Mỗi dịp xuân về, trên khắp mọi nẻo đường của đất nước Việt Nam hương xuân ngập tràn, hoa mai, hoa đào đua nhau khoe sắc. Những người con xa xứ cũng tìm về bên gia đình để cùng chờ đón giây phút thiêng liêng nhất của năm. Nhưng ngoài kia, vẫn còn những người vì cuộc sống mưu sinh, vì địa lí cách trở hay vì một lý do nào đó mà vẫn phải sống xa quê vào ngày Tết. Nhạc xuân Việt luôn là những bài vui tươi nhộn nhịp nhưng cũng có những ca khúc chất chứa đầy nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ người thân như “Mùa xuân của mẹ”, “Xuân này con không về”, “Xuân này con về mẹ ở đâu”…
Nhạc sĩ Nhật Ngân cũng hiểu cảm giác của những người xa quê, khi Tết đến xuân về thì trong lòng lại trào dâng lên nỗi nhớ nhà và ông đã gửi gắm bộn bề nỗi nhớ Tết quê đó trong ca khúc Chiều xuân xa nhà. Nhạc sĩ Nhật Ngân còn có bút hiệu khác là Trinh Lâm Ngân, ông sinh năm 1942 tại Thanh Hóa, nhưng hầu hết cuộc đời ông sống tại Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn, sau này là ở Mỹ. Ông có gia đình năm 1969 và có 3 người con. Nhật Ngân xuất hiện trong làng nhạc Việt Nam vào thập niên 1960 với bản nhạc đầu tay “Tôi đưa em sang sông” (đồng tác giả Y Vũ). Tiếp sau đó ông thành công với đề tài người lính và mùa xuân với những ca khúc “Mùa xuân của mẹ”, “Xuân này con không về”, “Qua cơn mê” và “Một mai giã từ vũ khí”…….
Ca khúc này cũng nằm trong chùm thơ của thi sĩ Huy Phương – Một nhà thơ được biết nhiều đến bằng những sáng tác tình thơ lãng mạn. Chiều xuân xa nhà là một ca khúc thể hiện rõ tâm trạng của những người đang sống xa quê vào ngày Tết nhất là những bà con kiều bào đang ở xa, mọi người sẽ rất nhớ khung cảnh quê hương nơi mình đã sống:
“Chiều ở nơi đây chiều không thấy khói.
Xuân sang không mai thắm pháo hồng.
Sao con vẫn thấy lòng ray rứt, nhớ quê nhà bếp lửa chiều xuân”.
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Quang Lê trình bày.
Một buổi chiều ở nơi tác giả sinh sống, không thấy khói của những bếp lửa chiều xuân. Không có hoa mai hoa đào khoe sắc và cũng không có những tiếng pháo nổ vui tai như Tết ở quê nhà. Đi xa rồi mới càng thấy nhớ cái hương vị, cái đặc trưng của ngày Tết. Tác giả nhớ lắm tiếng pháo hoa trong đêm giao thừa, nhớ tiếng lũ trẻ con chơi đùa râm ran chạy từ nhà này qua nhà khác. Nhớ những phong bao lì xì đỏ chót, nhớ những lần đi lễ chùa đầu năm. Nhớ những bữa cơm sum vầy bên gia đình.Nhớ ngày chợ Tết, nhớ hương vị mứt mẹ làm, nhớ vị củ hành củ kiệu. Và cũng có nỗi nhớ nào ray rứt hơn khi nhớ về hình ảnh nồi bánh chưng sôi sùng sục bên bếp lửa hồng. Cả gia đình ngồi bên nồi bánh râm ran chuyện trò thâu đêm. Lúc ấy, ta không chỉ cảm nhận được cái hơi ấm của bếp lửa than hồng mà còn ấm bởi tình cảm gia đình da diết, sâu nặng.Tết quê, đã ăn sâu vào tiềm thức của bao người con tha phương nhưng vì lý do nào đó mà không về được. Một nỗi nhớ quay quắt, quặn lòng.
“Nhà ở nơi đây không có ngõ sau.
Biết chừng quê mẹ ở nơi đâu?
Từng chiều xuân đến mây trăm hướng, mỗi hướng lòng con một nỗi sầu”.
Ở nơi tác giả sinh sống không có “ngõ sau”, tác giả không biết là quê hương mình ở phương hướng nào để xác định và nhìn về nó. Chứng tỏ tác giả tha hương ở rất xa quê hương mình. Tác giả chỉ biết từng chiều xuân trào dâng nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương ông lại thả từng nỗi nhớ vào mỗi hướng trên bầu trời kia. Đúng thật, khi xa quê rồi, chúng ta mới thấm thía nỗi nhớ quê, mới thấm thía cái lạnh khi thiếu vắng tình cảm gia đình, của anh em, bạn bè. Cách viết và dùng từ của tác giả thật hay làm cho người nghe thấu hiểu được nỗi nhớ da diết dường nào.
“Xuân sang mẹ vẫn còn chờ mãi, mắt lệ hoen mờ nỗi nhớ mong.
Ngọn đèn chai nhỏ dầu sắp cạn, con không về kịp để châm dầu.
Con đâu dám hẹn như người hẹn, nên mỗi xuân về mỗi xót xa”.
Hình ảnh người mẹ chờ con mình trở về khi Tết sắp đến, đứng ngồi thấp thỏm ngóng con, mắt lệ hoen mờ nỗi nhớ mong khi con báo tin không thể về cũng đón Tết. Tác giả rất đau lòng và buồn bã nhớ mẹ ở nơi phương xa. Không biết còn bao nhiêu năm nữa mới được cùng mẹ đón giao thừa bên gia đình nhỏ. Một năm chỉ có một lần như vậy, rồi mấy năm nay ngày đó vẫn cứ đi qua. Ở xa như thế, tác giả cũng chẳng thể làm gì cho vơi đi nỗi buồn trong lòng mình cũng như nỗi buồn của mẹ.
“Rồi mai cau đổ dây trầu tàn, mẹ rồi như bóng nắng xuân qua.
Mẹ ơi xuân đến thêm lần nữa, con vẫn chưa về mẹ nhớ mong.
Con mơ một ngày về bên mẹ để vui bên bếp lửa giao thừa”.
Phải khi đi xa rồi con người ta mới nhớ lắm tình yêu thương vô điều kiện của cha mẹ, từ những lần than phiền hay trách mắng hay cả việc giúp đỡ chúng ta mỗi khi gặp khó khăn, vấp ngã. Tác giả lo sợ ngày mẹ già, sức khỏe yếu đi mà vẫn chưa thể về đoàn tụ. Tác giả mong lắm ngày đoàn tụ “Con mơ một ngày về bên mẹ để vui bên bếp lửa giao thừa”. Đã lâu lắm rồi tác giả chưa có dịp trở về quê ăn Tết, được hưởng không khí Tết của đất mẹ. Đó là niềm mong mỏi nhiều năm rồi bởi lo toan mưu sinh triền miên, rồi sức khỏe lúc nọ lúc kia. Tác giả hy vọng một dịp Tết nào đó được quây quần, sống những khoảnh khắc bên người thân giữa lòng đất mẹ. Rồi cứ nhiều năm qua đi, tác giả lặng thầm ngóng về nơi ấy. Không biết nơi ấy giờ ra sao! Có còn như xưa không? Người người, nhà nhà nhộn nhịp đón xuân, trao nhau lời chúc mừng năm mới. Trẻ em, người gia vui cười khoe sắc với những bộ quần áo mới, nụ cười rạng rỡ, chúc nhau mọi điều tốt đẹp, nhiều tài lộc , thành công mỹ mãn, an khang, dồi dào sức khỏe.
Việt Nam có Tết truyền thống. Mong sao tập tục này sẽ được lưu truyền và giữ gìn mãi trong bản sắc dân tộc Việt. Dù ở nơi đâu, tất cả mọi người dân Việt Nam đều tự hào là người Việt Nam, đều không quên đất nước mẹ là cội nguồn. Nhạc sĩ Nhật Ngân hay bất kỳ ai đi xa cũng mong một ngày thật gần được trở về quê hương ăn Tết. Và cùng với mọi người hưởng một cái Tết thật đẹp, thật vui, đúng ý nghĩa! Nhạc phẩm Chiều xuân xa nhà là một bài hát hay và ý nghĩa mà tác giả Nhật Ngân muốn dành tặng cho những người đang sống xa quê, đặc biệt là những bà con kiều bào đang ở nơi xa phải ăn Tết xa nhà”.
Trích lời bài hát Chiều Xuân Xa Nhà:
Chiều ở nơi đây chiều không thấy khói.
Xuân sang không mai thắm pháo hồng.
Sao con vẫn thấy lòng ray rứt, nhớ quê nhà bếp lửa chiều xuân.
Nhà ở nơi đây không có ngõ sau.
Biết chừng quê mẹ ở nơi đâu?
Từng chiều xuân đến mây trăm hướng, mỗi hướng lòng con một nỗi sầu.
Xuân sang mẹ vẫn còn chờ mãi, mắt lệ hoen mờ nỗi nhớ mong.
Ngọn đèn chai nhỏ dầu sắp cạn, con không về kịp để chấm dầu.
Con đâu dám hẹn như người hẹn, nên mỗi xuân về mỗi xót xa.
Rồi mai cau đổ dây trầu tàn, mẹ rồi như bóng nắng xuân qua.
Mẹ ơi xuân đến thêm lần nữa, con vẫn chưa về mẹ nhớ mong.
Con mơ một ngày về bên mẹ để vui bên bếp lửa giao thừa.