“Kiếp Cầm Ca” (Huỳnh Anh) – Bức tranh tịch liêu, nỗi u buồn của nghiệp “xướng ca vô loài”

Là một tay trống nổi tiếng khắp Sài Thành thời bấy giờ, Huỳnh Anh vẫn đam mê sáng tác, dù không nhiều ca khúc nhưng mỗi bài hát của ông đều có sức sống rất mãnh liệt, được khán giả đón nhận nồng nhiệt và đưa ông trở thành một trong những nhạc sĩ hàng đầu của dòng nhạc trữ tình: “Mưa Rừng”, “Thuở Ấy Có Em”, “Lạnh Trọn Đêm Mưa”, “Kiếp Cầm Ca”,… Huỳnh Anh không vướng vào quá nhiều lùm xùm tình ái khi hoạt động sự nghiệp, ông không đào hoa và cũng là một người chung thủy. Ngoài hai cuộc hôn nhân đau khổ, nhạc sĩ Huỳnh Anh vẫn còn mối tình đơn phương với nghệ sĩ nổi tiếng Thanh Nga.

Nhạc sĩ Huỳnh Anh

Nhiều người thường gán nhầm tên “Kiếp Cầm Ca” cho bài hát “Tình Đời” của nhóm tác giả Lê Minh Bằng, bởi trong ca khúc này đề cập đến cụm từ “kiếp cầm ca” khá nhiều. Nhưng người ca sĩ mà nhạc sĩ Huỳnh Anh nhắc đến trong ca khúc lại là một nghệ sĩ cải lương chứ không phải là một ca sĩ phòng trà như nhiều vẫn lầm tưởng. Ra đời vào thời điểm năm 1964, “Kiếp Cầm Ca” là một trong những bài hát tâm đắc của nhạc sĩ Huỳnh Anh, được sáng tác tặng riêng cho cố nghệ sĩ cải lương Thanh Nga. Và chính ông cũng đã giải thích, chi tiết “cánh nhung khép im lìm” là nói đến bức màn sân khấu cải lương, chứ phòng trà ca nhạc làm gì có màn nhung khép kín.

Cùng với nhạc khúc “Kiếp Cầm Ca” của nhạc sĩ Huỳnh Anh, “Tình Đời” (nhóm nhạc sĩ Lê Minh Bằng) và “Phận Tơ Tằm” (nhạc sĩ Hồ Tịnh Tâm) trở thành tổ hợp tuyệt phẩm ca khúc nói lên nỗi lòng, đôi lời tâm sự buồn của người nghệ sĩ cải lương nói riêng và phận đời bạc bẽo của nghề ca kỹ nói chung. Là những nghệ sĩ cống hiến hết mình cho nghệ thuật, mang giọng hát ngọt ngào của mình để mua vui cho người đời, cho khán giả nhưng đêm về lại hiu quạnh tịch liêu, vừa thương vừa buồn cho số kiếp cầm ca, cho nghiệp dĩ bị người đời buồn lời dị nghị, đôi lúc còn bị khinh thường mỉa mai xem là nghề “xướng ca vô loài”.

“Mưa rơi cho đời thêm nhớ thương

Hạt mưa ướt vai người tha hương

Mưa rơi phố thưa vắng tiêu điều

Xóm nghèo quạnh hiu màn đêm tịch liêu

Đêm đêm đem lời ca tiếng thơ

Đời ca hát cho người mua vui

Nhưng khi cánh nhung khép im lìm

Ánh đèn lặng tắt

Gởi ai nỗi niềm…”

https://youtu.be/V68kgWYzRs0

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Julie Quang thâu thanh trước 75

Từng hạt mưa rơi như từng giọt nước mắt tuôn trên đôi hàng mi của người nghệ sĩ, cầm không xong mà buông cũng chẳng nỡ. “Đêm đêm đem lời ca tiếng thơ” để cho người mua vui, trên là ánh đèn hoa chói lóa, dưới là bao ánh nhìn ngưỡng mộ, nhưng có mấy ai hiểu thấu khi “cánh màn nhung” khép lại. “Nhưng khi cánh nhung khép im lìm, ánh đèn lặng tắt, gởi ai nỗi niềm…” – Chẳng còn những ồn ào của tiếng nhạc cụ, chẳng còn tiếng vỗ tay khen ngợi của khán giả, chẳng khoác lên mình những bộ trang phục lộng lẫy, ánh đèn sân khấu cũng tắt,….người nghệ sĩ trở về với cuộc sống thực tại của mình. Những nỗi buồn không người san sẻ, những nỗi cô liêu không người bên cạnh, ngày mưa rơi ướt đẫm đôi vai gầy cũng chẳng có người kề bên mà che chở. Nói hạnh phúc thì là dối người, nói đau thương thì cũng không hẳn, bởi ít nhất họ cảm thấy may mắn khi được sống với nghề, với khán giả, dù đêm về có ra sao đi chăng nữa.

https://youtu.be/sPwYBovLXzg

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do danh ca Khánh Ly trình bày

Những người nghệ sĩ cải lương đã dành cả cuộc đời, dành cả thanh xuân của mình cho sự nghiệp ca hát, mang đến cho người đời một bộ môn sân khấu nghệ thuật vừa hay lại vừa ý nghĩa. Để có được một vở diễn tâm đắc, không “phí tiền” vé của khán giả, người nghệ sĩ đã phải tập luyện ngày đêm, họ luôn rủ tai nhau: “Một phút trên sân khấu bằng mười năm làm nghề”. Họ trân trọng khán giả, họ yêu quý ngành về của mình, dù đứng dưới ánh đèn rực rỡ với hào quang lung linh thì suy cho cùng cũng chỉ là mua vui cho người đời. Nhìn nét mặt mãn nguyện của khán giả mà bản thân người nghệ sĩ cũng vô thức nhoẻn miệng cười theo, còn bao nhiêu lệ đổ, bao nhiêu nước mắt tuôn, họ cũng âm thầm mà nuốt vào trong để riêng mình mình biết. Có những giây phút mặc cảm vì cái nghề không được chấp thuận, cái nghề đôi khi bị người người khinh rẻ, nhưng họ vẫn cố gắng, vẫn yêu thương nó như một phần của sự sống.

“….Người đến bên mình khi vui trăm ngàn lưu luyến

Nhưng hoa xưa đã tàn úa đâu còn

Đời ta là bến ai qua ghé thăm đôi lần

Nhớ chăng tiếng ca cung đàn ngày xưa

Đêm nay bên thềm một bóng ai

Dừng chân bước giang hồ phiêu linh

Mưa đêm vẫn rơi mãi không ngừng

Có người ca sĩ khóc đời quạnh hiu”

https://youtu.be/YIsWztXWzdc

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Thanh Thuý trình bày

Nhưng khi được nói về tình yêu thì người nghệ sĩ lại cảm thấy một nỗi sợ vô hình, có lẽ vì con chim ngại cành công, đã có nhiều mối tình lướt qua cuộc đời nàng bằng sự hoài nhoáng bên ngoài, chưa rõ ràng tìm hiểu, chưa kịp cảm thông cho nhau thì người đã vội nói câu chia lìa, để lại nàng với con tim tổn thương khôn cùng. “Người đến bên mình khi vui trăm ngàn lưu luyến, nhưng hoa xưa đã tàn úa đâu còn” – Người nói câu yêu thương, người hẹn thề trăm điều mộng ước, người làm ta vui với trăm ngàn luyến lưu, nhưng rồi người cũng rời đi để lại một tâm hồn tàn như hoa úa. Nàng ví cuộc đời mình như bến đỗ, vài người cũng muốn ghé vào nhưng chỉ để “thăm” chứ không phải dừng lại, họ đến vì giọng hát cung đàn, sau đó lại quay gót để lại bên thềm bóng người phiêu linh.

“Đêm nay bên thềm một bóng ai, dừng chân bước giang hồ phiêu linh” – Có mấy ai nguyện ý vì người ca kỹ mà dừng bước giang hồ, có mấy người chấp nhận buông bỏ cả một vườn hoa tươi sắc để chung thủy mãi bên “đóa hoa úa tàn”. Đồng cảm, thương xót, tiếng ai oán thấu cả trời cao cho mưa đêm cứ tí tách mãi chẳng ngừng như người nghệ sĩ cải lương cứ khóc lặng thầm mãi cho cuộc đời hiu quạnh.

Bài hát tuy có nội dung đơn giản nhưng lời nhạc lại vô cùng gần gũi, “Kiếp Cầm Ca” được viết theo giai điệu Tango có phần nhanh chóng, dễ nghe, dễ nhớ, có lẽ được viết nên bằng những cảm xúc bình dị như chính con người ông nên bài hát dễ chạm đến nơi sâu nhất trong trái tim khán giả. Ca khúc này nằm trong vốn “gia tài” ca khúc không nhiều của Huỳnh Anh, là một nhạc phẩm được cho là món quà mà Huỳnh Anh dành tặng cho người tình đơn phương, người mà mình “thầm thương trộm nhớ”. Dù là ai thương ai, dù ai mến ai, dù ai đơn phương ai thì Huỳnh Anh – Thanh Nga cũng cho người đời thấy được mối quan hệ cộng sự đẹp, không ồn ào tốn giấy mực chỉ thầm lặng mà đồng hành cùng nhau. Ca khúc “Kiếp Cầm Ca” đã nổi tiếng ngay từ khi phát hành và sống mãi với thời gian cho đến ngày nay.

Lời bài hát Kiếp Cầm Ca – Huỳnh Anh

Mưa rơi cho đời thêm nhớ thương
Hạt mưa ướt vai người tha hương
Mưa rơi phố thưa vắng tiêu đìều
Xóm nghèo quạnh hiu màn đêm tịch liêu
Đêm đêm đem lời ca tiếng thơ
Đời ca hát cho người mua vui
Nhưng khi cánh nhung khép im lìm
Ánh đèn lặng tắt
Gởi ai nỗi niềm

Người đến bên mình khi vui trăm ngàn lưu luyến
Nhưng hoa xưa đã tàn úa đâu còn
Đời ta là bến ai qua ghé thăm đôi lần
Nhớ chăng tiếng ca cung đàn ngày xưa
Đêm nay bên thềm một bóng ai
Dừng chân bước giang hồ phiêu linh
Mưa đêm vẫn rơi mãi không ngừng
Có người ca sĩ khóc đời quạnh hiu

Đánh giá post

Viết một bình luận