Duyên số vốn là điều khó nói. Đôi khi, có một người đến cuộc đời chúng ta chỉ để mang đến cho chúng ta những kỉ niệm đẹp, những cảm xúc đẹp, những bài học về tình yêu, cuộc sống và sau cuối là bài học về việc buông bỏ. Khi hết duyên, cả hai cùng phải học cách tự bước đi trên con đường của mình. Nhưng không phải ai cũng biết tự học cách buông bỏ, mà họ luôn hối tiếc thậm chí trong một thời gian dài về mối tình đã đổ vỡ của mình. Họ bị cuốn quá nhiều vào quá khứ, họ có quá nhiều kỷ niệm đẹp với người cũ nên không thể chấm dứt hẳn ngay lập tức được. Họ luôn tiếc nuối về quá khứ, hoang mang về tương lai phía trước của mình.
Trong âm nhạc Việt Nam, có nhiều tác giả có vô số những ca khúc viết về đề tài tình yêu, những khúc nhạc thăng trầm về tình yêu, nó có thể là những ngọt ngào, những cảm xúc đẹp vui vẻ, hạnh phúc hay có thể là những cảm xúc buồn thảm, tình yêu đơn phương hay cả những nuối tiếc về mối tình tan vỡ. Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng khi đó là một ngôi sao vừa mới xuất hiện trong vòm trời âm nhạc Việt Nam hải ngoại, ông là một gương mặt lớn và có dĩ vãng xa trong Tân nhạc. Trầm Tử Thiêng tên thật là Nguyễn Văn Lợi, sinh năm 1937 tại Quảng Nam. Ông bắt đầu viết nhạc từ thời còn đi học khoảng những năm 1955,1956 nhưng mãi đến năm 1965, 1966 các ca khúc của ông mới có cơ hội phổ biến rộng rãi. Những bài hát của Trầm Tử Thiêng phần nhiều là man mác có dính líu đến đời sống riêng của ông… cùng bối cảnh của từng thời. Chuyện tình cảm của ông có nhiều biến động. Trầm Tử Thiêng không cho một thứ tình cảm nào gọi là mất mát trong đời cả. Tình yêu có cái thời của nó, thành thử khi nó đã có, rồi không có nữa thì cái có đó vẫn còn trong cách nghĩ ngợi nào đó. Về sáng tác, Trầm Tử Thiêng có 3 giai đoạn: Giai đoạn từ năm 1975 trở về trước, thời đất nước chiến tranh. Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1985, lúc Trầm Tử Thiêng còn kẹt trong nước 10 năm. Giai đoạn thoát khỏi đất nước Việt Nam Cộng sản. Giai đoạn này có thời gian ngắn ngắn ông sống ở trại tị nạn Galang, Indonesia và thời gian định cư tại Hoa Kỳ Từ cuối năm 1985 trở về sau. Mỗi giai đoạn trong tác phẩm của Trầm Tử Thiêng đều có sự hiện diện của Tình yêu hoặc thân phận của con người qua mọi biến chuyển của cuộc sống. Dĩ nhiên nó xen lẫn nỗi đau thương và niềm hạnh phúc.
Có thời kỳ Trầm Tử Thiêng vượt biên và sống tại đảo, ông gặp Trần Đình Quân là tác giả bài tình ca xứ Huế. Hai người cùng gia nhập tổ chức sinh hoạt văn nghệ dành cho các thanh niên ở đảo. Từ khi sang đến Mỹ, Trầm Tử Thiêng viết ca khúc Hối tiếc. Nội dung chính của ca khúc là những nuối tiếc, đau đớn và buồn thảm của chàng trai về cuộc tình giang dở. Ông bà ta luôn nói rằng đến được với nhau hay không còn trông chờ vào nợ duyên còn hết, nếu hết duyên hết nợ thì đời này chúng ta đã trở hết cho nhau rồi mới tính đến chuyện rời xa. Hối tiếc trong ca khúc của Trầm Tử Thiêng không phải là sự trách cứ ông trời tại sao cho hai đứa gặp nhau, rồi yêu nhau nhưng lại không được bên nhau. Nó đơn thuần là cảm xúc mất mát khi vô vàn kỷ niệm đẹp lại dừng và dần chìm vào ký ức. Một cuộc tình đẹp không phải chỉ kể đến sự hạnh phúc khi bạc đầu răng lông, mà là chúng ta có được những gì cho nhau, hồi ức hay những lời ngọt ngào khi còn nồng thắm….đó mới thật sự là điều mà Trầm Tử Thiêng đang “HỐI TIẾC”.
“Còn gì nữa đâu mà bảo nhau đợi chờ
Tình em hút sâu cho đến muôn đời sau
Còn gì nữa đâu mà khuyên nhau hẹn hò
Tình như vó câu một bước trăm ngàn sầu”.
Mở đầu ca khúc đã thấy được sự tiếc nuối của tác giả “Còn gì nữa đâu mà bảo nhau đợi chờ, Tình em hút sâu cho đến muôn đời sau, Còn gì nữa đâu mà khuyên nhau hẹn hò”. Tác giả ví tình yêu như vó câu. “Vó câu” là một từ hình tượng và ẩn thanh. Vó câu có nghĩa là con ngựa chạy rất nhanh. Khi ngựa câu chạy nhanh, tiếng vó đập xuống nền đường một cách rất dồn dập, khiến cho tiếng kêu lộp cộp vội vàng hơn. Vì thế, tình yêu trôi qua cũng nhanh như vậy, như là vó câu và như hơi thở.Chuyện tình của tác giả nhanh chớp nhoáng vậy nhưng ông cũng rất nuối tiếc nó, chứng tỏ ông đã có tình cảm rất sâu đậm với cô gái kia. Vậy mà “Tình em hút sâu cho đến muôn đời sau”.
“Còn gì nữa đâu, còn gì nữa đâu
Tình yêu đắm sâu đau đớn khi rời nhau
Một người bước mau, người quay đi nghẹn ngào
Chờ Em hút sâu Anh quay lại với sầu”.
Có lẽ điều hối tiếc nhất trong tình yêu của tác giả chính là bỏ lỡ nhau. Hãy cứ tưởng tượng xem, chỉ cách vài bước chân nữa thôi là bạn có thể lên chuyến xe bus cuối cùng để trở về nhà, nhưng bạn đã không kịp, khi mà màn đêm xung quanh thí cứ tỏa ra thứ ánh sáng le lói, đầy cô đơn, hẳn sẽ rất tủi thân. Tình yêu cũng giống như vậy, chỉ cần lạc nhau một nhịp thôi là đã giang dở cả một đời. Chàng trai và cô gái đều cảm nhận được tình cảm của đối phương, nhưng vì một số lí do nào đó không gom đủ can đảm để chấp nhận, rồi lạc nhau mãi mãi. “Một người bước mau, người quay đi nghẹn ngào, Chờ Em hút sâu Anh quay lại với sầu”. Người kia vội bước đi về nơi xa không ngoảnh lại, không quyến luyến, người ở lại quay lưng đi trong nghẹn ngào, đau khổ. Chờ cho cô gái đi rồi, chàng trai mới tìm đến u sầu, tiếc nuối về những kỉ niệm đẹp của cuộc tình đã trôi qua chóng vánh.
“Hôm Em lên xe thế gian buồn vời vợi
Trôi qua bao lâu vẫn đen một bầu trời
Anh đi bơ vơ nhớ thương về một người
Ngày xưa ngày đó ngày xanh lên khung trời”.
Khi cô gái rời đi, tác giả tưởng chừng như cả thế gian buồn bã theo chính mình. Tình giang dở đã biết bao lâu rồi mà “vẫn đen một bầu trời”, tác giả vẫn chưa thấy được bầu trời tươi sáng phía trước, ông vẫn chìm đắm trong quá khứ với mối tình dang dở đó. Vì bỏ lỡ nên những ám ảnh, hối hận bám theo ông suốt một đời. Ông không bao giờ ngừng thương nhớ về người cũ, không bao giờ quên được những kỷ niệm đẹp “Ngày xưa ngày đó ngày xanh lên khung trời”.
“Giờ gì nữa đâu, tình qua quá mau
Ngày còn có nhau, đã biết không thành đâu
Lời chưa dứt câu thì quay đi giận hờn
Giờ Anh ở đâu Em đi về bến nào?”
Qua đến cuối bài hát thì dường như tác giả đã chấp nhận được việc tình yêu chia xa đó. Tác giả nhận thức được rằng khi họ còn quen nhau họ đã biết rằng tình cảm đó sẽ không thành, không mang lại kết quả “Ngày còn có nhau, đã biết không thành đâu”. Chuyện tình yêu đem lại cho chúng ta rất nhiều trải nghiệm tuyệt vời và những ký ức khó quên. Một mối tình tan vỡ sẽ buồn nhưng qua đó ta lại học được rất nhiều thứ. Và tác giả cuối cùng đã học được cách nếu không thể cứu vãn hay níu kéo thì nên buông tay. Bản thân người níu kéo luôn là người chịu đau đớn và tổn thương nhiều hơn cả.
Âm nhạc của Trầm Tử Thiêng nghe thiết tha, nặng lòng. Ông là người viết ca khúc phong phú nhất trong những nhạc sĩ lưu vong thời bấy giờ. Trong khi những vị nhạc sĩ lớn khác dường như không còn đủ óc sáng tạo như xưa, thì nhạc phẩm của ông có đầy đủ các xu hướng Tình yêu, Quê hương, Thân phận con người… Có người từng ví cuộc đời như một thước phim với đầy đủ cung bậc cảm xúc, có vui, có buồn, có hạnh phúc và có cả tiếc nuối. Nếu một thước phim tẻ nhạt thì cuộc đời cũng tẻ nhạt không kém. Đôi khi chúng ta muốn xóa đi những đoạn phim chất đầy bi thương cũng như tiếc nuối những điều đã mất đi, không thể lấy lại được. Cũng như trong tình yêu, có những cuộc tình dù đẹp đến mấy nhưng chỉ xuất hiện giúp chúng ta trưởng thành và hiểu bản thân mình hơn. Dù vô cùng tiếc nuối, nhưng hãy cất những kỷ niệm đẹp đẽ đó vào trái tim mình và rút ra những bài học để yêu đúng nghĩa trong tương lai.
Như Trầm Tử Thiêng đã kể chuyện tình yêu trong ca khúc Hối Tiếc “Giờ gì nữa đâu, tình qua quá mau, Ngày còn có nhau, đã biết không thành đâu, Lời chưa dứt câu thì quay đi giận hờn, Giờ Anh ở đâu Em đi về bến nào?”. Tình đã qua rồi có tiếc nuối cũng chẳng làm được gì, chi bằng hãy quên nó đi và tìm kiếm cho bản thân một người mới phù hợp hơn. Nếu đến một giây phút nào đó bạn cảm thấy một trong hai người không còn xứng đáng với tình cảm hay giá trị của nhau thì đó chính là lúc nên cho nhau cơ hội bước đi tìm hạnh phúc mới.
- Henry Solomon Wellcome – Người phát hiện ra Đồng mồ mả tại Sài Gòn cách đây hơn 150 năm
- Bức tranh mưa đêm lạnh giá trong nhạc khúc “Lạnh Trọn Đêm Mưa” (Huỳnh Anh)
- Vĩnh biệt danh ca vọng cổ Hề Sa…
- Câu chuyện thú vị ít biết về mỹ nhân mệnh bạc của Saigon xưa – Thanh Nga
- Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Tuấn Khanh (sinh năm 1933)