Mùa xuân thật đẹp qua ca khúc “Gió mùa xuân tới” của nhạc sĩ Hoàng Trọng

Theo thời gian, có những tác phẩm viết về mùa xuân với những ca từ hay, giai điệu đẹp, ăn sâu trong tâm thức của biết bao thế hệ công chúng, đến mỗi dịp Tết đến, Xuân về là không thể không cất lời. Người Việt chúng ta hay sống về tâm linh, kiêng cữ nhiều thứ vào dịp Tết, nghe nhạc cũng không phải là ngoại lệ. Nhạc xuân thường là những bài có giai điệu, tiết tấu vui tươi nhộn nhịp như các điệu pasodoble, valse, chachacha, êm ra một chút thì có rhumba, nhưng tuyệt đối ca từ không được buồn chán than thở. Những ca khúc như thế sẽ âm vàng khắp nơi và rộn ràng suốt của tháng giêng. Có thể kể tên các nhạc phẩm xuân nổi tiếng như :Xuân họp mặt (Văn Phụng), Lắng nghe mùa xuân về (Dương Thụ), Mộng Chiều Xuân( Ngọc Bích), Điệp khúc mùa xuân (Quốc Dũng)… và Ca khúc Gió mùa xuân tới của nhạc sĩ Hoàng Trọng.

Nhạc sĩ Hoàng Trọng

Nhạc sĩ Hoàng Trọng tên thật là Hoàng Trung Trọng, sinh năm 1922 tại Hải Dương. Ông là một nhạc sĩ nổi tiếng được mệnh danh là Vua Tango của âm nhạc Việt Nam. Năm 1927 gia đình ông chuyển về sống tại Nam Định. Hoàng Trọng bắt đầu học nhạc từ năm 1933 qua người anh trai là Hoàng Trung Quý. Từ năm 1937, Hoàng Trọng học nhạc tại trường Thầy Dòng Saint Thomas Nam Định. Đến năm 1941, ông tiếp tục học nhạc qua sách vở và có mở một lớp dạy nhạc. Năm 15 tuổi, Hoàng Trọng cùng các anh em trong gia đình và một số bạn bè lập một ban nhạc. Lúc đầu, bạn nhạc chỉ để giải trí nên không có tên. Năm 1945, Hoàng Trọng mở phòng trà Thiên Thai ở Thái Bình và ban nhạc từ đó mang tên Thiên Thai, ban nhạc hoạt động tới năm 1946 khi chiến tranh Việt – Pháp bùng nổ.

Cuối năm 1930, tân nhạc Việt Nam bắt đầu hình thành, Hoàng Trọng cũng có sáng tác đầu tay “Đêm trăng” được viết năm 1938, khi ông mới 16 tuổi. Tiếp theo là “Tiếng đàn tôi” được Phạm Duy trình bày trên sân khấu của gánh hát Đức Huy, là một trong những bản Tango đầu tiên của Việt Nam và Một thuở yêu đàn – một bản nhạc tiền chiến nổi tiếng khác của ông. Năm 1947, ông định cư tại Hà Nội và sáng tác nhiều ca khúc hơn nữa. Hoàng Trọng còn viết cuốn Tự học Hạ Uy cầm, tích lũy từ những kinh nghiệm dạy đàn trước đó và được nhà xuất bản Thế giới phát hành.

Năm 1954, Hoàng Trọng di cư vào miền Nam, sống trong hoàn cảnh gà trống nuôi con và thành lập ra nhiều ban nhạc trình diễn trên Đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân đội, đài Tiếng nói tự do và đài truyền hình Việt Nam. Khoảng thời gian ở Sài Gòn, ông sáng tác rất mạnh mẽ, nhiều ca khúc nổi tiếng như Ngàn thu áo tím, Lạnh lùng, Bạn lòng, Mộng lành, Ngỡ ngàng…

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Ban Hợp Ca Thăng Long trình bày

Ca khúc Gió mùa xuân tới với điệu Rumba được Hoàng Trọng sáng tác trong khoảng thời gian ông gia nhập quân đội năm 1950. Thời gian này ông là trưởng ban Quân nhạc bảo chính đoàn trình diễn mỗi tuần tại một vườn hoa cạnh bưu điện Hà Nội và trong chương trình Tiếng nói Bảo Chính Đoàn của Đài phát thanh Hà Nội

“Gió mùa xuân tới
Cánh hồng tươi thắm trong nắng vàng
Muôn bướm tung bay
mang sắc tươi phô cùng trời sáng
Gió mùa xuân tới
cánh hồng tươi thắm trong nắng đào
Kiếp sống cô đơn
mơ ước ôm trong lòng hoa tươi”

Cũng như bao bài hát về mùa xuân khác, Hoàng Trọng ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên của mùa xuân về cảnh vật, hoa cỏ, muôn loài như tươi mới hơn, đẹp đẽ và tràn đầy sức sống hơn khi có dấu hiệu “ Gió mùa xuân tới” thì “Cánh hồng tươi thắm trong nắng vàng”, “Muôn bướm tung bay mang sắc tươi phô cùng trời sáng”, “cánh hồng tươi thắm trong nắng đào”… Những kiếp sống cô đơn mơ ước “ ôm trong lòng hoa tươi”, ý muốn được đoàn tụ, được chuyện trò với gia đình, họ hàng, bạn bè khi xuân về.

“Xuân reo khắp nơi
trời ngát hương trầm lòng mang vấn vương
Hồn say mộng ước cùng những đóa hoa
ấp ủ trái tim hưởng những phút say mơ”

“Với mùa hoa thắm
khắp trời xuân sáng vui tưng bừng
Muôn sắc khoe tươi
reo hát ca vang mừng trời Xuân”.

 

“Trời sáng tô màu sắc cho những cánh hoa khi trời Xuân
Thắm tô cho đời muôn mầu
Nồng ngát hương thơm trời xuân mang niềm nhớ
Cho những kiếp người sống cô đơn
ước mong mùa xuân rắc reo khắp nơi trần thế”.

https://www.youtube.com/watch?v=Q_6TjWiREnk

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do ca sĩ Thanh Lan trình bày.

Toàn bài hát vẫn là vẻ đẹp tươi mới của mùa xuân và niềm hân hoan, vui mừng của mọi người khi xuân về. Chẳng phải ngẫu nhiên, mùa xuân trở thành nàng thơ kiều diễm trong con mắt si tình của các thi nhân. Mùa xuân của Hoàng Trọng được ngợi ca với vẻ đẹp của đất trời cùng cỏ cây muôn loài, là mùa của sự sống sinh sôi nảy nở, mùa của tình yêu và hạnh phúc. Chúng tạo cho chúng ta một sức sống mới, một không khí, sức sống mới mãnh liệt tràn đầy nhiệt huyết, ý tưởng mới cho một tương lai tươi sáng hơn.Mùa xuân là mùa sum vầy mà bất cứ ai cũng phải thu xếp công việc để trở về với gia đình thân yêu. Một mùa xuân ấm áp vui vẻ mà  ai cũng mong chờ và chào đón.

Lời ca của Hoàng Trọng thật đẹp, thật nên thơ và có hồn. Mùa xuân luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong sáng tạo nghệ thuật. Cho tới thời điểm hiện tại hàng ngàn ca khúc về mùa xuân đã ra đời và hòa những giai điệu rộn ràng hay êm ả vào thời điểm được coi là đẹp nhất trong năm.Nhưng mùa xuân của Hoàng Trọng thật đẹp,thật trong trẻo và thật tươi mới trong Gió mùa xuân tới.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Hoàng Mỹ An trình bày.

Đánh giá post

Viết một bình luận