Cố nhạc sĩ Châu Kỳ được sinh ra và lớn lên nơi vùng đất nhiều cảm hứng cho nghệ thuật – Nơi mộng mơ xứ Huế. Được nuôi dạy trong một gia đình có nền cổ ca Huế, Châu Kỳ từ lâu đã bị ảnh hưởng và sở hữu vô số bài hát mang phong cách âm nhạc cổ vô cùng phong phú của miền Trung. Cộng với đó chính là cơ duyên trùng phùng với vị sư huynh đại tài hướng dẫn về nhạc lý và sáng tác, nên Châu Kỳ càng có bước tiến triển nhanh trong chiều hướng sáng tác và âm hưởng cổ nhạc miền Trung.
Sinh ra và lớn lên nơi đất Huế, nên nhạc sĩ Châu Kỳ có một tình yêu thương rất mãnh liệt với miền Trung nói chung và xứ Huế nói riêng. Ông có rất nhiều bài hát viết về quê hương xứ sở, nó như một cách để Châu Kỳ có thể gửi gắm và truyền đạt được nỗi lòng yêu quê của mình đối với miền đất thân yêu này. Và trong đó “Miền Trung thương nhớ” là một ca khúc tiêu biểu trong số những sáng tác chất chứa tình cảm của ông đối với “Miền thùy dương” này.
Bài hát “MIỀN TRUNG THƯƠNG NHỚ” mang cho người nghe một cảm nhận hoàn toàn khác, nó không phải là một bài hát nhắn gửi nam nữ, không phải là một bài hát tình cảm đôi lứa. Nó là một bài hát nhớ quê, đợi chờ để về quê, từng câu hát cất lên như cắt vào lòng của những người con xa quê. Huế vẫn ở đó, vẫn là những hình ảnh cũ, vẫn mơ mộng nhưng người thì chẳng thấy đâu. Đúng rồi! Người đã xa rồi, không còn chốn cũ, chỉ biết hoài niệm về bến xưa bằng những hình ảnh được khắc cốt ghi tâm.
Miền Trung vẫn luôn được những nghệ sĩ gọi với một cái tên rất là thân thương – “Miền thùy dương”, dù là một miền quê nghèo, mỗi năm đều phải hứng chịu những cơn lũ kéo đến, thiên tai liên miên. Nhưng trời không lấy đi của ai bất cứ thứ gì, tạo hóa đã tạo ra nơi xứ sở này một phong cảnh vô cùng xinh đẹp, biển hồ sông nước hữu tình và nó trở thành nguồn cảm hứng trong rất nhiều tác phẩm thơ văn và cả âm nhạc. Miền đất thiện lành, dù trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng dân tình nơi đây vẫn rất chân chất và lương thiện. Liệu đây có phải là nguyên do khiến cho nhiều người con xa quê, dù có lưu lạc chân trời góc bể thì vẫn nhớ thương về miền quê này.
“Sông lạnh đò vắng neo chờ ai, mong đợi người lâu rồi người ơi…” – Đây là hình ảnh bến vắng, đò buồn chờ đợi những người con xa xứ chăng? Họ cũng muốn về quê lắm, nhưng có lẽ vì một nỗi niềm thầm kín nào đấy mới buộc họ rời xa quê hương. Với họ, bây giờ chỉ còn lại những hình ảnh gợi nhớ: tiếng chuông vọng, bến đò xưa nơi người bước chân ra đi, giòng sông Hương hữu tình, câu hẹn hò nơi bến ngự, điệu hò câu hát Nam Ai,…..và còn nhiều hình ảnh xinh đẹp khác nữa. Nhưng biết phải làm sao khi chưa thể trở về? Khi chưa được tự mình chiêm ngưỡng lại khung cảnh thân yêu của ngày xưa đó.
Giai điệu sâu lắng, nhẹ nhàng cùng với ca từ da diết như nhắn gửi với người yêu. Mỗi câu mỗi chữ đều như khắc vào tim gan người nghe, bởi nỗi buồn man mác, nó như dày xéo cõi lòng của tác giả. Có nỗi nhớ nào hơn nỗi nhớ quê hương, nơi mình đã sinh ra, nơi “chôn nhau cắt rốn”, mỗi tấc đất đều là ký ức, mọi ngọn cỏ đều là niềm vui, nói không nhớ làm sao cho đành? Câu hát này của tác giả rất hay “Thương nhớ dệt thành thơ” – Mọi nỗi niềm, mỗi tình cảm chỉ biết gửi vào thơ văn, biến câu hát thành lời nhắn, gửi về chốn xưa. Còn đâu tình cố hương nơi bảng lảng trên từng con dốc Nam giao, bến đò Vân Lâu, nơi mình hẹn ước, nơi chất chứa bao hoài niệm, nhưng mà nay đã xa rồi….Xa quê, ta xa luôn cả người thương, bỏ lại lời thề ước, bỏ lại bóng dáng tiễn đưa,….
Lời bài hát “MIỀN TRUNG THƯƠNG NHỚ” của tác giả Châu Kỳ được thể hiện qua nhiều giọng ca nổi tiếng và đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng người hâm mộ.
“Sông lạnh đò vắng neo chờ ai,
Mong đợi người lâu rồi người ơi…
Đây tiếng chuông vọng xa xôi,
Đây bến đưa về nơi nơi,
Đây giòng hương muôn đời,
Câu hẹn hò nhớ ghi đừng phai,
Bến ngự chiều nao cùng kề….vai,
Nghe thoáng xa điệu Nam Ai,
Nghe gió lay cành dương rơi,
Nghe giọng ca tiếng cười
Miền Trung đợi chờ……Miền Trung thương nhớ,
Thương nhớ dệt thành thơ,
Khúc hát giao duyên
Mơ bóng dáng xưa luyến lưu giờ tiễn đưa….
Kỷ niệm còn đó nhưng người đâu,
Đừng phụ tình nhau để chờ…. nhau…
Đây tiếng chuông vọng đêm thâu,
Đây bến xưa đò Vân Lâu,
Đây thùy dương… thắm màu…”