Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng tên thật là Nguyễn Văn Lợi, sinh ra ở Quảng Nam. Từ nhỏ ông đã rong ruổi khắp các miền quê của miền nam Việt Nam để theo nghề ca hát và khi lớn lên ông đã trở thành một nhạc sĩ lớn trong làng nhạc vàng. Ông viết nhiều ca khúc về thiếu nhi, đời sống, văn hóa, đặc biệt trong số đó những bản nhạc buồn của ông nổi tiếng và được biết đến rộng rãi nhất, “Người Mang Tên Cô Đơn” là một ca khúc như vậy. Như tiêu đề đã nêu, ca khúc nói về những cảm xúc mà sự cô đơn mang đến cho con người. Bằng những ca từ giàu cảm xúc kết hợp cùng giai điệu nhịp nhàng nhưng đôi khi trầm lắng, tác giả đã đem đến cho người nghe cảm giác thoải mái, đu đưa theo bài hát nhưng vẫn có chút xao xuyến, buồn man mác trong lòng bởi những nốt nhạc trầm và ý nghĩa sâu sắc của lời ca.
Trong bài hát, nhạc sĩ ví sự cô đơn như một người quen cứ bám lấy cuộc sống của mình, sự cô đơn giờ đây không chỉ là cảm xúc mà nó còn được nhân cách hóa để thành một con người với tên gọi là “Người cô đơn”. “Người cô đơn” trong bài hát cũng có những cảm xúc hờn giận như con người chúng ta. Ta và người cô đơn ấy nói chuyện và tâm sự với nhau để giải tỏa nỗi lòng.
Cô đơn…cô đơn.
Thôi đừng gọi tên tôi
Để tôi đi cho đẹp lòng người
Cô đơn…cô đơn.
Thôi đừng gọi tên tôi
Thiết tha chi nữa mà chào mời
Ta cất tiếng gọi “Người cô đơn” là cô đơn ơi, người cô đơn với ta giờ đây đã rất gần gũi, gọi nhau với những tiếng gọi thân mật chứ không hề xa lạ. Có lẽ ta đã nhiều lần gọi “người cô đơn” đến để than vãn về những vấn đề bế tắc mà cô đơn gây ra cho cuộc sống, nên lần này “người cô đơn” hờn dỗi. Đáp lại với tiếng gọi tha thiết của ta, “người cô đơn” lạnh nhạt trả lời rằng: “thôi đừng nhắc đến tên tôi, để tôi đi cho đẹp lòng người”, thiết tha chi nữa mà mời gọi. Mỗi khi cô đơn xuất hiện thì luôn đi kèm với những u sầu, nhưng tất cả là do cuộc sống quyết định, cô đơn không có tội với con người, cô đơn chỉ là tâm trạng nhất thời. Vì vậy khi ta khi đổ lỗi cho sự cô đơn thì “người cô đơn” cũng hờn dỗi lại với chính ta.
Ta buồn bã, ủ rũ, ta lại gọi “người cô đơn” đến để tâm sự, để giãi bày những nỗi lòng kìm nén.
Còn được gì ngoài bạn bè giờ quá xa xôi
Đứa đầu ghềnh đứa cuối chân trời
Về rồi đi như sương như khói.
Những người bạn thân quen từng đồng cam cộng khổ cùng nhau trên đường đời giờ đây đã mỗi người một nơi. Đứa đầu ghềnh, đứa cuối chân trời, khoảng cách giờ đây là xa nghìn trùng, mỗi người một phương. Nhạc sĩ nhấn mạnh khoảng cách xa đến vậy như muốn nói rằng giờ đây, để tất cả bạn bè lại được tụ họp một lần nữa thì điều đó có lẽ là bất khả thi. Bạn về rồi đi như sương, như khói mờ ẩn, thoảng qua. Tình bạn kia chẳng còn được nâng niu, trân trọng, chỉ còn mình ta muốn gặp lại người bạn cũ. Trong nỗi buồn man mác, ta chợt nghĩ đến những tâm sự về tình yêu của mình.
Còn được gì ngoài cuộc tình vừa dứt đêm qua
Sau vài lời chia tay nhạt nhòa
Đưa một người về cõi xót xa
Mối tình mà ta đặt hết niềm tin và hy vọng cũng đã kết thúc trong u sầu. Đêm qua, mọi thứ như sụp đổ sau vài lời chia tay nhạt nhòa. Tâm hồn ta như rơi vào cõi xót xa với những buồn đau, day dứt. Bạn không còn, người tình không còn, ta giờ đây lẻ loi và cô đơn khôn xiết. Và như thế nỗi cô đơn lại tìm về nơi tâm hồn ta, mang những bứt rứt trong lòng, ta lại trách than với “người cô đơn”.
Đã bảo đừng trở lại tình chẳng thành
Đừng đánh mất tương lai nhau
Nói mãi đã nghe chưa!
Giờ đây khi cô đơn tìm đến, cuộc sống hiện tại và tương lai lại rơi vào cảnh rối ren. Dù có trốn tránh như thế nào đi nữa, ta cũng không thể ngăn “người cô đơn” trở lại.
Được rồi để tôi đi
Như định mệnh từng cuốn xô theo chân người
Đầy mang kiếp cô đơn
“Người cô đơn” được sinh ra như đã gắn liền với con người đến hết cuộc đời, xuất hiện mỗi khi con người tự cảm thấy mình lẻ loi, tách biệt với thế giới và âm thầm rời đi khi ta tìm lại được niềm vui và cảm hứng cuộc sống. Nếu ví cô đơn như một con người thì “người cô đơn” ấy mới thực sự là người cô đơn nhất, trung thành nhất, nhưng nào có ai lại muốn mang cô đơn bên mình, nên “người cô đơn” lại luôn bị chúng ta đem ra than vãn, trách cứ.
Một lần về từ lệ hồng đẫm ướt cơn mê
Thương tình người dáng dấp não nề
Chuyện nghìn đêm trăng sao băng vỡ.
Nhớ một lần, “người cô đơn” tìm về với ta từ những giọt lệ ướt đẫm trong cơn mê. Kỷ niệm đau buồn của cuộc tình hiện lên trong giấc chiêm bao, khi tỉnh dậy đã thấy kế bên mình là những giọt nước mắt khóc từ lúc nào không hay cùng sự cô đơn, trống trải bao quanh. “Người cô đơn” thương ta vì luôn giữ trong tim chuyện tình đau khổ, ngày qua ngày vẫn không thôi hy vọng dù rằng điều ước kia đã không thể thành sự thật như là ngôi sao băng đã bị vỡ tan.
Một lần về từ cuộc tình vừa mới thăng hoa
Ta còn gì sau đêm ngọc ngà
Để đền bù từ mai xót xa
Một lần trở về từ cuộc tình vừa mới thăng hoa, chớm nở, nhưng đã vội vàng kết thúc sau một đêm ngọc ngà. Từ đó những xót xa, đau khổ kéo đến nhiều hơn như bù lại những hạnh phúc trước đây. Say đắm, đậm sâu bao nhiêu thì khi chia tay những u sầu to lớn bấy nhiêu.
“Người Mang Tên Cô Đơn” là một ca khúc diễn tả sâu sắc về nội tâm con người của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Bài hát là những lời độc thoại của một người mang nỗi sầu muộn dai dẳng với những tháng ngày quẩn quanh với “cô đơn”, bài hát cho ta những góc nhìn khác về sự cô đơn, ở đó sự cô đơn hiện lên như người bạn luôn đồng hành cùng ta những lúc cuộc sống dồn con người vào ngõ cụt, theo ta cả một đời dù ta luôn cảm thấy sợ “cô đơn”.
tiếng vọng
Cô đơn…cô đơn
Thôi đừng gọi tên tôi
Để tôi đi cho đẹp lòng người
Cô đơn…cô đơn
Thôi đừng gọi tên tôi
Thiết tha chi nữa mà chào mời
Còn được gì ngoài bạn bè giờ quá xa xôi
Đứa đầu ghềnh đứa cuối chân trời
Về rồi đi như sương như khói
Còn được gì ngoài cuộc tình vừa dứt đêm qua
Sau vài lời chia tay nhạt nhòa
đưa một người về cõi xót xa
Đã bảo đừng trở lại
tình chẳng thành
Đừng đánh mất tương lai nhau
Nói mãi đã nghe chưa !
Được rồi để tôi đi
Như định mệnh từng cuốn xô theo chân người
Đầy mang kiếp cô đơn
Một lần về từ lệ hồng đẫm ướt cơn mê
Thương tình người dáng dấp não nề
Chuyện nghìn đêm trăng sao băng vỡ
Một lần về từ cuộc tình vừa mới thăng hoa
Ta còn gì sau đêm ngọc ngà
Để đền bù từ mai xót xa…
- Hoàn cảnh sáng tác “Vùng Biển Trời Và Màu Áo Em” – Nhạc Sĩ Nguyễn Vũ Và Mặc Thế Nhân
- “Chiều Cuối Tuần” (Trúc Phương)
- Nhạc khúc thất tình của kẻ đa tình “Cỏ Úa” (Lam Phương)
- “Không” – Bài hát thành danh trong âm thầm của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9
- “Nắng lên xóm nghèo” – Một chút nắng vàng trên mảnh đất Bình Định của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ