Lạc vào chốn tiên cảnh trong “Thiên Thai” – Một nhạc khúc thần tiên vẽ bằng âm nhạc, văn chương và hội họa

Đăng ngày 28/08/2024

Văn Cao là một nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ tài ba được giới chuyên môn và công chúng yêu nhạc công nhận là một trong ba nhạc sĩ nổi bậc nhất của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam trong thế kỷ XX cùng với Phạm Duy và Trịnh Công Sơn. So với sự nghiệp sáng tác của hai nhạc sĩ là Phạm Duy khoảng 1000 ca khúc, Trịnh Công Sơn khoảng 600 ca khúc, Văn Cao sáng tác không nhiều. Sự nghiệp sáng tác của ông được chia làm hai mảng chính là Tình ca và Hùng ca. Người ta biết đến Văn Cao qua các bản hùng ca nổi tiếng như: Tiến quân ca (quốc ca chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Trường ca sông Lô, Tiến về Hà Nội. Các ca khúc trữ tình để lại dấu ấn mang tính khai phá của ông trong nền tân nhạc Việt như: Bến Xuân, Suối mơ, Thiên thai, Trương chi,…Tóm Lược Tiểu Sử Và Sự Nghiệp Của Nhà Văn Nam Cao

Trong đó, nhạc khúc “Thiên thai” được xem là một bài hát hiếm hoi của Việt Nam, “bản nhạc bất hủ nhất của nền âm nhạc Việt Nam từ thập niên 1940 đến nay”. Thiên thai là một bài hát, cũng là một bức họa tiên cảnh được vẽ bằng âm nhạc, văn chương và hội họa.dài gần 100 ô nhịp với những chuyển câu, chuyển điệu tài tình cùng lời ca tuyệt diệu. Ca khúc “Thiên thai” được viết dựa trên tích cũ U minh lục: Hai chàng trai Lưu Thần và Nguyễn Triệu cùng vào núi hát thuốc và gặp một con suối lớn, hai bên bờ suối có hai nàng tiên tuyệt đẹp, hai nàng đã giữ chân Lưu Thần và Nguyễn Triệu ở lại Đào Nguyên, chốn Bồng Lai tiên cảnh. Nhưng sau nửa năm sống cùng tiên, hai chàng trai đều nhớ quê nhà,  bèn từ biệt các tiên nữ ra về. Về lại nhân gian, anh em bà con đã phiêu bạt nơi đâu, nhà cửa cũng không còn. Hỏi thì không ai còn nhận ra họ vì họ đã có con cháu đến 7 đời. Hai chàng trai lại tìm đường về Đào nguyên nhưng không tìm lại được. Về sau cả hai biệt tâm và không còn nghe nói đến Lưu Nguyễn nữa.

Năm 1940, khi Văn Cao tới thăm sông Hương, núi Ngự, ông viết bài thơ “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế”. Rồi rời Huế, ông vào Sài Gòn mà lòng vẫn quấn quýt với hồn thiêng xứ Huế, ông sáng tác bài hát “Trên sông Hương”. Đó là những cảm xúc đầu tiên trong ông cho tuyệt tác nhạc khúc Thiên thai, cảm xúc của Thiên thai đã nảy mầm bén rễ từ chuyến đi Huế ấy. Rồi cảm xúc ấy được nuôi lớn và hoàn thiện trong một chuyến dong buồm chơi trên sông Phi Liệt ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. Khi nghe điệu ca trù, ngắm cảnh sông nước hoang liêu, Văn Cao đã góp nhặt tất cả cảm xúc để “thai nghén” ra “Thiên thai”. “Thiên thai” hoàn thiện năm 1941, khi Văn Cao vừa tròn 18 tuổi.

Mở đầu nhạc khúc chuyện xưa Lưu – Nguyễn với “tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng”. Văn Cao đã mượn lời ca, câu hát để đưa người nghe về một chốn Đào Nguyên với tiếng hát vang lừng. Tiếng của ai đó, hay chăng là tiếng của đất trời nơi tiên giới, nên tiếng hát ấy như lênh đênh trên sông, vang lừng trên sóng.

Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên

Điều đặc biệt ở Thiên thai là nếu cất câu đầu tiên “Tiếng ai hát…” mà giọng không đủ cao, không thanh thoát, mênh mang thì xem như thất bại rồi.  Tiếng hát phải thanh thoát, ngân vang thì mới lột tả hết cái hồn của câu hát, cái tiên cảnh của nơi đây. Lối tiên đã mở và rồi cũng cao dần theo giọng hát:

Kìa đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên
theo gió tiếng đàn xao xuyến
Phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền
Mấy cung trìu mến như nước reo mạn thuyền.

Con đường lên tiên là con đường tràn đầy tiếng gió, tiếng đàn ngân nga xao xuyến. Những phím tơ, cung huyền réo rắt mơn man nhưng triều mên thiết tha như tiếng nước reo vào mạn thuyền. Con đường vào chốn Đào Nguyên là con đường của tiếng hát, tiếng đàn và của cánh đào rơi trong sương khói.Nhạc sĩ Văn Cao và những bản trường ca - Kỳ I: Nhạc tình - ADAM MUZIC

Âm ba thoáng rung cánh đào rơi
Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời
Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan
Quê hương dần xa lấp núi ngàn
Bâng khuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền
Ai hát trên bờ Đào Nguyên

Con thuyền bơi vào dòng suối Đào Nguyên, tai lắng nghe tiếng hát ngân vang, tiếng gió cung đàn réo rắt triền miên, Mắt tận hưởng những cánh đào thướt tha, lả tả rơi xuống. Thuyền xuôi dần vào chốn tiên cảnh chìm trong “bầu sương khói phủ quanh trời”. Bức tranh cảnh tiên mờ ảo, hư hư thật thật nhưng lại tự tại nơi hồn người nghe. Lăng nghe Thiên thai ta như được Văn Cao đưa lại vào chốn Đào Nguyên ấy, nơi “quê hương dần xa lấp núi ngàn”, hình bóng quê nhà dần khuất lại sau những ngọn núi cao, bầu sương phủ quanh khiến mọi thứ mờ ảo, trước mắt ta là dòng nước Ngọc Tuyền trong veo. Ta lắng nghe tiếng tiên nữ hát bên bờ Đào Nguyên, ta ngắm nhìn những cánh đào rơi chốn đây.

Thiên Thai chốn đây Hoa Xuân chưa gặp Bướm trần gian
Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần
Thiên Tiên chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm
Khúc nghê thường này đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn

Hoa xuân nơi Thiên Thai chưa bao giờ có bướm trần gian, Cũng như chúng tiên chưa bao giờ có người hạ giới. Nhưng cơ duyên xảo hợp, được mời hai chàng đến với Thiên Thai, “Thiên Tiên chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm”. Lạc vào tiên cảnh, trong cảnh sắc muôn màu của hoa xuân, được nếm thử vị đào tiên và ngắm nhìn điệu “khúc nghê thường”. Cuộc sống nơi thần tiên như được vẽ lại một cách chân thật và sống động, bức tranh tiên như dần rõ nét hơn bởi màu của hoa xuân, bởi vị của đào tiên, và càng sống động hơn qua điệu khúc nghê thường “múa vui bầy tiên theo đàn”.

Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quyên
đây đó nỗi lòng mong nhớ
Này khúc bồng lai
là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi
Đàn xui ai quên đời dương thế
Đàn non tiên đàn khao khát khúc tình duyên

Lắng nghe “khúc bồng lai” khiến cho nỗi lòng mong nhớ như được vơi đi, tâm hồn cũng thả lỏng. Tiếng đàn tiên giới “là cả một thiên thu”, lắng nghe tiếng đàn mà như quên đời dương thế. Khúc đàn ở tiên khiến lòng người được gọt rửa những phiền muộn ái uế của trần giai. Nghe tiếng đàn ấy, lòng chỉ “khát khao khúc tình duyên”. Lắng nghe một khúc đàn tiên, lòng như trăm niềm yêu.

Thiên Thai! Ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian

Ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần

Ánh trăng của Thiên Thai là một ánh trăng rất khác, không phải còn ánh trăng vàng nơi dòng sông mà là “trăng xanh mơ tan thành suối trần gian”. Những giây phút được sống ở thiên tiên như những “phút mê cuồng có một lần” nhưng những vướng bận hồng trần chưa cắt, lòng người vẫn lưu luyến trần gian. Cuộc vui nào cũng tàn, cuộc sống ở thiên tiên tuy vui vẻ khoái hoạt nhưng lòng vẫn nặng nỗi nhớ quê nhà. Tiếng đàn không còn réo rắc, ánh trăng tan dần và diệu nhạc cũng chậm lại, nỗi nhớ quê hương trần gian được đẩy lên cao trào.Ca khúc "Thiên Thai" của Văn Cao - Khi âm nhạc vươn tới sự tuyệt mỹ

Rồi bỗng nhiên chủ âm Rê thứ chuyển sang Rê trưởng, nhịp điệu nhanh và kết thúc bài.

Gió hắt trầm tiếng ca tiếng phách ròn lắng xa
Nhắc chi ngày xưa đó đến se buồn lòng ta
Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn quên trần hoàn
Cùng bầy tiên đàn ca bao năm
Nhớ quê chiều nào xa khơi Chắc không đường về
Tiên nữ ơi!
Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn khi trở về
Tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao ?
Những khi chiều tà trăng lên
Tiếng ca còn rền trên cõi tiên.

Rời xa Đào Nguyên, đi khỏi nơi chốn thiên tiên, còn đâu tiếng gió cung đàn như tiếng ai hát, giờ đây “gió hắt trầm tiếng ca tiếng phách ròn lắng xa”. Nghe tiếng gió, tiếng đàn nơi trần gian mà nhớ lại thuở còn ở Thiên thai “nhắc chi ngày xưa đó đến se buồn lòng ta”.  Chuyến ngao du nơi Thiên Thai đã hết, dù lòng người còn nhiều luyến lưu nhớ thương nhưng lại không thể trở về lại được.

“Thiên thai” là một trường ca với nhiều nhạc cảnh biến đổi tuần tự giống như một bản giao hưởng hay một vở opera, và người tạo nên một kiệt tác đó là Văn Cao, chàng trai trẻ khi vừa tròn 18 tuổi. Thiên thai như nhạc khúc thoát khỏi những khuôn phép của dòng tân nhạc lúc bấy giờ, nó vươn lên ở một đỉnh cao mới. Mà cho đến tận ngày nay, khó có nhạc khúc nào có thể vượt qua. Thiên thai trở thành một nhạc khúc bất hủ, một nhạc khúc ở nơi thượng giới trong tâm thức những người yêu cái đẹp vĩnh hằng, cái thanh cao thoát tục.

Giữa những bộn bề của cuộc sống, khi người ta muốn cho tâm hồn được thư thái, được thả hồn về một cõi thần tiên với núi non phong cảnh, với tiếng đàn chốn bồng lai, được ngắm nhìn điệu múa nghê thường như cõi tiên, cõi thiên thai. Thì Thiên thai đã làm được, nhạc khúc ấy cho người nghe những giây phút thần tiên, khái hoạt.

Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên
Kià đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên
theo gió tiếng đàn xao xuyến
Phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền
Mấy cung trìu mến như nước reo mạn thuyền

Âm ba thoáng rung cánh đào rơi
Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời
Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan
Quê hương dần xa lấp núi ngàn
Bâng khuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền
Ai hát trên bờ Đào Nguyên

Thiên Thai chốn đây Hoa Xuân chưa gặp Bướm trần gian
Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần
Thiên Tiên chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm
Khúc nghê thường này đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn

Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quyên
đây đó nỗi lòng mong nhớ
Này khúc bồng lai
là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi
Đàn xui ai quên đời dương thế
Đàn non tiên đàn khao khát khúc tình duyên

Thiên Thai! Ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian
Ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần

Gió hắt trầm tiếng ca tiếng phách ròn lắng xa
Nhắc chi ngày xưa đó đến se buồn lòng ta

Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn quên trần hoàn
Cùng bầy tiên đàn ca bao năm
Nhớ quê chiều nào xa khơi Chắc không đường về
Tiên nữ ơi!
Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn khi trở về
Tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao ?
Những khi chiều tà trăng lên
Tiếng ca còn rền trên cõi tiên.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *