“Văn chương hạ giới rẻ như bèo”
Là câu thơ khá nổi tiếng của thi sĩ Tản Đà khi nói về sự nghèo khó của cuộc đời người đọc sách thuở xưa. Và có lẽ đồng cảm với nhận định đó, thi sĩ Trần Mộng Tú đã sáng tác “Kiếp sau”, một áng thơ nói về cuộc sống tuy nghèo nhưng hạnh phúc của cô gái có chồng là thi sĩ.Và áng thơ xưa càng bay bổng hơn khi nhạc sĩ Nhật Ngân đã chắp cánh cho áng thơ ấy bay vào lòng người bằng giai điệu và cung đàn khi phổ nhạc cho bài thơ “Kiếp sau” qua nhạc phẩm cùng tên.
“Kiếp sau” là một ca khúc được nhạc sĩ Nhật Ngân phổ nhạc từ bài thơ cùng tên và giữ nguyên phần lời của nguyên tác thơ. Bài hát kể lại một giấc mơ của cô gái khi bị mẹ đem đi gả cho một thi sĩ nghèo, có số kiếp long đong. Cuộc sống vợ chồng sau đó tuy rất nghèo nhưng lại rất thơ, họ làm thơ cùng nhau, sinh những đứa trẻ kháu khỉnh cũng yêu thơ. Dù cả kiếp trong mơ nghèo khó, mái nhà mưa dột nhưng nếu có kiếp sau, cô vẫn ước mình được gả cho chàng thi sĩ, dẫu biết rằng chàng chẳng có gì ngoài áng thơ cho cô.
Hôm qua em nằm mơ
Mẹ đem em gả chồng
Cho một chàng thi sĩ
Số chàng rất long đong
Mở đầu bài hát là câu kể về giấc mơ mà cô gái đã mơ thấy vào hôm qua “mẹ đem em gả chồng/ cho một chàng thi sĩ”. Thuở ấy, hôn nhân là nghe lời cha mẹ, “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”, nên cô gái ấy mới có giấc mơ rằng mẹ đem mình gả cho một chàng thi sĩ nghèo, sô kiếp chàng rất long đong.
Hai vợ chồng làm thơ
Trong một gian lều cỏ
Mái dột mái cứ dột
Làm thơ vẫn làm thơ
Cưới nhau về “hai vợ chồng làm thơ/ trong một gian lều cỏ”. Cuộc sống của đôi vợ chồng mới cưới rất nghèo về vật chất, của cải chỉ có là gian lều cỏ “mái dột mái cứ dột” mỗi khi mưa về. Nhưng dù rằng cuộc sống khó khăn, mưa về lều cỏ cứ dột nhưng họ vẫn rất vui vẻ sống bên nhau “làm thơ vẫn làm thơ”. Họ nghèo về vật chất, kém về điều kiện nhưng lại giàu về tinh thần, giàu những áng thơ. Và câu nói “Một túp lều tranh, hai quả tim vàng” có lẽ lại rất đúng trong tình yêu của họ, một tình yêu không băn khoăn về vật chất, chỉ quý trọng tấm lòng.
Thơ chàng dán trên vách
Thơ em che trời mưa
Một đàn con tám đứa
Lớn lên chỉ mê thơ
Họ cùng làm thơ, viết thơ cùng nhau, để mỗi khi mưa về lều cỏ dột thì “thơ chàng dán trên vách/ thơ em che mưa trời”. Một chút hóm hỉnh giữa cảnh nghèo khó, tuy mưa lạnh ngoài trời nhưng trong gian nhà cỏ vẫn ấm áp của tình yêu và đồng cam cộng khổ của đôi vợ chồng bên “một đàn con tám đứa/ lớn lên chỉ mê thơ”.
Một mái ấm nhỏ bên dưới lều cỏ những ngày mưa ấy sao quá đỗi ấm áp và chan chứa yêu thương. Từ áng thơ đến giai điệu, tất cả đã ghi lại một bức tranh gia đình nhỏ chan chứa tình yêu, cùng yêu nhau và cùng yêu thơ.
Ngoài vườn đầy hoa nở
Trong hồn ngập mộng mơ
Cửa lều thường không khép
Nên xuân đến bốn mùa
Ngoài vườn nở đầy hoa, cả nhà cùng ngắm hoa mà thấy “trong hồn ngập mộng mơ”. Bức tranh gia đình của hai vợ chồng nghèo bên đàn con tám đứa, lại được điểm tô sắc màu của hoa xuân, cái ấm áp của khí trời hòa cùng ấm áp của tình thân gia đình, bức tranh như tràn ngập sắc màu của hạnh phúc. “Cửa lều thường không khép/ nên xuân đến bốn mùa”, mùa xuân là mùa đẹp nhất, mùa mà chúng ta vui sướng nhất, và gia đình nhỏ ấy đã sống trong căn nhà tuy dột nhưng cả bốn mùa đều là mùa xuân, hạnh phúc quanh năm.
Mặc người đời mua bán
Mặc cuộc đời hơn thua
Cả nhà làm thi sĩ
Nên nghèo xác nghèo xơ
Và ta “mặc người đời mua bán/ mặc người đời hơn thua” cả nhà ta vẫn cứ yêu và vẫn cứ sống cuộc sống mộc mạc không ganh đua “cả nhà làm thi sĩ/ nên nghèo xác nghèo xơ”. Giấc mơ ngắn mà hạnh phúc ấy khép lại với cảnh cả nhà nghèo xác nghèo xơ. Những tưởng rằng nếu được mơ lại, cô gái ấy sẽ cầu mong cuộc sống giàu sang và sung túc hơn, nhưng nào biết rằng:
Em cầu cùng thượng đế
Kiếp sau có lấy chồng
Xin lấy chàng thi sĩ
Dẫu biết chàng tay không
Và cô gái vẫn ước, vẫn cầu cùng thượng đế, “kiếp sau có lấy chồng/ xin lấy chàng thi sĩ” dẫu biết rằng có nghèo khó, biết rằng chàng vẫn chẳng có gì trong tay nhưng vẫn nguyện kiếp sau được gả cho chàng.
Lời thơ hóm hỉnh, câu chuyện gia đình nghèo nhưng hạnh phúc với tiếng cười với niềm say mê và yêu thơ. Chỉ là nếu dừng lại chiêm nghiệm đôi chút, ta lại thấy cả niềm ước ao của chính người thi sĩ viết áng thơ ấy, có lẽ, giữa cuộc sống mà vật chất được đề cao, người thi sĩ ấy đã mượn áng thơ để cầu mong cho mình gặp được tri kỷ nguyện kiếp sau cùng nhau. Thi sĩ Trần Mộng Tú đã mang giấc mơ ấy đến người yêu thơ, và chính nhạc sĩ Nhật Ngân đã mang áng thơ ấy đến người yêu nhạc, để nhạc và thơ cùng chắp cánh cho một ca khúc bất hủ theo tháng năm và mãi ngân vang trong lòng người
Hôm qua em nằm mơ
Mẹ đem em gả chồng
Cho một chàng thi sĩ
Số chàng rất long đong
Hai vợ chồng làm thơ
Trong một gian lều co?
Mái dột mái cứ dột
Làm thơ vẫn làm thơ
Thơ chàng dán trên vách
Thơ em che trời mưa
Một đàn con tám đứa
Lớn lên chỉ mê thơ
Ngoài vườn đầy hoa nở
Trong hồn ngập mộng mơ
Cửa lều thường không khép
Nên xuân đến bốn mùa
Mặc người đời mua bán
Mặc cuộc đời hơn thua
Cả nhà làm thi sĩ
Nên nghèo xác nghèo xơ
Em cầu cùng thượng đế
Kiếp sau có lấy chồng
Xin lấy chàng thi sĩ
Dẫu biết chàng tay không
- “Đường Về” – Một bản Tango mẫu mực của “ông vua tango” Hoàng Trọng
- Một bức tranh quê chan chứa tình yêu trong nhạc khúc “Gợi Nhớ Quê Hương” – Nhạc sĩ Thanh Sơn
- Ký ức về xe lam Sài Gòn trước 1975 và chương trình “hữu sản hóa”
- Con người Sài Gòn thuở ấy đáng yêu đến thế nào, sành điệu nhưng cũng giản đơn ra sao?
- “Mưa Nửa Đêm” – Nhạc khúc về nỗi lòng của người ở lại trong cảnh mưa đêm tiễn đưa người bạn cũ