Nhạc sĩ Khánh Băng là một người nhạc sĩ thầm lặng tỏa sáng. Khi nói về sự nghiệp sáng tác của ông, nhạc sĩ Khánh Băng đã ước lượng rằng: “…500 thì quá ít, mà 1.000 thì lại hơi nhiều…”. Với gia tài âm nhạc đồ sộ là vậy, nhưng có vẻ ông lại ít được nhiều người biết đến nếu so sánh với nhiều nhạc sĩ cùng thời khác, nhưng nếu có dịp thưởng thức những tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Khánh Băng thì khán giả sẽ phải thốt lên ngạc nhiên bởi mức độ phong phú về đề tài lẫn phong cách âm nhạc của nó. Khánh Băng không chỉ gây dựng sự nghiệp trên nền tảng là một người nhạc sĩ, mà ông còn được biết đến với vai trò là một nhạc công. Ông được xem là người Việt Nam đầu tiên sử dụng đàn guitar điện để trình diễn trên sân khấu và cũng nhờ sự mới lạ này mà ban nhạc của ông đã nổi tiếng và dần được nhiều người hâm mộ biết đến.
Ca khúc đầu tiên của nhạc sĩ Khánh Băng được phổ biến là bài hát “Nụ cười thơ ngây” và dần sau đó nhiều ca khúc để đời của ông cũng lần lượt ra đời. Khoảng thời gian bị mù (từ năm 1991 đến năm 1996), ông đã sáng tác được chừng 100 ca khúc, có những bài hát phổ biến như: Trên nhịp cầu tre, Chờ người, Chiều đồng quê,….và nhạc khúc “MỐI DUYÊN QUÊ” đều mang phong cách miền Nam dân dã. Bài hát “MỐI DUYÊN QUÊ” rất dễ bị người nghe hiểu nhầm thành bài hát “ĐẸP MỐI DUYÊN QUÊ” của nhạc sĩ Cao Nhật Minh, tên bài hát khá giống nhau và giai điệu nhộn nhịp của tình yêu chớm nở, nên nhiều người đã lầm bài hát “Đẹp mối duyên” quê thành bài hát “Mối duyên quê” và ngược lại.
Bài hát “MỐI DUYÊN QUÊ” của nhạc sĩ Khánh Băng nói về cái mộc mạc, sự đằm thắm trong tình yêu đôi lứa nơi làng quê nghèo nhưng chan chứa tình cảm. Cho đến nay, bài hát vẫn được rất nhiều người yêu thích, nhiều ca sĩ nổi tiếng đã lựa chọn bài hát này để trình diễn trên những sân khấu lớn bởi ca từ dễ thương, đáng yêu và giai điệu vui tươi lạc quan của chuyện tình lứa đôi. “MỐI DUYÊN QUÊ” chính là câu chuyện kể về một mối tình đẹp của đôi trai gái nông thôn từ lúc họ gặp nhau, biết nhau, rồi mến thương nhau, hứa hẹn yêu nhau và kết đôi thành vợ chồng bằng một lễ cưới đầm ấm, hạnh phúc bên nhau đến trọn đời không bao giờ lìa xa.
“Trời đã se sợi chỉ hồng,
Để chúng ta nên vợ chồng.
Đồng ruộng xanh mênh mông chờ mong,
Nhà chúng ta ven hai bờ sông,
Có nhịp cầu đưa lối….”
Các cặp yêu nhau luôn tin rằng, họ đến được với nhau chắc chắn là do ông tơ bà nguyệt đã se duyên chỉ hồng cho mình, là trời cao sắp đặt mối lương duyên. Ông bà ta hay có câu: “Là duyên có xa cách mấy cũng gặp lại, là nợ có trốn tránh cũng chẳng thể thoát”, vậy nên đôi tình lữ đã rất trân trọng, và tin rằng họ yêu nhau, thành vợ thành chồng với nhau là do trời đã định sẵn.
“…Mình đã yêu nhau từ thuở nào,
Đời mến thương thêm ngọt ngào.
Kề vai nhau trăng lên bờ ao.
Thề có nhau trăm năm bền lâu.
Câu chuyện trầu cau….”
Họ không biết chuyện tình này bắt đầu từ khi nào, nhưng họ luôn trân quý từng phút giây bên nhau, chỉ cần kề vai nhau mỗi tối khi ánh trăng treo cao trên bờ ao thì cuộc đời đã thêm chút vị ngọt rồi. Có cái kết nào đẹp bằng viễn cảnh hai người bàn tính chuyện trầu cau, thề hẹn trăm năm, bên nhau bền lâu. Nơi vùng quê nhỏ, có một mối tình to, làm lòng người nao nức
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc
“…Quê hương đẹp thế, nắng chiều trên quãng đường đê
Một đàn em bé nô đùa khi tan trường về.
Tuổi học trò trong trắng ngây thơ,
Tình là tình đẹp mối duyên quê….”
Khi con người có tình yêu, tự khắc xung quanh họ đều biến thành màu hồng, mọi vật đều trở nên có sức sống và linh hoạt hơn hẳn. Tình yêu nhỏ nơi làng quê đẹp lắm! Nó không bị bất cứ thứ vật chất nào vấy bẩn đi sự tinh khiết của trái tim, giữ được nét trọn vẹn của sự yêu thương. Mối quyên tình nơi đồng quê cũng trong sáng như tình yêu tuổi học trò, tinh khôi như trang giấy, lạc quan yêu nhau bên nhau như những đứa trẻ, đến với nhau vì cái duyên, ở bên nhau vì cái thương.
“…..Tiệc cưới vu quy thuyền kết hoa,
Tràng pháo đưa em về nhà,
Cùng niềm tin tương lai đời ta
Trọn kiếp yêu thương thêm đậm đà,
Không hề lìa xa.”
Niềm vui lan tỏa khi hai người cùng về chung một nhà, chúng ta yêu nhau, ở bên nhau và thề hẹn trăm năm, đến cuối cùng, anh cũng có thể dùng tràng pháo hoa để rước em về dinh, ngồi trên chiếc thuyền hoa nho nhỏ, mang em về cùng một mái nhà. Rồi sau này, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng nên tương lai tươi đẹp, bên nhau đến già – “Cùng niềm tin tương lai đời ta, trọn kiếp yêu thương thêm đậm đà, không hề lìa xa”. Đây như một lời tuyên thệ của tác giả với người bạn đời trăm năm của mình, câu hứa không bay bổng hay xa vời, nó hoàn toàn được xây dựng bằng niềm tin và tình yêu vô bờ của đôi lứa nơi vùng quê đằm thắm.
Ca khúc này với giai điệu, ca từ đơn giản dễ hát, dễ thuộc và dễ đi vào lòng người. Vì thế cho đến ngày nay “Mối duyên quê” vẫn là một ca khúc được rất nhiều người yêu thích và được nhiều ca sĩ trẻ lựa chọn để trình diễn trên các sân khấu lớn.
Trời đã se sợi chỉ hồng,
Để chúng ta nên vợ chồng.
Đồng ruộng xanh mênh mông chờ mong,
Nhà chúng ta ven hai bờ sông,
Có nhịp cầu đưa lối.
Mình đã yêu nhau từ thuở nào,
Đời mến thương thêm ngọt ngào.
Kề vai nhau trăng lên bờ ao.
Thề có nhau trăm năm bền lâu.
Câu chuyện trầu cau.
ĐK:
Quê hương đẹp thế, nắng chiều trên quãng đường đê.
Một đàn em bé nô đùa khi tan trường về.
Tuổi học trò trong trắng ngây thơ,
tình là tình đẹp mối duyên quê.
Tiệc cưới vu quy thuyền kết hoa,
Tràng pháo đưa em về nhà.
Cùng niềm tin tương lai đời ta.
Trọn kiếp yêu thương thêm đậm đà,
Không hề lìa xa.