“Chiều tím” (Đan Thọ & thơ Đình Hùng)

Đăng ngày 21/07/2024

Nhạc sĩ Đan Thọ là một trong hai nhạc sĩ lớn tuổi nhất hiện nay còn lại (ông chỉ nhỏ tuổi hơn nhạc sĩ Xuân Tiên), cùng thời với ông còn có những nhạc sĩ nổi tiếng khác như Ngọc Bích, Hoàng Trọng, Nhật Bằng,…Đan Thọ sáng tác rất ít những sáng tác của ông đều mang một nét riêng biệt, chắc vì lẽ đó mà nó vẫn bất hủ và được khán giả yêu thích cho đến tận ngày nay. Nhắc đến Đan Thọ, không thể nào quên được bản nhạc khúc “Chiều Tím”, một sáng tác thơ của Đinh Hùng trong thời tiền chiến. Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa được xác nhận nhưng “Chiều Tím” vẫn phảng phất nét nhạc xưa của thời chiến chinh, giai điệu êm đềm và mang theo một chút trữ tình khác lạ.

Chiều tím (Đan Thọ & Đinh Hùng), qua tiếng hát Ngọc Lan | Thanh Thúy

Điểm đặc biệt của bài hát này chính là nó không được phổ từ thơ của thi sĩ Đinh Hùng mà được Đinh Hùng viết nên từ giai điệu nhạc có sẵn. Được biết, chính Đan Thọ đã viết nhạc trước, sau đó thì nhờ bạn bè nghe thử trong đó có Đinh Hùng và Thanh Nam. Sau khi nghe xong, chính Đinh Hùng đã nhận viết lời ca cho nhạc khúc. Sau khi viết xong thì đưa lại cho hai người bạn, cái tên “Chiều Tím” lại do Thanh Nam đề nghị đặt nên. Theo lý lẽ thông thường thì người nhạc sĩ sẽ tìm kiếm sự đồng điệu trong những tác phẩm thơ có sẵn của những thi sĩ, sau đó sẽ phổ nhạc và đưa nó thành tuyệt tác. Sẽ có những lúc không hợp vần hay giai điệu, buộc nhạc sĩ phải tự mình thêm vào những câu từ hoặc chỉnh sửa cho phù hợp. Cũng trong lúc vô tình rất dễ phá đi cấu trúc của bài thơ gốc. Nhưng điều đó lại không xảy ra với “Chiều Tím”, dựa trên bản nhạc sẵn có, thi sĩ Đinh Hùng lại được thỏa sức mà bay nhảy với giai điệu, hòa mình vào những ca từ tuyệt mỹ để tạo nên một sự kết hợp hoàn mỹ đến từng chi tiết – Đó là sự kết hợp bày bản giữa thi và nhạc, có thăng hoa cũng có sự hài hòa.

Ca khúc "Chiều Tím" (Nhạc Đan Thọ, Lời Đinh Hùng) và sự giao hòa giữa thi - nhạc

Trở lại với nội dung chính của “Chiều Tím”, hiếm có nhạc khúc nào viết về cuộc chia ly mà lại lãng mạn và nên thơ như vậy. Hình ảnh người con trai vứt bỏ áo thường dân, khoác lên mình chiến y xanh mà lên đường ra miền biên ải trong buổi chiều loan ánh tím, đẹp nhưng cũng buồn miên man, lãng mạn nhưng cũng lắm đau thương khi phải rời xa người mình cùng kết tóc se mối duyên lành.

“Chiều tím chiều nhớ thương ai, người em tóc dài

Sầu trên phím đàn, tình vương không gian

Mây bay quan san, có hay?

Đàn nhớ từng cánh hoa bay, vầng trăng viễn hoài

Màu xanh ước thề, dòng sông trôi đi

Lúc chia tay còn nhớ chăng?…”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Lệ Thu trình bày.

Buổi hoàng hôn với ánh tím chiều chiều có một chàng lính thân chinh đang ngắm nhìn trời với cảnh mây bay nơi quan san mà nhớ về người em tóc dài nơi hậu phương xa xăm. Từng phím đàn như vương thêm chút sầu thương của người chiến sĩ mà nốt nhạc đánh ra cũng có phần não nề hơn, cả không gian nơi quan san như được tô thêm chút màu buồn. Người chiến sĩ ấy có chăng là đang nhớ cánh hoa bay ngày trước, nhớ ánh trăng sáng nơi hậu phương, nhớ màu xanh biếc của dòng sông quê nha và nhớ người em gái nhỏ chàng thương. Liệu nàng nơi xa ấy, có còn nhớ anh chăng? Có còn nhớ một người lính sa trường của ngày chia tay đó?

“….Ai nhớ … mắt xanh năm nào

Chiều thu soi bóng, nắng chưa phai màu

Kề hai mái đầu nhìn mây tím … nhớ nhau …

Chiều tím chiều nhớ thương ai, còn thương nhớ hoài

Đàn ơi nhắn dùm người đi phương nao

Nếp chinh bào biếc ánh sao …”

Đan Thọ và tình khúc “Chiều Tím” | Văn Việt

Đôi mắt xanh của chàng chiến sĩ như có thể nhìn về tận miền hậu phương nơi xa, ngắm nhìn một chiều thu nắng vẫn còn chưa tắt có hai con người đang kề đầu sát má dưới ánh tím hoàng hôn mà nói nên câu tâm tình, nói những lời nhung nhớ yêu đương. Người ơi! Người nơi đó có còn nhớ chăng, hay chỉ có chàng chiến sĩ ôm hoài giấc mộng đẹp? Xin tiếng đàn nơi biên ải có thể vang vọng nơi xa, mang những nhớ thương của chàng đến tận miền quê nhỏ mà nhắn gửi những tâm tình nho nhỏ của chàng đến với cô em tóc dài ngày xưa.

“…..Từ đấy đàn nhớ thanh âm chùng dây vỹ cầm

Người xa vắng rồi chiều sang em ơi!

Thương ai hoa rơi lá rơi …

Người ấy lòng hướng trăng sao, hồn say chiến bào

Tìm trong tiếng đàn … mùi hương chưa phai

Ý giao hòa người nhớ chăng?…

Và rồi tiếng đàn ấy mang theo những thanh âm của dây vĩ cầm mà réo rắt mãi bên tai người thiếu nữ, nhắn nhủ những yêu thương ngọt ngào, những nhung nhớ thâu đêm của người chinh y nơi miền xa vắng. Chàng thương sao những cánh hoa tàn úa rụng rơi khỏi cành, thương sao ánh trăng lên cao rồi chợt lặng khi mặt trời chiếm ngôi,….chàng thương cho thanh xuân của cô nàng bé nhỏ nơi hậu phương vì sợ “hồn say chiến bào”, sợ chiến tranh sẽ giữ lấy chàng mãi mãi nơi quan san không ngày trở lại. Nói là muốn nhắn gửi yêu thương, nhưng cũng chỉ là tìm trong tiếng đàn những ân tình ngày cũ để ủi an nỗi cô đơn u hoài nơi chiến trường hung hiểm, tìm kiếm chút hương thơm tóc nàng vẫn còn thoang thoảng đâu đây vẫn chưa nhạt mất để ru hồn say và an tĩnh chiến đấu nơi biên quan.

“….Mây gió … bốn phương giăng hàng

Mùa thu thêu áo nét hoa mơ màng

Và em với chàng kề vai áo … vấn vương

Chiều hỡi! Đàn nhớ mong nhau, tình thương bắc cầu

Người đi hướng nào ? Tìm trong chiêm bao

Tóc bay dài, gió viễn khơi …

Nơi bốn phương trời, chàng chiến sĩ lấy trời làm chăn lấy đất làm giường, cùng mây gió làm người bầu bạn sớm hôm. Tháng ngày gian truân nơi biên ải, chỉ có thể nhờ mùa thu thêu lên áo những cành hoa vàng mơ mộng để biết bản thân vẫn còn sống, vẫn còn sức chiến đấu và hy sinh. Vẫn còn có thể tin vào một tương lai tươi sáng, ngày anh được về đoàn tụ cùng em, cùng nhau kề vai áo mà vấn vương chút tình nồng ngày trước.

“Chiều Tím” mang trong mình những yêu thương của người rời đi và nhung nhớ của kẻ ở lại, họ chẳng thể gần nhau nên đành nhờ mây gió, nhờ trăng sao, nhờ cả những tiếng đàn và vĩ cầm gửi gắm đến nhau đôi lời tâm sự. Để cả hai tìm được sự đồng điệu trong tâm hồn, thấy được sự giao hòa của hai trái tim yêu dù muôn trùng cách biệt, nó không đơn thuần là sự hiểu và nhiều hơn là thấu hiểu, là sự thần giao cách cảm của hai trái tim có cùng nhịp đập. Dù cách biệt vạn dặm nẻo đường, dù người kia có ở nơi phương trời nao thì đôi lứa vẫn một lòng hướng về nhau, vẫn có thể nhìn thấy nhau trong tâm trí và thậm chí là cảm nhận được hương sắc của nhau.

Chiều tím chiều nhớ thương ai, người em tóc dài
Sầu trên phím đàn, tình vương không gian
Mây bay quan san, có hay?

Đàn nhớ từng cánh hoa bay, vầng trăng viễn hoài
Màu xanh ước thề, dòng sông trôi đi
Lúc chia tay còn nhớ chăng?

Ai nhớ … mắt xanh năm nào
Chiều thu soi bóng, nắng chưa phai màu
Kề hai mái đầu nhìn mây tím … nhớ nhau …

Chiều tím chiều nhớ thương ai, còn thương nhớ hoài
Đàn ơi nhắn dùm người đi phương nao
Nếp chinh bào biếc ánh sao …

–ooo(..)ooo–

Từ đấy đàn nhớ thanh âm chùng dây vỹ cầm
Người xa vắng rồi chiều sang em ơi!
Thương ai hoa rơi lá rơi …

Người ấy lòng hướng trăng sao, hồn say chiến bào
Tìm trong tiếng đàn … mùi hương chưa phai
Ý giao hòa người nhớ chăng?

Mây gió … bốn phương giăng hàng
Mùa thu thêu áo nét hoa mơ màng
Và em với chàng kề vai áo … vấn vương

Chiều hỡi! Đàn nhớ mong nhau, tình thương bắc cầu
Người đi hướng nào ? Tìm trong chiêm bao