Khán giả yêu thích dòng nhạc vàng trữ tình vẫn nỉ non những giai điệu quen thuộc: “Mưa rừng ơi! Mưa rừng, hạt mưa nhớ ai mưa triền miên…”. Mấy ai mà không biết đến sáng tác “Mưa Rừng” bất hủ của nhạc sĩ Huỳnh Anh được nhiều thế hệ khán giả yêu thích. Tuy nhiên, sẽ có ít người biết ca khúc này được khởi đầu bằng một tác phẩm cải lương cùng tên “Mưa Rừng” ra mắt vào hồi năm 1961. Ca khúc này góp phần khẳng định thành công của cố nghệ sĩ Thanh Nga và nâng tên tuổi của nhạc sĩ Huỳnh Anh.
Tạm biệt nhân thế, ra đi về cõi vĩnh hằng ở tuổi 81, tuy không sáng tác quá nhiều, chỉ độ khoảng 20 ca khúc nhưng mỗi bài hát của nhạc sĩ Huỳnh Anh đều mang nét nổi bật đặc trưng của nhạc sĩ và nổi tiếng với dấu ấn khó phai trong lòng người yêu nhạc. Ngoài “Hoa Trắng Thôi Cài Lên Áo Tím”, “Thuở Ấy Có Em”, “Loan Mắt Nhung”, “Rừng Chưa Thay Lá”, “Lạnh Trọn Đêm Mưa”,….Thì hai ca khúc được nhạc sĩ sáng tác dành riêng cho cố nữ nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Thanh Nga – “Mưa Rừng” và “Kiếp Cầm Ca”.
“Mưa Rừng” là câu chuyện tình cảm vừa tâm lý vừa mang yếu tố ly kỳ hư cấu nổi tiếng của Việt Nam được viết bởi hai nhà soạn giả Hà Triều và Hoa Phượng. Không chỉ thành danh ở mạng nghệ thuật tuồng cổ, ca khúc “Mưa Rừng” cũng được yêu thích và gắn liền với sự thành công đó. Lấy cảm hứng từ chuyến đi chơi và tắm suối Tây Nguyên, nhóm soạn giả của đoàn cải lương Thanh Minh – Thanh Nga đã phải trọ lại qua đêm trong buôn bản người Thượng vì trời mưa to đường rừng nên không thể quay về. Kết thúc cuộc vui nửa đêm cùng người nhà trưởng bản, chào đón họ chính là tràng hú hét ghê rợn của người rừng, được vọng lại từ cánh rừng xa xăm trong đêm giông bão. Cũng từ đây, câu chuyện tình đan xen với nhiều nút thắt giữa 5 con người, yêu thương, ân oán, tình thù lẫn lộn. Đến cuối cùng lại là cảnh tượng chia ly đẫm nước mắt giữa màn đêm mưa gió tại rừng núi xứ Thượng. Bối cảnh đặc biệt đó đã tạo nên một tác phẩm cải lương ly kỳ.
Và nhạc phẩm “Mưa Rừng” được chính nghệ sĩ Thanh Nga trình diễn nói về tâm tư tình yêu, một câu chuyện tình buồn trong đêm mưa rừng hoang vắng, đúng với tâm trạng của nàng K’Lai trong vở diễn. Khi tất cả 5 người đều chia tay nhau, lựa chọn cho nhau hướng đi riêng trên con đường của mình thì nàng K’Lai lại cô đơn trong buổi chiều tàn, dõi ánh mắt về phương xa ngắm nhìn cơn mưa muộn màng mà lòng tưởng nhớ về người năm cũ. Bóng hình xưa có lẽ đã phai mờ theo năm tháng, còn lại có chăng chỉ là niềm mong ước xa xôi, lưu dấu thương nhớ trong lòng người mãi không thôi.
“Mưa rừng ơi! Mưa rừng.
Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên.
Phải chăng mưa buồn vì tình đời,
mưa sầu vì lòng người.
Duyên kiếp không lâu….”
“Mưa rừng” – Một tiếng gọi nghe có phần thê lương lại có chút réo rắt, như tha thiết lại như ai oán. Tiếng gọi ấy như tiếng gọi của người thương, một người thương đã xa trong một câu chuyện tình đã cũ. “Mưa rừng ơi! Mưa rừng” – Tiếng gọi dường như chỉ muốn an ủi tâm hồn đang cô đơn và lạc lõng, chẳng mong có người hồi đáp tấm chân tình này, bởi bản thân nàng K’Lai biết người ấy sẽ chẳng bao giờ quay trở lại nữa. Cánh rừng vắng đìu hiu, mưa cũng dần nặng hạt, mưa cứ triền miên như thay cho lòng người thiếu nữ. Mưa đang nhớ ai mà tại sao mưa không dứt, lòng nàng đang nhớ ai mà cứ hoài ưu tư.
Phải chăng, mưa đang buồn cho tình đời nhiều gian khổ, đang sầu vì lòng người lắm đổi thay. Cuộc đời vốn vô thường, chẳng ai có thể đoán trước được tương lai hay dự đoán được nhân duyên của bản thân. Nhân duyên là định mệnh, người đến là duyên, có lẽ chúng ta cùng nhau trải qua muôn trùng thử thách, vượt bao sóng gió để đến bên nhau. Nhưng vì phút yếu lòng, vì sự thay đổi trong con tim mà rời xa nhau vĩnh viễn – “Duyên kiếp không lâu….”. Có thể hôm nay đôi ta hạnh phúc, tay bắt mặt mừng, vui cười nhộn nhịp, nhưng hôm sau kẻ ở người đi, chia cách hai phương trời xa xôi.
“…..Mưa từ đâu mưa về?
Làm muôn lá hoa rơi tả tơi.
Tiếng mưa gió lạnh lùa ngoài mành.
Lá vàng rời lìa cành
gợi ta nỗi niềm riêng….”
Mưa bắt đầu từ đâu? Mưa từ nơi nào mà thổi đến nơi đây, làm ướt đẫm cả cánh rừng xứ Thượng, giông bão làm cho hoa lá rơi lả tả, cho cây lá phải lìa xa nhau, cho ta ôm bao nỗi sầu muộn.
“Mưa” mà nhạc sĩ nhắc đến trong ca khúc phải chăng chính là chữ “Tình” – Một chữ giản đơn nhưng làm hàng triệu con tim phải tan vỡ. “Mưa từ đâu mưa về?” cũng gần như câu hỏi “Ái tình là chi?” làm cho thế gian điên đảo, đến chết cũng quyết giữ trọn một chữ “yêu”. Tình sầu như lá úa, tình như cơn bão mấy phen dồn dập làm đời người mang nhiều đắng cay như “lá hoa rơi tả tơi”, như “gió lạnh lùa ngoài mành”, như “lá vàng rời lìa cành”,…Làm sao có thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn nghiệt ngã ấy? Làm sao để mở cho bản thân mình một lối thoát để bổn mệnh được vĩnh hằng không chịu đau thương? Nói có vẻ dễ hơn làm, vậy nên tác giả mới có câu: “…gợi ta nỗi niềm riêng….” – Chính người trong cuộc cũng hiểu được sự khổ đau khi yêu, nỗi dằn xé khi đánh mất người mình thương,….nhưng vẫn đắm chìm, vẫn yêu thương, rồi đến cuối cùng lại ôm trong mình nỗi niềm riêng nhưng chung với bao nỗi đau của những đôi tình lữ.
“….Ôi! Ta mong ước xa xôi,
nhưng đêm mãi cô đơn, gửi tâm tư về đâu?
Mưa thương ai? Mưa nhớ ai?
Mưa rơi như nhắc nhở.
Mưa rơi trong lòng tôi….”
Bóng hình xưa đã mờ dần trong màn mưa mù mịt nơi núi rừng. Từng đợt mưa như gào thét gợi lại bao ký ức trong tâm tư của người thiếu nữ K’Lai. Giờ phút này, nàng chẳng dám ước nguyện gì xa xôi, chỉ mong gửi gắm chút tâm tư cho người năm cũ nơi phương xa chân trời. Mong họ hiểu được tấm chân tình này, mong họ vẫn còn lưu dấu chút kỷ niệm xưa, mong bản thân vẫn còn chút ý nghĩa gì đó trong lòng của họ.
Nhưng dù vậy, cô nàng vẫn biết đó là chuyện không thể nào, bởi người đã ra đi thì làm sao nhớ lại, cảnh cũ, ký ức xưa nhưng người thì mãi mãi chẳng trở lại. Mưa rừng nay còn biết thương về ai, còn biết nhung nhớ về ai bây giờ?
“…..Mưa rừng ơi! Mưa rừng.
Tìm đâu hỡi ơi! Bóng người xưa.
Mỗi khi mưa rừng về muộn màng,
bóng chiều vàng dần tàn
lòng thương nhớ nào nguôi.”
Cơn mưa đến trong muộn màng, khi ánh chiều vàng đang buông dần cũng chính là lúc lòng nàng chìm dần trong thương nhớ, hoài niệm về những ký ức và bóng dáng người xưa. “Mưa rừng ơi!”, “Tình yêu ơi!” – Đã qua rồi có tìm lại được hay không? Biết kiếm tìm nơi đâu? Khi bóng hình người đã ẩn sâu trong màn mưa bàng bạc để mỗi trận mưa về lòng lại buồn, thương nhớ chẳng nguôi.
“Mưa Rừng” là một bản tân nhạc được trình diễn bởi một nghệ sĩ cải lương, nhạc sĩ Huỳnh Anh khi viết đã đặc biệt chú ý để giảm thiểu những sở đoản và dành nhiều thời gian tập hát cho Thanh Nga. Suốt những năm hợp tác cùng nhau, mọi người đều truyền tai nhau rằng giữa nhạc sĩ Huỳnh Anh và nghệ sĩ Thanh Nga dần nảy sinh tình cảm, đã từng có người bắt gặp hai người sánh đôi bên nhau dạo phố, hoặc hộ tống nhau trong những lần Thanh Nga trình diễn. Thậm chí, Huỳnh Anh còn sáng tác riêng cho Thanh Nga những hai ca khúc. Tuy nhiên đó chỉ là sự đồn đoán của thế nhân, sự thật vẫn luôn được người trong cuộc giữ bí mật, dù vậy “Mưa Rừng” vẫn được khán giả yêu thích và đón nhận bởi chính cái hay và sự tài năng của nhạc sĩ trong ca khúc chứ không phải vì câu chuyện tình được đồn đoán vô căn cứ trên
Mưa rừng ơi! Mưa rừng.
Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên.
Phải chăng mưa buồn vì tình đời,
mưa sầu vì lòng người.
Duyên kiếp không lâu.
Mưa từ đâu mưa về?
Làm muôn lá hoa rơi tả tơi.
Tiếng mưa gió lạnh lùa ngoài mành.
Lá vàng rời lìa cành
gợi ta nỗi niềm riêng.
Ôi! Ta mong ước xa xôi,
nhưng đêm mãi cô đơn, gửi tâm tư về đâu?
Mưa thương ai? Mưa nhớ ai?
Mưa rơi như nhắc nhở.
Mưa rơi trong lòng tôi.
Mưa rừng ơi! Mưa rừng.
Tìm đâu hỡi ơi! Bóng người xưa.
Mỗi khi mưa rừng về muộn màng,
bóng chiều vàng dần tàn
lòng thương nhớ nào nguôi.