Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn và sự nối đuôi “tươi sáng” của nhạc khúc “Bến Giang Đầu” (Nắng Chiều 2)

Đăng ngày 21/07/2024

“Đất Quảng Nam chưa mưa đà thắm
Rượu hồng đào chưa nhắm đã say”

Dọc trên mọi miền của đất nước, từ miền xuôi đến miền ngược, từ Bắc chí Nam, nhiều sẽ cảm thấy “ám ảnh” với một Quảng Nam “kỳ lạ”. Cái hồn quê mặn mà của người dân xứ Quảng hòa vào từng cành cây ngọn cỏ, từng góc phố vắng đến những con sông nhộn nhịp, từng tiếng cười giòn tan nơi mảnh đất khô cằn ấy. Có lẽ, người ta say xứ Quảng chính bởi hương vị mặn mà và lòng người nồng nàn nơi đây. Ai đến với xứ Quảng mà chẳng muốn một lần nhắm thử “tuyệt phẩm” rượu hồng đào cùng với những sản vật bình dị trong tình cảnh gian nan và nhọc nhằn này. Chính là đây, nơi khởi nguồn của nhiều tuyệt tác âm nhạc, nơi gợi cho nhạc sĩ nguồn cảm hứng bất tận không chỉ vẻ đẹp phong cảnh mà còn sự chân chất của người con dân xứ Quảng. Và nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn cũng chẳng ngoại lệ, khi nhiều ca khúc của ông cũng được sáng tác tại đây như “Sóng Đà giang” nói về sông Thu Bồn (Quảng Nam) hay “BẾN GIANG ĐẦU” ra đời ở vùng cồn dâu Gò Nổi (Điện Bàn, Quảng Nam),….BẾN GIANG ĐẦU (NẮNG CHIỀU 2) | Lê Trọng Nguyễn | Phạm Hùng (Tưởng nhớ nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn) - YouTube

Bản thân cũng là một người con xứ Quảng nên vì thế mà ông có rất nhiều tình cảm dành cho quê hương, những tình cảm chất chứa chẳng thể nói nên lời nên từng ca từ, từng cảm xúc, ông đã gửi gắm vào bài hát. Ông sáng tác không nhiều nếu so với các nhạc sĩ cùng thời, nhưng không vì thế mà đánh giá tác phẩm của ông không hay, nó hoàn toàn ngược lại khi các nhạc khúc của ông lại mang giá trị nghệ thuật vô cùng cao, những giai điệu và ca từ được ông chau chuốt kỹ lưỡng và chọn lọc từ những hình ảnh đẹp nhất trong mắt ông. Có lẽ do định hướng ban đầu là “không sống bằng âm nhạc”, âm nhạc đối với ông là niềm đam mê nên mỗi ca khúc đều được ông đầu tư nhiều. Điển hình như ca khúc “BẾN GIANG ĐẦU” là ca khúc nối tiếp sự thành công của bài hát “NẮNG CHIỀU” (Đây là ca khúc đã làm nên tên tuổi của Lê Trọng Nguyễn và trở nên bất hủ theo thời gian) – Nó không được sáng tác theo đơn đặt hàng của bất kỳ ai, nó chỉ đơn thuần là cảm hứng dâng trào của một nhạc sĩ tài hoa.

Còn nói về ca khúc “BẾN GIANG ĐẦU” vẫn được tác giả Lê Trọng Nguyễn gọi là “Nắng Chiều 2”, có thể do nó chịu ảnh hưởng của bản “Nắng chiều” nhưng mang theo nỗi đau khúc mắc hơn. Bài hát này đối với nhiều khán giả yêu nhạc sẽ có phần lạ lẫm bởi cách gieo vần, nó như một bài thơ lạ nằm ở vần trắc, nhưng cũng chính điều này đã tạo nên nét khác biệt và gợi nhớ của ca khúc đối với người hâm mộ. Nếu “Nắng Chiều” là sự lưu luyến về một mối tình chưa nở đã chóng tàn phai do nhiều nguyên do thì “BẾN GIANG ĐẦU” hay “NẮNG CHIỀU HAI” lại mang đến cho ta sự “nặng nề” trong tình ái, cảm giác đau đớn tột cùng của người trai khi yêu thương quá nhiều nhưng lại biết rằng “không hề có kết quả”. Một phong cách bolero thuần hóa Việt Nam với nét nhạc chậm chậm và kể lể, nhè nhẹ mà diễn cảm, “lột xác” hoàn toàn với phong thái xôn xao, rực rỡ có phần nhanh chóng của những bản bolero Mỹ Latinh. Mang đến cho người yêu nhạc Việt một bài hát đậm chất Bolero.

“Bước nặng nề qua thềm nhà vắng vương xác hoa
Khi nắng chiều nghiêng ghé bên vai ướp vào má
Lách cỏ vườn xưa tìm lại chỗ ta vẫn đùa
Ngắt hoa anh cười, nhưng em trách rồi lệ ứa….”

Có lẽ ngoài nhạc sĩ Phạm Duy thì Lê Trọng Nguyễn chính là người duy nhất sử dụng từ “nặng nề” trong lời ca tiếng hát của mình. Chỉ duy nhất một từ đấy thôi cũng đủ mang đến sự tuyệt vọng cho cả bài hát, nỗi mất mát khôn cùng là tê tái bao trái tim người nghe.

Cũng là Lê Trọng Nguyễn nhưng nếu “Nắng chiều” vẽ nên bức tranh buồn trong khung cảnh quá đỗi xinh đẹp của một làng quê yên bình, có “mây lướt trôi khi nắng vương đồi” và có “nhớ sao là nhớ đến người ngày thơ”. Thì tại “BẾN GIANG ĐẦU” lại là hình ảnh đối lập, vạch trần góc tối của cuộc sống với “thềm nhà vắng vương xác hoa”, nghe qua mới đau lòng làm sao!

Cả không gian như chìm vào u tối, sự vắng lặng và đìu hiu bao trùm cả không gian tạo nên một bầu không khí rợn người. Không phải sợ do “yêu ma quỷ quái”, cái sợ ở đây như thể cả đất trời chỉ còn cô đơn mỗi mình ta, chẳng biết làm bạn cùng ai.BẾN GIANG ĐẦU (Nắng Chiều 2) ♪ TRƯỜNG HẢI Pre'75 ♪ Sáng tác: LÊ TRỌNG NGUYỄN ♪ Pre75 ♪ - YouTube

Từ “lách” được nhạc sĩ sử dụng cũng rất lạ, bởi sự độc đáo và mới lạ của nó, ít người nhạc sĩ nào lại dừng ngôn ngữ thế này vào nhạc phẩm “cưng” của mình. Nhưng chữ này lại diễn tả một cách chính xác nhất tâm trạng của nhạc sĩ lúc này, khi ông phải lật lại từng chút những ký ức, bơi lại những nơi mà ông và “người ấy” đã từng vui đùa để gợi nhớ, để hoài niệm. “Ngắt hoa anh cười, nhưng em trách rồi lệ ứa” – Kỷ niệm luôn ẩn chứa cả niềm vui và nỗi buồn, xen lẫn đâu đó cũng có những sự hờn dỗi đáng yêu.

“…..Gió dào dạt thưa rằng một sớm trên bến sông
Em xuống thuyền hoa, pháo vang đưa lướt ngược sóng
Ước nguyện chìm sâu từ ngày ấy xuân úa mầu
Bến duyên giang đầu nơi chôn kín một niềm đau…..”

Rồi một hôm trên chính bến sông này, nơi mang đến kỷ niệm cũng trở thành nơi chôn giấu hồi ức của đôi chúng ta. Gió dào dạt như thổi tình ta theo từng đợt sóng, chẳng biết trôi về đâu cũng chẳng biết có quay về được không. Từng câu ước nguyện, từng câu hẹn thề cũng như cơn sóng mà chìm dần vào nơi góc sông êm ả như những ngày cuối xuân chỉ còn lại sự úa màu. Không vui tươi như thời vừa chớm nở, chẳng nồng nàn như tình yêu hôm nào, nơi “bến duyên giang đầu” đã trở thành nơi chôn kín một niềm đau lớn của anh và em….Bến giang đầu - YouTube

“…..Chiều nhạt nắng, nhắc anh lời em
Nói khi lời trăng, dưới khung trời êm:
“Nếu mà ngày mai giàn hoa tím kia héo gầy
Rồi đời ta vỡ tan làm đôi
Mắt ta càng xa cách nhau ngàn đời
Thì cứ nhìn vừng trăng mà thôi trách duyên lỡ làng”…..”

Trích lời bài hát Bến Giang Đầu:

Bước nặng nề qua thềm nhà vắng vương xác hoa
Khi nắng chiều nghiêng ghé bên vai ướp vào má
Lách cỏ vườn xưa tìm lại chỗ ta vẫn đùa
Ngắt hoa anh cười, nhưng em trách rồi lệ ứa

Gió dào dạt thưa rằng một sớm trên bến sông
Em xuống thuyền hoa, pháo vang đưa lướt ngược sóng
Ước nguyện chìm sâu từ ngày ấy xuân úa mầu
Bến duyên giang đầu nơi chôn kín một niềm đau

Chiều nhạt nắng, nhắc anh lời em
Nói khi lời trăng, dưới khung trời êm:
“Nếu mà ngày mai giàn hoa tím kia héo gầy
Rồi đời ta vỡ tan làm đôi
Mắt ta càng xa cách nhau ngàn đời
Thì cứ nhìn vừng trăng mà thôi trách duyên lỡ làng”

Có phải vì anh bềnh bồng mãi trong gió sương
Trong lúc đời em dưới mái hiên tranh khói lạc hướng
Rã rời chờ anh, tình rạn nứt, xuân nát nhầu
Bến duyên giang đầu nay che kín một niềm đau