“Người về” là ca khúc được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác ở độ khoảng những năm 1954 – 1956, đây là khoảng thời gian ông đang trên chuyến du hành du học ở Pháp. Có lẽ là mong nhớ vợ con, mong được về bên mái nhà cũ nên người nhạc sĩ đã cho ra đời ca khúc “Người về” thể hiện mong ước cùng chí hướng quê hương của mình. Khi ca khúc này ra đời, nhạc sĩ Phạm Duy chỉ mới ở độ tuổi 33, nhưng tài năng của ông thì chẳng ai có thể phủ nhận được, nhưng ca từ của ông trong ca khúc được ví như sự giang cánh của loài thiên nga. Ông đã chắp cho tình yêu của bao thế hệ, không chỉ là tình yêu lứa đôi, mà còn là tình yêu quê hương đất nước, tình yêu gia đình ấm êm.
Ca khúc “Người về” là sự tiếp nối của nhạc khúc “Nhớ người ra đi” – một bài dân ca kháng chiến được viết vào năm 1947 tại Thái Nguyên, Bắc Việt. “Người về” mang trong mình bộ ba hình ảnh: người mẹ hiền luôn mong ngóng đợi con, người vợ hiền lành và đảm đang luôn chung thủy chờ chồng, hình ảnh đứa con thơ trông cha trở về để thêm hơi ấm gia đình. “Người về” dường như không còn đơn thuần là cảm xúc của riêng Phạm Duy khi đi xa mòn ngày trở về, mà nó là tiếng lòng, là mong ước của hàng triệu triệu người con đất Việt, của những người xa xứ mong ngày được hồi hương, của những người lính sa trường mong ngày bình đoàn tụ cùng gia đình, của tất cả người xa nhà mong được về với tổ ấm.
“Mẹ có hay chăng con về
Chiều nay thời gian đứng im để nghe
Nghe gió trong tim tràn trề
Nụ cười nhăn nheo bỗng dưng lệ nhoè
Con thấy mẹ yêu đã già
Hẳn là miền quê những năm vừa qua
Chiếc bóng in trên vách nhà
Một ngày một đêm tóc sương phai mờ
Mẹ ơi, mẹ ơi, chuông chùa nào la đà
Nhớ tới, nhớ tới những linh hồn vắng nhà
Một vòng hương trắng xóa
Tình người trong thương nhớ
Gửi người chiến sĩ chết trong xa mờ….”
Người con sau bao năm tha hương nơi xứ lạ quê người nay đã được trở về với mái tranh nhỏ ngày xưa, trở về với người mẹ hiền vẫn đang ngày ngày đợi chờ tin con. “Mẹ có hay chăng con về”, không dám tin đây là sự thật, không dám chớp mắt khi ngắm nhìn người con thơ dại đang đứng trước mặt. Người mẹ đã lo, lo đây chỉ là một giấc mơ, sợ nhắm mắt lại mở ra thì bóng hình con sẽ hòa tan vào không gian, trở lại nơi đất khách xa xôi ấy. Mẹ đã “đứng im nghe” tiếng bước chân con, tiếng con nấc nghẹn gọi “mẹ ơi, con đã về”, thời gian của buổi chiều hôm ấy dường như ngưng đọng, nó dừng hẳn ở thời điểm ấy, thời điểm người mẹ tay chạm được mặt con, ngắm từng nụ cười, từng ánh mắt, từng nếp hằn trên da. Và “nghe gió trong tim tràn về”, lòng người mẹ nhìn thấy con như cái van nước được bơm đầy, như luồng gió mát tràn vào tim nghe lạnh lạnh và ấm áp. “Nụ cười nhăn nheo” trên khuôn ngài của mẹ bỗng “rưng lệ nhòa”, nước mắt rơi không phải là sự sầu tủi, mà giọt nước mắt hạnh phúc của người mẹ, giọt nước mắt được gặp lại con, mẹ đã vui mừng biết nhường nào….
“Con thấy mẹ yêu đã già”, phải chăng ngày ngày đợi con trong vô vọng, đêm đêm mong nhớ con mà thức trắng bao đêm. Nơi miền quê xưa luôn có bóng hình mẹ hiền ngày đêm tần tảo, chăm sóc cho con thơ từng miếng cơm tấm áo, luôn mong con được đủ đầy cùng chúng bạn. Trên mái tóc muối tiêu ấy, không biết đã chứa bao nhiêu giọt sương đêm và cả sương sớm, mẹ thức khuya canh cho con từng giấc ngủ, mẹ dậy sớm mỗi ngày để lo đồng án mưu sinh. Mẹ luôn hy sinh, với mẹ, con dù có bao nhiêu tuổi thì cũng trở nên bé bỏng bên mẹ.
Tuyệt chiêu của nhạc sĩ Phạm Duy chính là những nốt nhạc và những câu từ láy “mẹ ơi, mẹ ơi”, “nhớ tới, nhớ tới”,….nghe sao mà da diết và đầy nỗi niềm luyến lưu. Nơi gian nhà hoang vắng bóng dáng người trai năm xưa, lặng nghe từng tiếng chuông chùa la đà vang ở nơi phương xa cứ cảm thấy lòng bồi hồi và càng mong nhớ. Một vòng hương trắng xóa cứ quẩn quanh nơi tâm trí, vòng hương trắng vẫn in hằn trong miền ký ức xưa càng làm cho những nhung nhớ trong lòng người phương xa thêm thương, thêm nhớ…..
“…..Em có hay chăng anh về
Thoạt nhìn người yêu ngỡ trong mộng mê
Ai dám mong chi xuân về
Nào ngờ vườn đêm có bông hoa kề
Anh nhớ những khi não nề
Sầu trên nẻo xa chắn ngang đường đi
Nhưng nước non chưa yên bề
Thì đành tình duyên gát bên lời thề
Em ơi, em ơi xích lại gần đây nào
Nhớ tới, nhớ tới những duyên và số nghèo
Trời làm cơn mưa bão, tình nồng như tơ liễu
Buồn vì ai đó khóc ai trong chiều….”
Nếu ở những câu hát trên là dành cho người mẹ già thân yêu thì đến đây chính là những tâm tư, những nhung nhớ của tác giả dành cho người vợ hiền lành và thủy chung nơi miền quê nhỏ. Vẫn câu hỏi cũ đã từng: “Em có hay chăng anh về”, em có hay người chồng em thương đã cạnh kề bên em sau bao ngày xa vắng, người chồng năm nào còn ở rất xa nay đã ôm lấy em trong vòng tay rồi. Có lẽ, em đã không dám tin vào ánh mắt của mình, em cũng như mẹ, sợ đây chỉ là giấc mơ, sợ khi choàng tỉnh mới biết mình nhớ nhung quá nhiều. “Ai dám mong chi Xuân về”, Xuân ở đây không phải là mùa xuân của đất trời, không phải là mùa xuân của thiên nhiên tuần hoàn, mà chính là mùa xuân trong lòng người vợ trẻ khi gặp lại người thương. Một hình ảnh ẩn dụ được sử dụng rất tinh tế qua ngòi bút của nhạc sĩ, “nào ngờ vườn đêm có bông hoa kề”, không dám nghĩ là Xuân sẽ về nhưng khi nhìn nụ hoa đêm trong vườn nở rộ, bản thân người vợ mới giật mình nhận ra….thì ra đây chẳng phải là mơ, mà là sự thật, người chồng xa xứ nay đã cạnh kề “bằng xương bằng thịt”, còn gì hạnh phúc hơn lúc này nữa…
Bản thân người trai ấy cũng biết rằng vợ mình mong nhớ từng đêm, và “anh nhớ những khi não nề”, cũng lắm ưu sầu khi nghĩ về người vợ nơi phương xa. Nhưng biết làm gì được đây, khi mang thân trai, vác trên vai nghĩa vụ với quốc gia, đất nước chưa yên bình làm sao dám vọng tưởng một cuộc sống ấm êm bên gia đình, bên vợ con. Nên dù có “sầu trên nẻo xa chắn ngang đường đi” thì người chồng cũng đành gác bỏ những yêu thương cá nhân sang một bên, mà chú tâm vào trọng trách đất nước còn mang.
Ngày trở về hôm nay, đôi ta xích lại gần nhau thêm đôi chút, để cho đôi lứa cảm nhận được hơi ấm của đối phương, để cảm nhận được mối tình nghèo nhưng hạnh phúc nhường nào. Chỉ cần kề cạnh, đôi uyên ương lại nhung nhớ thêm những duyên số ngày cũ đã mang ta đến bên nhau, nhớ kiếp nghèo cũng chẳng thể nào khiến ta phải lìa xa trăm hướng. Phải chăng ta là “định mệnh” của đời nhau? Đến đây, lại cảm thấy thương thay cho những ai đang phải chịu đựng những khổ đau trong chuyện tình cảm, bởi vẫn có rất nhiều người “tình người như tơ liễu”, mỏng manh và yếu đuối, chẳng thể gánh gồng qua “cơn mưa bão”…..
“…..Con có hay chăng cha về, lời ca hồn nhiên líu lo ngoài kia
Chinh chiến đã qua một thì, tuổi thơ nở trên biết bao ê chề
Thôi đã hết cơn chia lìa, từ nay mầm non lớn trong tình quê
Như gió thu sau tháng hè, thổi về ruộng nâu lúa tươi xanh rì
Con ơi, con ơi tiếng cười nở chan hòa
Nhớ tới, nhớ tới biết bao trẻ thiếu nhà
Ngoài đường trời đông giá
Một đàn chim nhỏ bé
Gọi về chia sớt miếng cơm khoanh cà”
Yêu làm sao hình ảnh này, những đứa trẻ khi biết cha về cứ líu ríu những giọng điệu ngây thơ, cứ nở những nụ cười vô lo vô nghĩ khiến người lớn khi nhìn thấy chúng cũng vô thức mà nhoẻn miệng cười theo. Chinh chiến còn, tuổi thơ con phải trải qua không biết bao nhiêu ê chề; hòa bình lập lại, mầm non ấy mới chính thức nở rộ trên quê hương thanh bình. Ngày cha trở về, cũng là ngày con lấy lại được tuổi thơ trọn vẹn, có cha mẹ đủ đầy, có mái ấm yêu thương nồng thắm.
Nhớ nhớ thương thương những tiếng cười chan hòa của tuổi nhỏ, lại nhớ đến tình cảnh của bao đứa trẻ thiếu đi hình dáng mái nhà, chiến tranh đã cướp đi của biết bao tấm thơ ngây những tình thương đáng có, trả lại chúng là một trời đông giá lạnh, chúng như những chú chim non nhỏ bé “gọi về chia sớt miếng cơm khoanh cả”. Chúng không có người bao bọc, chiến tranh đã cướp đi rất nhiều thứ, và giờ đây chỉ còn lại số ít bé nhỏ có tuổi thơ trọn vẹn, còn lại chỉ có thênh thang nơi đầu đường ngõ cụt để tự kiếm ăn, tự bảo vệ thân mình…..Hình ảnh này xót xa làm sao, nó đã lấy đi nước mắt của biết bao người nghe nhạc!
“Người về” với nét nhạc uyển chuyển và ca từ tuy đơn giản, mộc mạc nhưng lại chứa đầy tình cảm và sự tha thiết; gợi nhớ đến bao ký ức về những người con lưu vong nơi xứ lạ, họ không quá mong đợi điều gì xa vời, chỉ mong có thể được một lần, trở về quê hương; một lần được về cùng gia đình, cùng người thân quen xưa….Nhưng điều đó, chẳng phải ai cũng có thể làm được!
Mẹ có hay chăng con về
Chiều nay thời gian đứng im để nghe
Nghe gió trong tim tràn trề
Nụ cười nhăn nheo bỗng dưng lệ nhoè
Con thấy mẹ yêu đã già
Hẳn là miền quê những năm vừa qua
Chiếc bóng in trên vách nhà
Một ngày một đêm tóc sương phai mờ
Mẹ ơi, mẹ ơi, chuông chùa nào la đà
Nhớ tới, nhớ tới những linh hồn vắng nhà
Một vòng hương trắng xóa
Tình người trong thương nhớ
Gửi người chiến sĩ chết trong xa mờ
Em có hay chăng anh về
Thoạt nhìn người yêu ngỡ trong mộng mê
Ai dám mong chi xuân về
Nào ngờ vườn đêm có bông hoa kề
Anh nhớ những khi não nề
Sầu trên nẽo xa chắn ngang đường đi
Nhưng nước non chưa yên bề
Thì đành tình duyên gát bên lời thề
Em ơi, em ơi xích lại gần đây nào
Nhớ tới, nhớ tới những duyên và số nghèo
Trời làm cơn mưa bão, tình nồng như tơ liễu
Buồn vì ai đó khóc ai trong chiều
Con có hay chăng cha về, lời ca hồn nhiên líu lo ngoài kia
Chinh chiến đã qua một thì, tuổi thơ nở trên biết bao ê chề
Thôi đã hết cơn chia lìa, từ nay mầm non lớn trong tình quê
Như gió thu sau tháng hè, thổi về ruộng nâu lúa tươi xanh rì
Con ơi, con ơi tiếng cười nở chan hòa
Nhớ tới, nhớ tới biết bao trẻ thiếu nhà
Ngoài đường trời đông giá
Một đàn chim nhỏ bé
Gọi về chia sớt miếng cơm khoanh cà