Quê hương, là tiếng gọi thiết tha và trìu mến nhất trong lòng mỗi người. Có lẽ, hình dáng quê hương nơi mỗi người được sinh ra và nuôi lớn tuổi thơ đều có đôi chút khác nhau. Nhưng trên mảnh đất chữ S ấy, quê hương chúng ta lại có những điểm thật trùng nhau đó là quê ai hình như cũng có một con đường làng, một dòng sông nhỏ, một con đê, những ao hồ, những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Và nơi đó hình ảnh mẹ già, người em nhỏ là những hình ảnh thương yêu nhất ở lại khi người chiến sĩ lên đường, … Tất cả những hình ảnh của quê hương ấy đã được người nhạc sĩ tài hoa Đan Thọ gom góp và hòa cùng âm nhạc tạo nên một nhạc khúc mến say lòng người – nhạc khúc “Tình quê hương”. Tình Quê Hương là một bản tình ca đẹp vẻ đẹp của tình nước, tình riêng của âm nhạc Việt Nam…
Anh về qua xóm nhỏ,
Em chờ dưới bóng dừa.
Nắng chiều lên mái tóc,
Tình quê hương đơn sơ .
Quê hương là hình ảnh xóm nhỏ, mỗi lúc anh về đều thấy “em chờ dưới bóng dừa”. Nắng chiều khi ấy nhuộm lên mái tóc em dài, anh nghe lòng mình nặng trĩu tình quê hương đơn sơ mà sâu đậm. Con xóm nhỏ với hàng dừa nghiêng bóng, ngay từ đoạn vào bài hát tác giả đã vẽ lên bức tranh quê với những chi tiết dung dị và đơn sơ nhất, nơi xóm nhỏ quê hương là bóng dáng người em đứng đợi mỗi khi hay tin anh về, tình người và tình quê đơn sơ nhưng sao quá đỗi mộng mơ, tươi đẹp.
Quê em nghèo, cát trắng,
Tóc em lúa vừa xanh.
Anh là người lính chiến,
Áo bạc màu đấu tranh .
Quê hương em nghèo chỉ có bờ cát trắng cùng “tóc em lúa vừa xanh”. Anh là người lính chiến với “áo bạc màu đấu tranh” đi qua vùng quê nghèo nơi em được “em mời anh dừng lại” để cùng chia sẻ “nồi khoai mới luộc”.
Em mời anh dừng lại,
Đêm trăng ướt lá dừa,
Bên nồi khoai mới luộc,
Ngát thơm vườn ngâu thưa,
Em hẹn em sẽ kể:
Tình quê hương đơn sơ
Tình quê và tình đồng bào có lẽ chưa lúc nào đẹp như thế. Quê em tuy nghèo nhưng lòng em lại giàu có tình thân thương. Anh là người lính chiến chinh, bao chặn đường hành quân gian truân, nay được em mời lại “đêm trăng lướt lá dừa/ bên nồi khoai mới luộc”. Món ăn mộc mạc và bình dị của vùng quê nghèo lại ấm lòng kẻ hành quân xa. Ta ngồi bên nhau dưới ánh trăng thanh, trong không khí thoảng “ngát thơm vườn ngâu thưa”, anh nghe em kể chuyện về “tình quê hương đơn sơ”. Không cao sang, không món ngon vật lạ, chỉ đơn sơ là món quà nơi quê nghèo miền cát trắng lại dâng đầy nghĩa tình quê hương đơn sơ.
Mẹ già như chiều nắng,
Nhớ con trai chưa về,
Ruộng nghèo không đủ thóc
Vườn nghèo nong tằm thưa
Ngõ buồn màu hoang loạn
Quê nghèo thêm xác xơ .
Trong câu chuyện em kể, có mẹ già như chiều nắng luôn nhớ thương về người con trai chưa về. Mẹ già rồi, nhưng lại trông ngóng bóng dáng người con mỗi ngày, tuổi mẹ như nắng chiều, biết còn lại bao tháng ngày để đợi và để chờ…
Quê hương nghèo ruộng không đủ thóc “vườn nghèo nong tằm thưa”, cuộc sống đói no tùy vào từng vụ mùa. Mùa vụ thất bát, ruộng nghèo không đủ thóc, con tằm cũng thưa sợi tơ. Bối cảnh miền quê nghèo hiện lên với một nỗi buồn miên man và càng thêm tan tác thương đau với câu hát “Ngõ buồn màu hoang loạn/ Quê nghèo thêm xác xơ”. Quê hương vốn nghèo lại chìm trong cảnh khói lửa của chiến chinh, nên ngõ kia mang nét buồn hoang loạn, cảnh quê nghèo lại tô thêm nỗi niềm xác xơ.
Anh chiến binh tiền tuyến,
Về giải phóng quê em.
Bao nhịp cầu đất nước,
Nối về quê miền Trung
Em ơi đừng lo và đừng buồn vì anh là người chiến binh tiền tuyến sẽ “về giải phóng quê em”. Anh sẽ chiến đấu và giành chiến thắng, mang huy hoàng xây “bao nhịp cầu đất nước/ nối về quê miền Trung”. Đất nước thanh bình, tự do trải dài trên quê hương xứ sở, chúng ta lại xây nhịp cầu nối khắp ba miền đất nước, nối về quê miền Trung.
Anh sẽ là anh đàn em nhỏ,
Là con của mẹ giữ quê hương.
Quê nghèo mai sẽ lên mầm sống,
Đàn trẻ thơ reo giữa lúa vàng …
Và khi ấy “anh sẽ là anh đàn em nhỏ” anh cũng sẽ là con của mẹ để giữ quê hương nơi mẹ sống. Anh sẽ chiến đấu và sẽ giữ cho “quê nghèo mai sẽ lên mầm sống” để đàn trẻ em thơ ngày mai có thể reo vang giữa lúa vàng của vụ mùa bội thu. Cuộc sống ngày mai rồi sẽ huy hoàng và ấm no hạnh phúc hơn, không còn đói no của cảnh ruộng nghèo không đủ thóc, không còn cảnh mẹ già mòn mỏi đợi chờ con trai.
“Tình quê hương” như một bức tranh nơi miền Trung tuy nghèo, vùng đất của cát và gió lộng nhưng lại giàu nghĩa tình quê hương. Câu chuyện về tình quê đơn sơ ấy là câu chuyện của mọi vùng quê trên khắp đất nước. Trong cảnh loạn lạc của chiến chinh, ta thương nhau tình thương đồng bào, ta cùng yêu một tình yêu với đất nước và cùng hướng về một tương lai ngày mai tươi đẹp lúa vàng. Bằng lời ca mộc mạc mà bình dị, nhạc khúc đã vẽ lên một bức tranh quê đậm đà tình thương của người dân với người lính chiến nơi tiền tuyến. Tuy nhạc khúc viết về miền quê nghèo nhưng bức tranh quê hương ấy lại sáng ngời niềm tin về một tương lai “mầm sống” reo muôn nơi, một tương lai đất nước thanh bình và cũng chính là niềm tin của nhân dân ta khi ấy đã thắp sáng bức tranh miền quê nghèo xơ xác ấy.
Anh về qua xóm nhỏ,
Em chờ dưới bóng dừa.
Nắng chiều lên mái tóc,
Tình quê hương đơn sơ .
Quê em nghèo, cát trắng,
Tóc em lúa vừa xanh.
Anh là người lính chiến,
Áo bạc màu đấu tranh .
Em mời anh dừng lại,
Đêm trăng ướt lá dừa,
Bên nồi khoai mới luộc,
Ngát thơm vườn ngâu thưa,
Em hẹn em sẽ kể:
Tình quê hương đơn sơ
Mẹ già như chiều nắng,
Nhớ con trai chưa về,
Ruộng nghèo không đủ thóc
Vườn nghèo nong tằm thưa
Ngõ buồn màu hoang loạn
Quê nghèo thêm xác xơ .
Anh chiến binh tiền tuyến,
Về giải phóng quê em.
Bao nhịp cầu đất nước,
Nối về quê miền Trung
Anh sẽ là anh đàn em nhỏ,
Là con của mẹ giữ quê hương.
Quê nghèo mai sẽ lên mầm sống,
Đàn trẻ thơ reo giữa lúa vàng …
- Khám phá Kiên Giang ngày xưa qua bộ sưu tập những bức ảnh đẹp nhất ở Hà Tiên, Phú Quốc, Rạch Giá – Phần cuối
- Nhạc sĩ Huỳnh Anh và mối duyên đặc biệt với “Nữ Hoàng Sân Khấu” Thanh Nga
- Ca khúc “Mắt Biếc” (Ngô Thụy Miên) – Ca khúc của câu chuyện đã qua nhưng sóng lòng vẫn cuộn trào không dứt
- Thất phủ Thiên Hậu cung – Công trình tín ngưỡng của xưa tại Sài Gòn – Chợ Lớn
- Đồng Ông Cộ – Từ vùng đất rộng lớn bây giờ chỉ còn là những con hẻm nhỏ ngổn ngang