chàng lính miền xa và nàng dâu phố hội. Vừa mới làm quen, đã ai biết được ai, nên nàng đành gửi đôi lời nhắn xin được làm quen. Người bao nhiêu tuổi? Đã vợ con gì hay chưa? Đã có lần say đắm cùng ai hay chăng? Chàng là lính đã đi được bao năm? Chiến công có gì? Người đẹp xấu ra sao? – Đây hoàn toàn là những câu hỏi thân quen và bình thường để hỏi thăm một người lạ vừa quen. Sinh ra là phận gái, trong nhờ đục chịu, tuổi đời nàng vẫn còn nhỏ chưa trải qua nhiều chuyện, chưa hiểu thấu được lòng người. Nên lúc nhịp cầu bắc ngang, muốn được làm quen chàng nhưng sợ người dối gạt. Nàng không cầu điều cao sang, nàng chỉ mong một trái tim chân thành cũng những câu trả lời thực tâm, để có thể trao gửi tấm thân này cùng một người chồng nàng thương.

“….Tuổi đời vừa đúng ba mươi.
Không đẹp, người cũng dễ coi.
Độc thân vui tính, tròn ba năm lính
chưa lần có bạn tâm tình.
Từ ngày rời áo thư sinh,
sa trường lừng tiếng chiến binh.
Thề không gian dối: mười huy chương thôi.
Có sao nói vậy người ơi!…”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Trường Vũ & Như Quỳnh trình bày.

Một lời giới thiệu bản thân sao quá đỗi dễ thương từ anh chiến sĩ, dù chiến trường là nơi bao hiểm nguy rình rập, bản thân chẳng biết sống đến khi nào nhưng trong chàng vẫn giữ mãi tinh thần lạc quan và vui vẻ. Chàng muốn san sẻ niềm vui, lối sống tích cực ấy đến người con gái nhỏ nơi đô thành kia, mong nàng cũng sẽ tìm thấy được niềm hân hoan trong cuộc sống.

Tuổi đời vừa đúng trưởng thành, ba mươi tuổi xanh là độ tuổi đẹp nhất và thành công nhất của người trai, độ tuổi có thể làm điểm tựa vững chắc cho người con gái mình thương. Anh tự nhận bản thân không phải đẹp trai, không phải công tử cũng chẳng lãng tử, anh chỉ là một quân nhân bình thường đang mang trong mình trọng trách quốc gia. Anh chỉ dễ nhìn, chỉ vừa đủ làm đẹp mắt người thương, vừa đủ để người trong lòng cảm thấy hãnh diện. Anh bật đèn xanh với nhà gái rằng bản thân chưa một lần có bạn tâm giao, đã ba mươi tuổi nhưng vẫn còn độc thân và vui tánh, đảm bảo cho nàng mỗi ngày trôi qua trong vui vẻ. Từ ngày rời áo thư sinh, khoác lên mình bộ hành trang chiến sĩ, lê từng bước hành quân trên chiến trường lừng lẫy,…tính đến nay cũng tròn 3 năm. Chẳng công trạng gì nhiều, chẳng bằng cách hiển hách như ai, chỉ vỏn vẹn “mười huy chương thôi”. Sự khiêm tốn và chân thành trong từng câu nói của người chiến sĩ mang cho ta nhiều thiện cảm, thực sự muốn một lần thử “yêu đương” cùng chàng.

“…..Tôi ở ngoài biên gửi lòng trên trang giấy se duyên kết tình.
Em ở thành kinh nhìn đời màu xanh xanh, hòa nhịp lòng cùng lính.
Khi đã nên duyên thuyền chung một bến
trọn đời anh có em.
Cuối năm trời lạnh gió Đông
Mười lăm hôm nghỉ phép là ta in thiếp hồng.”

Chàng nơi biên thùy – nàng ở thành kinh, hỏi thăm nhau qua đôi dòng giấy mực. Người lính chẳng có gì ngoài sự chân thành và con tim trinh nguyên dành cho người em nhỏ nơi đô thành nhộn nhịp. Nàng tuổi đời vẫn còn bé nhỏ, nhìn đời bằng ánh mắt quá đỗi ngây thơ, nên chỉ xin hòa nhịp lòng cùng người chiến sĩ, mong được yêu thương, mong được thủy chung một đời. “Khi đã nên duyên thuyền chung một bến trong đời anh có em” – Câu hát như một lời định ước trăm năm, chẳng cần lời thề non hẹn biển, chẳng cần phải sông cạn đá mòn, chỉ cần cùng nhau thì chính là một đời một kiếp. Và để củng cố thêm lòng tin của người em bé nhỏ, chàng đã hẹn cuối năm cùng nàng kết tóc se duyên bằng đôi thiệp hồng ta in.

“Nhịp Cầu Tri Âm” của nhạc sĩ Hoài Linh mang đến cho người nghe những giai điệu vui tươi và ngọt ngào của một câu chuyện tình chớm nở nhưng lại được định chung thân một đời. Bài hát chỉ là những câu từ giản đơn nhưng đầy đủ ý nghĩa, bởi mới nói nhạc của Hoài Linh tuy không cầu kỳ nhưng vẫn sang, rất được đại chúng yêu thích.

Lời bài hát Nhịp Cầu Tri Âm – Hoài Linh

Tôi ở đồn xa, nhịp cầu duyên mong nối, tri âm muốn tìm.
Em ở thành đô, ngại gì một câu thơ hòa điệu lòng cảm mến.
Oanh, Yến hay Liên, Hồng, Lan, Đào, Diễm
hằng ngày nghe nói tên.
Muốn quen để rồi đến em
Hậu Giang tôi cũng kiếm, miền Trung tôi cũng tìm.

Nối nhịp cầu duyên của người anh lính chiến, em xin nhắn lời.
Bao tuổi người ơi! Đường tình đà nên đôi?
Thật lòng đừng lừa dối.
Đi lính bao lâu, người trông đẹp xấu, lập được bao chiến công?
Mấy câu thành thật ước mong, vì sinh ra phận gái
hỏi ai không lấy chồng?

Tuổi đời vừa đúng ba mươi.
Không đẹp, người cũng dễ coi.
Độc thân vui tính, tròn ba năm lính
chưa lần có bạn tâm tình.

Từ ngày rời áo thư sinh,
sa trường lừng tiếng chiến binh.
Thề không gian dối: mười huy chương thôi.
Có sao nói vậy người ơi!

Tôi ở ngoài biên gửi lòng trên trang giấy se duyên kết tình.
Em ở thành kinh nhìn đời màu xanh xanh, hòa nhịp lòng cùng lính.
Khi đã nên duyên thuyền chung một bến
trọn đời anh có em.
Cuối năm trời lạnh gió Đông
Mười lăm hôm nghỉ phép là ta in thiếp hồng.

5/5 - (1 bình chọn)

Viết một bình luận