Mỗi độ Tết đến Xuân về, nghe “Ly Rượu Mừng” nhớ cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương

Phạm Đình Chương sinh ngày 14 tháng 11 năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội, là một nhạc sĩ tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam. Ông còn là một ca sĩ với nghệ danh Hoài Bắc. Quê nội ông ở Hà Nội và quê ngoại ở Sơn Tây. Phạm Đình Chương xuất thân trong một dòng họ mà hầu hết mọi thành viên đều làm nghệ thuật. Chú ông là nhà thơ Thế Lữ, nhà văn Trúc Khê, nhạc sĩ Phạm Ngọc Cẩn. Anh ông là họa sĩ Phạm Văn Đôn và nhạc sĩ Phạm Văn Chung.

Cha của Phạm Đình Chương là ông Phạm Đình Phụng. Ông Phụng có hai người vợ. Người vợ đầu sinh được hai người con trai: Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long.Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có ba người con: Trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, là ca sĩ Thái Hằng vợ của Phạm Duy. Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Và cô con gái út là Phạm Thị Băng Thanh (ca sĩ Thái Thanh).

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương

Phạm Đình Chương theo học trường Bưởi đến bậc trung học thì nghỉ, ông gia nhập đoàn ca kịch lưu diễn ở nông thôn vào năm 1946. Năm 1951, ông về Hà Nội lập ra ban hợp ca Thăng Long nổi tiếng.Năm 1953, Phạm Đình Chương lập gia đình với ca sĩ Khánh Ngọc rồi chuyển vào Sài Gòn sống. Sau sự kiện ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông định cư tại California, Hoa Kỳ và mất ngày 22 tháng 8 năm 1991, hưởng dương 62 tuổi. Năm 1998 tro cốt của ông cùng của người anh Hoài Trung (Phạm Đình Viêm) đã được gia đình rải ngoài biển, có lẽ theo ý nguyện của ông khi phổ nhạc thi phẩm nổi tiếng của nhà thơ Du Tử Lê: “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển – Nước ngược dòng sẽ đẩy xác tôi đi – Bên kia biển là quê hương tôi đó – Rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì…”.

Phạm Đình Chương được nhiều người dạy nhạc lý nhưng ông vẫn tự học là chính. Trong những năm đầu kháng chiến ông cùng các anh em Phạm Đình Viêm, Phạm Thị Quang Thái và Phạm Thị Băng Thanh gia nhập ban văn nghệ Quân đội ở liên khu IV. Không chỉ sáng tác, Phạm Đình Chương còn đích thực là linh hồn của Ban hợp ca Thăng Long, từ buổi đầu tới phút cuối, là người đặt hết tâm huyết và trách nhiệm của mình để dẫn dắt và đi đến thành công của hợp ca này.

Đa số những sáng tác của Phạm Đình Chương thường được xếp vào dòng nhạc tiền chiến bởi mang phong cách trữ tình, lãng mạn. Hai sáng tác đầu tiên Ra đi khi trời vừa sáng và Hò leo núi đều có không khí hào hùng, tươi trẻ.

Chân dung nhạc sĩ Phạm Đình Chương
Chân dung nhạc sĩ Phạm Đình Chương

Năm 1951, ông về thành. Với nghệ danh Hoài Bắc, ông cùng các anh em Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng lập Ban hợp ca Thăng Long danh tiếng, đi du ca khắp các thành phố lớn của Việt Nam lúc đó. Vào thời kỳ này, âm nhạc của ông thường mang âm hưởng của miền Bắc như nói lên tâm trạng hoài hương của mình/; Khúc giao duyên, Được mùa, Tiếng dân chài…Thời gian sau , Phạm Đình Chương viết những ca khúc vui tươi hơn: Xóm đêm, Ly rượu mừng, Đón xuân…Khi cuộc hôn nhân với ca sĩ Khánh Ngọc tan vỡ, ông bắt đầu chuyển qua sáng tác tình ca. Ông đem tâm trạng đau thương vào 4 ca khúc da diết, đau nhức, buốt giá tâm can: Đêm cuối cùng, Thuở ban đầu, Người đi qua đời tôi, Nửa hồn thương đau.

Phạm Đình Chương cũng có nhiều bài nhạc phổ từ thơ. Nhiều bản nhạc phổ thơ của ông đã trở thành bất hủ và có một sức sống riêng như: Đôi mắt người Sơn Tây, Mộng dưới hoa, Nửa hồn thương đau, Đêm nhớ trăng Sài Gòn…

Ly rượu mừng là sáng tác của nhạc sĩ Phạm Đình Chương ra đời vào khoảng giữa thập niên 1950 ngay sau khi tác giả vừa cùng gia đình di cư vào Sài Gòn, là một ca khúc có vai trò và số phận đặc biệt. Bài hát này ra đời trước thời điểm chia đôi đất nước làm hai miền và đã bị cấm trong nước hơn 40 năm. Ở miền Nam trước năm 1975, bài hát này luôn được nghe trong dịp Tết với giai điệu rộn ràng, tươi vui như một thông điệp, một lời chúc Tết tốt đẹp nhất tới tất cả mọi người trong xã hội.

Ly rượu mừng là ca khúc mừng xuân với những lời chúc Tết tới mọi người được hạnh phúc, ấm no trong hoàn cảnh đất nước hòa bình tự do. Bài hát được viết với điệu nhạc Valse, đem lại nét tươi vui sống động của mùa xuân.

Bấm vào hình trên đển nghe ca khúc do Thái Thanh thâu thanh trước 1975

Ly rượu mừng được biểu diễn lần đầu tiên do Ban hợp ca Thăng Long, gồm bốn anh chị em Hoài Trung, Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Thái Hằng và Thái Thanh ở Sài Gòn biểu diễn. Từ đó bản nhạc này luôn được hát trong những ngày đón xuân cho tới năm 1975 và cả sau đó ở Hải ngoại.  Sau năm 1975, nhà nước Việt Nam không cho phép phổ biến bài hát này. Theo nhà báo Nguyên Minh, vì việc nhắc tới người lính, tới từ “đời lính”, “binh sĩ” mà bài hát này bị cấm suốt 40 năm. Bài hát được sáng tác trong khoảng thời gian 1951-1953 và từ “đời lính”, “binh sĩ” là những chiến sĩ Quốc gia Việt Nam. Vì lý do ấy, Cục nghệ thuật biểu diễn mới cấp phép cho Phương Nam Film được phổ biến lại ca khúc Ly rượu mừng hồi đầu năm 2016. Nhân dịp này, Phương Nam Film phát hành CD Hợp tuyển xuân chọn lọc với chủ đề Ly rượu mừng cho Xuân Bính Thân 2016. Hai ca sĩ Quang Dũng và Phạm Thu Hà được chọn để thể hiện lại ca khúc trong lần ra mắt lần này.

“Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó

á a a a
Nhấp chén đầy vơi
Chúc người người vui
á a a a
Muôn lòng xao xuyến duyên đời”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Giao Linh và Đức Minh thâu thanh trước 1975

Khác với hai ca khúc nổi tiếng về chủ đề mùa xuân của tác giả “Đón Xuân” với tiết tấu nhanh, vui tươi, ước vọng mùa xuân thái hòa không còn khổ đau và “Xuân tha hương” là nỗi day dứt và lưu luyến về quê mẹ thì Ly rượu mừng rộn ràng tưng bừng với giai điệu valse sống động. Ca khúc dễ hát, ca từ dễ nhớ nhưng mang đậm tính ký ức, yêu thương và nhẹ nhàng, khát khao đằm thắm.

Rót thêm tràn đầy chén quan san
Chúc người binh sĩ lên đàng
Chiến đấu công thành
Sáng cuộc đời lành
Mừng người vì Nước quên thân mình

Kìa nơi xa xa có bà mẹ già
Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa
Chúc bà một sớm quê hương
Bước con về hòa nỗi yêu thương

á a a a
Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính
á a a a
Chúc mẹ hiền dứt u tình

Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương
Xây tổ ấm trên cành yêu đương
Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ
Tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới

Chủ trong một vài câu ngắn gọn, lời chúc mừng đầu xuân đã được vang lên với nhiều tầng lớp trong xã hội “anh nông phu”, “người thương gia”, “người công nhân”… và ở những đoạn tiếp tới tác giả đã không quên một ai. Ca khúc chỉ hàm chứa một chữ “xuân” ở câu mở đầu và tất cả những câu sau chỉ toàn những lời chúc và mong mỏi cho con người và cho quê hương đất nước. Đặc biệt hơn, Trong Ly rượu mừng ta không hề thấy hình ảnh hay biểu tượng của ngày Tết như trong những ca khúc về mùa xuân khác như hoa mai, hoa đào, pháo hoa, bánh chưng xanh…

https://www.youtube.com/watch?v=PSpHbxh5pqI

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Elvis Phương trình bày.

Điểm đặc biệt và đặc sắc này, ngoài  Ly rượu mừng, chúng ta chỉ có thể tìm trong một ca khúc khác về mùa xuân đó là “Mừng xuân” của Phạm Duy, sáng tác sau Phạm Đình Chương 22 năm. Cả hai nhạc phẩm, không có gì khác ngoài những mong mỏi của con người được sống trong bình yên, được yêu thương và cao xa hơn nữa là đất nước được hòa bình, không còn cảnh bom rơi đạn lạc:

“Mừng Xuân tới bằng tiếng sáo vui
Với tiếng cười yêu mến đời.
Mừng Xuân tới bằng tiếng vỗ tay
Vang khắp trời mây.

Xin mừng anh chiến sĩ nơi tiền phương
Giữ đất cho Việt Nam hùng mạnh.
Nơi đồng xanh chúc bác dân cầy luôn
Lúa tốt, hoa mầu tươi suốt năm

Xin cho phố xá nơi thành đô
Giới bán buôn làm to lời nhiều
Chúc cho một nước dân đủ no
Chúc cho một nước luôn tự do.

Mừng Xuân tới bằng tiếng hát vang
Dưới mái trường hay giữa đàng
Lời ca hát từ núi xa xăm
Ra tận đại dương…” ( Ca khúc Mừng xuân – Phạm Duy)

Ra đời trong bối cảnh chiến tranh đang diễn ra và được hát lên liên tục trong hơn hai thập niên sau đó, khi cuộc chiến tranh Việt Nam ngày càng lầm than, lòng người ly tán, Ly rượu mừng không chỉ đơn giản là những lời chúc đầu năm mà còn là sự thổ lộ những nguyện cầu thiêng liêng cho một đất nước không còn cảnh chiến tranh tàn khốc, tang thương để cho người mẹ già “Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa” sớm thấy được “Bước con về hòa nỗi yêu thương”:

“Bạn hỡi, vang lên
Lời ước thiêng liêng
Chúc non sông hoà bình, hoà bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
đợi anh về trong chén tình đầy vơi

Nhấc cao ly này
Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình
Muôn người hạnh phúc chan hoà

Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình dâng phơi phới”.

Mùa xuân năm 1975, Ly rượu mừng đã có mặt chính thức lần cuối cùng tại quê hương Việt nam. Bài hát đã phải có một giấc ngủ say hơn bốn mươi năm trong khi nó vẫn được hát thầm thì trên khóe môi của nhiều người mỗi độ xuân về.

Không phải ngẫu nhiên, khi ca khúc được cấp phép trở lại, nhiều người đã phải thốt lên đây là ly rượu mừng xuân mà sau hơn 4 thập niên mới được rót trở lại và chúc tụng nhau. Ước vọng; “Nước non thanh bình – Muôn người hạnh phúc chan hòa –  ước mơ hạnh phúc nơi nơi – Hương thanh bình đang phơi phới mới” được chính thức cất lên trên quê hương Phạm Đình Chương. Vào những dịp năm mới, hãy cùng nhau nghe lại những giai điệu của ca khúc ấy, nhớ về những màu xuân năm ấy và cùng nhau “nhấc cao ly này” để cùng mong mỏi cho một đất nước Việt Nam luôn thanh bình, muôn người hạnh phúc như tâm nguyện của Phạm Đình Chương, người nhạc sĩ lớn của đất nước Việt.

Đánh giá post

1 bình luận về “Mỗi độ Tết đến Xuân về, nghe “Ly Rượu Mừng” nhớ cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương”

  1. Theo tôi biết thì…Phạm Duy và những thành viên trong Ban hợp ca Thăng long, những ngày đầu kháng chiến đều rời khỏi thành Hà nội…nhưng chưa bao giờ tham gia trong bất cứ tổ chức nào của Chính quyền hồi đó…
    Suốt quãng thời gian sống và làm nghệ thuật ở khu BỐN, đoàn được Thiếu tướng Nguyễn Sơn, người tướng lãnh trong quân đội giải phóng quân của Trung Quốc, ông trở về tham gia gia kháng chiến chống Pháp và là tư lệnh Quân khu BỐN, ông rất ủng hộ và nhiệt tình giúp đỡ cho Đoàn nghệ sĩ này hoạt động ở đó.
    Đoàn chỉ tham gia biểu diễn với tư cách tư nhân….cho đến ngày cùng nhau trở về Hà Nội và vào Saigon…
    Phạm Duy về thành rồi có sáng tác một bản nhạc (quên tên?) và đã bị tổ chức hoạt động thành ở Hà nội ném một trái lựu đạn vào nơi ông cư ngụ để cảnh cáo!…có lẽ sau quả lựu đạn đó thì ông cùng Ban hợp ca Thăng Long chuyển vào Sài gòn?

    Trả lời

Viết một bình luận